Cha mẹ nên biết cách chăm sóc khi trẻ bị sởi để tránh biến chứng
Bệnh sởi có khả năng lây truyền nhanh chóng, trở thành dịch trong cộng đồng. Đặc biệt, nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm tới tính mạng. Vì thế chăm sóc khi trẻ bị sởi sao cho đúng là vấn đề cấp thiết cần được các bậc cha mẹ đặc biệt lưu tâm.
26/04/2021 | Vắc xin sởi có những loại nào, tiêm khi nào và lưu ý gì khi tiêm?
11/10/2020 | Cần làm gì để phòng tránh và giảm thiểu nguy hiểm từ bệnh sởi
25/06/2020 | Thông tin từ A đến Z về bệnh sởi
Nội Dung Chính
1. Nhận diện đúng triệu chứng của bệnh sởi
1.1. Sởi do đâu mà có
Sởi do virus Paramyxovirus gây nên và được lây truyền nhanh chóng qua nhiều con đường:
– Tiếp xúc với các giọt hô hấp có trong không khí được bắn ra từ nước mũi hay nước bọt của người bệnh khi họ ho, hắt hơi, nói chuyện,…
– Tiếp xúc với các dịch tiết của người bệnh.
– Tiếp xúc với đồ vật chứa virus sởi của người bệnh.
Virus gây bệnh sởi dễ dàng lây lan qua giọt bắn từ người bệnh
Virus gây bệnh sởi sống trong chất nhầy ở mũi và cổ họng của người bệnh trước khi phát ban khoảng 4 ngày rồi 4 – 5 ngày sau đó nó tiếp tục phát triển. Đây cũng là thời điểm virus dễ lây bệnh nhất nên khi chăm sóc trẻ cha mẹ cũng cần thận trọng.
1.2. Những triệu chứng của bệnh sởi
Để chăm sóc khi trẻ bị sởi đúng cách trước tiên cha mẹ cần nắm được các triệu chứng nhận diện của bệnh lý này. Sởi trải qua 4 giai đoạn với các triệu chứng điển hình như sau:
– Giai đoạn ủ bệnh: 4 – 10 ngày, không có triệu chứng điển hình, một số trẻ có thể sốt nhẹ.
– Giai đoạn khởi phát: 3 – 5 ngày, là thời điểm bệnh dễ lây lan.
Các triệu chứng thường gặp ở trẻ lúc này gồm:
+ Sốt cao, sốt liên tục.
+ Chảy nước mắt, nước mũi; hắt hơi; mi mắt hơi phù, mắt đỏ; tiêu chảy; ho khan hoặc kèm theo đờm.
+ Trẻ thấy mệt mỏi, cơ khớp và đầu bị đau.
+ Trong miệng trẻ có các chấm nhỏ màu đỏ bị sung huyết.
– Giai đoạn phát ban:
Xuất hiện các nốt ban đỏ sau tai, gáy của trẻ rồi lần lượt lan sang má, cổ, ngực, bụng, lưng và tứ chi. Ban có màu hồng nhạt, sẽ biến mất khi kéo căng da, có thể tồn tại riêng lẻ hoặc thành từng đám. Nếu bị nặng trẻ có thể chảy máu miệng, mũi hoặc đi ngoài có lẫn máu trong phân.
– Giai đoạn hồi phục
Theo thứ tự mọc ban đầu, ban sẽ lặn đi sau khoảng 6 ngày để lại vết thâm trên da. Khi này, trẻ sẽ ăn kém và mệt mỏi nhưng sẽ lại sức và hết sốt.
2. Chăm sóc khi trẻ bị sởi đúng cách để tránh biến chứng
2.1. Những biến chứng có thể xảy ra khi chăm sóc trẻ không đúng cách
Chăm sóc khi trẻ bị sởi nếu không đúng cách có thể khiến trẻ đứng trước nguy cơ mắc các biến chứng sau:
Sởi có thể biến chứng viêm phổi nếu chăm sóc khi trẻ bị sởi không đúng cách
– Suy dinh dưỡng.
– Viêm đường tiêu hóa.
– Viêm đường hô hấp trên.
– Viêm đường hô hấp dưới.
– Viêm màng não.
Nguy hiểm nhất của tình trạng biến chứng do sởi đó là trẻ bị trầm cảm, tâm thần phân liệt, tổn thương não, tử vong.
2.2. Chăm sóc trẻ bị sởi đúng cách ngay tại nhà
2.2.1. Vệ sinh cơ thể và môi trường sống
Chăm sóc da, mắt, răng, miệng cho trẻ bị sởi cần được đặc biệt chú ý bởi nếu sai cách có thể gây lở loét, nhiễm khuẩn. Muốn tránh tình trạng này cha mẹ nên thường xuyên sử dụng khăn sạch và mềm để lau miệng cho trẻ; lau mặt và lau người bằng nước ấm; nếu trẻ lớn hãy cho trẻ dùng nước muối để súc miệng. Mỗi ngày trẻ cần được nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý 3 – 4 lần.
Ngoài ra, trong thời gian bị sởi trẻ cũng cần được cách ly, kiêng gió, ở phòng sáng và thoáng nhưng không có gió lùa. Ga đệm, chăn màn của trẻ cần được giặt giũ thường xuyên bằng nước nóng, phơi ở nơi có nắng hoặc sấy khô để đảm bảo vệ sinh. Tất cả các vật dụng cá nhân của trẻ, đồ chơi hay sàn nhà đều cần được tẩy trùng.
2.2.2. Chế độ dinh dưỡng
Do mệt mỏi trong người nên trẻ dễ lười ăn, vì thế trong quá trình chăm sóc khi trẻ bị sởi cha mẹ nên nấu đồ ăn dạng lỏng, dễ tiêu hóa nhưng đảm bảo đủ. Những trẻ đang bú mẹ cần được duy trì và bú nhiều hơn để tăng đề kháng. Thực phẩm giàu protid và caroten cần được ưu tiên trong chế độ ăn của trẻ.
Cha mẹ cũng cần lưu ý khi chế biến đồ ăn cho trẻ hãy tránh các thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, thủy sản, thịt gia cầm, thịt chó, thịt dê, côn trùng,… và các loại rau thơm có tính kích thích, gia vị cay nóng. Những trẻ lớn cần được đảm bảo uống đủ nước, nhất là nước hoa quả, dung dịch oresol khi trẻ bị tiêu chảy, sốt cao.
2.2.3. Việc dùng thuốc
Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C cha mẹ có thể dùng thuốc paracetamol theo cân nặng để giúp trẻ hạ nhiệt. Tuyệt đối không được dùng thuốc kháng sinh cho trẻ với bất kỳ mục đích nào. Những trường hợp khi trẻ bị viêm đường hô hấp mới dùng kháng sinh và cần có chỉ định từ bác sĩ.
Trẻ bị sởi nếu sốt kéo dài, dùng thuốc hạ sốt đúng liều mà không hạ sốt cần đến cơ sở y tế ngay
Bổ sung vitamin A cũng là việc nên làm khi chăm sóc trẻ bị sởi. Trẻ nên uống bổ sung 2 liều vitamin A, mỗi liều cách nhau 24 giờ. Nếu trẻ bị suy dinh dưỡng và có dấu hiệu ở mắt do thiếu vitamin A thì cần thêm một liều vào ngày hôm sau và một liều nữa vào 4 tuần sau đó. Liều lượng vitamin A cho trẻ cũng cần được tham vấn bác sĩ chuyên khoa.
2.2.4. Những điều cần chú ý
– Theo dõi thân nhiệt trẻ thường xuyên, nếu đã dùng thuốc hạ sốt đúng liều lượng mà trẻ không có dấu hiệu giảm sốt cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện.
– Thường thì trẻ chỉ sốt 3 ngày rồi hạ sốt và thời điểm này nốt sởi cũng bay dần và mất hẳn nhưng nếu thấy nốt sởi đã hết rồi mà trẻ vẫn tiếp tục sốt thì nguy cơ nhiễm trùng rất cao và trẻ cũng cần được đưa tới bệnh viện.
– Cần kiêng gió cho trẻ nhưng không nên kiêng nước vì lúc này da của trẻ còn yếu nên cần được vệ sinh sạch sẽ để tránh xảy ra viêm nhiễm.
– Tránh để mắt của trẻ tiếp xúc với ánh sáng vì mắt trẻ lúc này rất nhạy cảm với ánh sáng, đang đau nhức và ra nhiều gỉ.
– Trong quá trình chăm sóc khi trẻ bị sởi nếu trẻ có dấu hiệu mất nước do tiêu chảy, khó thở, sốt cao kéo dài, ho nhiều,… cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ điều trị tích cực.
Hầu hết các trường hợp trẻ bị sởi được chăm sóc đúng cách thì hệ miễn dịch sẽ tự loại bỏ virus trong khoảng 7 – 10 ngày. Do đó, biết cách chăm sóc khi trẻ bị sởi là điều mà cha mẹ nào cũng nên nằm lòng. Trong trường hợp cần được tư vấn thêm cha mẹ có thể liên hệ tổng đài của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC: 1900 56 56 56 để được giải đáp mọi thắc mắc và chia sẻ những thông tin hữu ích cho sức khỏe.