Chăm sóc trẻ khỏe giai đoạn 15 tháng tuổi – Y Học Cộng Đồng

 

Phát triển thể chất

Ở độ tuổi 15 tháng trẻ có thể: tự đi‚ cúi người‚ đi giật lùi‚ và trườn lên bậc cầu thang. Trẻ có thể ghép hai khối đồ chồng lên thành tháp‚ có thể tự bốc ăn và uống bằng cốc. Trẻ có khả năng bắt chước vẽ các nét chữ hoặc hình vẽ.

Phát triển cảm xúc

Trẻ ở giai đoạn 15 tháng tuổi có thể diễn đạt được nhu cầu của mình cho người khác thấy thông qua điệu bộ và cử chỉ. Trẻ có thể tỏ ra khó chịu khi không được cho những thứ trẻ đòi. Trẻ có thể bắt đầu biết thể hiện thái độ giận dữ.

Phát triển xã hội

Trẻ thích bắt chước người khác và ngày càng trở nên tự lập hơn.

Phát triển trí tuệ

Ở giai đoạn 15 tháng tuổi, trẻ hiểu được các mệnh lệnh đơn giản. Mỗi trẻ thường biết được 4-6 từ và có thể nói được các câu ngắn có hai từ. Trẻ biết lắng nghe các câu chuyện và có thể chỉ được một vài bộ phận trên cơ thể.

Tiêm chủng

Ở lần khám này, nhân viên y tế có thể chỉ định cho trẻ chủng ngừa:

  • Liều thứ nhất của vắc-xin ngừa viêm gan A.
  • Liều thứ 4 của vắc-xin DTaP (bao gồm biến độc tố  bạch hầu‚ uốn ván‚ và ho gà vô bào).
  • Liều thứ 3 vắc-xin bại liệt bất hoạt (IPV).
  • Liều thứ nhất vắc-xin tổng hợp MMR-V (quai bị‚ sởi‚ rubella, và thủy đậu).

Lưu ý là tất cả những liều chủng ngừa trên đều có thể chỉ định cho bé ở lần khám 12 tháng tuổi. Trong mùa cúm‚ bạn cũng nên cho trẻ tiêm một liều phòng bệnh cúm.

Xét nghiệm cho trẻ

Tùy vào sự hiện diện của các yếu tố nguy cơ mà bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm phù hợp cho từng trẻ.

Dinh dưỡng và sức khỏe răng miệng

  • Những trẻ đang bú mẹ nên tiếp tục được cho bú.
  • Hằng ngày trẻ nên được uống 2 đến 3 cốc sữa tươi nguyên kem (tương đương với 470-710 ml).
  • Nên uống tất cả các loại sữa/nước hoa quả/thức ăn… bằng cốc chứ không bằng bình để chống sâu răng.
  • Hạn chế uống các loại nước hoa quả chứa vitamin C quá nhiều, không nên vượt quá 116-177 ml, và khuyến khích trẻ uống nước lọc.
  • Dùng thực đơn cân bằng cho trẻ và khuyến khích trẻ ăn rau quả.
  • Cho trẻ ăn 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ trong một ngày.
  • Cắt đồ ăn thành miếng nhỏ để trẻ không bị nghẹn.
  • Cho trẻ ngồi ở ghế ăn cao ngang bàn để tăng giao tiếp của trẻ trong bữa ăn.
  • Đừng ép trẻ phải ăn hết tất cả thức ăn trong đĩa.
  • Tránh cho trẻ ăn các loại hạt cứng‚ kẹo cứng‚ ngô bung‚ và kẹo cao su để tránh bị dị vật đường thở do hít sặc khi nuốt.
  • Khuyến khích trẻ tự ăn bằng thìa và có bát/đĩa riêng.
  • Trẻ cần đánh răng sau bữa ăn và trước khi đi ngủ.
  • Nếu dùng kem đánh răng cho trẻ thì nên dùng loại không chứa chất Fluoride.
  • Trong một số trường hợp bác sĩ có thể khuyên bổ sung chất Fluoride cho trẻ.

Khuyến khích trẻ tự an

Hình ảnh minh họa: Khuyến khích trẻ tự ăn

Phát triển

  • Đọc sách cho trẻ hàng ngày và khuyến khích trẻ chỉ vào một vật khi bạn đọc tới vật đó.
  • Chọn sách có nhiều hình vẽ thú vị.
  • Hát lại các điệu nhạc và bài hát cho trẻ nghe hoặc khuyến khích trẻ bắt chước theo.
  • Gọi tên các đồ vật chính xác và nhất quán để trẻ học theo. Giải thích bạn đang làm gì cho trẻ nghe khi trẻ tắm‚ ăn‚ mặc và chơi.
  • Tránh sử dụng những từ ngữ không có nghĩa (từ mới do tự trẻ hoặc cha mẹ nghĩ ra)
  • Chơi các trò chơi tưởng tượng với búp bê‚ các khối đồ‚ hoặc các đồ vật thông dụng trong nhà.
  • Có thể bắt đầu giới thiệu một ngôn ngữ thứ hai cho trẻ nếu bố mẹ sử dụng nhiều ngôn ngữ.
  • Có thể bắt đầu cho trẻ tập dùng bồn cầu. Nhưng thường trẻ chỉ sẵn sàng dùng bồn cầu khi được khoảng 24 tháng tuổi.

Ngủ

  • Hầu hết các trẻ vẫn còn 2 giấc ngủ ngắn mỗi ngày.
  • Nên tập cho trẻ có các giấc ngủ dài và ngắn đúng giờ.
  • Khuyến khích trẻ ngủ ở giường riêng.

Các lời khuyên cho cha mẹ

  • Mỗi ngày nên có khoảng thời gian riêng chỉ có bạn và trẻ với nhau.
  • Ở giai đoạn này‚ bạn cần biết là con bạn ít có khả năng để hiểu về hậu quả từ các hành động của trẻ. Do đó người lớn cần giúp trẻ biết kỷ luật và giới hạn. Có thể dùng biện pháp “hết giờ” để luyện cho trẻ có tính kỷ luật.
  • Giảm thời gian xem ti vi của trẻ xuống. Trẻ ở giai đoạn này cần chơi các trò chơi hoạt động và cần tương tác với người khác. Khi trẻ xem ti vi thì bố mẹ nên xem cùng và chỉ nên xem ít hơn một tiếng mỗi ngày.

Đảm bảo an toàn

  • Cần tạo môi trường an toàn xung quanh các trẻ.
  • Giữ nhiệt độ máy sưởi nước (nếu có) không nên vượt quá 49°C.
  • Tránh các dây lòng thòng như dây điện‚ dây rèm cửa‚ hay dây điện thoại.
  • Giữ môi trường xung quanh trẻ không có khói thuốc lá cũng như không có các loại thuốc uống hay hóa chất.
  • Sử dụng cửa tự đóng xung quanh bể bơi và có cửa chắn phía trên cầu thang đề phòng trẻ bị ngã cầu thang.
  • Khi lái xe hơi riêng‚ bạn cần cho con bạn ngồi chắc chắn trên ghế an toàn ở giữa hàng ghế sau và không bao giờ được cho trẻ ngồi hàng ghế trước cạnh vị trí túi khí. Cài ghế an toàn này theo cách trẻ có thể nằm dựa vào ghế và nhìn về phía sau xe cho đến khi trẻ được 2 tuổi hoặc khi trẻ phát triển chiều cao/cân nặng quá giới hạn của ghế cài đặt theo cách này (thường khoảng 9.1 kg).
  • Lắp máy phát hiện khói trong nhà và đảm bảo thay pin thường xuyên cho máy này.
  • Cần đậy nắp chặt các lọ thuốc và để ở vị trí trẻ không lấy được. Giữ các loại hóa chất và chất tẩy rửa ở vị trí trẻ không với tới được.
  • Nếu bình chữa cháy được đặt trong nhà cần khóa cẩn thận để trẻ không tự mở được.
  • Cẩn thận với chất lỏng nóng và đảm bảo trẻ không kéo được các dụng cụ đang nấu nóng ra (tay cầm nên hướng vào phía trong). Dao kéo và các vật nặng cũng cần được để ở chỗ trẻ không lấy được.
  • Luôn để mắt tới con bạn‚ kể cả khi bạn tắm.
  • Đảm bảo đồ đạc trong nhà‚ kệ sách‚ tivi được kê cẩn thận đề phòng rơi vào người trẻ.
  • Đảm bảo các cửa được đóng để trẻ không ngã ra ngoài.
  • Đảm bảo cho con bạn được đeo kính râm để tránh cả hai loại tia cực tím A và B với chỉ số tránh nắng ít nhất là 15. Bị cháy nắng khi trẻ còn nhỏ có thể gây những ảnh hưởng nghiêm trọng hơn về sau. Do đó nên tránh đưa trẻ ra nắng vào những lúc nắng nhất trong ngày.
  • Bạn cần biết số điện thoại của trung tâm sức khỏe và trung tâm phòng chống độc chất (nếu có) gần nhà và giữ số điện thoại đó ở nơi dễ tìm như gắn vào tủ lạnh.

Tài liệu tham khảo

http://www.rockwallpediatrics.com/pdfs/WellChild_15Months.pdf