Cây tre trong đời sống người Việt
Từ thuở dựng nước, giữ nước, hình ảnh cây tre đã in đậm trong tâm trí người Việt Nam qua truyền thuyết Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc. Trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, thời xa xưa chưa có vũ khí hiện đại, tre là nguyên liệu chính để quân dân ta sáng tạo nên nhiều vũ khí lợi hại đánh giặc.
Vượt lên những khó khăn của môi trường sống, cây tre vẫn vươn lên cao vút và ngát xanh. Hình ảnh cây tre gợi lên bao phẩm chất cao đẹp của người Việt Nam, đó là sự cần cù, chịu thương chịu khó, lạc quan, yêu tự do, hiên ngang, bất khuất và giàu tình yêu thương, đoàn kết.
Thuở khẩn hoang miền Nam, những người đầu tiên đặt chân lên vùng đất mới dùng tre làm dụng cụ đánh bắt cá đồng, chuột đồng để mưu sinh… Trong đời sống, người dân dùng tre dựng nhà, vót đũa, đan rổ… Trong lao động, sản xuất, tre dùng làm bồ đập lúa, bồ chứa lúa, xịa, nia dùng sàng sẩy lúa gạo. Tre còn làm nhịp nối cho đôi bờ kênh, rạch ở những vùng nông thôn xưa. Vì hữu ích nên hầu hết các gia đình ở thôn quê đều trồng vài bụi tre quanh nhà để dùng khi cần. Trong tiềm thức của mỗi người Việt Nam, cây tre luôn có vai trò quan trọng.
Nhờ có nguồn nguyên liệu từ cây tre mà có nhiều nghề thủ công được hình thành, tạo việc làm cho nhiều lao động. Bà Phạm Thị Diễm Lệ, ngụ ấp Minh Tân, Minh Hòa (Châu Thành) gắn bó với nghề đan đát hơn 6 thập kỷ, bà không chỉ nặng lòng với nghề mà còn nặng lòng với những lũy tre, khóm trúc. Bà Lệ chia sẻ: “Tôi học nghề đan đát từ mẹ. Năm 10 tuổi tôi biết vót tre, đan đát, vót đũa, đến nay hơn 70 tuổi tôi vẫn gắn bó với nghề. Cây tre có lợi về mọi mặt trong đời sống. Mặc dù bây giờ có đồ nhựa nhưng nếu còn người xài đồ bằng tre thì vẫn còn người đan đát”.
Nghề đan đát từ lâu được công nhận là nghề thủ công truyền thống của dân tộc, tạo việc làm cho nhiều người dân. Kiên Giang có nhiều địa phương còn giữ gìn và phát triển các nghề thủ công liên quan đến tre, trúc như xóm nghề đan đát ở xã Phi Thông (TP. Rạch Giá), ấp Minh Tân, xã Minh Hòa (Châu Thành), xã Vĩnh Thuận (Vĩnh Thuận), xã Bàn Thạch (Giồng Riềng) với nhiều sản phẩm đa dạng như thúng, rổ, cần xé, xịa sàng gạo, xịa phơi cá cơm…
Trẻ em chơi đùa bên những rặng tre.
Ấp Minh Tân, xã Minh Hòa có 500 hộ với hơn 2.200 nhân khẩu, phần lớn người dân sống bằng nghề nông nghiệp là chính và nghề truyền thống đan đát từ tre, trúc. Chị Phạm Thị Diễm Trang – Giám đốc Hợp tác xã đan đát Hòa Tân cho biết, hợp tác xã thành lập năm 2010, tuy lúc đầu gặp nhiều khó khăn trong việc vận động thành viên tham gia, nhưng sau khi thấy được lợi ích hợp tác xã mang lại, người dân đăng ký tham gia. Người dân ở ấp đa số không có ruộng đất, nghề đan đát là nghề chính. Ngày trước, ai làm xong sản phẩm chèo xuồng đem đi bán, bây giờ hợp tác xã nhận đơn giao cho thành viên, sau khi làm xong, thành viên đem sản phẩm đến hợp tác xã có mối tới lấy, không phải lo đầu ra nên ai cũng phấn khởi. Hiện nhiều người chuộng đồ dùng bằng tre để bảo vệ môi trường nên nghề đan đát bắt đầu khởi sắc.
Ngoài các mặt hàng từ nghề đan đát truyền thống, cây tre còn là nguồn cảm hứng bất tận trong những tác phẩm nghệ thuật khi tả về quê hương, trang trí trong những khu du lịch miệt vườn, quán ăn, nhà hàng theo phong cách miền quê Nam bộ. Từ truyền thuyết đến hiện thực đời sống, tre giữ làng giữ nước, dựng nhà lập ấp và gắn với đời sống của người dân Việt Nam nói chung và người dân Nam bộ nói riêng. Chị Lâm Kim Tâm – chủ quán cơm Tre, đường Lạc Hồng, phường Vĩnh Lạc (TP. Rạch Giá) cho biết: “Cây tre làm được nhiều vật dụng hữu ích, thay thế nhựa dùng 1 lần, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường. Nhiều vật dụng của quán làm từ tre mộc mạc và dễ thương nên khách rất thích. Tôi mong muốn người tiêu dùng đánh giá cao hơn về cây tre”.
Cống hiến, đem lại giá trị tốt đẹp cho đời, thân tre dù không có hương thơm nhưng vẫn cuốn hút. Trong những bức tranh tả về miền quê Việt Nam, các họa sĩ thường vẽ khóm tre – hình ảnh biểu trưng của làng quê cũng như biểu trưng cho tính cách và tình cảm của dân tộc Việt Nam. Hình ảnh đó luôn hiện hữu trong tâm thức của mỗi người dân nước Việt.
Bài và ảnh: HỒNG MỤI