Chàng đầu bếp người Mỹ “phải lòng” món ăn Việt, mỗi ngày đều miệt mài sáng tạo hương vị mới

Tình yêu với đồ ăn Việt đã giúp chàng rể người Mỹ, anh Chad Kubanoff sở hữu kênh TikTok hơn 500.000 người theo dõi cùng với hơn 17 triệu lượt thích và con số ấy chưa hề dừng lại. Những trải nghiệm thường ngày cùng với đồ ăn Việt Nam, nấu đồ ăn Việt Nam và sáng tạo món ăn tại Việt Nam – tất cả những điều ấy khiến anh chàng đầu bếp người Mỹ ngày càng được nhiều người theo dõi và quan tâm hơn.

Một cuộc trò chuyện ngắn ngủi khi trời đã vào đông. Những làn gió bắt đầu se lạnh và anh Chad đang tận hưởng những ngày tháng vui vẻ, ăn những món ăn ưa thích tại quê vợ, đưa các con rong ruổi tới những quán ăn bản địa để tìm kiếm hương vị ẩm thực mà anh ưa thích.

Những chia sẻ rất chân thành và thân thiện của chàng rể người Mỹ đã cho chúng tôi cảm thấy xiết bao tự hào về cách nền ẩm thực Việt “nảy mầm” trong trái tim của những người con đến từ xứ lạ.

Chàng đầu bếp người Mỹ phải lòng món ăn Việt, mỗi ngày đều miệt mài sáng tạo hương vị mới - Ảnh 1.

Ảnh: NVCC

Bén duyên lành với Việt Nam và gặp được “định mệnh” cuộc đời nhờ món ăn Việt

Chào anh Chad Kubanoff, điều gì đã đưa anh đến Việt Nam?

“Trước kia, tôi đã may mắn được nếm thử một số món ăn Việt Nam ở Mỹ, điều này ngay lập tức khơi dậy niềm yêu thích và sự thích thú của tôi đối với các món ăn Việt Nam. Sau khi xem chương trình truyền hình của Anthony Bourdains, tôi biết mình muốn đến Việt Nam một ngày nào đó.

Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2008 để làm đầu bếp tại . Trong chuyến đi đầu tiên này, tôi cũng vừa làm nhạc sĩ vừa mở công ty Food tour, cùng vợ giới thiệu ẩm thực đường phố Sài Gòn. Chúng tôi quay lại Mỹ vào năm 2013 và mở một nhà hàng Việt Nam ở Philadelphia. Mới đây cuối năm 2022 chúng tôi mới quay lại Việt Nam để cho các con về thăm nhà ngoại”.

Chàng đầu bếp người Mỹ phải lòng món ăn Việt, mỗi ngày đều miệt mài sáng tạo hương vị mới - Ảnh 2.

Ảnh: NVCC

Ban ngày làm một đầu bếp chuyên nghiệp, tối đến anh rong ruổi khắp các ngõ hẻm tại TP.HCM để thưởng thức những món ăn ngon lạ, đặc trưng của vùng đất này. Khát khao không ngừng học hỏi đã giúp anh từ một đầu bếp thấm đượm phong cách ẩm thực Pháp trở thành một anh chàng xê dịch chạy xe máy từ Sài Gòn ra Hà Nội thưởng thức món ăn khắp mọi miền.

Trở lại TP.HCM, anh đã có thể tự tin điều hành các chuyến trải nghiệm du lịch ẩm thực tại nơi phồn hoa này. Cũng chính vào những năm tháng trải nghiệm ấy, anh đã gặp và nên duyên với một cô gái Việt và đến nay đã có 3 nhóc tì xinh xắn.

Ban đầu, anh cảm nhận thế nào về đồ ăn Việt Nam? Ẩm thực nơi này có khác gì nhiều so với quê hương anh không?

“Lần đầu tiên nếm thử đồ ăn Việt Nam, tôi rất hào hứng vì tất cả hương vị và kết cấu của thực phẩm đều mới lạ đối với tôi. Độ tươi ngon tổng thể và hương vị tươi sáng khiến nó nổi bật hơn bất kỳ thứ gì khác mà tôi đã thử trước đây. Ẩm thực của quê hương tôi và những nơi khác ở nước Mỹ nói chung dựa trên sự kết hợp nhiều nền văn hóa khác nhau, nhưng nhìn chung, nó có xu hướng dựa trên bánh mì (lúa mì) và “nặng” hơn nhiều so với ẩm thực Việt Nam”.

Chàng đầu bếp người Mỹ phải lòng món ăn Việt, mỗi ngày đều miệt mài sáng tạo hương vị mới - Ảnh 3.

Ảnh: NVCC

Mọi người thường thích ăn hơn là nấu, nhưng khi đến Việt Nam du lịch anh lại thích nấu hơn? Anh có thể chia sẻ một chút về điều này được không?

“Nấu ăn và làm việc với thức ăn là điều mà tôi luôn bị thu hút. Tôi thích áp lực và sự khó khăn khi nấu ăn trong một môi trường chuyên nghiệp, mỗi ngày đều khác nhau và bạn phải liên tục ứng biến với những thử thách xảy ra trong thời điểm hiện tại. Tôi thích sự sáng tạo và không ngừng học hỏi trong nấu ăn.

Không giống như các lĩnh vực khác, với nấu ăn bạn có thể liên tục tạo ra những điều mới mẻ mỗi ngày. Một tòa nhà có thể mất nhiều năm để lập kế hoạch và xây dựng, một bức tranh hoặc tác phẩm điêu khắc có thể mất vài tháng hoặc vài năm.

Trong nấu ăn, tôi có thể tạo ra một món ăn mới trong một giờ nhưng cũng có thể mất cả đời để làm cho một món ăn trở nên “hoàn hảo”.

Là một đầu bếp, tất nhiên tôi cũng thích ăn, có lẽ hơn hầu hết mọi người. Mỗi lần tôi ăn một cái gì đó, nó giống như đi học. Khi nếm một thứ gì đó mới, tôi tìm hiểu về các hương vị, kết cấu và kỹ thuật khác nhau. Khi nếm thử thứ gì đó mình đã từng ăn trước đây, tôi có thể thấy những điều tinh tế mà đầu bếp này đã làm khác với đầu bếp khác và mở rộng kiến thức của mình. Mỗi bữa ăn đều làm cho tôi trở thành một đầu bếp tốt hơn”.

Hẳn là vậy rồi, những video anh chia sẻ về việc nấu các món ăn Việt như bánh khọt, khổ qua dồn thịt, thịt kho trứng hay phở bò,… và cần mẫn học cách phát âm món ăn đúng chuẩn khiến nhiều người rất thích thú.

Anh Chad Kubanoff thích thú với món bánh cuốn

“Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”

Có câu nói rằng:“Không ai tắm hai lần trên một dòng sông” và anh Chad Kubanoff cũng tìm kiếm hương vị mới của các món ăn thông qua cách này. Anh luôn thử những điều mới mẻ, tìm ra sự tinh tế trong hương vị của các món ăn.

Công thức món ăn Việt Nam nào mà anh ưa thích nhất, anh có thể chia sẻ được không?

“Khi nấu ăn cho mình, tôi không bao giờ lặp lại những gì mình đã từng thử. Tôi luôn thay đổi công thức nên không thể nói là tôi có công thức yêu thích. Thông thường, phong cách ăn uống Việt Nam yêu thích của tôi là các món nước, với Bún Bò Huế là món tôi thích nhất.

Tôi yêu các món nước vì khi ăn bạn cần rất tập trung vào chúng. Chúng chứa đầy kết cấu tương phản, chúng yêu cầu 2 tay cầm đũa và thìa, chúng yêu cầu bạn phải cúi người về phía trước và ở gần bát của bạn và chúng có “giới hạn thời gian”, vì bạn muốn ăn khi còn nóng. Thật khó để bị phân tâm khi bạn đang ăn một bát bún, phở hay hủ tiếu lớn. Tôi nghĩ đó là một trải nghiệm ăn uống rất thú vị.”

Chàng đầu bếp người Mỹ phải lòng món ăn Việt, mỗi ngày đều miệt mài sáng tạo hương vị mới - Ảnh 4.

Chàng đầu bếp người Mỹ phải lòng món ăn Việt, mỗi ngày đều miệt mài sáng tạo hương vị mới - Ảnh 5.

Ảnh: NVCC

Không màu mè, cũng chẳng cầu kỳ decor một góc nấu nướng thật đẹp hay sang chảnh, anh Chad hòa mình vào với lối sống bình dị của quê hương của vợ, nấu những món ăn bằng tất cả đam mê mà anh có.

Các video được anh đăng tải trên mạng xã hội TikTok đều cho thấy, điều anh chú tâm vào chỉ là những món ăn và hương vị cuối cùng của chúng ra sao.

Chàng đầu bếp người Mỹ phải lòng món ăn Việt, mỗi ngày đều miệt mài sáng tạo hương vị mới - Ảnh 6.

Chàng đầu bếp người Mỹ phải lòng món ăn Việt, mỗi ngày đều miệt mài sáng tạo hương vị mới - Ảnh 7.

Ảnh: NVCC

Bên cạnh đồ ăn Việt Nam, anh còn thử sức với ẩm thực của nước nào nữa không?

Tôi thích nấu ăn và ăn thức ăn của mọi quốc gia. Mỗi món ăn đều độc đáo và ngon miệng. Khi nấu ăn, tôi có xu hướng rút ra từ mọi nền ẩm thực / món ăn mà tôi đã học để làm một món mới.

Anh có ấp ủ điều gì liên quan tới ẩm thực Việt trong thời gian sống ở đây không?

Tôi trân trọng những gì mình đã học được. Việc dành nhiều thời gian ở đây để ăn uống và học hỏi đã thay đổi hoàn toàn cách tôi nghĩ về ẩm thực và giúp tôi trở thành một đầu bếp giỏi hơn. Bất kể nấu món gì, bây giờ tôi luôn thêm vào chút “chất Việt” – thêm rau thơm, hoặc đồ ngâm chua hoặc để làm cho món ăn tươi ngon và nhẹ nhàng hơn.

Anh Chad Kubanoff nói chuyện với mẹ vợ cực tình cảm

Đã có cho mình 3 em nhỏ dễ thương, trong lần hồi hương này, anh Chad dự định ở lại khá lâu để các con có thời gian thăm ông bà ngoại nhiều hơn. Song song với đó, anh tiếp tục hành trình khám phá thêm các món ăn ngon và cải thiện tài năng đầu bếp của mình.

Năm 2013, anh Chad về Mỹ mở quán ăn “Same Same” chuyên các món ăn đường phố Việt Nam. Hiểu được những khó khăn trong việc điều hành thương hiệu và quá trình khám phá hương vị của mình vẫn còn dang dở, anh Chad đã tạm gác lại mọi thứ và học hỏi cách quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội như thời gian gần đây.

Nhiều người dùng tỏ ra rất thích thú với cách quay đơn giản và gần gũi, cũng như cách tương tác rất tự nhiên của anh Chad Kubanoff trên các nền tảng mạng xã hội.

Mong rằng, trong thời gian tới, anh Chad sẽ tiến xa hơn trên con đường ẩm thực mà anh đang theo đuổi cũng như mọi dự án của anh về ẩm thực Việt Nam sẽ được thành công như mong đợi.

Một lần nữa, cảm ơn anh Chad về cuộc trò chuyện này!