Canh lá khổ qua rừng

Khổ qua rừng (còn gọi là mướp đắng) có nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Theo đông y, khổ qua rừng có tính hàn, vị đắng, không độc, là một bài thuốc dân gian trị nhiều chứng bệnh, nhất là bệnh tiểu đường.

Canh lá khổ qua rừng

Khổ qua rừng mọc hoang dại tự nhiên khắp các vùng rừng núi nước ta. Trước đây, mọi người muốn ăn khổ qua rừng phải vào rừng sâu tìm kiếm, hái về. Ngày nay, nhiều người “ghiền” khổ qua rừng nên đã tìm cách nhân giống và trồng ở vườn nhà. Bởi vậy, việc tìm khổ qua rừng để chế biến các món ăn không phải là chuyện quá khó.

Đặc điểm của khổ qua rừng là từ lá, dây, quả đều nhỏ hơn và đắng hơn gấp nhiều lần so với khổ qua nhà. Nhiều người thích ăn canh lá khổ qua rừng, nhưng vì sợ đắng nên thường đem lá bóp với muối và rửa sạch trước khi nấu. Thế nhưng những người sành ăn lại thích nấu nguyên chất vì như thế lá khổ qua mới giữ được vị đắng đậm đà, khó quên.

Lá của khổ qua rừng được chế biến nhiều món ăn ngon và bổ mát như: xào, luộc, ăn sống… Đặc sắc nhất là dùng nấu canh với thịt ba chỉ băm nhỏ. Để có được nồi canh ngon, người chế biến phải chọn hái lá non và đọt non, nơi cô đọng những thứ tinh túy nhất của đất trời, nấu canh ăn rất thanh đậm từ nơi đầu lưỡi đến cổ họng.

Hái lá về rửa sạch, dùng dao xắt nhỏ như rau nêm chờ chế biến. Thịt ba chỉ mua về rửa sạch, thái mỏng, băm nhỏ, nếu là thịt xay càng tốt. Bắc nồi lên bếp phi dầu ăn, cho thịt đã băm vào nồi tao chín, cho nước vào nồi thịt tao vừa khẩu phần ăn, nêm nếm gia vị. Lá khổ qua rừng rất mỏng và xắt nhỏ nên chín rất nhanh. Vì vậy, khi nồi nước sôi vài dạo, cho lá khổ qua vào, nước bắt đầu sôi lại, nhấc ngay xuống bếp. 

Thưởng thức món canh khổ qua rừng “đúng bài” nhất là lúc nồi canh còn âm ấm, chỉ cần húp một chén canh như thế, người toát mồ hôi sảng khoái như vừa mới được xông hơi.

Ngô Mã Thiên

>> Cất công kiếm khổ qua rừng
>> Khổ qua rừng