Cân nhắc hàng thời trang tung chiêu giảm giá

Tại thời điểm này, các hãng và cửa hàng quần áo thời trang đua nhau giảm giá. Dạo một vòng đường Cầu Giấy (Hà Nội) các nhãn hàng thời trang từ bình dân đến cao cấp áp đều áp dụng chương trình giảm giá kích cầu tiêu dùng, gia tăng doanh thu. Với hàng loạt chiêu trò các thương hiệu áp dụng giảm giá như: Do cuối mùa cần thanh lý sản phẩm, thải hàng tồn, giảm giá, thanh lý mặt bằng xả kho từ 20% đến 50%. Thậm chí, nhiều nhãn hàng giảm đến 70% giá trị sản phẩm.

canh giac hang thoi trang tung chieu giam gia Đồng loạt các hãng và cửa hàng quần, áo thời trang đua nhau giảm giá.

Anh Bùi Việt Hùng, chủ một shop quần áo nam trên đường Xuân Thủy (Hà Nội) cho biết, trung bình mỗi năm anh mở khoảng 4 – 5 đợt sale off (giảm giá). Mỗi lần giảm từ 30 – 50%, đợt hàng thanh lý hết mốt có thể giảm 70%.

Qua tìm hiểu tại một số cửa hàng, đa phần khuyến mại dù có mức giảm thấp là 20% hay lên đến 70% thì các cửa hàng vẫn có lời. Anh Bùi Việt Hùng chia sẻ: “Mỗi tháng tôi thường sang Trung Quốc 2 lần để lấy hàng, giá rất rẻ. Khi về shop mình đưa giá bán cao gấp 2 – 3 lần, thậm chí gấp 5 lần so với giá gốc. Ví dụ, một chiếc áo nam, trung bình giá gốc tại chợ ở Trung Quốc là 70.000 đồng. Nhưng khi treo ở shop nó lên 300.000 – 350.000 đồng. Do vậy, nếu đợt giảm giá mức 50% sẽ còn 150.000 – 175.000 đồng, thậm chí giảm 70% thì giá bán vẫn cao hơn so với giá gốc”.

Tuy nhiên, không phải mặt hàng nào cũng có thể giảm giá. Anh cho biết, mỗi lần mở các đợt sale off, bản thân những người bán như anh phải tính toán rất kỹ. Từ khâu chọn mặt hàng nào giảm giá được, số lượng là bao nhiêu, giảm bao nhiêu % và dự kiến bán được bao nhiêu. Nếu mình không xem xét kỹ rất dễ bị lỗ, hoặc đợt sale làm không công.

Các thương hiệu thời trang như Nem, Format, Elise, Canifa… cũng đồng loạt “treo biển” giảm giá “kịch sàn”. Trong đó, thương hiệu Nem cũng áp dụng chương trình giảm giá sâu đến 70% giá trị sản phẩm. Các sản phẩm váy thiết kế, váy đầm, đầm suông của nhãn hàng Nem đều có giá niêm yết từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng. Tuy nhiên, giá sau khi giảm chỉ còn mấy trăm nghìn đồng. Ví dụ sản phẩm đầm suông có giá niêm yết là 1.754.000 đồng, giá giảm 70% là 499.000 đồng, đầm thiết kế có giá 1.815.000 đồng thì giảm giá 70%, chỉ còn 599.000 đồng.

Những chương trình khuyến mại đang được áp dụng đồng loạt, đa dạng các hình thức đơn vị bán lẻ cho rằng, giảm giá sâu để thanh lý sản phẩm, tri ân khách hàng? Hay là nâng giá niêm yết rồi giảm giá sâu để qua mắt người tiêu dùng.

canh giac hang thoi trang tung chieu giam gia Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng lo ngại cho rằng, các nhãn thời trang có thực sự là giảm giá để tri ân khách hàng?

Chị Hiền (đường Nguyễn Phong Sắc, Hà Nội) bày tỏ: Sản phẩm có giá 1 triệu, giảm 70% thì chỉ còn 300.000 đồng. Vậy giá trị thực của sản phẩm đó đang nằm ở đâu? Đây là chiêu của nhãn hàng tự nâng giá cao rồi giảm sâu để kích cầu người dùng, hay là bấy lâu nay người tiêu dùng đang bị các nhãn hàng thời trang móc túi một cách lịch sự. Là người kinh doanh nên tôi khẳng định, chẳng bao giờ người làm kinh doanh lại chấp nhận chịu lỗ để giảm giá sâu. Đó là chưa kể, mặt hàng thời trang còn chịu nhiều chi phí như chi phí thiết kế, nhân công sản xuất, chi phí cho nhân sự bán hàng, chi phí truyền thông… Dùng phép tính đơn giản để cộng trừ thì có thể thấy, người tiêu dùng đang bị móc túi bằng những tên gọi mang danh hàng hiệu.

Thực tế cho thấy, nhiều cửa hàng lợi dụng nhu cầu mua sắm trong dịp chuyển mùa đã trà trộn hàng chất lượng kém vào hàng thương hiệu bằng cách gắn mác mới để ăn theo, hoặc nâng giá lên cao rồi hạ xuống thấp – gọi là giảm giá. Vì thế người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ lựa chọn cửa hàng, đơn vị kinh doanh uy tín trước khi mua hàng.