Cảm ơn cuộc đời 2021 – lời tri ân những người tuyến đầu chống dịch COVID-19

Chú thích ảnh
Chương trình sẽ dành lời tri ân dành cho những người ở tuyến đầu chống dịch. Ảnh: VTV

“Cảm ơn cuộc đời” là chương trình do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất thường niên vào dịp cuối năm. Đây là khoảng thời gian con người thường muốn “sống chậm lại một chút” để suy ngẫm về câu chuyện của năm cũ. Chương trình cùng khán giả nhìn lại những câu chuyện xúc động, có ý nghĩa nhân văn được chọn lọc từ những sự kiện xảy ra trong năm qua.

Năm 2021, đại dịch COVID-19 đã tạo thành một bức tranh với nhiều mảng màu xám, những mất mát, đau thương không thể nói thành lời. Hàng triệu người mất việc, cuộc sống bấp bênh, gánh gồng cả gia tài trên những chiếc xe máy, những chiếc xe kéo, thậm chí đi bộ về quê nhà với vài chục, hay vài trăm nghìn đồng. Hàng chục nghìn người lên đường tiếp viện cho tuyến đầu trong dịch với những tháng ngày đằng đẵng xa gia đình. Nhưng như lời bài thơ “Lời ru trên mặt đất” của nhà thơ Xuân Quỳnh: “Bốn phương đâu cũng quê nhà/ Như con tàu với những ga dọc đường/ Đất qua rồi những đau thương/ Có chăng lời hát vẫn còn mà thôi…”, đi qua những đau thương, tình yêu luôn là điều còn lại sau mọi nỗi đau và mất mát.

“Cảm ơn vì đã trở về” là chủ đề của Cảm ơn cuộc đời 2021 – lời tri ân dành cho những người trên tuyến đầu chống dịch: Cảm ơn những người nỗ lực vượt qua bạo bệnh để sống và trở về; cảm ơn người dân Việt Nam đã cưu mang nhau trên hành trình trở về của những người lao động nghèo; cảm ơn tất cả vì đã trở về!

Với ba chương – Cảm ơn vì đã sẵn sàng lên đường; Cảm ơn vì đã kiên cường ở lại; Cảm ơn vì đã bình an trở về – chương trình mang tới những câu chuyện xúc động và nhân văn. 

Đó là câu chuyện “Cha con và xe cứu thương” của ông Đặng Tri Thông (62 tuổi) và con trai Đặng Minh Trí (24 tuổi), xã Đức Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Hai cha con đã cùng nhau chạy xe cứu thương hàng trăm cây số hỗ trợ chống dịch dù bản thân phải vay tiền để đi làm tình nguyện. 

Hay câu chuyện “F0 ở lại chăm sóc F0, còn sống là còn giúp đỡ”của bà Hoàng Thị Đại với những đóng góp nhỏ bé đã truyền đi năng lượng tích cực cho các bệnh nhân. Bà Hoàng Thị Đại, 68 tuổi, sau khi được bác sĩ nỗ lực điều trị, bà đã phục hồi và khoẻ lại. Được sự hỗ trợ của các bác sĩ, bà Đại đã ở lại để làm tình nguyện viên lớn tuổi nhất ở bệnh viện và chăm sóc cho các F0 khác.