Câu chuyện gói bánh chưng ăn Tết

LÝ VIẾT TRƯỜNG

  –  

Thứ hai, 16/01/2023 14:31 (GMT+7)

Câu chuyện gói bánh chưng là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm dịp Tết. Mỗi vùng miền, địa phương lại có những cách làm bánh chưng khác nhau.

Bánh chưng là lễ vật quan trọng được người Việt dâng cúng ông bà tổ tiên trong tết Nguyên đán, tùy theo từng địa phương mà bánh chưng được gói theo những hình dạng khác nhau.

Người Việt ở đồng bằng châu thổ sông Hồng thường gói bánh vuông, người miền Nam gói bánh tét, người Tày, Nùng gói bánh chưng gù… Dù hình dáng bánh có khác nhau, nhưng tựu chung lại đấy vẫn là món bánh được làm nên từ gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, gói bằng lá dong và buộc bằng lạt.

Quy trình làm bánh chưng được người Việt chuẩn bị rất kỹ lưỡng, từ đầu tháng Chạp người ta đã chuẩn bị tre để chẻ lạt, chuẩn bị lá dong để gói bánh, chuẩn bị đỗ xanh và đụng lợn để làm nhân…

 Bánh chưng lưng gù của người Tày – Nùng. Ảnh: Viết Trường    Bánh chưng Tày vùng Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Ảnh: Viết Trường 

Bà Phạm Thị Thắm (48 tuổi, Hải Dương) cho biết từ đầu tháng Chạp bà đã ra chợ để tìm mua đỗ xanh, gạo nếp để gói bánh chưng. Loại đỗ xanh và gạo nếp này phải được lựa chọn kỹ càng, gạo nếp phải mẩy, đỗ xanh không bị mọt.

Khoảng ngày 26, 27 tháng Chạp khi đàn ông con trai chuẩn bị đụng lợn, thì những người phụ nữ cũng ra chợ để tìm mua lá dong, lạt để gói bánh. Bà Thắm cho biết lá dong phải chọn cẩn thận, bởi nếu lá nhỏ hoặc bị rách thì khi gói bánh sẽ xấu, thậm chí lúc luộc bánh có thể bị vỡ.

Nhiều địa phương phụ nữ là người chuẩn bị nguyên liệu để gói bánh, nhưng người trực tiếp gói lại là đàn ông. Những người gói bánh lâu niên thường không cần dùng khuôn, nhưng sản phẩm sau khi làm xong thì chiếc nào cũng giống nhau, mấy chục chiếc đều tăm tắp.

Không khí gói bánh chưng ngày Tết mang lại cho người ta sự háo hức, từng chiếc bánh được xếp vào nồi, ngọn lửa nổi lên và làn khói bay quện với mùi thơm của gạo nếp. Hình ảnh cả gia đình ngồi quây quần bên nồi bánh chưng, người già kể cho con trẻ nghe về những câu chuyện cổ tích, đợi đến lúc giao thừa vớt bánh chưng lên cúng gia tiên đã trở thành một phần ký ức không thể nào quên của mỗi người Việt Nam.

Bánh chưng sau khi chín được vớt lên nhiều người cẩn thận còn đem rửa qua nước lạnh, người ta cho rằng làm như vậy thì bánh sẽ có màu xanh và giữ được lâu. Đợi khi bánh nguội người ta cho bánh lên bàn thờ gia tiên, thắp hương và gửi tới bề trên với tất cả tấm lòng thơm thảo.

Xã Hùng Lô (TP.Việt Trì - Phú Thọ) nổi tiếng với nghề gói bánh chưng gắn liền với truyền thuyết từ thủa các Hùng Vương. Ảnh: Song HùngXã Hùng Lô (TP.Việt Trì - Phú Thọ) nổi tiếng với nghề gói bánh chưng gắn liền với truyền thuyết từ thủa các Hùng Vương. Ảnh: Song HùngXã Hùng Lô (TP.Việt Trì – Phú Thọ) nổi tiếng với nghề gói bánh chưng gắn liền với truyền thuyết từ thủa các Hùng Vương. Ảnh: Song Hùng

Trong mâm cỗ ba ngày Tết bánh chưng là món ăn không thể thiếu, khách đến chơi nhà bao giờ gia chủ cũng mời khách thưởng thức miếng bánh chưng, đáp lại thịnh tình của gia chủ khách vui vẻ thưởng thức và dành cho gia chủ những lời khen chúc.