Chấn thương phần mềm: Nguyên nhân, triệu chứng và những việc nên làm

Chấn thương phần mềm là tình trạng phổ biến, thường xảy ra do những bất cẩn hoặc va chạm trong sinh hoạt, tập luyện hàng ngày. Tùy vào từng loại, triệu chứng, mức độ cơn đau cũng như phương pháp điều trị sẽ khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung, hầu hết các chấn thương đều có nguy cơ để lại biến chứng nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

chấn thương phần mềm

Chấn thương phần mềm là gì?

Chấn thương phần mềm là tình trạng tổn thương liên quan đến dây chằng, da, cơ, gân trên khắp cơ thể, gây cản trở rất lớn đến khả năng vận động và sinh hoạt hàng ngày. Đây hoàn toàn không phải hay những tác động lên cơ quan nội tạng (não, tim, dạ dày, ruột…) hay gãy xương thường gặp. (1)

Hầu hết các chấn thương này đều xuất phát từ quá trình chơi thể thao, tập luyện thể dục hay thậm chí là vận động, sinh hoạt hàng ngày do chuyển động bất ngờ hoặc mất kiểm soát… Ngoài ra, nhiều trường hợp cũng có thể xảy ra khi cơ, gân phải hoạt động quá mức, gây ảnh hưởng đến cấu trúc tổng thể. Chẳng hạn như thói quen chạy bộ đường dài sau tập luyện mệt mỏi sẽ dẫn đến căng cơ hoặc bong gân.

các loại chấn thương thường gặp ở phần mềm

Các loại chấn thương phần mềm thường gặp

Chấn thương phần mềm được phân loại thành các nhóm như sau:

1. Bong gân

Bong gân là tình trạng dây chằng bị kéo căng hoặc rách. Cụ thể, dải mô liên kết này có vai trò nối phần cuối của xương này với xương khác đồng thời ổn định và nâng đỡ các khớp trên cơ thể. Chẳng hạn như dây chằng đầu gối sẽ kết nối xương đùi và xương ống chân, phục vụ cho hoạt động đi bộ. Những vị trí trên cơ thể thường dễ gặp phải tình trạng bong gân bao gồm:

  • Bong gân mắt cá chân: Tình trạng này xảy ra khi bàn chân được đặt ở tư thế quay vào trong làm cho dây chằng mắt cá ngoài bị kéo căng quá mức.
  • Bong gân đầu gối: Tình trạng này thường xảy ra do thực hiện động tác vặn mình đột ngột.
  • Bong gân cổ tay: Tình trạng này thường xảy ra khi bị ngã ở tư thế bàn tay dang rộng.

Tùy theo mức độ nghiêm trọng, bong gân được phân loại như sau:

  • Bong gân độ 1 (nhẹ): Gân giãn nhẹ và bị tổn thương ở một số sợi của dây chằng.
  • Bong gân độ 2 (trung bình): Dây chằng bị đứt một phần, khớp trở nên lỏng lẻo.
  • Bong gân độ 3 (nặng): Dây chằng bị đứt hoàn toàn.

Mặc dù mức độ cơn đau khác nhau nhưng cả 3 loại bong gân trên đều có chung các triệu chứng gồm đau nhức, bầm tím, sưng và viêm. Theo đó, bác sĩ sẽ chỉ định một số phương pháp điều trị phù hợp như vật lý trị liệu, đeo nẹp hoặc phẫu thuật để phục hồi tổn thương.

2. Bầm tím

Vết bầm tím là một dạng tụ máu của mô, xuất hiện khi mao mạch bị tổn thương dẫn đến chảy máu cục bộ, thoát mạch vào các mô kẽ xung quanh. Hầu hết những vết này không nằm sâu dưới da, nên có thể dễ dàng quan sát thấy sự biến đổi về màu sắc. Tình trạng bầm tím chỉ biến mất khi máu được hấp thụ bởi các mô hoặc loại bỏ bởi hoạt động của hệ thống miễn dịch. Nhiều trường hợp nghiêm trọng khác, vết bầm có thể liên quan đến mô dưới da, cơ hoặc xương.

Nếu vết thương nhẹ, một số cách chăm sóc tại nhà cũng đem lại hiệu quả cải thiện tích cực như: nghỉ ngơi, chườm đá… Trong trường hợp nặng hơn, bề mặt da bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện vật lý trị liệu hoặc các phương pháp điều trị phù hợp khác để tránh tổn thương vĩnh viễn cho mô mềm.

vết bầm tím

3. Viêm gân

Viêm gân là tình trạng gân hoặc bao gân bị viêm hoặc kích ứng do căng thẳng. Triệu chứng dễ nhận biết là cảm giác sưng đau trong quá trình vận động. Loại chấn thương phần mềm này thường xảy ra phổ biến ở các vận động viên bơi lội, quần vợt, bóng chày, chạy bộ… Một số phương pháp điều trị được áp dụng bao gồm: nghỉ ngơi, dùng thuốc chống viêm, tiêm Steroid, đeo nẹp, thực hiện bài tập cân bằng cơ và cải thiện tính linh hoạt… Phẫu thuật là giải pháp cuối cùng khi viêm kéo dài dai dẳng, gây tổn thương nghiêm trọng cho gân.

4. Căng cơ

Đây là một dạng chấn thương phần mềm cấp tính xảy ra khi cơ, gân hoặc cả hai bị căng quá mức, dẫn đến hiện tượng rách một phần hoặc toàn bộ. Các triệu chứng căng cơ thường gặp bao gồm: đau nhức, co thắt, yếu cơ, sưng, viêm và chuột rút. Trong đó, một số bộ môn thể thao có liên quan trực tiếp đến chân thương này gồm:

  • Bóng đá.
  • Quyền anh.
  • Đấu vật.
  • Vượt rào.
  • Nhảy xa.
  • Chạy đua.
  • Thể dục dụng cụ: quần vợt, chèo thuyền…
  • Các môn thể thao dùng vợt: cầu lông, tennis…

tình trạng căng cơ

Đối với căng cơ, các phương pháp chăm sóc tại nhà cũng có thể mang lại hiệu quả cải thiện tích cực như: nghỉ ngơi, chườm, kê cao vị trí tổn thương, thực hiện một số bài tập đơn giản. Tuy nhiên nếu tình trạng tiến triển ở mức nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để ngăn ngừa biến chứng.

5. Viêm bao hoạt dịch

Bao hoạt dịch là những túi nhỏ chứa đầy chất lỏng, nằm giữa xương và các mô mềm, phân bố khắp cơ thể như: quanh vai, hông, khuỷu tay, đầu gối, gót chân… Nhiệm vụ chính là giúp giảm ma sát, duy trì hoạt động trơn tru của các khớp, xương.

Tuy nhiên thói quen thực hiện các động tác lặp đi lặp lại hoặc chấn thương sẽ khiến bao hoạt dịch bị sưng lên, gây viêm. Thông thường, viêm bao hoạt dịch có thể thuyên giảm khi thay đổi hoạt động và kết hợp dùng thuốc chống viêm. Trong trường hợp triệu chứng sưng đau vẫn không cải thiện, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm Corticosteroid và loại bỏ dịch. Thậm chí, nếu viêm tiến triển thành nhiễm trùng, phẫu thuật có thể bắt buộc phải thực hiện.

Nguyên nhân gây chấn thương phần mềm

Nguyên nhân gây chấn thương phần mềm được chia làm hai nhóm chính, bao gồm: (2)

  • Nguyên nhân cấp tính: Do chấn thương đột ngột (ngã, trượt, vặn mình…), thường dẫn đến bầm tím, bong gân, căng cơ.
  • Nguyên nhân mãn tính: khớp hoặc cơ phải hoạt động liên tục, không có thời gian nghỉ ngơi, thường dẫn đến viêm gân và viêm bao hoạt dịch.

nguyên nhân chấn thương

Phương pháp chẩn đoán

Đánh giá chấn thương và tiền sử bệnh

  • Đối với chấn thương phần mềm, ban đầu bác sĩ có thể sẽ đặt một số câu hỏi liên quan đến các vấn đề sau:
  • Cơ chế chấn thương (hướng, lực tác động…).
  • Tiền sử chấn thương trước đó.
  • Thời điểm cơn đau khởi phát.
  • Mức độ cơn đau trước, trong và sau khi hoạt động.
  • Các loại thuốc đang sử dụng làm tăng nguy cơ rách gân: Fluoroquinolon, Corticosteroid…

Kiểm tra thể chất

  • Kiểm tra hoạt động của mạch máu và hệ thần kinh.
  • Kiểm tra mức độ biến dạng, sưng tấy, vết bầm tím, vết thương hở, tình trạng giảm chuyển động bất thường.
  • Sờ nắn để kiểm tra mức độ cơn đau ở xương hoặc gân.
  • Kiểm tra các khớp trên và dưới vùng chấn thương.

Chẩn đoán hình ảnh

Chẩn đoán hình ảnh không bắt buộc đối với tất cả các trường hợp chấn thương phần mềm, chẳng hạn như bong gân mắt cá chân. Khi cần thiết, bác sĩ có thể sẽ chỉ định một số phương pháp sau:

  • Chụp X-quang: Chụp X-quang không cho thấy hình ảnh trực tiếp về các tổn thương mô mềm nhưng sẽ giúp bác sĩ thu thập một số thông tin liên quan để hỗ trợ đưa ra kết quả chính xác.
  • Chụp MRI: Chụp MRI sẽ giúp xác định được các chấn thương mô mềm liên quan đến dây chằng, gân, sụn và cơ.

Chấn thương phần mềm có nguy hiểm không?

Các chấn thương phần mềm nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến rất nhiều biến chứng nguy hiểm: (3)

  • Chảy máu.
  • Tổn thương mạch máu.
  • Tổn thương thần kinh.
  • Cứng khớp.
  • Hội chứng chèn ép khoang do vết sưng tấy gây áp lực lên các mạch máu lân cận, lưu lượng máu đến vùng tổn thương giảm hoặc tắc nghẽn, tình trạng nghiêm trọng có thể phải cắt bỏ chi.

Cần làm gì khi gặp chấn thương vùng mềm?

Điều trị ban đầu (sơ cứu)

Các vấn đề khẩn cấp xuất hiện cùng chấn thương phần mềm cần được ưu tiên xử lý bao gồm:

  • Sốc xuất huyết cần được điều trị ngay lập tức.
  • Tổn thương động mạch cần được phẫu thuật trừ khi chỉ ảnh hưởng đến các động mạch nhỏ, tuần hoàn bàng hệ vẫn hoạt động tốt.
  • Các dây thần kinh bị đứt lìa cần được phẫu thuật sửa chữa.
  • Rối loạn thần kinh và rối loạn tiêu chảy ban đầu cần được quan sát, thực hiện các biện pháp hỗ trợ và vật lý trị liệu.
  • Nghi ngờ gãy xương hoặc trật khớp cần thực hiện băng vô trùng, dự phòng uốn ván, dùng thuốc kháng sinh, phẫu thuật và khử trùng.
  • Hầu hết các chấn thương từ trung bình đến nặng cần được cố định bằng nẹp để giảm đau và ngăn ngừa tổn thương thêm. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể sẽ chỉ định người bệnh dùng Opioid.

Phương pháp RICE

  • R (Rest): Khi bị chấn thương phần mềm, người bệnh cần nghỉ ngơi để ngăn ngừa tình trạng tổn thương thêm và tăng tốc độ chữa lành.
  • I (Ice): Chườm đá có thể giảm thiểu triệu chứng sưng đau khó chịu. Người bệnh có thể bỏ đá lạnh vào túi nhựa hoặc khăn và chườm trong vòng 1 – 2 ngày sau chấn thương, mỗi lần từ 15 – 20 phút.
  • C (Compression): Người bệnh nên băng vùng chấn thương bằng nẹp để giảm thiểu sưng tấy, đau nhức.
  • E (Elevating): Người bệnh nên kê vùng bị thương lên cao trong 2 ngày đầu tiên để hạn chế phù nề và sưng tây.

phương pháp sơ cứu rice

Phẫu thuật

Trường hợp bong gân độ 3 và rách gân sẽ cần đến phẫu thuật sửa chữa tổn thương. Thông thường, nội soi là thủ thuật được ưu tiên thực hiện, ngay cả với các chấn thương liên quan đến dây chằng hoặc sụn chêm đầu gối.

Những việc không nên làm

  • Sử dụng dầu nóng: Dầu nóng sẽ làm tăng lưu lượng máu chảy về vết thương, từ đó các triệu chứng sưng tấy, chảy máu, đau nhức càng trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Bôi cồn, rượu: Cồn và rượu sẽ khiến hiện tượng phù nề trở nên trầm trọng hơn, thậm chí còn làm cho vết thương lan rộng, tăng nguy cơ nhiễm trùng và làm chậm quá trình phục hồi.
  • Massage: Tương tự như sử dụng dầu nóng, massage sẽ làm tăng lưu lượng máu chảy về vùng tổn thương, khiến triệu chứng đau nhức, sưng tây trở nên trầm trọng hơn.

Biện pháp phòng ngừa chấn thương phần mềm

Chấn thương phần mềm gây đau nhức, khó chịu và ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, vận động hàng ngày. Vì vậy, việc chủ động phòng ngừa ngay từ ban đầu là thực sự cần thiết. Một số giải pháp hữu ích có thể tham khảo gồm: (4)

  • Mang giày dép, quần áo vừa vặn để giúp cơ thể vận động thoải mái, nhẹ nhàng, tránh té ngã.
  • Tập thể dục thể thao đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày để tăng cường sức bền và độ dẻo dai cho gân, cơ…
  • Xây dựng chương trình tập luyện phù hợp, tránh hoạt động quá sức.
  • Luôn luôn khởi động kỹ trước khi bắt đầu mọi bài tập để làm giãn cơ, gân, dây chằng và khớp, tránh chấn thương không mong muốn.
  • Uống đủ nước để ngăn tình trạng mất nước, kiệt sức và đột quỵ, tốt hơn hết là nên uống 1 lít nước trước khi bắt đầu bài tập 15 phút.
  • Đối với các động tác kéo căng, người tập không nên kéo mạnh hoặc đột ngột đến mức bị đau, thay vào đó nên thực hiện từ từ và cẩn thận.
  • Lên kế hoạch nghỉ ngơi phù hợp sau khi tập thể dục, không nên tập luyện khi cơ thể đang mệt mỏi.

phòng tránh chấn thương

Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, là nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ ngoại khoa giàu kinh nghiệm, tận tâm, nhiệt tình như: TTND.GS.TS.BS Nguyễn Việt Tiến; PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa; TS.BS Tăng Hà Nam Anh; ThS.BS.CKII Trần Anh Vũ; BS.CKI Trần Xuân Anh, ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa, TS.BS Đỗ Tiến Dũng; TS.BS.CKII Vũ Hữu Dũng… Đây cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh về cơ xương khớp với kỹ thuật hiện đại theo phác đồ cập nhật quốc tế.

Bệnh viện còn được trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại như: máy chụp CT 768 lát cắt Somatom Drive, máy cộng hưởng từ thế hệ mới Magnetom Amira BioMatrix, robot Artis Pheno, máy đo mật độ xương, máy siêu âm…; hệ thống kính vi phẫu thuật Opmi Vario 700 Zeiss, bàn mổ Meera-Maquet… để có thể phát hiện sớm các tổn thương và điều trị hiệu quả các bệnh lý về cơ xương khớp…

BVĐK Tâm Anh còn sở hữu hệ thống phòng khám khang trang, khu nội trú cao cấp; khu vực phục hồi chức năng hiện đại; quy trình chăm sóc hậu phẫu toàn diện giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và ổn định sức khỏe sau phẫu thuật.

Để đặt lịch khám và điều trị với các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:

Trên đây là tổng hợp tất cả các thông tin liên quan đến chấn thương phần mềm. Hy vọng thông qua những chia sẻ này, người bệnh đã có thêm nhiều cập nhật hữu ích để chủ động phòng ngừa, theo dõi và điều trị hiệu quả.