Cần làm gì trước tiên nếu bị căng cơ do vận động?

Nguyên nhân thường gặp gây căng cơ là nâng vật nặng sai tư thế, vận động thể thao quá mức. Ngoài bầm tím và đau nhức, căng cơ còn gây sưng đỏ và yếu sức, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).

SHUTTERSTOCK

Khi bị căng cơ, người mắc phải nghỉ ngơi ngay lập tức và chườm đá càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, điều quan trọng là không được chườm đá trực tiếp lên da mà phải quấn cục đá quanh một chiếc khăn, vải hay vật dụng nào đó phù hợp.

Nước đá khi cho vào túi chườm hay bọc trong khăn sẽ giúp giảm viêm do căng cơ. Nhưng nếu chườm nước đá trực tiếp lên da có thể gây bỏng lạnh và những tổn thương khác.

Người bị căng cơ có thể chườm đá trong vài ngày sau chấn thương. Mỗi lần chườm khoảng 20 phút, cứ 2 đến 3 giờ chườm một lần. Khi hết sưng, họ nên chuyển sang chườm nóng.

Chườm nóng là cách hiệu quả để giảm sưng, mau hồi phục do căng cơ vì giúp tăng lưu thông máu. Tuy nhiên, chỉ được chườm nóng khi vùng căng cơ đã giảm sưng. Nếu chườm nóng ngay khi chấn thương có thể khiến sưng đau thêm nặng.

Nếu chưa thể thực hiện chườm nóng hay chườm lạnh thì hãy thực hiện phương pháp RICE, gồm nghỉ ngơi (rest), chườm lạnh (ice), bó vùng bị chấn thương bằng băng thun co giãn (compress) và kê vùng bị thương ở tay, chân cao hơn tim (elevate).

Nghỉ ngơi, hạn chế vận động sẽ giúp vết thương tránh bị sưng đau nghiêm trọng hơn. Chườm lạnh, băng thun co giãn và nâng cao vùng bị thương sẽ giúp giảm sưng. Phương pháp RICE hiệu quả với các chấn thương nhẹ và có thể đẩy nhanh quá trình hồi phục.

Ngoài các phương pháp trên, người bị căng cơ có thể uống thêm thuốc giảm đau không kê đơn. Nếu đang uống thuốc điều trị các bệnh khác thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống thuốc giảm đau, theo Medical News Today.