Cảm xúc chiều 30 Tết

Bỗng dưng tôi nhớ tới cô giúp việc của gia đình con gái tôi. Cô gắn bó với gia đình con tôi đã 8 năm, từ khi con gái tôi sinh đứa con đầu, từ khi cô mới 40 tuổi, giờ đã gần 50.

Quần quật cả năm, chiều 25 Tết cô ấy mới xin nghỉ về quê ăn Tết dưới Xuân Trường, Nam Định. Thế là từ hôm cô giúp việc về, cả nhà náo loạn. Vợ chồng đi làm về tới nhà là loạn cả lên, chồng hỏi vợ, vợ hỏi chồng cái gì để đâu, từ phòng khách đến trong bếp. Nhiều khi còn phải vớ điên thoại gọi về quê để hỏi cô giúp việc một thứ đồ đạc nào đó đang cất ở đâu mà cả 2 vợ chồng tìm không ra.

Lúc bình thường, vào ngày thường, người giúp việc chỉ là một người lao động phổ thông trong gia đình. Nhưng rồi khi vắng họ, thiếu họ, các gia chủ mới chợt nhận ra rằng, những người lao động đó đã âm thầm không biết từ bao giờ trở thành người cầm chịch cho lịch sinh hoạt của một gia đình, trở thành người chỉ huy, người nữ tướng điều binh bố trận cho sân sau của mọi gia đình. Nói văn vẻ một chút, họ trở thành linh hồn của hạnh phúc một gia đình, một phần không thể thiếu, không thể tách rời trong đời sống thường nhật của đại đa số các gia đình thành thị hôm nay.

Mấy ngày qua, con gái tôi phải gọi nhờ mấy trung tâm giới thiệu người giúp việc, nhưng trả đến mức giá 1,5 triệu đồng/1 ngày công từ 8h sáng đến 8h tối mà vẫn không có ai nhận làm.

Giá thuê cao thế mà vẫn không có ai nhận làm, không phải do bị làm giá, mà bởi không có nhân lực thật sự. Thế đâm ra lại hay. Con gái tôi, cũng như rất nhiều bạn bè nó, cũng như rất nhiều những người trẻ tuổi trong các gia đình thị thành, vào dịp lễ Tết lại thêm một lần nữa thấm thía, rằng những người lao động phổ thông vẫn luôn luôn “cao giá”, vẫn không ai thay thế được trong cuộc sống đô thị ngày nay.

Những người giúp việc, mà đôi khi bị gọi là “cô Ôsin” ấy, lại chính là yếu tố quan trọng làm nên cái Tết vui, Tết đẹp, Tết nhàn, Tết sạch sẽ, cho gia đình con gái tôi và bạn bè của nó, cho cả thành phố Thủ đô này. Và điều đó làm lòng tôi bỗng thấy vui khi ngoài kia giao thừa đang tới. Rồi tôi chợt nghĩ tới một bài báo tôi từng viết cũng trên Chuyên mục Cà phê Tối này.

Đó là câu chuyện Bác Hồ trong đêm Giao thừa cách đây tròn 61 năm (năm Nhâm Dần 1962) đã vi hành tới thăm gia đình chị Nguyễn Thị Tín – người nghèo nhất của Hà Nội ở ngõ Hàng Chĩnh, phố Lý Thái Tổ gần ngay bên hồ Hoàn Kiếm.

Đêm 30 Tết, trời rét căm căm, Bác bước xuống khỏi xe rồi cùng đoàn đi bộ vào trong ngõ tối. Nhà chị Tín vẻn vẹn chỉ có một gian hẹp, đơn sơ, tuềnh toàng. Vào đến nhà thấy mấy đứa trẻ đang ngồi chơi trên cái phản gỗ kê ở một góc.

Trong nhà chưa thấy có cái gì của không khí ngày Tết, trên bàn thờ vẫn thấy lạnh tanh, không có hương khói, bánh trái gì hết. Nhìn ngôi nhà chật chội, quạnh quẽ, lạnh tanh đêm 30 Tết, trong đôi mắt nhân từ của Bác hiện lên nỗi buồn thăm thẳm.

Một lát sau thấy một người phụ nữ ăn mặc lam lũ, gầy guộc, trên vai gánh đôi thùng từ phía ngoài đi về. Đồng chí bảo vệ bước ra mấy bước, hỏi nhỏ:

– Chị là chị Tín?

– Dạ vâng.

– Chị vào nhà có khách.

Đêm ấy trời rét, Bác mặc áo bông, cổ quấn khăn, đầu đội mũ len đan nhưng chị Tín vẫn nhận ngay ra Bác Hồ. Chị bàng hoàng, cảm động đến nỗi để rơi cái đòn gánh và đôi thùng xuống đất. Chị chạy lại quỳ xuống ôm lấy chân Bác: “Trời ơi! Đêm 30 Tết Bác còn đến thăm mẹ con cháu!”. Chị Tín bật khóc, nước mắt chảy dài trên gương mặt khắc khổ.

Bác cầm tay nâng chị Tín đứng dậy, Bác bảo: “Tết, Bác không đến thăm những gia đình như cô, Bác còn đến thăm ai nữa”.

“Bác không đến thăm những gia đình như cô, Bác còn đến thăm ai nữa”- tôi đã ứa nước mắt mỗi lần đọc lại câu nói đó của Bác với một người lao động nghèo.

Cảm xúc chiều 30 Tết Nhân viên Công ty Môi trường đô thị Hà Nội đã quen với việc làm việc trong đêm giao thừa. Ảnh minh họa: baovemoitruong.org.vn

Rồi tôi lại nhớ đến câu chuyện về Bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Hà Nội. Hàng năm, cứ mỗi giao thừa , khi cụ Hưng còn làm Chủ tịch Hà Nội, bao giờ cụ cũng chọn một số túi quà Tết trong nhà, rồi tự tay mình kệ nệ xách ra ngoài cổng nhà riêng cụ ở 11 Lê Phụng Hiểu và đứng đợi, việc cúng lễ giao thừa cụ để cụ bà và các con lo liệu.

Cụ đứng trong giá lạnh đêm Giao thừa như thế nhiều lần trong nhiều năm, âm thầm lặng lẽ, không phóng viên chụp ảnh đưa tin, không nhà đài tường thuật trực tiếp, không cán bộ thành phố hay quận, phường , ban ngành tiền hô hậu ủng , bố cáo rùm beng, không cảnh sát rầm rập chăng dây , kéo ba-rie cấm đường, hụ còi inh ỏi.

Cụ một mình đứng đợi, cốt để chờ những người thợ quét đường và đổ rác chuyến cuối cùng của một năm âm lịch đi qua, thì Cụ gọi họ dừng lại và tự tay mình đưa biếu những túi quà Tết cho những người thợ của công ty vệ sinh Hà Nội thời ấy.

Tất cả những “phu quét đường” ấy không bao giờ biết rằng người đàn ông cao dong dỏng, mang cặp kính cận dày cộp dưới vầng trán thanh khiết, khuôn mặt đầy trí thức anh minh mà gần gũi hiền từ, người trao tặng họ những túi quà Tết thân thương trong đêm Giao thừa ấy chính là vị Chủ tịch kính mến của Thủ đô.

Giao thừa đã về đến trước ngõ phố nhà tôi. Tôi xin phép ngừng viết một bài báo đã quá dài cho mục Cà phê Tối cuối cùng của năm Nhâm Dần, và xin kính chúc những cô giúp việc, những cậu shipper, những anh Grab, những người lao động phổ thông, những anh chị công nhân một năm mới có nhiều công ăn việc làm và thu nhập ổn định, có cuộc sống riêng ấm áp, bình an và hạnh phúc!

Còn với các vị lãnh đạo các địa phương, với các ông bà chủ đang sử dụng người lao động trên khắp cả nước, tôi mong các vị đừng bao giờ quên câu nói của Bác Hồ với các đồng chí trong Bộ Chính trị vào đêm giao thừa năm 1962 ấy, sau khi đi thăm người phụ nữ nghèo gánh nước thuê về. Bác nói:

“Chúng ta đã không biết những chuyện như vậy ở ngay Thủ đô của đất nước mình. Tôi biết, không chỉ một nhà như cô Tín đâu mà còn nhiều người nghèo khác nữa. Một Đảng cầm quyền mà để người dân nghèo hết chỗ để nghèo là lỗi của Đảng với Nhân dân”.

Câu chuyện kể về Bác sáu mươi năm trước đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Phong cách quần chúng vô cùng giản dị của Bác, lòng thương cảm vô hạn của Bác đối với những người lao động, người nghèo khổ, với Nhân dân làm cho Bác trở nên vĩ đại, thiêng liêng với dân tộc ta, đất nước ta. Và câu chuyện xúc động về Bác mãi mãi là tấm gương vô cùng trong sáng để mỗi người cán bộ, mỗi người lãnh đạo hiện nay noi theo, không chỉ vào mỗi dịp Xuân về Tết đến …

AN VINH

Nếu đồng tình với góc nhận định trong bài viết, bạn có thể mời tác giả An Vinh một “ly cà phê” thông qua Ví MoMo bằng cách ấn vào nút “Buy me a coffee” ở bên dưới hoặc quét mã QR.

“Buy me a coffee”

Hoặc bạn cũng có thể tặng “ly cà phê” cho tác giả An Vinh bằng cách chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của Tạp chí Lao động và Công đoàn, số tài khoản: 118000001631, Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Hà Nội.

Lưu ý, trước khi chuyển tiền, bạn đọc vui lòng gõ nội dung: “Tặng cà phê cho tác giả An Vinh”.

Đọc cà phê tối, tặng “cà phê” là chương trình của Tạp chí Lao động và Công đoàn. Khi đọc các bài viết trên mục Cà phê tối, nếu bạn đọc đồng cảm với góc nhìn của tác giả thì có thể mời người đó một “ly cà phê”. Mỗi “ly cà phê” trị giá 23.000 đồng (1 USD).