Chân lý sống của bác sĩ “quốc dân”

(HNM) – Với giới trẻ hiện nay, dùng Facebook (mạng xã hội) để giao lưu, kết bạn, giải trí, thậm chí là để… “sống ảo”. Thế nhưng, bác sĩ Trần Quốc Khánh, đang công tác tại Khoa Phẫu thuật cột sống (Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức) lại dùng mạng xã hội để cung cấp những thông tin hữu ích về y tế, những giá trị thực về cuộc sống đến cộng đồng.
 

Bác sĩ Trần Quốc Khánh sử dụng mạng xã hội để cung cấp thông tin hữu ích về y tế cho cộng đồng.

Đưa kiến thức y khoa đến cộng đồng

Bác sĩ nghìn like, bác sĩ “quốc dân” hay bác sĩ “hot boy”… là những biệt danh mọi người dành tặng bác sĩ Trần Quốc Khánh (sinh năm 1983) tại miền quê nghèo ở xóm Sướn, xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Cả thời niên thiếu với bác sĩ Khánh là sự nỗ lực học tập, vượt lên nghèo khó. Anh từng đạt học sinh giỏi quốc gia môn sinh học, được tuyển thẳng vào Trường Đại học Y Hà Nội.

Sau khi tốt nghiệp, anh tiếp tục theo học 3 năm bác sĩ nội trú chuyên ngành ngoại khoa. Năm 2009, bác sĩ Khánh chuyển tới Khoa Phẫu thuật cột sống (Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức) và công tác cho đến nay.

Với nền tảng kiến thức rộng, chuyên môn vững vàng, nhiệt huyết trong công việc, bác sĩ Trần Quốc Khánh không chỉ được đồng nghiệp cảm phục, mà còn được mọi người tin yêu, vì tấm lòng nhân ái. Hiện bác sĩ Khánh sở hữu Facebook cá nhân với hơn 54.000 người theo dõi, yêu thích; website cùng fanpage với gần 8.000 người like. Dù có một lượng fan “khủng” trên mạng xã hội, nhưng bác sĩ Khánh lại là người biết đến Facebook khá muộn.

Bác sĩ Khánh kể, anh sử dụng Facebook vào khoảng năm 2014 với mục đích ban đầu chỉ để giải trí, xả stress sau mỗi ca mổ. Thế nhưng, trong quá trình làm việc tại bệnh viện, anh gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân mắc bệnh thông thường, bố mẹ và người thân hoàn toàn có thể nhận biết sớm tình trạng sức khỏe, nhưng không ai phát hiện ra. Hậu quả, khi được đưa đến bệnh viện, bệnh đã chuyển nặng.

Khi đó, anh tự nhủ, tại sao mình không viết những kiến thức y học thường thức chia sẻ trên mạng xã hội để mọi người được biết. Suy nghĩ đến hành động, anh bắt đầu viết và nhận được sự quan tâm của khá nhiều người.

Đến nay, nhiều bài viết của bác sĩ Khánh có tới 1.000-3.000 lượt chia sẻ. Chính sự nổi tiếng trên mạng xã hội khiến không ít công ty, nhãn hàng tìm đến vị bác sĩ này nhờ đăng thông tin, viết bài quảng cáo. Tuy nhiên, bác sĩ nghìn like đã từ chối.

“Khi tôi khuyên mọi người xây dựng một lối sống khoa học, ăn uống lành mạnh để giữ gìn sức khỏe. Hay uống thêm sữa bổ sung canxi giúp cho xương chắc khỏe, sau đó tôi lại đăng tải tên một thương hiệu sữa nào đó, thì bài tư vấn sẽ chẳng còn giá trị. Chính vì vậy, không chỉ có Facebook mà cả fanpage, website riêng của tôi đều không có quảng cáo, thương mại”, bác sĩ Khánh tâm sự.

Điều mà bác sĩ Khánh tâm đắc khi xây dựng Facebook cá nhân không phải để trở thành người nổi tiếng, mà là để chia sẻ kiến thức y khoa đến với cộng đồng. Những vấn đề được bác sĩ Khánh đề cập trên mạng xã hội thường là cách phòng tránh ung thư, trầm cảm sau sinh, cách xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng của rượu, bia với sức khỏe, sự cần thiết kiểm tra sức khỏe định kỳ, chế độ ăn uống tốt cho sức khỏe, những bài tập về xương khớp và cột sống, tư thế ngồi học để dự phòng vẹo cột sống học đường…

Bác sĩ Khánh cho biết: “Trên mạng xã hội, tôi chỉ chia sẻ những kiến thức y học cơ bản và mang tính dự phòng. Ai hỏi sâu thêm về từng loại bệnh, tôi sẽ giới thiệu đến những bác sĩ có chuyên môn sâu về chuyên khoa đó hoặc đề nghị người bệnh đến bệnh viện để được khám trực tiếp”.

Với chân lý “sống là để cho đi” nên công việc dù vất vả, bận rộn, song bác sĩ Khánh luôn sắp xếp được thời gian để quan tâm hơn đến những người bệnh quanh mình. Bác sĩ Khánh thường xuyên có những buổi livestream – phát trực tiếp trên Facebook tư vấn về sức khỏe với lượng tương tác rất lớn. Không chỉ vậy, từ cuối năm 2017, bác sĩ Khánh còn trở thành người quản lý Quỹ Phẫu thuật bệnh nhân nghèo. Từ quỹ này đã có khoảng 30 bệnh nhân nghèo được hỗ trợ phẫu thuật, với chi phí khoảng 600-700 triệu đồng…

Giành giật sự sống cho người bệnh

Ngày bình thường, công việc của các y, bác sĩ tại bệnh viện đã quá vất vả, nhưng những ngày Tết, sự vất vả đó còn được nhân lên gấp bội. Hơn 10 năm công tác trong ngành Y với nhiều cái Tết bác sĩ Khánh không được đón Giao thừa bên gia đình, song điều khiến bác sĩ nghìn like cảm thấy buồn mỗi khi trực Tết lại đến từ những bệnh nhân và người thân của họ.

Bác sĩ Khánh chia sẻ, 1h sáng đêm mùng 2 Tết, phòng cấp cứu bệnh viện vẫn la liệt bệnh nhân nằm trên cáng. Hầu hết bệnh nhân đều rất trẻ và chủ yếu bị tai nạn giao thông, tổn thương đa phần là chấn thương sọ não, vỡ hàm mặt, gãy tay, chân và gãy cột sống. Thậm chí, nhiều người nhập viện còn nồng nặc mùi rượu.

Ám ảnh với bác sĩ Khánh là hình ảnh một cậu thanh niên gần như bị biến dạng hết mặt mũi, không còn tự thở… Bệnh nhân này đi làm xa về, họp mặt bạn bè trong ngày Tết. Sau tiệc rượu, trên đường về, bệnh nhân chạy xe máy đâm vào ô tô đi ngược chiều. Khi biết con trai không thể qua khỏi, bố mẹ bệnh nhân đã quỵ xuống trước mặt bác sĩ.

“Ngày Tết đoàn viên, nhưng cũng là ngày cậu con trai của họ phải ra đi vĩnh viễn… Là bác sĩ, phải chứng kiến rất nhiều những giây phút biệt ly như vậy, điều đó thôi thúc chúng tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa, giành giật sự sống, kéo bệnh nhân trở về”, bác sĩ Khánh tâm sự.

Với bác sĩ Khánh, động lực sau những đêm trực dài hay những cái Tết không có thời gian để sum vầy với gia đình, đó chính là những ca mổ cấp cứu thành công, là cái bắt tay cảm ơn rất chặt của người nhà bệnh nhân, khi biết người thân của mình đã qua cơn nguy kịch. Còn điều anh mong muốn nhất trong dịp Tết đến xuân về, đó là mọi người cần quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn.