Chân dung bác sĩ quân y – Bệnh Viện Quân Y 175
Thời chiến, bác sĩ quân y không chỉ cứu thương, chữa trị cho bộ đội mà còn phải đào công sự, nhiều lúc phải cầm súng chiến đấu. Trong thời bình, hình ảnh quen thuộc của bác sĩ quân y là những kíp trực liên ca ở bệnh viện (BV) dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19, bay ra Trường Sa cứu ngư dân… Chân dung bác sĩ quân y thời bình sẽ chưa tròn, nếu không nói đến sự hy sinh thầm lặng và những lăn lộn sau ca trực.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Thành chuyển từng bao gạo do bà con ở quê ủng hộ lực lượng tuyến đầu chống dịch ở TPHCM
Những đêm trắng ở bệnh viện
“May mắn là cả 3 đứa nhỏ đều bình an”, Thiếu tá, cử nhân gây mê Dương Đức Tuất đang công tác tại BV Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) vui mừng nói với chúng tôi khi mới đặt chân về nhà sau nhiều tháng trực ở BV tham gia chống dịch Covid-19.
Thiếu tá Tuất kể, lúc ấy tình huống khẩn cấp, anh và vợ bất ngờ nhận lệnh cấm trại, cùng với các bác sĩ phải vào trận chiến chống dịch cứu dân. Thiếu tá Dương Đức Tuất và vợ là Thiếu tá, bác sĩ Phạm Thị Thu đều phải cấm trại ở bệnh viện, ở nhà chỉ còn 3 con nhỏ. Nhà anh chị ở trên đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp), nằm cách BV chỉ khoảng 1km nhưng nhiều tháng liền anh, chị chỉ có thể liên lạc, trao đổi với các con qua điện thoại.
Câu chuyện những đêm trắng ở BV của vợ chồng quân y Thiếu tá Dương Đức Tuất và Thiếu tá, bác sĩ Phạm Thị Thu trong những ngày giãn cách chống dịch Covid-19 cứ cuốn lấy chúng tôi.
Thiếu tá Phạm Thị Thu nhớ lại, sang tháng 7-2021, số ca nhiễm Covid-19 ở TPHCM mỗi ngày mỗi tăng. Số F0, người nghi mắc Covid-19 tăng theo cấp số nhân. Công việc của bác sĩ truy vết tìm F0 trở nên nặng nề, làm việc không kể ngày đêm. Nhiều lúc vừa xong kíp trực, cơ thể mệt mỏi nhưng cứ đặt lưng xuống giường là mắt lại chong ra, lòng nóng như lửa đốt lo nghĩ về các con.
“Đứa lớn học lớp 11, hai em trai cùng học lớp 8. Mình lo là trẻ ở thành phố, các con chỉ biết ăn học”, Thiếu tá Phạm Thị Thu giọng chùng xuống. Dù vậy, với sứ mệnh của người bác sĩ, anh chị không thể rời đơn vị và đành phải hướng dẫn cho các con qua điện thoại tập làm từng công việc nhỏ như tắt đèn, khóa gas, khóa vòi nước đến việc nấu cơm canh, giặt quần áo…
Dẫu vậy, nỗi lo của anh, chị càng lớn hơn trong những tuần đỉnh dịch. Hết ca trực lại thấp thỏm nghĩ đến các con. Bệnh nhân nhập viện nhiều, bên ngoài thành phố giãn cách, rào chắn dựng lên khắp nơi. Gạo, rau dự trữ ở nhà bắt đầu cạn dần. Lo lắng nhất khi mấy đứa trẻ ở nhà hiếu động, có khi mở cửa ra bên ngoài và chỉ một sơ suất nhỏ sẽ không tránh được lây nhiễm.
“Lúc ấy, không chỉ người già, người có bệnh nền mà thanh niên, trẻ em cũng có thể tử vong vì Covid-19. Càng nghĩ tôi lại càng lo cho các con ở nhà, chỉ một sơ suất nhỏ khi giao nhận lương thực, thực phẩm là có thể mắc Covid-19. Lo hơn khi các con chưa được tiêm vaccine, hậu quả thật khó lường. Nhiều đêm liền vợ chồng tôi không ngủ được, sau ca trực hai vợ chồng nhìn nhau, lòng chung một nỗi niềm: không biết giờ này 3 đứa con ra sao”, Thiếu tá Dương Đức Tuất chia sẻ.
Hơn 100 ngày đêm không nghỉ
Vào trận chống dịch Covid-19, Trung tá, bác sĩ Nguyễn Xuân Thành (công tác tại BV Quân y 175) được phân công phụ trách ban chỉ đạo tuyến và phòng khám tiền phương (sàng lọc Covid-19 cho nhân viên y tế, người dân trước khi vào BV làm việc, khám chữa bệnh). Công việc mỗi ngày của anh là khám, sàng lọc phân loại để đảm bảo phát hiện sớm người mắc Covid-19.
Nhiệm vụ không kém phần nặng nề nhằm đảm bảo an toàn cho BV, với mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa khám chữa bệnh cho nhân dân. Thế nhưng, ngoài công việc ở BV, bác sĩ Xuân Thành còn tham gia hỗ trợ các tuyến, tư vấn, chăm sóc sức khỏe, phân loại, phân luồng, chuyển tuyến, điều trị Covid-19 cho các đơn vị quân đội. Khi khám sàng lọc, anh nhận thấy thời gian giãn cách kéo dài, đi lại khó khăn nên nhiều người cơ thể suy nhược, không ít người bệnh chuyển nặng trước khi đến BV. Chứng kiến nhiều hoàn cảnh như vậy, anh đau đáu suy nghĩ tìm cách trợ giúp người dân từ xa.
Xuất phát từ suy nghĩ đó, sau ca trực, bác sĩ Nguyễn Xuân Thành lao vào hỗ trợ, giúp đỡ người dân. Việc làm đầu tiên sau ca trực là anh gọi điện thoại về quê, vận động bà con ủng hộ, gửi lương thực, thực phẩm vào TPHCM. Những lô hàng trứng gà, vịt, bí đỏ, rau xanh… được chuyển vào tuyến đầu phòng chống dịch, nơi nhận đầu tiên là BV Quân y 175 và người dân ở phường An Phú Đông (quận 12). Anh còn ủng hộ, vận động để thành lập quỹ cung cấp sữa miễn phí cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch ở BV 175 trong suốt 3 tháng dịch.
Trong lúc TPHCM thực hiện giãn cách, việc đi lại của người dân gặp khó khăn, bác sĩ Nguyễn Xuân Thành tiếp tục tham gia đội hình tình nguyện tư vấn, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ở quận Gò Vấp và quận 12. Trong những ngày tháng đỉnh dịch, tháng 8-2021, bác sĩ Xuân Thành tình nguyện khám online, cấp thuốc điều trị cho gần 200 trường hợp F0 là bà con hoàn cảnh khó khăn và hộ nghèo.
Ngoài ra, anh cũng lập đường dây nóng để tư vấn miễn phí cho các trường hợp F0 trong nhiều nhà máy, xí nghiệp ở TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương. Công việc tư vấn miễn phí cho F0 hiện vẫn được bác sĩ Nguyễn Xuân Thành tiếp tục duy trì, với hơn 100 ngày đêm không nghỉ chống dịch, anh mong muốn bằng kiến thức, kinh nghiệm của mình phần nào hỗ trợ, chia sẻ, giúp các F0 vững tin, yên tâm mau chóng vượt qua dịch bệnh.
Theo sggp