Cần làm gì khi lên cơn đau tim? – Bệnh viện Nhân Dân 115

Tại buổi sinh hoạt CLB bệnh nhân của khoa Tim mạch tổng quát, ThS.BS Thượng Thanh Phương chia sẻ thông tin cần biết về những dấu hiệu và nguyên nhân của cơn đau tim, chuẩn bị cấp cứu thế nào, cần làm gì khi lên cơn đau tim?…

Buổi sinh hoạt CLB bệnh nhân của khoa Tim mạch tổng quát ngày 1/11

Hầu hết bệnh nhân cảm thấy đau ngực nặng hoặc có cảm giác đè ép trong cơn đau tim. Đau có thể lan đến cánh tay, cổ, cằm và ra sau lưng. Đau có thể xảy ra bất cứ nơi đâu và thường kéo dài từ 30 phút đến vài giờ.

ThS.BS Thượng Thanh Phương cho biết, khi xảy ra cơn đau tim, việc nghỉ ngơi không làm giảm đau hoặc giảm rất ít, thay đổi tư thế cũng không giúp giảm đau. Một vài người có cảm giác khó tiêu và buồn nôn trong cơn đau tim. Đau ngực có thể đi kèm với vã mồ hôi, choáng váng và khó thở.

Tuy nhiên, cần lưu ý: một vài người không bị đau ngực trong cơn đau tim, thường là người đái tháo đường hoặc trên 75 tuổi.

Nguyên nhân của cơn đau tim là do chất béo lắng đọng, mảng xơ vữa gây hẹp mạch máu của tim hay còn gọi là xơ vữa động mạch. Bệnh động mạch vành phát triển khi mạch máu mang oxy đến cho tim bị cản trở. Xơ vữa động mạch có thể làm giảm lưu lượng máu và oxy đến cơ tim hay còn gọi là thiếu máu cục bộ. Dấu hiệu đầu tiên của bệnh mạch vành là đau ngực hay còn gọi là đau thắt ngực.

Động mạch có thể tắc hoàn toàn do mảng xơ vữa hoặc huyết khối (cục máu đông). Điều này thường xảy ra ở những động mạch đã bị tổn thương và hẹp bởi mảng xơ vữa. Khi bị huyết khối, dòng máu đến phần cơ tim sẽ bị tắc, tế bào ở những vùng cơ tim bị ảnh hưởng sẽ trở nên tổn thương vĩnh viễn.

Dấu hiệu của cơn đau tim tương tự như đau thắt ngực nhưng có 3 khác biệt chính:

– Đau nặng hơn

– Thường kéo dài hơn 20 phút.

– Nghỉ ngơi hoặc dùng Nitroglycerin không làm giảm đau.

Không giống cơn đau tim, đau thắt ngực sẽ biến mất khoảng 10 phút sau khi nghỉ ngơi hoặc uống những thuốc đặc biệt.

Khi động mạch vành bị hẹp sẽ gây đau thắt ngực. Nếu bệnh mạch vành không được kiểm soát bởi lối sống lành mạnh hơn thì việc tắc nghẽn sẽ xấu đi, và cuối cùng một vài động mạch vành bị tắc hoàn toàn và gây nên cơn đau tim.

Nếu bạn bị đau ngực khi vận động và giảm đau khi nghỉ ngơi, có thể bạn đã bị đau thắt ngực. Nếu bạn đang điều trị đau thắt ngực bằng thuốc, nghỉ ngơi cũng như uống thuốc không làm giảm đau ngực thì có thể bạn đang bị cơn đau tim và nên gọi trợ giúp ngay lập tức.

Trong đau thắt ngực, tim không nhận đủ oxy. Trong cơn đau tim cung cấp oxy đến cơ tim bị tắc hoàn toàn. Cơ tim bắt đầu chết theo từng phút. Trong vòng 6 giờ, tổn thương cơ tim sẽ lan rộng. Nếu điều trị thuốc trong giờ đầu của cơn đau tim thì cơ hội sống sót và giới hạn tổn thương tim là tốt nhất.

Tại bệnh viện hoặc phòng khám, bác sĩ sẽ đo điện tâm đồ (ECG) để xác định bạn có bị cơn đau tim hay không? Nếu có, bác sĩ sẽ cho thuốc làm giảm đau ngực, ổn định nhịp tim của bạn, giúp bạn thở tốt hơn.

Bác sĩ cũng có thể thông lại động mạch bị tắc bằng can thiệp (qua da, mổ) hay bằng thuốc làm tan cục máu.

Khi có những dấu hiệu của cơn đau tim, bạn cần biết:

+ AI -Bạn sẽ gọi cho ai?

+ KHI NÀO -Bạn sẽ được nhận sự chăm sóc y khoa?

+ Ở ĐÂU -Bạn sẽ đến và đến đó NHƯ THẾ NÀO?

+ GÌ -Những thông tin gì bạn cần cung cấp cho BS?

– Hãy gọi cứu lưu động 115 hoặc bất cứ ai có thể đưa bạn đến bệnh viện gần nhất khi đau ngực không hết trong vòng 15 phút sau nghỉ ngơi.

– Hãy gọi cứu lưu động 115 hoặc bất cứ ai có thể đưa bạn đến bệnh viện gần nhất khi đau ngực không hết trong vòng 15 phút sau nghỉ ngơi.

– Bạn nới rộng quần áo bó chặt và nằm hoặc ngồi ở tư thế thoải mái.

– Mở cửa sổ nếu phòng bạn không thông thoáng khí

– Nếu có ai đến giúp, hãy nhanh chóng đến phòng cấp cứu hơn là chờ cấp cứu lưu động. Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh nhân nguy kịch và người đó biết hồi sinh tim phổi (CPR), hãy gọi cấp cứu lưu động 115 rồi bắt đầu CPR.

– Nếu bạn đã có đơn thuốc, hãy theo sự hướng dẫn BS của bạn. Trong trường hợp bạn đang uống Nitroglycerin, hãy gọi sự trợ giúp khi đau ngực kéo dài trên 15 phút và 3 liều Nitroglycerin không làm giảm đau ngực.


– Khi đến phòng cấp cứu, bạn phải nói ngay “tôi đang bị đau tim” để được chú ý ngay lập tức.

– Những điều cần nói với BS phòng cấp cứu:

+ Kiểu đau ngực bạn cảm thấy

+ Nó bắt đầu khi nào

+ Đau thay đổi thế nào từ khi bắt đầu

+ Thuốc bạn đã dùng cho cơn đau và những thuốc gì bạn đang dùng thường xuyên để chữa các bệnh đi kèm (nếu có).

Khi đang lên cơn đau tim, rất khó để lập kế hoạch bạn sẽ phải làm gì trong lúc đó. Tốt nhất bạn nên chuẩn bị sẵn kế hoạch dự phòng, đừng chờ “nước tới chân mới nhảy”. Nếu điều trị sớm, tim sẽ tự lành những tổn thương nhỏ gây ra bởi cơn đau tim.

Và điều BS Thượng Thanh Phương cũng như các bác sĩ tim mạch luôn căn dặn bệnh nhân là: hãy cố gắng thực hiện lối sống lành mạnh, trong tương lai có thể dự phòng được cơn đau tim.

Kim Quy