Cảnh báo bẫy lừa đảo việc làm thêm tại nhà dịp cận Tết

LƯƠNG HẠNH – NGUYỄN DUY

  –  

Thứ hai, 09/01/2023 11:49 (GMT+7)

Với mong muốn gia tăng thu nhập dịp cận Tết , nhiều người tìm đến các công việc làm thêm tại nhà trên các hội nhóm mạng xã hội. Dễ tin vào những lời mời chào “có cánh”, họ trở thành nạn nhân của các hình thức lừa đảo này.

Nhan nhản việc làm thêm ít vốn

Thời gian cận Tết, trên các nhóm tìm việc online, những thông tin quảng cáo, tuyển dụng việc làm thêm dịp này liên tục được đăng tải như: Tuyển người bình luận sản phẩm, đánh máy đề cương… với mức lương từ 100.000 – 300.000 đồng/ngày. Đối tượng tuyển dụng được nhắm đến là các mẹ bỉm sữa, học sinh, sinh viên… tìm kiếm việc làm thêm.

Không chỉ vậy, chiêu thức được các đối tượng đưa ra quảng cáo đều là những lời mời “có cánh”, hấp dẫn giới trẻ như: “Tuyển cộng tác viên tại nhà, làm việc qua ứng dụng TikTok”; “Cắt mác quần áo, dán bao lì xì… lương 7-10 triệu đồng/tháng”…  Ẩn sau các chiêu trò, các đối tượng lừa đảo dụ dỗ người lao động để chiếm đoạt tài sản.

Không khó để tìm được công việc làm thêm tại nhà dịp cận Tết. Ảnh: Nguyễn Duy.Không khó để tìm được công việc làm thêm tại nhà dịp cận Tết. Ảnh: Nguyễn Duy.

Cuối tháng 11.2022, thông qua Facebook, chị N.P.H. (30 tuổi, TP. Hồ Chí Minh) biết đến công việc cắt mác quần áo. Đang trong kỳ nghỉ sinh, đây là một công việc rất phù hợp với hoàn cảnh của chị.

Theo chị Â, đối tượng tuyển dụng “mồi” chị bằng thông tin công việc gia công với mức thu nhập 7,5 triệu đồng/cuộn; nếu làm chăm chỉ có thể hoàn thành trong vòng từ 5-7 ngày. Với giá thành phẩm rất cao nhưng chi phí để mua nguyên liệu chỉ vài trăm ngàn đồng. 

Chị Â vẫn hàng ngày cố gắng làm thật nhanh để nhận được tiền công. Thế nhưng, khi hoàn thành xong công việc, gửi hàng đi, chị gọi điện, nhắn tin lấy tiền công thì không liên lạc được.

Ở nhà trông con, không có nguồn thu nhập cộng thêm áp lực tài chính, chị chỉ hy vọng có một công việc làm vào những lúc rảnh rỗi để trang trải cuộc sống. “Số tiền tuy không quá lớn, nhưng tôi cũng phải chạy vạy từng đồng. Con trai tôi mắc bệnh viêm phổi, tôi chỉ hy vọng có tiền mua thuốc để chữa bệnh cho con”, chị Â nghẹn ngào nói.

Mất cả chì lẫn chài

Cuối tháng 11.2022, anh Đ.Q.H (sinh viên năm cuối, Đại học Công nghiệp Hà Nội) tìm được một công việc trên mạng xã hội với vị trí “Cộng tác viên vận đơn”. 

Mỗi ngày, anh H được đối tượng chỉ định 5 đơn hàng để mua thanh toán và nhận hoa hồng 5-15% giá trị đơn (điều này giúp cho các shop trên trang thương mại điện tử có nhiều lượt mua hàng, tăng sự tin cậy cho người mua hàng).

Các đơn này là ngẫu nhiên, có thể là váy áo, giày dép hay đồng hồ, nước hoa, trị giá từ 400 nghìn đồng đến 3-4 triệu đồng. Ngày đầu tiên, anh H thao tác mua các đơn hàng giá trị thấp thì được hoàn lại tiền gốc và hoa hồng rất nhanh chóng nên anh muốn làm nhiều hơn.

Số tiền ban đầu nhận về quá dễ dàng đã khiến anh H hoàn toàn tin tưởng, lúc này các đối tượng lừa đảo mới bắt đầu hối thúc nạp tiền với lý do “chậm sẽ hết đơn”. Dù không có tiền nhưng vì hoa hồng quá cao, anh H vẫn đi vay bạn bè tiếp tục nạp tiền. 

Đủ loại hình thức tinh vi được các đối tượng sử dụng với mục đích lừa đảo. Ảnh: Nguyễn Duy.Đủ loại hình thức tinh vi được các đối tượng sử dụng với mục đích lừa đảo. Ảnh: Nguyễn Duy.

Khi số tiền nạp lên đến hàng chục triệu đồng, đối tượng lừa đảo đã nêu lý do rất khó tin như: Tài khoản bị đóng băng; hệ thống lỗi… để trì hoãn việc rút tiền.

“Đến giờ tôi vẫn chưa tin mình đã bị lừa một khoản tiền lớn như vậy. Là một sinh viên còn chưa tốt nghiệp, giờ đây không những không còn tiền chi tiêu dịp Tết mà số tiền làm thêm ít ỏi cũng chỉ có thể cố gắng để trả nợ cho bạn bè” – anh H tâm sự.

Luật sư Nguyễn Đoàn – Hệ thống dịch vụ pháp lý Luật sư X cho biết: Tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà người thực hiện hành vi lừa đảo có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự:

Trường hợp hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 theo quy định tại Điều 15, NĐ 144/2021/NĐ-CP khi có hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả.

Trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt cao nhất đến chung thân.