Câu chuyện an toàn thực phẩm ngày tết
Câu chuyện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là vấn đề thời sự và được quan tâm đặc biệt của các nhà quản lý, mọi người tiêu dùng. Đây không phải là vấn đề được đặt ra ở một năm cụ thể nào mà là câu chuyện được bàn luận thường xuyên mỗi dịp tết đến xuân về.
Còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão, đây cũng là thời điểm “nóng” về thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng kém, hàng giả, hàng nhái được trà trộn tuồn ra thị trường. Vì thế, câu chuyện an toàn thực phẩm cũng được các ngành, các cấp đề ra, nhưng vẫn chưa ngăn chặn được vấn nạn này.
Thực phẩm những ngày tết được người dân tiêu thụ với một lượng lớn trong năm, từ các mặt hàng tươi sống, đồ khô cho tới các sản phẩm đồ uống… Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, thị trường thực phẩm những ngày này càng sôi động với sự đa dạng về chủng loại, mẫu mã. Và cũng từ đây, chỉ vì mục đích cá nhân là thu được lợi nhuận cao, thỏa mãn được lợi ích kinh tế, mà một số người kinh doanh đã bất chấp pháp luật, bất chấp đạo đức, họ sẵn sàng đưa hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc trà trộn vào tiêu thụ. Chính vì vậy, an toàn thực phẩm dịp tết là vấn đề rất được quan tâm và phải có giải pháp “triệt để” hơn.
Quan tâm vệ sinh an toàn thực phẩm để chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm là hết sức cần thiết, vừa cấp bách, vừa lâu dài, phải được thực hiện thường xuyên, liên tục để khống chế các nguy cơ “tiềm ẩn” gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, nhất là dịp tết. Tuy nhiên, dù cơ quan chức năng có kiểm tra, xử lý rốt ráo đến đâu, tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở cặn kẽ thế nào đi chăng nữa, nhưng nếu người kinh doanh vẫn “cố tình” vi phạm, còn người tiêu dùng vẫn “dễ dãi” trong tiêu thụ thì vấn đề an toàn thực phẩm vẫn là điều đáng “lo ngại”. Do vậy, điều quan trọng là ý thức trách nhiệm của cả người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng cùng đồng lòng và có trách nhiệm đối với sức khỏe của mình và cộng đồng.
Cùng với đó, cần làm tốt công tác truyền thông, hướng dẫn và giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải luôn tuân thủ các quy định đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời hướng dẫn cho người dân nhận biết về sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đã được kiểm định, chứng nhận an toàn thực phẩm của các cơ quan có thẩm quyền. Song song, cần đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá về sản phẩm, về địa chỉ bán an toàn để người tiêu dùng tiếp cận, lựa chọn và cơ quan chức năng dễ kiểm tra. Có làm được như vậy, niềm vui ngày xuân, bữa cơm sum vầy ngày tết mới trọn vẹn, không còn nỗi lo ám ảnh bởi thực phẩm bẩn.
Từ câu chuyện thời sự trên, về lâu dài, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, về công tác kiểm tra và xử lý vi phạm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Đồng thời chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm cho công chức, viên chức, người làm công tác quản lý an toàn thực phẩm các cấp, các ngành. Tăng cường truyền thông, phổ biến, hướng dẫn các văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.
Thực phẩm và sử dụng thực phẩm ngày tết là nhu cầu thiết yếu của mọi người, mọi nhà. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là yếu tố cần thiết để bảo vệ sức khỏe người dân vì thực phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của mỗi người. Tết Nguyên đán Quý Mão đang đến rất gần, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm lại được đặt lên hàng đầu nhằm đảm bảo mọi người, mọi nhà đón tết an toàn và sung túc. Chính vì vậy, tăng cường các giải pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thời gian này đóng vai trò đặc biệt quan trọng khi mà nhu cầu thực phẩm, cung cấp thực phẩm tương đối đa dạng, phong phú để tất cả mọi người, mọi nhà đều được đón một cái tết an toàn, vui tươi, hạnh phúc.