Cẩm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp (Sách Ebook PDF)

CẨM NANG NGHIÊN CỨU THẮNG PHÁP

TẬP 1 – TẬP 2 – TẬP 3 PDF

(Handbook of Abhidhamma Studies,

Nguyên Tác Tiếng Anh của Venerable Sayādaw U Sīlānanda

Bản Dịch Tiếng Việt của Pháp Triều

Cẩm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp trọn bộCẩm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp trọn bộ

 

THƯ GỬI ĐỘC GIẢ

Đức Phật một đời độ sinh chỉ nói đến hai chuyện: Mọi hiện hữu là khổ và nhận thức được sự thật đó để chấm dứt mọi hiện hữu. Nói vậy, con đường giải thoát chỉ là khả năng nhận thức sự thật ở đời. Tùy theo căn cơ của chúng sinh, Thế Tôn có lúc trình bày sự thật đó qua những khái niệm thường thức, đó là cách thuyết giảng những pháp thoại trong Kinh Tạng (một trong ba tạng giáo lý). Nhưng cũng có khi, Ngài theo trình độ của người nghe pháp mà trực tiếp nói thẳng vào bản chất rốt ráo của vạn hữu bằng thứ ngôn từ trừu tượng hơn, không thông qua những khái niệm trung gian, vay mượn từ đời thực. Đó chính là trường hợp của tạng Thắng Pháp mà cuốn sách này là chiếc chìa khóa cho người sơ cơ tìm vào học hỏi.

Nguyên tác tiếng Anh của cuốn sách này là của ngài U Sīlānanda (1927-2005), một học giả kỳ tài của Miến Điện. Năm 25 tuổi, ngài là một trong những vị hiệu chỉnh bộ Tam Tạng bằng tiếng Pāḷi chuẩn bị cho kỳ kiết tập kinh điển thứ 6 tại Miến Điện và cũng chính là vị chủ biên (chief compiler) của bộ từ điển Tam Tạng trên hai mươi cuốn mà đến nay vẫn chưa có công trình nào tương đương. Ở một xứ sở mà các bậc long tượng tăng-già thạc đức, thạc học nhiều vô kể như Myanmar thời đó, một tỷ kheo trẻ tuổi như ngài Sīlānanda lúc ấy lại được giao phó những trọng nhiệm như vậy quả là không đơn giản. Từ đầu thập niên 1980 ngài sang định cư ở Hoa Kỳ và là giáo sư thỉnh giảng ở các trường đại học lừng danh như Stanford, và Berkeley ở California.

Kinh sách Phật giáo hiện có nhiều lắm, nhưng để được xem là sách gối đầu cho người học Phật thì dĩ nhiên phải theo được những tiêu chí căn bản là sát sao với lời Phật ngày xưa và được trình bày sáng sủa theo học thuật hôm nay. Cuốn sách này có đủ hai cái đó. Và đặc biệt tác giả không chỉ là một học giả uyên bác mà còn là một hành giả Vipassanā nên các vấn đề giáo lý qua cách trình bày của ngài rõ ràng là một cẩm nang tuyệt đối đắc dụng cho người tu tập tuệ quán.

Bản thân người dịch cuốn sách này là một cư sĩ mộ đạo từ nhỏ, những Phật duyên và Phật chất được huân tập trong mấy chục năm đã giữ lại cho bản dịch nguyên vẹn cái ngôn phong cần có của một cuốn sách Phật. Không ít bản dịch đọc vào không thấy Phật ở đâu hết, vì người cầm bút có vẻ như đã không có Ngài trong lòng. Bản dịch này không có cái lỗi đó. Và một cách nói thật lòng có Tam Bảo chứng minh, vừa đọc qua bản thảo của tập sách nầy, tôi đã lập tức thấy rằng hai cuốn A Tỳ Đàm của tôi vừa in xong hình như không còn cần thiết nữa. Ít mà đủ vẫn hơn nhiều mà thiếu. Tôi không có lý do mua lòng dịch giả khi viết mấy dòng này.

Là một tiến sĩ toán học từ đại học Rice ở Houston, một trong những đại học hàng đầu của Hoa Kỳ, người dịch đã chọn cho mình một đời sống khó ngờ nhất: Sống độc thân để chăm sóc mẹ già và dành trọn thời gian để nghiên cứu Phật pháp. Bản dịch này của anh đã được hoàn tất trong những ngày tháng đốt mình làm nến ấy. Tôi tin anh sẽ còn nhiều hy hiến quan trọng khác cho đời. Và tôi cũng tin rằng sẽ có rất nhiều Phật tử người Việt tìm đọc sách anh rồi biết ơn anh.

Bergstadt, 8/8/2014 Toại Khanh

 

 

LỜI NGƯỜI DỊCH

Vào năm 1993, ấn bản đầu tiên của cuốn “A Comprehensive Manual of Abhidhamma” do Ngài Bhikkhu Bodhi làm chủ biên đã được xuất bản. Dùng ấn bản này, Ngài U Sīlānanda đã tổ chức một lớp giảng dạy Thắng Pháp (Abhidhamma) cho một nhóm Phật tử tại San Francisco trong thời gian một năm, từ năm 1994 cho đến năm 1995. Sarah E. Marks, một trong những học viên của lớp học này, đã ghi chép lại những lời giảng dạy của Ngài U Sīlānanda. Kết quả là sự ra đời của bộ sách “Handbook of Abhidhamma Studies”.

Chúng tôi vô cùng hữu duyên khi được Thượng tọa Giác Nguyên giới thiệu về bộ sách này và đã khuyến khích chúng tôi chuyển ngữ bộ sách sang tiếng Việt nhằm mang lại lợi ích cho những ai muốn tìm hiểu và nghiên cứu Thắng Pháp. Cuốn sách “Cẩm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp, Tập Một” này là bản chuyển ngữ của cuốn đầu tiên của bộ sách ba tập “Handbook of Abhidhamma Studies” này.

Trong quá trình chuyển ngữ, chúng tôi đã cố gắng tôn trọng nguyên tác. Tuy nhiên, có một vài điểm chúng tôi muốn chia sẻ cùng độc giả:

1. Tại một vài chỗ, chúng tôi đã mạn phép thu ngắn lời giảng nhằm tránh sự lặp lại nguyên văn (một điều thường gặp trong quá trình giảng dạy của các giảng sư).

2. Tại một vài chỗ trong nguyên tác, những chi pháp và lời văn dường như bị thiếu tuy rằng vẫn có thể được hiểu chính xác trong văn cảnh. Điều này cũng có thể do lỗi ấn loát hay lỗi biên tập. Để tránh sự hiểu lầm hay hiểu sai, chúng tôi đã mạn phép chỉnh sửa và có chú thích phía dưới.

3. Vì những bài giảng đã được trình bày từ thập niên 90, một vài thông tin thời sự đã không còn chính xác. Trong những trường hợp đó, chúng tôi vẫn chuyển ngữ nhưng chú thích phía dưới với thông tin cập nhật.

4. Chúng tôi hầu như không chuyển ngữ những tựa sách bằng tiếng Anh được đề cập đến trong nguyên tác để tiện cho độc giả dễ tra cứu nếu cần.

5. Trong quá trình giảng dạy, Ngài U Sīlānanda đã có sử dụng và đề cập đến những bảng nêu trong cuốn “A Comprehensive Manual of Abhidhamma”. Chúng tôi có ghi chú rõ ràng vị trí của những bảng nêu đó để độc giả tham khảo nếu cần. Hơn thế nữa, chúng tôi cũng có chuyển ngữ những bảng nêu đó sang tiếng Việt và đưa vào phần Phụ Lục. Độc giả có thể tham khảo thêm tại phần Phụ Lục.

6. Cách phân chia mục lớn-nhỏ, chung-riêng (như được thấy trong Mục Lục) trong nguyên tác được dựa trên các bài giảng chứ không phải được dựa vào nội dung các chi pháp. Vì vậy, đôi lúc cùng một vấn đề hay cùng một chi pháp lại được trình bày hay xuất hiện trong hai điều mục khác nhau. Chúng tôi tôn trọng nguyên tác, giữ nguyên việc phân chia này.

Chúng tôi vô cùng tri ân Thượng tọa Giác Nguyên đã giới thiệu nguyên tác, khuyến khích, góp ý, và tận tâm giải đáp những thắc mắc của chúng tôi trong quá trình dịch thuật. Chúng tôi cũng rất may mắn nhận được sự giúp đỡ tận tâm của những đạo hữu thân tình lâu năm: Đạo hữu Thiện Tuệ đã dành thời gian đọc kỹ bản thảo, góp ý chỉnh sửa lời văn và trình bày bản thảo để chuẩn bị cho việc ấn hành; các đạo hữu Tâm Lan, Tuệ Phương, Tâm Hiền, Sukhita Nguyệt, Tuệ Ân, Vũ Thị Châu Giang và cô Mỹ Linh đã ủng hộ, khuyến khích và giúp đỡ chúng tôi trong việc xin giấy phép xuất bản và ấn hành. Chúng tôi vô cùng tri ân sự ủng hộ và giúp đỡ của các đạo hữu. Chúng tôi cũng muốn gởi lời cảm ơn chân thành đến Sarah E. Marks, người biên tập của bộ sách “Handbook of Abhidhamma Studies”, đã cho phép chúng tôi sử dụng nguyên tác và ủng hộ chúng tôi trong quá trình biên dịch và xuất bản. Cầu xin hồng ân Tam Bảo hộ trì cho Thượng tọa và các đạo hữu thân tâm thường an lạc.

Dù cẩn thận đến mức nào, chúng tôi vẫn khó có thể tránh khỏi những sai sót trong quá trình biên dịch. Chúng tôi kính mong các bậc tôn túc trưởng thượng và các độc giả lượng tình tha thứ và chỉ bảo. Chúng tôi sẽ tiếp nhận bằng sự tri ân. “Pháp thí thắng mọi thí (Sabbadānaṃ Dhammadānaṃ jināti)”. Chúng tôi nguyện cầu do phước thiện này, quả vị Phật Chánh Đẳng Giác (Sammāsambuddho) sẽ trở thành hiện thực cho chúng tôi trong ngày vị lai.

Monterey Park, ngày 4 tháng 3 năm 2015 Pháp Triều

pdf_download_2pdf_download_2
Cẩm nang Nghiên cứu Thắng Pháp Tập 1
Cẩm nang Nghiên cứu Thắng Pháp Tập 2
Cẩm nang Nghiên cứu Thắng Pháp Tập 3

Bài Đọc Thêm: