Chân dung ông chủ M2 và chiến lược bán lẻ thời trang trước cơn sóng thần của Zara, H&M
Rít một hơi thuốc thật sâu, đôi bàn tay thoăn thoắt đếm những đồng Rúp thu được cuối ngày, miệng lẩm bẩm bài nhạc rock yêu thích, đôi khi là lắc lư, dậm chân theo điệu nhạc, chàng thanh niên chắc mẩm, tối nay sẽ lại được quây quần với anh em chiến hữu, có vodka để uống, có vé rock để nghe…
Đó là vào một ngày đầu đông tháng 11, năm 1993 tại Thủ đô Mát-xcơ-va, nước Nga. Ngày ấy, Nguyễn Hải Đường còn là một cậu trai ngỗ ngược, lúc nào cũng khoác lên mình một chiếc áo da, đầu cắt cua dựng đứng, nhuộm xanh đỏ, tay đeo những vòng vèo kì dị, đứng buôn quần áo ở chợ người Việt.
Nhiều người nghĩ rằng, con đường kinh doanh của ông chủ M2 (sau này) cũng chỉ tới được đây. Nghĩa là ngày đi buôn, tối về nghe rock, sau độ dăm ba năm thì về Việt Nam mở một cơ ngơi riêng với số tiền tích lũy được, và sống một cuộc đời có phần ảm đạm, hoài niệm về quá khứ từng nổi loạn của mình…
Thế nhưng không, sau 24 năm, cũng là vào những ngày đầu đông tháng 11/2017, ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội, Nguyễn Hải Đường vẫn phong cách ấy, chỉ là mái đầu đã bạc đi, chất giọng trầm lại, và đã sở hữu trong tay 17 trung tâm thời trang xuất khẩu ở Việt Nam, cùng thương hiệu M2 17 năm có lẻ tuổi.
Doanh nhân Nguyễn Hải Đường kể: “Sau bao nhiêu năm, con người tôi vẫn vậy. Vẫn cá tính, vẫn thích nghĩ khác, làm khác số đông. Ngần này tuổi, tôi vẫn mê rock, vẫn để đầu đinh, vẫn mặc quần bò rách, vẫn thích ngao du đây đó… Và hơn hết là vẫn nhớ về nước Nga”.
Tự nhận mình cá tính, ông Nguyễn Hải Đường tâm sự, cái “khác người” đã có sẵn trong ông từ thuở nhỏ, chứ không phải cố tình tạo ra. Dù là trong cuộc sống, hay công việc kinh doanh, ông luôn muốn hướng tới những điều mới mẻ, thích nghĩ khác, làm khác những người xung quanh.
“Quyết định sang Nga với tôi chính là thể hiện lối nghĩ khác, làm khác. Khi đó, tôi chỉ nghĩ mình phải đi kiếm một cơ hội cho riêng mình, phải giúp đỡ cho bố mẹ về tài chính, và tạo lập cuộc sống riêng cho mình sau này”.
Nói là làm, tháng 2/1992, chàng thanh niên 18 tuổi chính thức đặt chân lên nước Nga cùng một vài người bạn. Chỉ dự tính ở chơi nước Nga vài tuần, để sau đó tìm đường sang Đức – nơi mà ông Đường nói là có người thân chờ sẵn; thế nhưng, cả 2 lần tìm đường sang nước bạn đều thất bại. Tới lần thứ 3, doanh nhân Nguyễn Hải Đường ốm thập tử nhất sinh và lại lỡ chuyến xe sang Đức. Ngày ông Đường ra viện cũng là lúc cạn sạch tiền trong túi. Không nhà cửa, không người thân tại Nga, từ đây doanh nhân sinh năm 1974 đã mưu sinh bằng hai bàn tay trắng.
Người ta nói, sinh nghề thì tử nghiệp. Ông Đường xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm ngành may mặc, vốn đã thừa hưởng kiến thức lẫn kinh nghiệm từ cha mẹ mình. Nên khi đón nhận thất bại đầu đời ở nước Nga, ông quyết định “ngã ở đâu sẽ đứng lên ở đấy”.
Ngày ngày, ông Đường đều tới các sạp quần áo ở các trung tâm thương mại của người Việt như Salut 1, Salut 2, Dome 5,… để “mua chịu” hàng vào sáng sớm. Trong ngày sẽ đổ buôn cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ trên chiếc xe Volga, Latvia, ăn chênh lệch từ việc mua đi, bán lại.
Nhớ về những kỉ niệm khi xưa, ông Đường kể: “Nước Nga vừa nuông chiều, nhưng cũng vừa dạy dỗ tôi một cách nghiêm khắc”. Đó là những năm tháng vị doanh nhân ăn, ngủ cùng những bản nhạc rock. Rock thấm vào máu của ông, từ cách ông ăn mặc, cho tới đường lối, tư duy kinh doanh sau này.
“Tôi ngẫm thấy, cuộc đời mình giống như một bài nhạc rock: mạnh mẽ và không bao giờ chịu lùi bước. Có đoạn thì gầm gừ, có đoạn lại cao trào và chỉ trực chờ… thoát xác. Kinh doanh cũng vậy. Khâu chuẩn bị luôn là quan trọng nhất và chỉ chờ tới lúc tích lũy đủ, con người ta sẽ bùng nổ, bung kế hoạch thật nhanh và mạnh. Còn sau khi bài hát kết thúc, nó sẽ để lại dư âm trong lòng người nghe – là lúc cần dừng lại vài phút để ngẫm nghĩ về những thành công, thất bại. Do đó, bản chất doanh nghiệp cũng giống như một ban nhạc rock, luôn có một lượng fan hùng hậu – chính là khách hàng, và phải thuyết phục họ bằng cách xây dựng lòng tin”.
Tất nhiên, bay bổng nhiều thì cũng có lúc ngã đau. Hai trong số những bài học đó đã giúp ông tích lũy thêm kinh nghiệm trên con đường kinh doanh sau này. Ông kể, trong ngành kinh doanh may mặc, có 2 yếu tố nghe thì rất khách quan – tưởng chừng như không thể can thiệp được, nhưng thực ra doanh nghiệp chỉ cần quan tâm và để ý, thì hoàn toàn có thể làm chủ, đồng thời, giảm thiểu tối đa rủi ro.
Đó là vào cuối mùa hè năm 1994, khi ông đã có chút vốn liếng, và dự định nhập sẵn một lượng hàng lớn cho vụ thu đông. Tưởng rằng mùa đông năm ấy cũng ấm áp như năm ngoái, ông Đường chủ quan nhập toàn những lô áo mỏng, kết quả là trời trở lạnh hơn dự kiến, hàng không bán được, dẫn tới việc vị doanh nhân sinh năm 1974 thua lỗ đợt hàng đó. Hay như tình hình kinh tế chuyển biến quá nhanh, đồng USD và Rúp mất giá, không dự báo trước được tình hình, nên hầu như các thương nhân nhỏ lẻ tại Nga đều chịu tổn thất lớn, bao gồm cả ông Đường.
Ông đúc rút lại kinh nghiệm, khâu chuẩn bị trong ngành may mặc là đặc biệt quan trọng. Quan trọng ở chỗ, kinh doanh quần áo là phải quan sát xu hướng thời trang, dự đoán đưa ra phải sát với thực tế, và luôn phải có những khoản dự phòng trích lập. Có như vậy, dù là thời tiết, hay tình hình kinh tế thay đổi, doanh nghiệp may mặc mới có thể tự mình đứng vững.
Gần 1 năm sau, ông Đường về nước. Ngay mùa đông năm đó, ông đã bắt tay vào việc nhận kí gửi hàng tại nhà cha mẹ, chủ yếu là bán buôn cho các tiểu thương tại chợ Đồng Xuân, phố Trần Nhân Tông, Trần Phú, Cầu Gỗ… Kinh doanh một thời gian, ông ấp ủ về một chuỗi những cửa hàng may mặc, vì cho rằng đã làm thì phải làm lớn.
Ban đầu, ông được khuyên vào làm tại công ty may Thăng Long – nơi gia đình đã có truyền thống phục vụ lâu đời, để học hỏi thêm kinh nghiệm mở và làm chuỗi. Sau hơn một năm công tác, ông trình bày với sếp về ý tưởng mà bản thân vẫn đang ấp ủ, nhưng đều chỉ nhận về những cái lắc đầu.
Chán nản với công việc bấy giờ, năm 2000, Nguyễn Hải Đường dừng lại ở may Thăng Long. Từ đây, ông bắt tay vào kế hoạch xây dựng thương hiệu riêng sau này – dù trong đầu vẫn chưa mường tượng ra mô hình Trung Tâm Thời Trang Dệt May Xuất Khẩu M2 là thế nào!
Nhiều người hỏi ông Đường, tại sao lại chọn cái tên M2, mà không phải những cái tên Tây hơn. Ông cười: “M2 có nhiều ý nghĩa lắm. Liên tưởng dễ nhất thì M2 là may mặc – cái nghề của tôi. Nhưng M2 trước nhất theo tôi là “mét vuông”. Lí do là bởi bản thân tôi đã mất rất nhiều công sức để đi tìm mặt bằng cửa hàng M2 đầu tiên. Làm trong ngành bán lẻ, ai cũng biết cửa hàng đầu tiên luôn quan trọng. Đây được xem là viên gạch tạo nền móng công việc kinh doanh sau này, thành hay bại cũng đi lên từ đây.
Do đó, cái tên M2 luôn gợi nhớ tôi đến những mét vuông đầu tiên mà mình phấn đấu”. Đó là một cửa hàng kinh doanh diện tích 25m2, đặt tại số 55C Lí Thường Kiệt, Hà Nội.
Như một trào lưu thời bấy giờ, người người, nhà nhà đổ xô đi làm đại lý cho các công ty may trong nước như: Việt Tiến, May 10, May Thăng Long, May Nhà Bè… Tuy nhiên, Nguyễn Hải Đường cũng vì lối nghĩ khác, làm khác, lại chọn xuống Hải Phòng, tìm gặp người cô – quen với cha mẹ, là Chủ tịch công ty May Hai Hải Phòng thời đó để xin làm đại lý.
Trình bày một hồi lâu, người cô cười và nói với ông Đường: “Cháu ạ, cô biết là mặt bằng này rất tốt. Nhưng chỉ dựa vào 25m2, cô lo cửa hàng không phù hợp với tầm cỡ công ty cô. Cháu thông cảm nhé”.
“Tôi lúc đó như bị dội một gáo nước lạnh vào mặt. Trong đầu tôi nghĩ, không thể như vậy được, mình phải tìm cách. Một thoáng vụt qua, tôi bất thần lẩm nhẩm May Hai, May Hai… M2. Đầu nghĩ, tay cầm bút ghi luôn chữ M2”.
Từ đây, cái tên M2 đã được ra đời. Nhưng Nguyễn Hải Đường không chọn làm đại lý cho bất kì công ty may mặc lớn nào, mà tự mình đi tìm nguồn hàng chất lượng từ các xưởng may trong nước, để sau này hình thành nên hệ thống 17 trung tâm thời trang M2.
Tại cửa hàng số 55C Lí Thường Kiệt, ông Đường bắt đầu kinh doanh dòng quần áo chuyên để xuất khẩu – phục vụ cho mùa thu đông như: áo gầy, áo béo, ác khoác bông, quần bò… Ngay từ thời điểm đó, ông đã vạch rõ hướng kinh doanh của hệ thống M2 sau này, là bán hàng hợp mốt, phải đa dạng chủng loại, mẫu mã và không quá tập trung vào một dòng sản phẩm nhất định.
Ý nghĩa của chiến lược này theo ông Đường giải thích, đó là khi tìm tới M2, mọi tầng lớp khách hàng đều được phục vụ chu đáo. Khách hàng dù là nam hay nữ, béo hay gầy, già hay trẻ đều có thể mua đồ ở cửa hàng của ông. Tức là M2 hướng tới việc đa dạng hóa tập khách hàng.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh ở M2, giai đoạn 2002 – 2009, doanh nhân này còn tham gia xuất khẩu đồ may mặc cho các thị trường như Irac, Châu Phi, Mỹ… Điều này giúp ông có được rất nhiều mối quan hệ với các thương hiệu, xưởng may trong nước, sau này chính là các đối tác tham gia kí gửi hàng ở M2.
Hay như giai đoạn 2007 – 2010, ông liên tục mở ra các outlet chuyên bán hàng tồn. Ý định ban đầu của ông là giải quyết vấn đề hàng tồn tại chính thương hiệu mình, nhưng sau này thấy “lời” ông lại làm tiếp, và với quy mô lớn hơn.
“Kinh doanh thời trang, ai quản lí hàng tồn tốt, người đó sẽ thắng lợi. Bản thân M2 trong những năm đầu quản lí hàng tồn chưa tốt. Thông thường, cứ cuối năm là người ta xả hàng. Còn tôi nghĩ khác, làm khác, tôi đem hàng tồn tới các trung tâm lớn ở thành phố, nơi có đông người qua lại, quần áo bán giá sốc hết cỡ, dự kiến bán liên tục trong 1, 2 tháng. Nhưng năm đầu tiên chỉ cần 2 tuần là hàng bán hết veo. Vậy là các năm sau, tôi thậm chí còn đi gom hàng ở các xưởng, nhà máy trong nước, coi như mình đi bán hàng cho họ. Giai đoạn đó thắng lợi”.
Sau 4 năm liên tục bán hàng tồn như vậy – khi trào lưu “xả hàng” qua đi, ông quay trở lại với công việc kinh doanh chính ở M2, đồng thời tích lũy cho mình rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực may mặc. Nhìn ra bài toán hàng tồn, M2 của Nguyễn Hải Đường đầu tư rất nhiều vào Phòng mua, cũng như Bộ phận R&D với vai trò dự báo xu hướng thời trang, tính toán cơ cấu hàng hóa…
Ông Đường nói vui, M2 có rất nhiều thầy phong thủy! Bởi theo vị doanh nhân nay, hoạt động kinh doanh may mặc ở miền Bắc nói chung bị phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nên việc dự báo rất quan trọng. Một năm có 12 tháng, 4 tháng đông xuân lãi nhiều, lãi ít, 4 tháng hè lỗ nhiều, lỗ ít. Chập lại coi như hoà, chỉ còn 4 tháng phụ thuộc vào thời tiết, mưa thuận gió hoà.
Đúng 9 năm sau ngày mở điểm bán đầu tiên tại số 55C Lí Thường Kiệt, M2 đón chào cửa hàng thứ hai đặt tại số 2B Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội. Hệ thống của ông đổi tên từ “Thời trang dệt may xuất khẩu M2” thành “Trung tâm thời trang dệt may xuất khẩu M2”. Nguyễn Hải Đường lí giải, thêm chữ trung tâm là nhằm định vị M2 sẽ hướng tới các mặt bằng có diện tích lớn, trở thành chuỗi thời trang – tương tự cách mà các đại gia TGDĐ, hay FPT Shop vươn lên ở thị trường công nghệ sau này.
Thời đó, mô hình siêu thị thời trang tuy ít xuất hiện ở Việt Nam – cùng thời với M2 chỉ có vài cái tên như Nino Max, PT2000, Blue Exchange, nhưng trên thế giới đã được áp dụng từ khá lâu. Khác với các thương hiệu nhỏ lẻ dễ quản lí, vốn không cần đầu tư quá nhiều chi phí, mô hình siêu thị mà M2 triển khai cần nguồn tài chính dồi dào và năng lực quản trị tốt. May mắn là cả 2 yếu tố này đều được Nguyễn Hải Đường chuẩn bị rất kĩ, do đã có 9 năm bán buôn từ hàng nhập xuất khẩu, cho tới việc thanh lí hàng tồn cho nhiều nhà xưởng ở Việt Nam.
Lần lượt các điểm bán thứ 2, thứ 3 tại Phạm Ngọc Thạch, Thái Hà được M2 mở ra đều có hoạt động kinh doanh tốt. Và chỉ khi mở đến điểm bán thứ 4 tại Điện Biên Phủ, Hà Nội, Nguyễn Hải Đường mới thực sự gặp phải bài toán nan giải – M2 bắt đầu phát triển lên chuỗi bán lẻ may mặc.
“Lúc này doanh nghiệp đã lớn hơn, nên thực sự cần những nguồn lực lớn, những nhân sự có nội lực tốt hơn. Vì vậy, tôi đã chiêu mộ những nhân sự tốt nhất lúc bấy giờ. Cùng với họ, nhiều năm liền tôi đã làm việc với 150% năng lượng của mình, một ngày làm tối thiểu 10 tiếng, không thứ 7, chủ nhật và cũng không có ngày nghỉ”.
Tính cho tới thời điểm hiện tại, sau 17 năm thành lập, M2 đã sở hữu trong tay đội ngũ hàng trăm nhân viên “thiện chiến”. Tuy chưa phải là xuất sắc, nhưng cũng phần nào giúp nhà sáng lập an lòng. Nguyễn Hải Đường nói vui: “Tôi luôn nói với các nhân viên của mình là, anh chỉ mong đến một ngày, tới công ty anh sẽ thất nghiệp, cảm giác như người thừa. Vì khi đó, bộ máy của M2 đã thực sự hoàn thiện”.
Chia sẻ về quãng thời gian đưa M2 từ một cửa hàng 25 m2 nằm trên đường Lí Thường Kiệt, Hà Nội, trở thành một chuỗi bán lẻ thời trang với 17 trung tâm lớn như hiện nay, vị doanh nhân sinh năm 1974 cho biết: mặt bằng là yếu tố tiên quyết để đi tới thành công. Bởi ngoài góc độ thời trang, M2 cũng chính là mô hình kinh doanh điểm bán.
Để có được những mặt bằng lớn – trung bình khoảng 1000 m2 trở lên như hiện tại, chiến lược của ông Đường là đi từ trung tâm ra cửa ngõ. Nghĩa là M2 ban đầu sẽ lấy các quận nội đô làm trọng điểm, sau đó đến trung tâm của các quận mới, và sau cùng là chọn những điểm cửa ngõ Hà Nội – ráp ranh ngoại ô và trung tâm thành phố. Các mặt bằng đều được ông Đường tới tận nơi xem xét rất tỉ mỉ. Nếu không phải một mặt sàn ở các phố lớn, mặt tiền rộng, thì cũng phải là nhà thấp tầng có cảnh quan thông thoáng, đường xá qua lại thuận tiện.
Nhờ sự kĩ lưỡng đó, theo ông Đường, M2 hầu như chưa phải đóng một điểm bán nào, gần như đặt cú nào, ăn cú đấy. Ông khẳng định, trong kinh doanh, bản thân người lãnh đạo phải rất quyết đoán, từ mặt bằng, nguồn hàng, tài chính, cho tới nhân sự… Bởi sự quyết đoán sẽ đem tới cho doanh nghiệp vô vàn những cơ hội làm ăn, mà ngay tại thời điểm đó, chính người chủ cũng chưa thể lường hết được thành quả sau này.
Tất nhiên, vị doanh nhân không phủ nhận, trong quá khứ đã có những lựa chọn sai lầm. 10 quyết định đưa ra, sẽ có 2-3 quyết định là sai. Có những quyết định sai phải trả giá bằng tiền bạc. Nhưng có những quyết định hoàn toàn có thể sửa chữa, hoặc rút lại. Quan trọng là khi đã biết sai, người doanh nhân cần có những giải pháp thay thế kịp thời, tránh để doanh nghiệp rơi vào tình trạng trượt dài, rồi lụi bại.
17 năm kinh doanh trong lĩnh vực thời trang và bán lẻ, tâm nguyện lớn nhất của ông là gì?
Cá nhân tôi luôn muốn mọi người hiểu đúng về M2. Nhiều người nghĩ rằng, chúng tôi chỉ bán hàng thấp cấp. Thực ra, điều này chưa chính xác. M2 hướng tới số đông, sản phẩm được bán tại M2 sẽ phục vụ đối tượng cán bộ nhân viên, công nhân viên các nhà máy, sinh viên, kể cả tầng lớp trung lưu. Có người nói, sao quần áo ở M2 rẻ thế, tôi chỉ biết cười. Vì M2 luôn bán hàng đúng giá trị. Khi nhập số lượng nhiều, chúng tôi sẽ có giá tốt hơn.
Người ta hay nói “tiền nào, của nấy”, nhiều người có tâm lý hàng rẻ là hàng chất lượng không tốt. Ông có cho rằng, đây là lí do khiến người tiêu dùng hiểu chưa đúng về M2?
Cá nhân tôi không nghĩ như vậy. Bởi chất lượng sẽ được quyết định bằng sản phẩm, chứ không hẳn là giá bán. Với hơn 200 nhà cung cấp nội địa, hàng trăm ngàn sản phẩm các loại, M2 luôn đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu. Tôi luôn tin, người Việt sẽ dùng hàng Việt.
Thời gian gần đây, để nâng cao chất lượng sản phẩm, tôi thậm chí còn thanh lọc đội ngũ các nhà cung cấp. Nghĩa là nhà nào có nguồn hàng dồi dào, xuất xứ rõ ràng, sản phẩm chất lượng, mẫu mã đa dạng, mức giá cạnh tranh, tôi mới chọn đồng hành cùng M2.
Có bao giờ ông nghĩ rằng, hành động thanh lọc các nhà cung cấp có khi nào sẽ đẩy các doanh nghiệp nội – vốn yếu thế trên thị trường, tới bờ vực nguy hiểm?
Tôi cho rằng, không ai muốn tiếp tay cho cái xấu. Tôi xem đây là hành động thúc đẩy các nhà cung cấp thì đúng hơn. Nghe rất mâu thuẫn, nhưng thực ra, tôi luôn muốn nâng tầm các thương hiệu Việt Nam, luôn ủng hộ người Việt dùng hàng Việt.
Tôi luôn tự hỏi, tại sao chúng ta cứ mãi đi gia công cho các nước phát triển, trong khi trình độ, tay nghề của chúng ta chẳng hề thua kém ai. Thực ra, gia công cũng tốt thôi, nhưng tại sao chúng ta không tập trung phát triển cho thị trường nội địa. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm đều tăng lên, dân số trẻ đang ngày một đông, thị trường nội địa 100 triệu dân vẫn còn rất nhiều đất diễn.
Doanh nghiệp may mặc Việt Nam ăn nên làm ra, trước tiên là họ hưởng lợi, sau là tới người tiêu dùng, và cuối cùng là M2. Một cơ hội tốt như vậy, tất nhiên là chúng tôi phải hỗ trợ hết mình cho các doanh nghiệp trong nước rồi
Gần đây, làn sóng doanh nghiệp ngoại đổ vào thị trường thời trang Việt Nam rất lớn, ông có lo ngại một ngày nào đó M2 sẽ bị ảnh hưởng?
Ảnh hưởng chắc chắn là có, vì bất kì sự thay đổi nào của thị trường cũng đều tác động lên doanh nghiệp. Nhưng đứng ở cương vị nhà phân phối, bán lẻ, M2 không phải đơn vị bị trực tiếp tác động, mà chính là các đối tác, nhà cung cấp của M2. Theo tôi, tác động này mang tính tích cực nhiều hơn, bởi chỉ khi chúng ta có đối thủ, có áp lực đè nặng, chúng ta mới biết mình là ai. Chỉ khi có cạnh tranh, doanh nghiệp mới tốt lên, đưa ra những giải pháp mới cho thị trường.
Vậy nếu không phải là khối ngoại, đâu sẽ đối thủ của M2, đâu sẽ là động lực để M2 đổi mới?
Đối thủ của M2 tôi cho rằng chính là các hệ thống bán lẻ thời trang, may mặc nằm ngay trong các khu trung tâm thương mại, hoặc của chính trung tâm thương mại đó. Ở đấy, thế mạnh của người ta là có lượng khách ra vào đông đúc, mặt sàn rộng, địa thế đẹp. Đó là chưa kể thói quen mua sắm trong các khu trung tâm thương mại đang rất thịnh hành ở Việt Nam.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, để vào được các trung tâm thương mại, doanh nghiệp phải chi trả mức giá mặt bằng thuê cao. Thực tế, diện tích họ cần thuê, trưng bày sản phẩm cũng khiêm tốn, bỏ ra nhiều tiền như vậy rất phí phạm. Đặc biệt, với mối thâm tình vốn có, hiếm doanh nghiệp nội địa nào muốn bỏ M2 để chạy theo các trung tâm thương mại.
Còn về động lực phát triển, từ lâu chúng tôi đã tự đặt cho mình những mục tiêu buộc phải đạt được. Đó là M2 sẽ dần nâng cấp mặt bằng, chất lượng phục vụ, chất lượng sản phẩm và tiếp tục mở rộng chuỗi tiến sang các tỉnh thành lớn. Cho tới khi nào đạt được mục tiêu 25-30 cửa hàng, chúng tôi sẽ tiếp tục nghĩ về những động lực tiếp theo.
Vậy M2 đang làm gì để đạt được mục tiêu đó, thưa ông?
Cái M2 cần nhất bây giờ là nâng cao kĩ năng quản trị. Tôi đang hướng tới một hệ thống vận hành trơn tru, một đội ngũ nhân sự có thể chủ động đưa ra quyết định mà không cần xin ý kiến tôi, là khi tôi có thể tin tưởng trao lại toàn bộ quyền điều hành cho đội ngũ cấp dưới của mình.
Nói vậy có nghĩa, ông đang dự định thôi công việc điều hành của mình tại M2?
Đúng vậy. Tôi đã có những kế hoạch cho đội ngũ kế cận sau này. Tính tôi thích vừa chơi, vừa làm. Mà được chơi, không phải làm thì càng tốt. Nhiều năm nay, tôi đang chạy theo xu hướng 1 tuần chơi 3 ngày. Hi vọng trong 3 năm tới, số ngày chơi trong năm của tôi sẽ tăng lên. Đó sẽ là lúc tôi tự do thoải mái đi du lịch, khám phá, tụ tập bạn bè và thả hồn vào những show diễn của Ngũ Cung.
Cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện rất thú vị này!
Bài viết:
Chu Lang
Thiết kế:
7pm
Theo Trí Thức Trẻ