Cây Đinh lăng cẩm thạch: Đặc điểm, tác dụng và ý nghĩa phong thủy – CafeLand.Vn

Là loại cây không quá xa lạ với nhiều người, cây Đinh lăng cẩm thạch được biết đến với nhiều công dụng chữa bệnh và trang trí, làm đẹp không gian sống.

Cây Đinh lăng cẩm thạch là gì?

Đinh lăng cẩm thạch có tên khoa học là Polyscias balfouriana, thuộc họ ngũ gia bì, có tên gọi khác là cây đinh lăng đồng tiền, đinh lăng lá đốm hay còn gọi là cây đinh lăng lá tròn.

Là loại cây thân gỗ nên cây Đinh lăng có thể sống lâu năm, cao tới hàng chục mét. Đinh lăng có rất nhiều loại và xuất xứ từ nhiều vùng khác nhau, mỗi cây điều có vẻ đẹp và công dụng riêng.

Đặc điểm cây Đinh lăng cẩm thạch

+ Cây Đinh lăng cẩm thạch sống được môi trường râm mát, thích hợp bày trí ở trong nhà,cũng chịu được ánh nắng trực tiếp và trồng ngoài sân vườn.

+ Lá cây Đinh lăng có nhiều biến hóa màu sắc và hình dạng. Một số loại cây đinh lăng có lá kép dài và rộng, mép có răng cưa rất rõ. Một số có lá tròn điều như đống tiền xu hoặc lá kép, và cây đinh lăng cẩm thạch có lá dạng này.

+ Điểm nhận dạng nữa đó là phiến là màu xanh đốm trắng loang lỗ không điều không theo một quy tắc nào cả, có những lá đốm trắng nhiều hơn xanh, một số lại có màu xanh vượt trội hơn, mép lá có răng cưa, lá hơi nhám, cuống lá dài.

+ Cây Đinh lăng lá đốm có mùi thơm nhẹ dễ chịu và rất đặc trưng, vì vậy mà cây càng có giá trị và được giới chơi kiểng lá rất ưa thích trồng cây đinh lăng cẩm thạch bonsai.

Tác dụng của Cây Đinh Lăng Cẩm Thạch

– Làm cây cảnh trang trí: có thể sinh trưởng tốt ở nơi râm mát nên cây đinh lăng cẩm thạch thường được đặt trong nhà, phòng ngủ, phòng khách để trang trí. Bạn cũng có thể tạo tiểu cảnh mini từ loại cây này để tô điểm thêm cho không gian sống.

– Chữa bệnh: Lá cây đinh lăng có thể ăn sống như các loại cây gia vị khác. Đây là một loại thuốc quý và quen thuộc trong dân gian. Loại cây này có 8 loại Saponin oleanane cùng các Vitamin B1, B2, B6, C và 20 acid amin cần thiết cho cơ thể trong thành phần của cây.

Trong y học, cây đinh lăng có tác dụng tăng thể lực, chống stress, kích thích các hoạt động của não bộ, giải tỏa lo âu, mệt mỏi, chống oxy hóa, bảo vệ gan, kích thích miễn dịch.

Đặc biệt, rễ cây đinh lăng được quý như thảo dược nhân sâm, có tính hàn giúp thanh nhiệt, mát gan lợi tiểu. Tuy nhiên không được lạm dụng bởi rễ cây có chứa nhiều Saponin có thể làm vỡ hồng cầu, nên bạn chỉ dùng khi cần thiết và dùng đúng liều, đúng cách.

Ý nghĩa phong thủy của cây Đinh lăng cẩm thạch

Ngoài ra, cây Đinh lăng cẩm thạch còn có ý nghĩa phong thủy tốt nên còn được trồng thành các cây đinh lăng cẩm thạch mini để bàn rất tự nhiên và không kém phần sang trọng.

Cây có ý nghĩa tươi mới hạnh phúc, mang đến sự thoải mái, giúp nâng cao tinh thần, hiệu quả công việc. Nhiều gia đình lựa chọn cây đinh lăng bày trí hay làm cảnh trong nhà bởi vì bên trong cây đinh lăng mang một năng lượng xanh rất dồi dào, đem lại không khí trong lành, dễ chịu cho mọi người.

Theo phong thủy, loại cây này giúp ngăn chặn các điềm xấu và giữ được tài lộc cho gia chủ, bạn có thể tặng cây Đinh lăng cẩm thạch cho người thân, bạn bè,…

Cách trồng và chăm sóc cây Đinh lăng cẩm thạch

Cây Đinh lăng cẩm thạch có thể được nhân giống bằng cách giâm cành. Cắt từ cây giống, bạn giâm hom giống trong đất tơi, bón lót bằng phân và tưới nước. Sau đó phủ lên trên một lớp rơm hoặc bèo tây để giữ độ ẩm tạo độ mùn cho đất, có thể sử dụng lưới che nắng để che chắn cho cây con hoặc đặt chúng ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp và gay gắt.

Khoảng 25 – 30 ngày thì lá non bắt đầu ra, lá ra bắt đầu nhiều và dài tầm 10cm thì bạn có thể nhổ trồng ra chậu. Cây có thể thích nghi tốt với nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên, để trồng trong chậu thì nên để loại đất tơi xốp, có khả năng thoát nước nhanh, nhiều dinh dưỡng.

Lúc này, bạn cho cây ra nắng từ từ, bạn có thể trồng cây đinh lăng cẩm thạch râm mát hoặc nơi có ánh sáng trực tiếp. Nếu trồng trong nhà thì nên đặt ở vị trí nhiều ánh sáng như cửa sổ, ban công…

Cách chăm sóc cây Đinh lăng cẩm thạch

– Nhiệt độ: từ 20 – 25 độ C, chịu hạn tốt, ưa ẩm nhưng không chịu được úng.

– Nước tưới: Là loại cây ưa nước, nên nếu đặt cây ngoài trời, bạn cần duy trì tưới mỗi ngày 1 lần, tùy theo lượng đất trồng và khả năng giữ nước của đất để tưới lượng phù hợp. Với cây đinh lăng cẩm thạch trồng chậu trong nhà, bạn nên tưới ít nước hơn để tránh bị ngập úng, chỉ tưới khi thấy đất mặt se khô.

– Phân bón: Chú ý bón phân định kỳ cho cây đinh lăng cẩm thạch, khoảng 1 tháng 1 lần nếu trồng chậu và 2-3 tháng 1 lần trồng ngoài đất. Trong thời gian sinh trưởng cây cần bón phân tăng cường như Npk hoặc phân hữu cơ, phân trùn quế.

Ngoài ra, bạn cần thường xuyên cắt tỉa cành, lá khô già, để cây luôn thông thoáng, tránh sâu bệnh và phát triển được tốt hơn.