Cách xử lý trẻ 5-8 tuổi kén ăn
Hiện tượng khó chịu khi trẻ em muốn ăn cùng một thứ mỗi ngày thường xuyên xảy ra, nhất là ở trẻ từ 5-8 tuổi. Một số trẻ không thích một số loại thức ăn nhất định, chẳng hạn như rau. Tuy nhiên, hãy cho trẻ ăn nhiều loại thực phẩm lành mạnh, và điều quan trọng là đừng để sự kén chọn của trẻ trở thành nguyên nhân gây căng thẳng trong giờ ăn. Đừng nấu những bữa ăn đặc biệt chỉ cho trẻ kén ăn, nhưng hãy bao gồm những món mà trẻ thích trong mỗi bữa ăn. Nếu bạn băn khoăn về chế độ dinh dưỡng của trẻ, hãy hỏi bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn thêm về cách xử lý trẻ kén ăn. Những mẹo sau đây sẽ giúp gia đình bạn bổ sung những món ăn tốt cho sức khỏe và giúp xử lý tình trạng kén ăn ở trẻ 5-8 tuổi.
Nội Dung Chính
1. Những lý do khiến trẻ 5-8 tuổi kén ăn
Ở độ tuổi đi học, hầu hết trẻ em đang dần cố gắng vượt qua nỗi sợ hãi khi dùng thử những loại thức ăn mới và liên tục muốn khẳng định hay thể hiện bản thân. Tuy nhiên thi thoảng, trẻ cũng có thể đòi ăn cùng một loại thức ăn trong tất cả các bữa cơm của mình và tỏ ra khó chịu với tất cả những thức ăn khác. Điều này thực sự không phải là lý do đánh lo ngại
Hãy nhớ rằng, nhóm tuổi này trẻ đang học cách hình thành những thói quen. Tất cả những gì là quen thuộc đều được trẻ chấp nhận thậm chí còn từ chối tất cả những thức khác. Trẻ có thể không chú ý nhiều đến thói quen ăn uống của bản thân, do đó hãy giữ bình tĩnh, đừng gây áp lực hoặc quát mắng trẻ trong mỗi bữa ăn bởi điều đó sẽ chỉ làm các cha mẹ của trẻ vấp phải sự phản kháng từ chính con của mình.
2. Những mẹo giới thiệu thực phẩm mới cho trẻ kén ăn
Thông thường, trẻ có ý thức bẩm sinh về lượng thức ăn mà cơ thể cần để có thể phát triển một cách khỏe mạnh và việc quyết định ăn gì nên để trẻ tự thực hiện. Điều tốt nhất các bậc cha mẹ có thể làm là cung cấp những loại thực phẩm sạch, lành mạnh và một không khí thoải mái, thú vị trong mỗi giờ ăn của trẻ. Dưới đây là một số mẹo cụ thể về cách xử lý trong việc giới thiệu thực phẩm mới cho những đứa trẻ kén ăn:
- Cung cấp nhiều loại thực phẩm tốt cho trẻ trong mỗi bữa ăn. Trẻ có thể cảm thấy vui vẻ và thú vị với những trải nghiệm cùng loại món ăn mới nhưng cũng có thể phải tiếp xúc nhiều lần trước khi chấp nhận chúng. Do đó, điều quan trọng là hãy kiên nhẫn. Khi muốn giới thiệu cho trẻ một loại thực phẩm mới, chỉ cần đặt chúng trên bàn ăn cùng mọi người và để trẻ tự thưởng thức chúng theo nhu cầu của bé.
- Đừng cho trẻ 5-8 tuổi quá nhiều sự lựa chọn trong bữa ăn. Nhiều bà mẹ có thể đã quá nuông chiều con mình khi đến mỗi bữa ăn đều hỏi “Hôm nay con muốn ăn gì?”. Điều này sẽ khiến trẻ lựa chọn một thứ gì đó mà chúng đã cảm thấy quen thuộc. Thay vào đó hãy tự mình chế biến một bữa ăn với các món ăn khác nhau. Trẻ sẽ phải lựa chọn trong các loại thực phẩm được cung cấp. Tất nhiên cũng không nên cung cấp một bữa ăn với toàn những món ăn lạ cho trẻ bởi điều đó có thể khiến trẻ bỏ bữa. Thay vào đó, hãy cung cấp một bữa ăn bao gồm ít nhất một món mà cha mẹ biết trẻ thích chúng.
- Không nên cung cấp một món ăn mới với số lượng quá nhiều. Hãy cho trẻ nếm thử các món ăn mới và để trẻ tự kiểm soát lượng thức ăn mà chúng sẽ đưa vào miệng. Bằng cách này, trẻ sẽ không cảm thấy quá tải và các bà mẹ cũng không lo lắng về việc lãng phí thức ăn.
- Cần nhớ rằng, khẩu vị của một số trẻ có thể nhạy cảm hơn bạn đồng trang lứa và chúng chỉ đơn giản là không thích kết cấu, màu sắc hoặc mùi vị của một loại thực phẩm nào đó. Đó là lý do vì sao một đứa trẻ có thể không thích một món mà chúng thậm chí chưa bao giờ dùng thử. Tương tự như vậy, một số trẻ có thể từ chối một loại thức ăn vì chúng có liên quan đến một số suy nghĩ tiêu cực khác trong trẻ.
- Nếu cần chuẩn bị một bữa ăn để trẻ ăn trưa tại trường, hãy cho trẻ một vài sự lựa chọn về những món ăn có thể có trong đó nhưng cũng cần đem đến cho bé những sự thú vị nhất định. Một bữa trưa thú vị có thể giúp trẻ ăn ngon miệng hơn. Bất cứ khi nào có thể, hãy cho trẻ tham gia vào các quyết định và chuẩn bị thực phẩm, bao gồm cả việc mua sắm và làm các bữa ăn cũng như món ăn nhẹ. Điều này sẽ cho trẻ cảm giác kiểm soát được chế độ ăn của mình. Và trẻ có xu hướng thích thú hơn với chính những loại thực phẩm mà chúng lựa chọn.
- Tìm cách tăng giá trị dinh dưỡng của các loại thực phẩm mà trẻ yêu thích. Ví dụ như cho một ít cá ngừ hoặc giăm bông vào khẩu phần ăn của bé.
- Dạy cho trẻ hình thành tư duy về dinh dưỡng tốt. Dán biểu đồ thực phẩm lên mặt tủ lạnh và gợi ý cho trẻ những món ăn tốt. Xem thêm Tháp dinh dưỡng cho trẻ từ 6-11 tuổi
- Nhiều trẻ ít kén ăn hơn khi không ở nhà. Do đó, không cần quá lo lắng bởi biết đâu bé vừa ăn sạch phần ăn của mình trên lớp.
- Hình thành thói quen ăn sáng cho trẻ. Những nghiên cứu cho thấy rằng trẻ ăn sáng thường xuyên có thành tích học tập tốt hơn so với những trẻ không ăn sáng. Vì vậy các bà mẹ nên cân nhắc dành một chút thời gian để tìm kiếm các loại thực phẩm lành mạnh và phù hợp cho bữa sáng của trẻ.
3. Làm thế nào để cho trẻ 5-8 tuổi ăn nhiều loại thức ăn hơn?
Thật không thực tế khi mong đợi một đứa trẻ trong độ tuổi đi học ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau. Tuy nhiên về lâu dài, những tấm gương của cha mẹ trẻ trong việc thưởng thức nhiều món ăn lành mạnh khác nhau kể cả ở nhà hay những nơi khác là một trong những cách tốt nhất để giúp trẻ hình thành nên một thói quen ăn uống tốt. Nhưng trong thời điểm hiện tại, hãy nhớ rằng việc trẻ chỉ ăn một vài loại thực phẩm là lựa chọn của bé và điều quan trọng nhất là để trẻ tự quyết định về cách lựa chọn thức ăn.
Nancy Hudson, chuyên gia dinh dưỡng tại Đại học California, Berkeley, cho biết: “Một đứa trẻ cần được kiểm soát những gì mình ăn. Nếu cha mẹ ép trẻ ăn thức ăn mà trẻ không thích hoặc nhiều hơn mức trẻ muốn, họ có thể sẽ đặt ra cho trẻ những vấn đề về sau này như không bao giờ được phép tự quyết định thức ăn (chẳng hạn như quyết định khi nào trẻ đã ăn no) sẽ có nguy cơ mắc chứng rối loạn ăn uống hoặc béo phì sau này cao hơn. Hơn nữa, việc quá cố gắng gò ép trẻ với những loại thức ăn trẻ không thích hầu như sẽ luôn phản tác dụng vì ép trẻ thử những món ăn mới sẽ chỉ khiến trẻ trở nên bướng bỉnh hơn và ít cởi mở hơn để thử những điều mới trong tương lai.
Nếu trẻ không ăn gì ngoài những món trẻ thích trong nhiều ngày liên tục các bậc cha mẹ cũng không nên quá lo lắng. Những gì trẻ đã ăn có thể đã đủ để cung cấp toàn bộ chất dinh dưỡng và năng lượng cho các hoạt động của trẻ. Các nghiên cứu từ Hiệp hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ cho thấy trẻ em – ngay cả những trẻ được cha mẹ coi là “kén ăn” – thường tiêu thụ đủ loại thực phẩm để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của chúng. Nếu cha mẹ thực sự không nghĩ rằng con mình ăn uống tốt, họ có thể cho bé uống vitamin tổng hợp hàng ngày.
4. Làm thế nào để biết trẻ 5-8 tuổi có được cung cấp đủ chất dinh dưỡng không?
Các bậc cha mẹ không nên lo lắng quá nhiều nếu con của họ có vẻ không phát triển nhanh như các bạn đồng trang lứa khác. Không phải lúc nào trẻ em cũng phát triển với một tốc độ ổn định và sẽ có lúc trẻ dường như không phát triển chút nào. Hãy liên lạc với các bác sĩ nếu cảm thấy lo lắng nhưng đừng để những nỗi sợ hãi của mình lây sang trẻ. Nếu các bà mẹ thường xuyên thúc ép trẻ ăn, nói quá nhiều về vấn đề dinh dưỡng trong bữa ăn hoặc thường xuyên theo dõi cân nặng của trẻ có thể khiến bé càng trở lên chán ăn hơn.
Đối với nhiều bậc cha mẹ, điều mong muốn của họ không gì hơn là con mình có thể vui vẻ trong giờ ăn và ăn hết những món ăn mà họ đã chuẩn bị. Tuy nhiên điều này thực sự không hề dễ dàng. Sẽ có một số trẻ ngoan ngoãn và cảm thấy thú vị trước những món ăn mà mẹ chúng nấu tuy nhiên đa số còn lại lại chỉ ăn một số loại thức ăn chúng cảm thấy thích. Ép buộc không phải là hành động các bà mẹ nên làm lúc này, hãy để trẻ tự lựa chọn món ăn cho mình và bằng một cách thông minh nào đó bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cũng như năng lượng cần thiết trong bữa ăn của chúng.
Để cải thiện tình trạng kén ăn, lười ăn, chán ăn của trẻ, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời, các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể cũng có thể áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt.
Nguồn tham khảo: babycenter.com, positiveparentingsolutions.com