Cao Nguyên Đá Đồng Văn, Đồng Văn, Hà Giang

Cao nguyên đá Đồng Văn là cao nguyên địa chất nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên nhiều nước thế giới. Thiên nhiên đã ban tặng nơi đây núi non trùng điệp, cảnh vật thiên nhiên hùng vĩ. Nếu có dịp đến với tour du lịch Hà Giang chắc chắn đây là một điểm đến không thể bỏ lỡ. Hãy cùng Vietgoing khám phá nét đẹp hùng vĩ nơi đây nhé!

>>> Xem thêm: 

12 địa điểm tham quan ở Đồng Văn không đi là tiếc cả đời

1. Đôi nét về Cao nguyên đá Đồng Văn

Cao nguyên đá Đồng Văn (hay sơn nguyên Đồng Văn) là một cao nguyên đá trải rộng trên bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang, Việt Nam. Ngày 3 tháng 10 năm 2010, hồ sơ “Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn” đã được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (GGN) của UNESCO chính thức công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Vào thời điểm đó, đây hiện là danh hiệu duy nhất ở Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á

Cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở vùng núi cực bắc của Việt Nam, có diện tích là 2356,8km² và độ cao trung bình là khoảng 1.400 –1.600m. Cao nguyên có nhiều khu vực núi đá vôi nằm sát chí tuyến Bắc, có độ dốc khá lớn. Các thung lũng, sông, suối bị chia cắt rất nhiều.

>>> Xem thêm: 

Cao nguyên đá Đồng Văn trong băng giá

Nhiều mẫu hóa thạch của các loài đã được tìm thấy có tuổi cách đây 400-600 triệu năm. Cao nguyên Đồng Văn là một vùng núi đá có tuổi khác nhau từ kỷ Devon cho đến Pecmi, được bao quanh bởi các núi đất. Ở đây có mưa từ tháng 4 đến tháng 9, nhưng thiếu nước vào mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 4).

Hiện khu vực cao nguyên đá Đồng Văn là nơi cư ngụ của khoảng 250.000 người dân thuộc 17 dân tộc thiểu số khác nhau của Việt Nam, trong đó ngoài người H’Mông, Dao, Tày, Nùng còn có các dân tộc như La Chí, Pu Péo, Pà Thẻn, Lô Lô duy nhất sinh sống tại đây.

2. Cao nguyên với đa dạng sinh học

Không chỉ đa dạng về cổ sinh vật, Cao nguyên đá Đồng Văn còn có hai khu bảo tồn thiên nhiên là Khu bảo tồn thiên nhiên Du Già và Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Khau Ca. Hai khu bảo tồn này phong phú về các loài động, thực vật như cây lá kim, sơn dương phương Nam (một loài dê núi đơn độc) và nhiều loài chim bản địa.

Do đó, nơi này có hệ động thực vật rất phong phú, bao gồm 289 loài thực vật bậc cao, thuộc 83 họ; hệ động vật trên núi đá vôi với 171 loài trong 73 họ và 24 bộ. Có 27 loài gồm 17 loài thú, 2 loài chim và 8 loài bò sát là những động vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam.

Nổi tiếng nhất nơi này là loài voọc mũi hếch. Voọc mũi hếch, còn được gọi là voọc lông tuyết (Rhinopithecus avunculus) thuộc họ Khỉ Cựu, là một trong năm loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam. Loài vật này còn được phát hiện ở vùng núi châu Á, phía Nam Trung Quốc, thường sống ở những khu vực núi cao hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt.

Đây là một trong 25 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới, được xếp vào mức độ nguy cấp cao nhất trong Sách đỏ về các loài động vật bị đe dọa của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới và Việt Nam. Loài voọc mũi hếch đã từng được coi cho là đã tuyệt chủng cho đến khi được phát hiện lại vào đầu những năm 1990, chỉ được tìm thấy ở tỉnh Hà Giang với 200 cá thể.

>>> Xem thêm:

5 điểm du lịch nổi tiếng ở Mèo Vạc Hà Giang

3. Phát triển bền vững Cao nguyên đá Đồng Văn

Từ khi cao nguyên đá Đồng Văn được trao danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, lượng khách du lịch đến đây liên tục tăng, người dân cũng được hưởng lợi hơn nhờ du lịch. Đến nay 100% thôn bản, trường học trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn được tuyên truyền giáo dục về công tác bảo vệ, giữ gìn di sản.

Tại Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, bạn sẽ được đích thân các chàng trai, cô gái người dân tộc hướng dẫn tham quan các di chỉ địa chất, di tích lịch sử và đến từng gia đình tham quan đời sống thường ngày và văn hóa của người dân bản xứ.

Vào tháng 1-2, du khách sẽ đến với mùa hoa đào, hoa mận nở rộ khắp các triền núi, tháng 3-4 là mùa hoa gạo đỏ rực rỡ cổng trời, tháng 4-5 là mùa nước đổ, những thửa ruộng bậc thang tấp nập rộn ràng, tháng 6-8 là mùa trồng trọt, tháng 9-10 bạn sẽ đến với mùa lúa chín vàng no ấm, đặc biệt được quan tâm là tháng 10-12 với mùa hoa Tam Giác Mạch cánh mỏng manh chuyển từ trắng sang phớt hồng, ánh tím và đỏ sậm rất đặc trưng, tháng 12 về lại là mùa cải vàng rộ nở….

Đến vùng đất này, là đến thăm vùng đất địa đầu Tổ Quốc với cột cờ Lũng Cú đánh dấu điểm cực Bắc của đất nước, cùng nhau vượt qua Đèo Mã Pí Lèng, cung đường đèo hiểm trở dài 20km, cao 1.200m, nằm trên con đường mang tên Hạnh Phúc, nối liền thành phố Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc, ngắm nhìn những cô gái Mông ngồi dệt bên khung cửi, những nếp nhà trình tường đơn sơ, giản dị, những bờ rào đá bền bỉ, vững vàng…

Đến với Đồng Văn, đến với vùng đất “cúi mặt sát đất, ngẩng mặt đụng trời” này, bạn không chỉ có được những trải nghiệm vô cùng phong phú. Đến nơi đây là bạn sẽ góp phần vào công cuộc phát triển du lịch, đem lại cho người dân và Công viên địa chất toàn cầu nơi đây một sinh kế phát triển kinh tế bền vững, chú trọng tới việc nâng cao đời sống cho người dân, bằng cách khai thác văn hóa bản địa, trong sự hòa hợp với thiên nhiên.

Nguồn: Báo Quốc tế