Câu đối ngày xuân

Câu đối ngày xuân

Sắc xuân xưa được dân gian khắc họa bằng những điều bình dị, thân thuộc, gợi thương nhớ: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Ngày nay, giữa đời sống hiện đại, bức tranh xuân đã thêm rực rỡ sắc màu, thêm nhiều nét vẽ sinh động, hấp dẫn. Tuy nhiên, câu đối tết vẫn luôn là thú chơi tao nhã, mỹ tục trong dòng chảy văn hóa truyền thống Việt.

Câu đối ngày xuânCâu đối tết thể hiện ước mong hướng về Phật, hướng về điều thiện để tìm niềm vui, an yên.

Có nhiều định nghĩa khác nhau về câu đối, nhưng tựu chung thống nhất: Đây là thể loại văn học – văn biền ngẫu, gồm hai vế đối nhau nhằm biểu thị một ý chí, quan điểm, tình cảm của tác giả trước một hiện tượng, một sự việc nào đó trong đời sống xã hội. Trong đời sống văn hóa truyền thống Trung Hoa, giá trị của câu đối được đề cao: “Nếu thơ văn là tinh hoa của chữ nghĩa thì câu đối là tinh hoa của tinh hoa”. Vì vậy, câu đối nhiều khi còn là “cuộc chơi”, “đọ sức”, “so tài” giữa các bậc túc nho xưa.

Theo dòng chảy thời gian, đặc biệt là những biến động của lịch sử, xuất phát từ Trung Hoa du nhập vào Việt Nam. Qua nhiều thế hệ, bằng tài năng, trí tuệ, sức sáng tạo, người Việt đã tạo nên thú chơi tao nhã, tinh tế, “đậm chất Việt”. Bên cạnh câu đối được viết bằng chữ Hán, người Việt đã sáng tạo nên câu đối viết bằng chữ nôm, chữ quốc ngữ, trong đó những câu đối tết có vị trí, ý nghĩa rất riêng.

Theo ông Lê Văn Bài, nguyên Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Thanh Hóa – người có hơn 20 năm công phu tìm hiểu, dõi theo, ghi chép, thực hành câu đối nhận định: Dịp tết đến, xuân về là thời điểm kết thúc một năm cũ, bắt đầu năm mới theo vòng quay vĩnh hằng của vũ trụ, là lúc vạn vật khoác lên mình bộ cánh mới, thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Trong hoàn cảnh đó, con người ta tùy vị thế xã hội, trí thức, cảm xúc mà có suy nghĩ riêng về thiên nhiên, đất nước, con người… Thuận lợi nhất, phù hợp nhất cho sự gửi gắm, thổ lộ nỗi niềm xuân, tâm tư lúc giao mùa này của con người là câu đối, vì nó ít chữ, ngắn gọn thích hợp với không khí nhộn nhịp của mỗi gia đình những ngày giáp tết, chuẩn bị tết và sự sôi nổi, hào hứng của những ngày đầu xuân (Câu đối và những giai thoại, 2020, NXB Hội Nhà văn).

Đó có thể là những câu đối dí dỏm như của Nguyễn Công Trứ: “Chiều ba mươi nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa/ Sáng mùng một rượu say túy lúy, dơ tay bồng ông phúc vào nhà”.

Cụ Nguyễn Khuyến viết nên câu đối bừng bừng sức xuân: “Tối ba mươi nghe pháo nổ đùng ờ ờ tết/ Sáng mùng một chạm nêu đánh cộc à à xuân”. Bà huyện Thanh Quan viết câu đối tết như có chút gì suy tư: “Duyên với văn chương nên dán chữ/ Nợ gì trời đất phải trồng nêu”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người có nhiều câu đối hay mỗi độ tết đến, xuân về. Xuân Giáp Thân năm 1944, khi viết bài “Chào xuân”, Bác Hồ có câu đối: “Rót cốc rượu xuân, mừng cách mạng/ Viết bài chào tết, chúc thành công”. Xuân Bính Tuất năm 1946 là một mùa xuân đặc biệt, mang đậm dấu ấn lịch sử đối với sự nghiệp cách mạng, với đất nước và Nhân dân ta. Đây là tết đầu tiên, mùa xuân đầu tiên của một nước Việt Nam độc lập: “Rượu cộng hòa, hoa bình đẳng, mừng xuân độc lập/ Bánh tự do, giò bác ái, ăn tết dân quyền”…

Tết xưa của người Việt, dẫu chuẩn bị mọi điều đã tươm tất mà chưa có sắc đỏ của đôi câu đối dán ngoài cổng hay treo trong nhà, treo bên ban thờ gia tiên, thì xem chừng chưa được đủ đầy. Do đó, những người không làm được câu đối, tết đến muốn có câu đối treo thì mua ở các chợ. Sau 23 tháng chạp thường có các cụ đồ viết câu đối bán cho người cần mua. Có người kĩ hơn, cầu kì hơn, tuy không biết làm câu đối, nhưng lại muốn có câu đối cho riêng mình, nói được tâm tư, ước nguyện của chính mình khi tết đến, xuân về. Họ sắm lễ vật, tìm đến các ông đồ hay chữ ngỏ thành ý xin câu đối về treo trong nhà. Các cụ đồ hay chữ, biết làm câu đối nghe họ kể về hoàn cảnh gia đình mà sáng tác cho họ một đôi câu đối…

Câu đối ngày xuân“Ông đồ trẻ” Hoàng Trọng Tuyển tặng thư pháp chữ Việt nhân dịp tết đến, xuân về.

Có rất nhiều tiêu chí đánh giá câu đối, trên cả phương diện nội dung và hình thức trình bày. Ông Lê Văn Bài cho rằng: “Một câu đối hay trước hết phải đảm bảo về các vế đối (đối ý, đối âm, đối từ, cách dùng từ), có sự sáng tạo, phản ánh thực tiễn cuộc sống, giàu chất nhạc, chất thơ”. Câu đối ngắn gọn, xúc tích nhưng không dễ làm, dễ viết nên càng được xem trọng. Tùy theo không gian, vị trí mà lựa chọn nội dung câu đối cho phù hợp. Anh Hoàng Trọng Tuyển- một người trẻ nhiệt huyết, say mê, gắn bó với nghệ thuật thư pháp cho biết: “Bên cạnh nội dung thì hình thức trình bày cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá về chất lượng của câu đối. Chữ viết phải đẹp, sống động như được “thổi hồn”, thể hiện được tâm – tài – ý của người viết. Ngoài ra, câu đối được trang trí thêm các hình vẽ, họa tiết tựa như bức tranh”.

Những ngày giáp tết, dạo một vòng quanh đường Lê Hoàn, Lê Lai, Tống Duy Tân, Nguyễn Duy Hiệu (khu vực bày bán cây cảnh, hoa)…, ghé vào các cửa hàng bán tranh nghệ thuật, đồ mỹ nghệ sẽ bắt gặp nhiều câu đối được trình bày công phu, đẹp mắt với nội dung ý nghĩa ca ngợi cảnh sắc thiên nhiên, câu chúc mừng năm mới, khắc họa không khí xuân, răn dạy đạo đức, lễ nghĩa, ước vọng cho tương lai… Trên thị trường, câu đối tết được bày bán với đa dạng, phong phú mẫu mã, chất liệu như giấy, gỗ mộc, sơn son thếp vàng… và chủ yếu được trình bày theo hình thức thư pháp chữ Việt nên phù hợp với hầu hết không gian nhà truyền thống hoặc hiện đại. So với thư pháp chữ Hán Nôm, thư pháp chữ Việt có lịch sử hình thành chưa lâu. Tuy nhiên, sự hình thành và phát triển của nó đã cho thấy tài năng, sức sáng tạo, khả năng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại của người Việt. Nghệ thuật thư pháp hàm chứa nhiều điều thú vị. Nó không chỉ đơn thuần là viết chữ sao cho đẹp, bay bổng, mà thể hiện chiều sâu tư tưởng, rèn luyện tính cách và răn dạy nhiều điều hay, ý nghĩa trong cuộc sống.

Ngày nay, giữa vòng xoay tất bật của cuộc sống, nhiều người có xu hướng hoài niệm, mong muốn được tìm về với giá trị văn hóa truyền thống. Chính điều đó càng tô đậm thêm nét tao nhã, sang trọng, tinh tế của thể loại văn học độc đáo này, cho mùa xuân thêm rộn ràng, rực rỡ, tràn đầy sức sống…

Bài và ảnh: Hoàng Linh