Cảm Nghĩ Của Em Về Ngày Tết Cổ Truyền Dân Tộc

cam-nghi-cua-em-ve-ngay-tet-co-truyen-dan-toc

Cảm nghĩ của em về ngày tết cổ truyền dân tộc.

  • Mở bài:

Tết Nguyên Đán hay Tết cổ truyền là nét đẹp văn hóa truyền thống từ ngàn đời của dân tộc ta. Đó là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây.

  • Thân bài:

Tết là dịp để người ta tiễn biệt những cái cũ đi, những điều buồn, điều không may mắn sẽ đi theo cùng năm cũ để đón một năm mới về sẽ mang lại những niềm hy vọng mới. Ngày tết, người sắm sửa, trang hoàng nhà của thật tươm tất, trang trọng, đẹp đẽ, gói bánh chưng, làm mâm cỗ thờ cúng tổ tiên, tưởng niệm công đức của các bậc tiền nhân.

Ngày nay, phong tục gói bánh chưng ngày càng ít hơn ở những gia đình nơi thành phố nhưng khắp các miền quê, tập tục ấy vẫn còn được gìn giữ sâu đậm lắn. Nhưng với những ai từng tự tay mình gói nên chiếc bánh chung, thức đêm cạnh nồi bánh với bếp lửa hồng, uống vài ly rượu với người thân, kể chuyện làm ăn của một năm, ôn lại kỷ niệm vui buồn, chắc hẳn sẽ không bao giờ quên được.

Tết cổ truyền của người Việt Nam không chỉ thể hiện sự giao cảm giữa trời đất và con người trong quan niệm của người phương Đông, mà thiêng liêng hơn cả đó chính là ngày đoàn viên của mọi gia đình.

Năm nào cũng thế, ngày 30 tết, cả nhà nhau cùng nhau hoàn tất mọi việc, sẵn sàng đón tết  Bà và mẹ lo nấu nướng các món ăn còn tôi cùng ba và anh hai tất bật trang trí cây mai thật đẹp. Ba nói cây mai trong ngày tểt cổ truyền dân tộc mang ý nghĩa quan trọng lắm. Cây mai vàng rực rỡ sẽ mang đến tài lộc và sự an lành cho gia chủ. Thiếu một cành mai vàng trong ba ngày tết là thiếu cả mùa xuân.

Đêm 30, ba hướng dẫn chúng tôi gói bánh chưng. Bên bếp lửa hồng, ba bày biện đủ thứ gạo nếp, thịt heo, đậu xanh, lá dông, lạt buộc,… Ba vừa làm, vừa chỉ cho chúng tôi tỉ mỉ từ cách đặt lá sao cho đều, đổ gạo nếp sao cho vừa, đặt nhân sao cho khéo, gói lá sao cho vuông, buộc lạt sao cho chặt để bánh được ngon và đẹp nhất. Lần đầu tập gói bánh, tôi và anh vụng về, sản phẩm làm ra cái méo, cái lệch trong hết sức buồn cười.

Trong lúc tôi cùng với anh hai ngồi đợi nồi bánh chín thì ba mẹ tôi và ông bà đi dọn dẹp lại nhà cửa một lần nữa cho thật sạch sẽ, gọn gàng và khang trang để đón giao thừa. Trên bàn thờ, ông đã dựng sẵn một cành đào hồng tươi thắm. Nhang, đèn, hoa quả cũng đã được trưng bày đầy đủ. Chỉ còn thiếu cặp bánh chưng ở hai bên khay đèn. Nhìn bàn thơ tổ tiên ngày tết, thật mới thấu hiểu hết tinh thần trọng tình nghĩa của dân tộc ta và lòng biết ơn sâu sắc của cháu con đối với các bậc tiền nhân.

Khi đồng hồ điểm mười hai giờ, những màn pháo hoa khắp nơi nổ ra những bông pháo hoa bay vút lên cao rồi tỏa sáng trong bóng đêm. Cả gia đình tôi cùng ngắm những chùm pháo hoa to, rực rỡ đang biểu diễn những màn múa tuyệt đẹp trên bầu trời. Sau khi màn pháo hoa kết thúc, là lúc nồi bánh chưng cũng chín, mẹ cùng với bà lấy những chiếc bánh ấy xếp một lượt lên trên bàn ăn, để nguội rồi lấy vật nặng đè lên trên để chiếc bánh vuông vức đẹp mắt. Trong khoảnh khắc trọng đại ấy, tâm trạng của cả nhà ai nấy đều náo nức, rôm rả nói chuyện của ngày mai.

  • Kết bài:

Tết thật sự là những ngày trọng đại và thiêng liêng nhất trong năm. Nó là dịp để cả gia đình có điều kiện sum vầy, vui vẻ bên nhau, là dịp cho mọi người diện những bộ quần áo mới, là khi khép lại mọi buồn phiền không may mắn ở năm cũ, để chào đón một năm mới an lành, tốt đẹp hơn. Mỗi năm một lần, ngày tết cổ truyền dân tộc để lại trong tôi những kỷ niệm đẹp không bao giờ phai mờ.

Tham khảo:

Cảm nghĩ của em về ý nghĩa ngày tết cổ truyền của dân tộc.

  • Mở bài:

Không biết từ bao giờ, với mỗi người dân Việt Nam, ngày Tết cổ truyền có một giá trị truyền thống tinh thần rất lớn. Giá trị đó ẩn sâu trong đời sống tâm hồn của mỗi người, trong gia đình và cả cộng đồng. Tết đến Xuân về không chỉ là niềm khao khát của biết bao đứa trẻ để được xúng xính quần áo mới, được ăn bánh mứt và nhất là được nhận lì xì, mà nó còn mang một ý nghĩa vô cùng sâu sắc.

  • Thân bài:

Ngày 23 tết âm lịch, gia đình tôi làm lễ đưa tiễn ông táo về trời. Không khí tết bắt đầu. Ngày 27 tết gia đình tôi bắt đầu dọn dẹp lại nhà cửa sạch sẽ. Ngày 28 tết tôi cùng với mẹ đi chợ hoa tết để mua hoa về trưng bày. Buổi trưa, mẹ tôi bắt đầu nấu những món ngon chuẩn bị cho ngày tết.

Ngày tết cổ truyền Việt Nam, trong nhà không thể nào thiếu được những cây mai cây đào nên 29 tết tôi cùng với ba đi mua một chậu mai nho nhỏ về nhà chưng. Đêm 30, mọi người háo hức vì sắp chuẩn bị bước qua một năm mới, có người đi nhà thờ lấy lộc, có người đi chùa cầu may. Đúng 12 giờ đêm 30 tết, tất cả gia đình cùng nhau cúng rước ông Táo về và đón giao thừa. Thời khắc giao thừa vừa điểm, những trẻ nhỏ ở xóm tôi sẽ cùng nhau đốt pháo bông để báo hiệu một mùa tết đã đến.

Đầu năm, gia đình tôi đi thăm họ hàng. Khi đến gõ cửa từng nhà ai nấy đều vui vẻ. Các trẻ em nhỏ xếp hàng để cho người lớn lì xì để nhận thêm lộc từ người lớn cho. Sau khi chúc tết tôi ở nhà họ hàng và dự bữa cơm quây quần bên gia đình. Rồi chơi một xíu tôi lại trở về nhà. Qua mùng 2 thì tôi được ba mẹ dẫn đi chơi và đến các địa điểm như: phố đi bộ , hội chợ để chụp hình và ăn uống. Mùng 3 gia đình tôi cùng nhau đi nhà thờ cầu nguyện cho cả năm may mắn và sung túc. Tuy 3 ngày tết cổ truyền rất ngắn ngủi nhưng đối với tôi đó là 3 ngày kỉ niệm khó quên nhất

Ngày Tết của dân tộc Việt có rất nhiều ý nghĩa đặc biệt. Tết là lúc mọi nhà sum họp, quây quần bên nhau, cùng nhau nhìn lại một năm đã trôi qua, những lỗi lầm của năm cũ sẽ được tha thứ. Khi nhắc đến tết ai cũng nghĩ đến những bao lì xì, những cây mai, không khí tết rộn ràng, nhà nhà đều sum vầy với nhau. Vào ngày tết ai ai cũng háo hức sắm đồ tết, dọn nhà trang trí cho ngôi nhà mình thật xinh đẹp để đón khách. Không khí tết tràn ngập mọi nhà nhưng không thể thiếu đi pháo bông một nét văn hóa vào ngày tết của nước ta.

  • Kết bài:

Vui xuân đón tết là một nét văn hóa của dân tộc Việt Nam, nét văn hóa này rất lâu đời nhưng đến bây giờ vẫn luôn giữ được những nét đẹp quý báu. Tết cổ truyền còn là dịp để hướng về cội nguồn, tri ân công đức của tổ tiên. Đó là giá trị tâm linh, cũng là giá trị tình cảm sâu sắc của người Việt, trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta bao đời nay.

Bài viết liên quan: