Cần biết những bí quyết sống ở Nhật Bản | Kokoro

★ Thông tin cơ bản: Lựa chọn sử dụng đồ mới, đồ cũ và đồ thuê

Đối với thực tập sinh kỹ năng, kí túc xá của công ty thường có sẵn đồ điện gia dụng và các vật dụng khác, nhưng du học sinh hay kĩ sư thì phần lớn phải tự chuẩn bị chỗ ở và đồ dùng trong nhà. Đa số trường tiếng Nhật không có kí túc xá, còn trường đại học thì hầu như không có kí túc xá. Trường hợp tự đi thuê nhà, trong nhà thường trống không có đồ đạc, phải mua đến cả bóng đèn trong phòng. Vậy thì sắm sửa đồ dùng và đồ điện gia dụng như thế nào mới là khôn ngoan và tiết kiệm được chi phí? Ban biên tập của KOKORO sẽ giới thiệu với các bạn bí quyết để tiết kiệm!

<Nội dung trang>

1. 3 lựa chọn: Đồ mới, đồ cũ và đồ thuê
2. Thuê đồ gia dụng, đồ điện tử
3. Thuê và mua đồ, cách nào rẻ hơn?
4. Chi phí vứt đồ khi chuyển đi nơi khác
5. Cửa hàng đồ cũ
6. Tổng kết

1. 3 lựa chọn = Đồ mới, đồ cũ và đồ thuê

Ở Nhật Bản, bạn có thể mua được đồ đã qua sử dụng với giá rẻ ở những cửa hàng đồ cũ. Trên các trang rao hàng trên mạng như jmty, bạn có thể còn mua được đồ với giá rẻ hơn nữa, thậm chí, có trường hợp chỉ cần trả tiền phí vận chuyển là được cho đồ. Ngoài ra, trên những trang so sánh giá như kakaku thì bạn có thể còn mua được đồ mới với giá rất rẻ.
Tuy nhiên, nếu chỉ ở Nhật trong khoảng 2, 3 năm, bạn nên tính đến cả chuyện phải vứt bỏ đồ dùng khi trả nhà thuê. Ở Nhật Bản, khi trả nhà, bạn buộc phải dọn dẹp hoàn toàn để trả lại căn phòng trống, nhưng để vứt được đồ thì bạn sẽ vừa tốn tiền, vừa tốn công sức. Hãy suy tính tất cả các yếu tố như thời gian sử dụng, chi phí vứt bỏ v.v. để lựa chọn sử dụng đồ mới, đồ thuê và đồ cũ (đã qua sử dụng) một cách khôn ngoan nhé.
2. Thuê đồ gia dụng, đồ điện tử
Khi trả nhà, bạn sẽ phải vứt bỏ đồ đạc

Ở Nhật Bản, khi thuê nhà, đồ điện có sẵn trong phòng thường chỉ có điều hoà nhiệt độ, còn đồ gia dụng và đồ điện tử sẽ phải tự mình sắm sửa. Đã vậy, khi trả nhà lại phải dọn dẹp sạch sẽ không để lại thứ gì. Nếu bạn đi khỏi nhà mà bỏ lại đồ thì chủ nhà sẽ phải tự trả tiền để xử lý các thứ đồ đó. Như vậy, sau này khi người Việt Nam khác sang Nhật và đi thuê nhà sẽ bị kiểm tra khắt khe hơn.
Đồ kích thước lớn trong nhà khi vứt bỏ sẽ gặp nhiều khó khăn
Việc vứt bỏ đồ gia dụng, đồ điện tử kích thước lớn rất phức tạp. Nếu bạn có thể cho, tặng đồ dùng đó cho bạn bè thì sẽ không có vấn đề gì, còn không thì sẽ phải chờ đến ngày được quy định trước để vứt dưới dạng rác cỡ lớn. Hơn nữa, ở các thành phố lớn như Tokyo, bạn sẽ phải trả tiền để vứt đồ gia dụng, đồ điện tử. Thêm vào đó, khi vứt những thứ đồ như tivi, tủ lạnh, máy giặt v.v. thì bạn sẽ phải mua “tem tái chế đồ điện gia dụng”.
Thuê đồ cũng là một lựa chọn
Với những lý do như trên, nếu chỉ ở Nhật trong thời gian từ 2 năm trở xuống thì thuê đồ gia dụng, đồ điện tử cũng là một lựa chọn hay. Nếu lựa chọn thuê đồ thì bên cho thuê sẽ gửi đồ đến (khi chuyển vào nhà) và dọn đồ đi (khi trả nhà) miễn phí. Hơn nữa, nếu sử dụng đúng cách mà đồ bị hỏng thì sẽ được sửa chữa hoặc thay thế miễn phí. Tuy nhiên, việc thuê đồ gia dụng, đồ điện tử chủ yếu thực hiện qua các trang bằng tiếng Nhật. Nếu bạn chưa thành thạo tiếng Nhật mà muốn dùng dịch vụ này thì nên nhờ ai đó giỏi tiếng Nhật giúp đỡ.
Các món đồ gia dụng, đồ điện tử cho thuê được ưa chuộng
Dưới đây là các món đồ gia dụng, đồ điện tử cho thuê được nhiều người ưa thích. Đây chủ yếu là các loại đồ mà nếu mua thì khi chuyển đi sẽ khó vứt bỏ hoặc chỉ sử dụng trong thời gian ngắn thì không bõ số tiền bỏ ra mua.
Đồ gia dụng
Giường (giường, đệm), bàn và ghế bếp, bàn thấp, chăn đệm, kệ tivi
Đồ điện tử
Bộ đồ điện gia dụng (vài loại đồ điện tử gộp lại), tủ lạnh (2 cánh), máy giặt, lò vi sóng, tivi

Các cửa hàng cho thuê đồ tiêu biểu

Kasite.com
CLAS
DMM iroirorental
Tóm tắt

➤ Ở Nhật Bản, vứt bỏ đồ gia dụng, đồ điện tử khi trả nhà sẽ mất phí
➤ Nếu thuê đồ gia dụng, đồ điện tử thì khi trả nhà, bên cho thuê sẽ lấy lại đồ miễn phí

3. Thuê và mua đồ, cách nào rẻ hơn

Chúng ta thử tìm hiểu xem chi phí thuê đồ gia dụng và đồ điện tử là khoảng bao nhiêu nhé. Sau đó, ta sẽ thử so sánh xem giữa thuê và mua đồ mới thì cách nào lợi hơn. Ban biên tập KOKORO đã thử làm phép so sánh này.
Ví dụ về giá thuê đồ
Ban biên tập đã thử tìm hiểu chi phí thuê bộ đồ điện gia dụng của “kasite.com”. Mức chi phí thuê đồ cũ và đồ mới là khác nhau.
【Bộ đồ điện gia dụng 4 loại】
Ti vi LCD 24 inch + máy giặt hoàn toàn tự động (4,2kg) + tủ lạnh 2 cánh (loại 112 lít) + lò vi sóng (một chức năng)
Tiền thuê đồ (đã bao gồm phí vận chuyển)

Đồ cũ (đơn vị: yên)
Đồ mới (đơn vị: yên)

1 năm
67.280
93.580

2 năm
85.270
101.740

Ví dụ về mua đồ mới (sử dụng trang web so sánh giá)
Nếu mua đồ mới loại tương đương qua trang web so sánh giá thì hết bao nhiêu tiền? Chúng tôi đã thử tìm hiểu trên trang kakaku.com
Chi phí mua đồ mới (đã bao gồm phí vận chuyển)

Chi phí đã bao gồm thuế (đơn vị: yên)
Phí vận chuyển

Tivi LCD 24 inch
18.900
0

Máy giặt hoàn toàn tự động (4,2kg)
15.759
0

Tủ lạnh 2 cánh (112 lít)
18.413
0

Lò vi sóng (một chức năng)
4.980
0

Tổng cộng
58.052
0

※ Kết quả khảo sát tháng 4/2020
※ Giá cả liên tục thay đổi
Sau khi so sánh mức giá thuê đồ và mua mới
Bảng so sánh giá thuê đồ và mua mới

Thuê (đơn vị: yên)
Mua (đơn vị: yên)

Đồ cũ
Đồ mới
Đồ mới

1 năm
67.280
93.580
58.052

2 năm
85.270
101.740
58.052

※ Giá mua tính theo trang web so sánh giá
Sau khi so sánh kết quả, có thể thấy rằng so với thuê đồ mới, mua đồ mới một cách khôn ngoan vẫn có thể rẻ hơn. Các trang cho thuê đồ gia dụng, đồ điện tử thường quảng cáo kiểu như “thuê sẽ rẻ hơn mua đồ rất nhiều”, nhưng nếu ta biết cách mua sắm thì tương quan giá giữa hai lựa chọn có thể sẽ thay đổi.
Tuy nhiên, nếu mua đồ dùng có kích thước lớn, khi muốn vứt bỏ, bạn sẽ phải tốn công sức và tiền bạc. Như ví dụ trên đây, có thể thấy mức chênh lệch giá giữa thuê đồ mới và mua đồ mới là khá lớn, vì vậy, dù có tính đến cả chi phí vứt đồ đi nữa thì mua đồ mới vẫn có lợi hơn. Tuy nhiên, nếu so sánh giữa mua đồ mới và thuê đồ cũ, khi tính cả chi phí lúc vứt đồ thì phương án nào có lợi hơn còn tuỳ thuộc vào cách suy nghĩ. Chương tiếp theo sẽ giải thích chi tiết về chi phí khi vứt đồ.
Tóm tắt

➤ Mua đồ mới một cách khôn ngoan thì có thể vẫn rẻ hơn thuê đồ.
➤ Khi mua đồ mới, giá thấp nhất trên trang web so sánh giá nhiều khi còn thấp hơn giá bán tại cửa hàng điện máy lớn.
➤ Tuy nhiên, khi trả nhà thì phải vứt bỏ đồ đạc. Nếu thuê đồ thì bên cho thuê sẽ đến lấy lại đồ miễn phí.

4. Chi phí vứt đồ khi chuyển đi nơi khác
Chi phí và công sức vứt đồ khi trả nhà

Ở Nhật Bản, khi vứt tivi, máy giặt, tủ lạnh, điều hoà, bạn sẽ phải trả “phí tái chế đồ điện gia dụng”. Phí tái chế đồ điện gia dụng đối với loại tivi, máy giặt, tủ lạnh như trong ví dụ so sánh giá ở trên tổng cộng là 9.240 yên. Hơn nữa, trong trường hợp không tự mình mang đồ đến chỗ thu gom được thì sẽ tốn thêm “phí vận chuyển” (tổng cộng khoảng 9.000 yên) nữa. Bạn còn phải tự tìm kiếm và liên lạc với đơn vị thu gom đồ.
Đối với lò vi sóng thì không cần phải trả “phí tái chế đồ điện gia dụng”. Thay vào đó, bạn sẽ phải trả phí thu hồi rác cỡ lớn cho chính quyền địa phương. Phí này khoảng từ 0 ~ 400 yên. Thủ tục sẽ gồm các bước dưới đây.
Phương pháp vứt đồ như lò vi sóng
① Đăng ký với trung tâm nhận xử lý rác cỡ lớn của chính quyền địa phương (trước vài ngày)
② Mua “tem xử lý rác cỡ lớn có thu phí” ở các địa điểm như cửa hàng tiện lợi
③ Dán “tem xử lý rác cỡ lớn có thu phí” vào lò vi sóng
④ Để lò vi sóng ở đúng vị trí quy định vào ngày được yêu cầu
Cách bỏ đồ không mất tiền

Có cả cách để bỏ đồ gia dụng, đồ điện tử không mất tiền.
Nhượng lại cho người khác
・Đăng thông tin về đồ điện gia dụng không dùng nữa lên các phương tiện như mạng xã hội rồi nhượng lại cho người cần.
・Cho, tặng lại cho người quen hoặc kohai.
Tìm người cần đồ trên các trang cộng đồng
Bạn có thể bán cho người khác hoặc nhờ người khác nhận lại miễn phí thông qua các trang cộng đồng như jmty.
Dịch vụ thu mua đồ
Các “cửa hàng đồ cũ” được giới thiệu trong phần tiếp theo cũng thu mua lại các đồ dùng mà bạn không cần nữa. Giá thu mua thường rất rẻ, có trường hợp còn tốn tiền vận chuyển nữa, nhưng các cửa hàng đó mua lại cả đồ không phải do họ bán. Tuy nhiên, tùy theo tình trạng của món đồ mà có trường hợp cửa hàng sẽ không thu mua lại.
Tóm tắt

➤ Khi vứt bỏ tivi, tủ lạnh, máy giặt, phải đăng ký với bên thu mua, trả “phí tái chế đồ điện gia dụng”, “phí vận chuyển”.
➤ Khi muốn vứt các đồ điện gia dụng khác như lò vi sóng thì phải làm thủ tục với chính quyền địa phương.
➤ Có cả cách để vứt bỏ đồ không mất tiền (tuy nhiên, vận chuyển đồ gia dụng cỡ lớn là không đơn giản).

5. Cửa hàng đồ cũ
Lợi ích của cửa hàng đồ cũ

Ở Nhật Bản, có rất nhiều “cửa hàng đồ cũ” bán các loại đồ đã qua sử dụng rất phong phú, từ đồ điện tử, đồ gia dụng, đồ lặt vặt, quần áo, đồ trang sức, sách v.v.. Các cửa hàng này còn được gọi là “cửa hàng đồ tái sử dụng”. Ở các cửa hàng đồ cũ, có khi bạn có thể mua được cả đồ mới với giá chỉ bằng một nửa. Chỉ cần đến các cửa hàng đồ cũ và cửa hàng 100 yên thôi, bạn cũng có thể sắm sửa được rất nhiều đồ dùng thiết yếu cho cuộc sống mới với giá rẻ.
Nếu là đồ không cần gấp thì bạn cũng có thể tìm mua đồ đã qua sử dụng trên các trang web cộng đồng như jmty.
Các cửa hàng đồ cũ tiêu biểu
Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu các cửa hàng đồ cũ tiêu biểu. Có cả cửa hàng hỗ trợ dịch vụ vận chuyển và lắp đặt.
① Các cửa hàng thuộc chuỗi HARD・OFF

Các cửa hàng này gồm có HARD・OFF, OFF HousE, Hobby OFF, Garage OFF, MODE OFF, Liquor OFF, BOOK・OFF. Tên cửa hàng đều có từ “OFF”, có khoảng 900 cửa hàng trên toàn quốc.
HARD・OFF: Máy vi tính, đồ âm thanh, máy ảnh v.v.
OFF HousE: Hàng hiệu, đồ trang sức, đồ gia dụng, đồ điện tử, quần áo v.v.
BOOK・OFF: Sách, DVD, CD, phần mềm game v.v.
Có thể tìm kiếm cửa hàng từ link dưới đây (có tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Trung)
BOOK・OFF bán đủ loại sách cũ phong phú, ngoài ra ở đây còn bán rất nhiều đồ mới với giá chưa đến một nửa. Trang bán hàng qua mạng BOOK・OFF Online cũng rất dễ dùng, những đơn hàng giá trị từ 1.500 yên trở lên sẽ được miễn phí vận chuyển.
② 2nd STREET

Đây là chuỗi cửa hàng đồ cũ tổng hợp bán các loại quần áo, đồ gia dụng, đồ điện tử, đồ lặt vặt dùng hằng ngày v.v.. Có khoảng 600 cửa hàng trên toàn quốc.
Có thể tìm kiếm cửa hàng qua link dưới đây (tiếng Nhật)
https://www.2ndstreet.jp/shop
③ Treasure Factory
Đây là chuỗi cửa hàng đồ cũ tổng hợp có khoảng hơn 60 cửa hàng ở khu vực thủ đô Tokyo và Osaka v.v.. Nếu tính cả các cửa hàng chủ yếu mua bán quần áo cũ “TreFacStyle” hay cửa hàng chuyên đồ hiệu “Kindal” thì toàn bộ nhóm các công ty này có khoảng 160 cửa hàng.
Có thể tìm kiếm cửa hàng qua link dưới đây (tiếng Nhật)
https://www.treasure-f.com/
④ King Family
Đây là cửa hàng quần áo cũ quy mô lớn. Có hơn 70 cửa hàng trên toàn quốc. Có thể tìm cửa hàng qua link dưới đây (tiếng Nhật)
http://www.kingfamily.co.jp/shop/
⑤ Kaitori Okoku
Đây là chuỗi cửa hàng đồ cũ tổng hợp có hơn 40 cửa hàng tập trung chủ yếu ở tỉnh Aichi và tỉnh Gifu.
Có thể tìm cửa hàng qua link dưới đây (tiếng Nhật)
https://www.okoku.jp/inc/shop/
Ngoài các cửa hàng kể trên, ở từng địa phương còn có các cửa hàng đồ cũ quy mô nhỏ. Thời gian gần đây, các cửa hàng do người nước ngoài bao gồm người Việt, Hàn Quốc, Nepal v.v. vận hành đang ngày càng nhiều lên.
6. Tổng kết

➤ Không phải cứ thuê đồ là rẻ hơn mua đồ mới.
➤ Có thể mua được đồ rẻ hơn nữa ở các cửa hàng đồ cũ.
➤ Nếu mua đồ thì khi chuyển đi sẽ phải vứt đồ. Nếu thuê đồ thì sẽ được bên cho thuê lấy lại đồ miễn phí.
➤ Có cách để bỏ đồ không mất tiền (nhượng lại cho bạn bè hoặc kohai/bán lại trên mạng/bán cho cửa hàng đồ cũ).

Các bạn hãy ghi nhớ những thông tin này để sắm sửa đồ dùng còn thiếu cho cuộc sống mới một cách khôn ngoan. Khi chuyển đi, nếu các bạn bỏ lại đồ dùng trong phòng thì sẽ làm phiền cho chủ nhà và khiến cho kohai người Việt sau này đến thuê nhà bị kiểm tra khắt khe hơn. Hãy tính đến cả chi phí vứt đồ để lựa chọn sử dụng đồ mới, đồ cũ và đồ thuê sao cho hợp lý nhất nhé!