Cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp và 7 ví dụ nổi bật
Trong thời đại cạnh tranh toàn cầu, văn hóa doanh nghiệp được xem là thứ vũ khí hữu hiệu giúp các doanh nghiệp khẳng định mình, phát triển bền vững và dễ dàng vươn ra thị trường thế giới. Vậy cụ thể thì văn hóa doanh nghiệp là gì? Và làm cách nào để xây dựng được văn hóa doanh nghiệp?
Văn hóa doanh nghiệp là gì?
Văn hóa nói chung thường tồn tại trong một phạm vi nhất định. Ví dụ như văn hóa gia đình hay văn hóa dân tộc. Vì thế, trong phạm vi một tổ chức, một doanh nghiệp hay một hội nhóm thì văn hóa cũng sẽ tồn tại.
Có thể hiểu văn hóa doanh nghiệp (VHDN) chính là tập hợp những giá trị, chuẩn mực về niềm tin, hành vi mà doanh nghiệp gây dựng được trong suốt quá trình phát triển. Nó đã trở thành những quy tắc, tập quán quen thuộc đối với doanh nghiệp. Chính vì vậy nên nó ảnh hưởng trực tiếp tới hành động cũng như cách suy nghĩ của mọi nhân viên. Việc xây dựng VHDN sẽ quyết định được sự thành hay bại, tồn tại lâu dài hay thoáng chốc.
Vai trò của văn hóa doanh nghiệp
Các nhà nghiên cứu cho rằng văn hóa ảnh hưởng tới hầu hết các khía cạnh của một doanh nghiệp. VHDN giống như một chiếc la bàn. Nó giúp doanh nghiệp định hướng được đường đi, hướng phát triển rõ ràng.
Nội Dung Chính
1. Dễ dàng thu hút nhân tài
Người ta thường nói “nước chảy chỗ trũng, người tìm chỗ cao”. Những doanh nghiệp sở hữu văn hóa tích cực, chính sách tốt sẽ dễ dàng thu hút được người tài. Nhất là khi thế hệ gen Z (những người sinh năm 1998 trở đi) trở thành lực lượng lao động chính. Họ thường quan tâm về môi trường phát triển hơn lợi ích công việc.
2. Có được sự gắn bó của đội ngũ nhân viên
Tất nhiên, với một hệ văn hóa tích cực, sẽ không một nhân viên nào muốn rời bỏ doanh nghiệp của bạn. Khi nhân viên cống hiến, tận tụy và nhận về được sự khen thưởng xứng đáng, họ cảm thấy được công nhận, được quan tâm và sẽ tiếp tục cống hiến cho doanh nghiệp.
Chính đội ngũ nhân viên lâu năm này làm cho VHDN được thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết. Họ lại là nguồn lực đi phổ biến văn hóa doanh nghiệp của bạn ra rộng hơn.
3. Xây dựng mối quan hệ bền vững với khách hàng, đối tác
Không chỉ thu hút, giữ chân được nhân viên mà VHDN còn giúp duy trì được mối quan hệ bền vững với khách hàng, đối tác. Họ cảm nhận được sự tin tưởng, thậm chí là đồng cảm với những giá trị của doanh nghiệp. Khi đó, mối quan hệ hợp tác làm ăn có thể trở nên gần gũi hơn.
4. Hạn chế được xung đột trong doanh nghiệp
VHDN giống một bản lề để mọi nhân viên trong doanh nghiệp hành xử theo. Vì thế, nó sẽ hạn chế được việc xung đột về cách hành xử. Trong trường hợp có xung đột thì văn hóa sẽ là yếu tố giúp mọi người nhìn nhận lại và thống nhất.
5. Tăng hiệu suất làm việc của đội ngũ nhân viên
Khi đội ngũ nhân viên nhận thấy mình đang làm việc cho một sứ mệnh chung. Họ sẽ cảm thấy hãnh diện, có động lực để hoàn thành công việc tốt nhất. VHDN giúp đội ngũ cảm thấy tự hào, an tâm khi gắn bó với doanh nghiệp.
6. Duy trì lợi thế cạnh tranh
Khi có một đội ngũ nhân tài, ít xung đột, hiệu suất làm việc cao thì doanh nghiệp sẽ duy trì được lợi thế cạnh tranh một cách hiệu quả. Lợi thế cạnh tranh sẽ giúp doanh nghiệp có một vị trí nhất định trên thị trường.
Các loại văn hóa doanh nghiệp
VHDN sẽ khác nhau ở mỗi tổ chức. Bởi mỗi tổ chức có thời gian phát triển khác nhau. Và quan trọng là sự ảnh hưởng của người lãnh đạo. Người lãnh đạo có sự coi trọng văn hóa sẽ có cách giúp văn hóa hiển thị và hoàn thiện nhất. Ngược lại, nếu không có sự chau chuốt thì văn hóa doanh nghiệp mãi chỉ là chữ trên giấy.
Trong bài viết này, chúng tôi chia VHDN thành 4 loại. Nó tương ứng với 4 bước phát triển của VHDN.
1. Văn hóa doanh nghiệp tự phát
Văn hóa tự phát là doanh nghiệp chưa có quy định gì về việc nhân viên có hành vi ứng xử với cấp trên, cấp dưới, đồng nghiệp, cũng như khách hàng, đối tác, nhà cung ứng nên nhân viên trong công ty có thói quan nào, họ sẽ hành xử như vậy. Kết quả của doanh nghiệp là phải đi tìm kiếm khách hàng và tìm kiếm nhân tài.
2. Văn hóa khung
Văn hóa khung là công ty đã có quy định cho nhân viên có những hành vi ứng xử với cấp trên, cấp dưới, đồng nghiệp, cũng như khách hàng, đối tác, nhà cung ứng và thể hiện ở các công cụ tiếp cận khách hàng, giữ khách hàng, từ đó doanh thu sẽ tăng do lượng khách hàng tìm đến và giữ chân khách hàng cũ của công ty.
3. Văn hóa thực thi
Văn hóa thực thi là các quy định về hành vi ứng xử với cấp trên, cấp dưới, đồng nghiệp, cũng như khách hàng, đối tác, nhà cung ứng và thể hiện ở quy chế, quy định, quy trình của công ty, giúp công ty tăng doanh thu và tăng lợi nhuận do khách hàng tự tìm đến công ty, dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt, giữ lại khách hàng, giữ được nhân viên và đào tạo được nhân tài cho doanh nghiệp.
4. Văn hóa hiển thị
Văn hóa hiển thị là Văn hóa đã được dựa vào quy chế, quy định và quy trình để cho nhân viên, khách hàng, nhà cung ứng, đối tác, chủ đầu tư thực hiện đồng bộ. Giúp công ty nhân bản, nhượng quyền, tăng quy mô doanh nghiệp theo cấp số nhân.
Các yếu tố cấu thành văn hóa doanh nghiệp
Có thể VHDN ở mỗi công ty sẽ xây dựng khác nhau. Tuy nhiên, các yếu tố cấu thành nên VHDN vẫn chỉ tập trung ở 5 yếu tố sau.
1. Yếu tố tầm nhìn (Vision)
Bất kỳ một nền VHDN nào cũng cần và cũng nên bắt đầu từ một mục tiêu và Tầm nhìn chiến lược. Tầm nhìn tạo ra một nền tảng chắc chắn cho văn hóa doanh nghiệp. Mục tiêu giúp định hướng mọi quyết định của đội ngũ trong doanh nghiệp.
2. Yếu tố giá trị cốt lõi (Values)
Nếu như tầm nhìn tạo nền tảng, định hướng cho văn hóa doanh nghiệp thì giá trị cốt lõi sẽ hướng dẫn các tư duy, hành vi để thực hiện được tầm nhìn. Ví dụ như Google có giá trị cốt lõi là “đừng tàn nhẫn”. Và giá trị cốt lõi này được thể hiện qua “10 điều chúng ta biết là sự thật”. Lúc này, mọi người thấy được giá trị cốt lõi này xoay quanh nhân viên, khách hàng, cộng đồng…
Thực tế thì việc nghĩ ra 1 giá trị cốt lõi độc đáo không quan trọng bằng việc thực hiện nó. Chính vì vậy mà rất nhiều doanh nghiệp mới chỉ dừng ở văn hóa khung mà thôi.
3. Yếu tố thực tiễn (Practices)
Như đã nói ở trên, văn hóa không được thực hiện thì chỉ là loại văn hóa đóng khung mà thôi. Bất kỳ văn hóa doanh nghiệp nào cũng cần được tuyên truyền và thực hiện hàng ngày.
Ví dụ doanh nghiệp coi “con người là tài sản quý giá nhất” thì cần có những quy định về việc chăm sóc hoặc đào tạo vào đội ngũ. Việc đưa văn hóa vào các quy định, nguyên tắc hoạt động của doanh nghiệp là rất cần thiết.
4. Yếu tố con người
Không một doanh nghiệp nào xây dựng được văn hóa mà không có yếu tố con người. Con người giúp định hình được yếu tố mục tiêu, tầm nhìn của doanh nghiệp. Và cũng chính con người giúp chia sẻ giá trị cốt lõi và thực hiện các giá trị này.
Đó chính là lý do vì sao mà hiện nay nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng đều lựa chọn những nhân viên vừa đáp ứng được năng lực vừa phù hợp với giá trị văn hóa doanh nghiệp. Khi con người phù hợp với văn hóa, họ sẽ có sự liên kết chặt chẽ với nhau và với tổ chức. Từ đó doanh nghiệp cũng sẽ vận hành trơn tru, hiệu quả hơn.
5. Yếu tố sức mạnh của câu chuyện
Khi xây dựng VHDN, một câu chuyện độc đáo sẽ tạo được bản sắc riêng cho tổ chức. Việc tường thuật lại câu chuyện một cách hấp dẫn sẽ dần giúp văn hóa doanh nghiệp tốt hơn. Câu chuyện này sẽ trở thành di sản của doanh nghiệp. Coca Cola thậm chí có cả một bảo tàng lớn tại thành phố Atlanta, Hoa Kỳ. Bảo tàng này giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển của Coca Cola từ khi bắt đầu tới nay. VHDN sẽ ngày một mạnh mẽ hơn khi chúng được tường thuật lại lôi cuốn.
7 bước xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiển thị
VHDN có thể bắt đầu thành hình từ khi doanh nghiệp mới thành lập. Nhưng để nó mang lại hiệu quả thực sự thì doanh nghiệp cần lên phương án để xây dựng một cách cụ thể.
Bước 1: Xác định mục tiêu và giá trị của doanh nghiệp
Đây là bước quan trọng nhất khi bắt tay vào xây dựng VHDN. Như đã nói văn hóa cần dựa trên mục tiêu, tầm nhìn, giá trị của doanh nghiệp. Vì thế, hãy xác định nền tảng trước khi bắt đầu xây dựng “ngôi nhà” của bạn.
Bước 2: Đánh giá lại văn hóa hiện tại
Việc đánh giá lại văn hóa hiện tại của doanh nghiệp là cần thiết để có cái nhìn rõ ràng hơn. Đánh giá sẽ không hề dễ dàng bởi các tiêu chí đánh giá về văn hóa khó thấy và dễ nhầm lẫn. Một gợi ý giúp bạn có thể đánh giá thuận tiện hơn đó là dựa vào chính khảo sát từ nhân viên. Hoặc có thể đơn giản là quan sát thực tại của doanh nghiệp. Ví dụ như:
-
Doanh nghiệp có đang tuyển dụng liên tục?
-
Nhân viên kỷ luật kém, hay đi làm trễ, trễ deadline, buôn chuyện…?
-
Nội bộ không có sự kết nối, tương tác, thường xuyên xảy ra xung đột?
-
Có sự ngăn cách giữa cấp quản lý, sếp và đội ngũ nhân viên?
Bước 3: Xác định văn hóa doanh nghiệp mong muốn
Sau khi đã có cái nhìn về văn hóa hiện tại, hãy suy nghĩ về những điều bạn muốn xây dựng thực sự. Bởi một doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại nếu không sở hữu văn hóa đặc trưng của mình.
Harvard Business Review đã nêu ra các yếu tố mà doanh nghiệp thường quan tâm khi xây dựng văn hóa đó là:
-
Quan tâm
-
Mục tiêu
-
Học tập
-
Tận hưởng
-
Kết quả
-
Trật tự
-
Quy trình
Bạn hoàn toàn có thể kiến tạo văn hóa từ chính những điểm mạnh của công ty. Khi đó bạn sẽ có những sức mạnh có sắc để tiếp tục làm mọi thứ tốt nhất.
Bước 4: Soạn thảo, xây dựng các khía cạnh văn hóa doanh nghiệp
Khi đã biết được nền văn hóa mình muốn xây dựng, bạn cần bắt tay vào xây dựng nó. Điều quan trọng lúc này là bạn cần thu hẹp dần khoảng cách giữa văn hóa cũ với văn hóa đang hướng tới.
Việc đánh giá quá trình thu hẹp này có thể dựa trên 4 tiêu chí:
-
Phong cách làm việc
-
Cách đưa ra quyết định
-
Cách giao tiếp
-
Cách ứng xử
Tại bước này, vai trò của nhà lãnh đạo cần được thể hiện rõ nhất. Bởi lãnh đạo là người định hướng cũng như chỉ dẫn cho sự thay đổi. Lãnh đạo là người xây dựng tầm nhìn và truyền tải nó tới nhân viên. Lãnh đạo là người giúp đội ngũ nhân viên không còn lo sợ khi có sự thay đổi trong văn hóa.
Bước 5: Triển khai thực hiện văn hóa doanh nghiệp
Để triển khai văn hóa, doanh nghiệp cần một đơn vị phụ trách vấn đề này và lên kế hoạch cho nó. Kế hoạch triển khai văn hóa cần chia rõ mục tiêu, hành động, mốc thời gian cụ thể. Việc làm nào cần ưu tiên? Ai sẽ là người thực hiện công việc? Thời gian nào cần phải hoàn thành?
Khi đã có kế hoạch thì việc tiến hành sẽ bắt đầu bằng việc cấp quản lý phổ biến cho đội ngũ. Điều này giúp đội ngũ hiểu rõ mục tiêu của giá trị văn hóa đang xây dựng. Họ sẽ có ý thức để văn hóa đó được hiển thị tại công ty.
Lãnh đạo và cấp quản lý cần liên tục khuyến khích, làm gương để nhân viên bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Giúp họ thấy được việc thay đổi là cần thiết và sẽ mang lai nhiều lợi ích.
Bước 6: Phát triển văn hóa doanh nghiệp
VHDN cần được duy trì thực hiện lâu dài và bồi đắp một cách bền bỉ. Một số hoạt động bạn nên làm để văn hóa thấm nhuần vào trong doanh nghiệp:
-
Lồng ghép giá trị văn hóa vào các hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp. Ví dụ như trong cuộc họp, giao tiếp hoặc chia sẻ với nhân viên mới.
-
Xây dựng hoạt động văn hóa công ty. Ví dụ như may đồng phục, nghi thức, team building, du lịch hàng năm…
-
Xây dựng quy chế khen thưởng để khích lệ động viên.
-
Tuyển dụng người phù hợp với doanh nghiệp.
Bước 7: Kiểm soát và đo lường
Liên tục kiểm soát, đo lường sẽ giúp bạn xây dựng VHDN lành mạnh hơn. Hàng năm, hãy thực hiện khảo sát để nhân viên có cơ hội phản hồi về giá trị của công ty. Nó sẽ giúp lãnh đạo biết được nhân viên thích hay không thích gì, mức độ hài lòng ở đâu.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng 3 chỉ số sau để phát triển VHDN hiệu quả hơn.
-
Chỉ số tỷ lệ nhân viên nghỉ việc (ETR – Employee Turnover Rate).
-
Chỉ số đo lường mức độ gắn kết của nhân viên (eNPS – Employee Net Promoter Scores).
-
Chỉ số hài lòng của đội ngũ nhân viên (ESI – Employee Satisfaction Index).
7 ví dụ về văn hóa doanh nghiệp nổi bật ở Việt Nam và thế giới
Văn hóa doanh nghiệp của Google
Nói đến văn hóa doanh nghiệp thì không thể không nhắc đến Google. Google từng được nhận danh hiệu công ty công nghệ có văn hóa doanh nghiệp tốt nhất. Google có văn hóa liên tục đổi mới. Một chính sách rất hay của Google đó là “20% thời gian”. Nghĩa là mỗi tuần nhân viên của Google được dành 20% thời gian của họ để làm bất cứ điều gì họ muốn.
Chính sách này cũng rất phù hợp với văn hóa coi trọng tài năng và sự sáng tạo cá nhân của Google. Đó là lý do tại sao mà Google luôn có những sản phẩm vô cùng mới mẻ và độc đáo.
Văn hóa doanh nghiệp của Apple
Sang trọng, sáng tạo và đơn giản là những giá trị quan trọng của Apple. Và Steve Jobs đã lồng ghép những giá trị vào vào văn hóa doanh nghiệp của Apple hiệu quả. Văn hóa doanh nghiệp của Apple gồm 3 nhân tố quan trọng:
-
Sáng tạo và đổi mới. Khẩu hiệu nổi tiếng của Apple chính là Think Different – Nghĩ khác. Tất cả nhân viên của Apple đều được khuyến khích sáng tạo. Họ luôn có điều kiện đóng góp ý tưởng để phát triển sản phẩm.
-
Làm việc trong áp lực. Một trong những kỹ năng nhân viên của Apple cần có chính là làm việc trong môi trường nhiều áp lực.
-
Bí mật cao độ. Tất cả những người liên quan tới sản phẩm của Apple đều không hề biết hình ảnh của sản phẩm mới cho tới khi nó ra mắt.
Văn hóa doanh nghiệp Vinamilk
Vinamilk là một trong số ít doanh nghiệp Việt xây dựng được một nền văn hóa nhất quán và minh bạch. Bằng cách tạo nhận thức cho nhân viên, Vinamilk đã xây dựng văn hóa rất thành công. Vinamilk cũng luôn có những hành động hướng tới người lao động. Văn hóa doanh nghiệp Vinamilk tuân thủ theo 6 nguyên tắc:
-
Nguyên tắc trách nhiệm: Khi xảy ra bất cứ việc gì, nguyên nhân trước tên đều là do tôi.
-
Nguyên tắc hướng kết quả: Hãy nói chuyện với nhau bằng lượng hóa, bình tĩnh bàn bạc.
-
Nguyên tắc sáng tạo và chủ động: Luôn tìm kiếm ít nhất 2 giải pháp để xử lý vấn đề.
-
Nguyên tắc hợp tác: Hãy hợp tác với nhau dựa trên tinh thần bình đẳng và không cần giám sát.
-
Nguyên tắc chính trực: Lời nói của tôi là của tôi. Hãy chịu trách nhiệm của mọi lời bạn nói.
-
Nguyên tắc xuất sắc: Tôi tự tin là chuyên gia trong lĩnh vực của mình.
Văn hóa doanh nghiệp Vingroup
Văn hóa doanh nghiệp Vingroup thể hiện quá 6 giá trị cốt lõi. Đó là Tín – Tâm – Trí – Tốc – Tinh – Nhân. Vingroup với văn hóa làm việc tốc độ cao, hiệu quả và luôn luôn tuân thủ kỷ luật. Chính nhờ điều này mà Vingroup đã có những bước phát triển vượt bậc trong mọi lĩnh vực.
Dựa trên 6 giá trị cốt lõi đã nói trên, Vingroup liên tục phát động nhiều chương trình. Ví dụ như Người tốt việc tốt, Phong trào thi đua thực hành tiết kiệm…
Văn hóa doanh nghiệp Viettel
Trước đây, văn hóa doanh nghiệp Viettel được thể hiện qua 3 giá trị: Quan tâm, Sáng tạo và Khát khao. Và Viettel đã kết tinh 3 giá trị này trong một triết lý rất ấn tượng “Cộng hưởng tạo sự khác biệt”.
Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của cuộc cách mạng 4.0 thì Viettel đã nhanh chóng thay đổi. Văn hóa doanh nghiệp Viettel đối mới để mang tới một doanh nghiệp hợp thời đại hơn. Cụ thể, nó được thể hiện qua 8 giá trị cốt lõi.
Văn hóa doanh nghiệp của Vietnam Airlines
Sau hơn 20 năm thành lập và phát triển, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã không ngừng hoàn thiện văn hóa của mình. 3 đặc trưng nổi bật trong văn hóa doanh nghiệp của Vietnam Airlines đó là:
-
Trung thực. Vietnam Airlines luôn đề cao tính trung thực, minh bạch. Nhân viên luôn sẵn sàng báo cáo lỗi và sự cố.
-
Đề cao tính kỷ luật. Vietnam Airlines đã thành công khi xây dựng hệ thống quản lý an toàn.
-
An toàn là trên hết. Vietnam Airlines cho biết sẽ không đánh đổi nguyên tắc an toàn với bất cứ điều gì.
Văn hóa doanh nghiệp của ActionCOACH CBD Firm
ActionCOACH CBD Firm là một trong những văn phòng nhượng quyền tại Việt Nam của thương hiệu ActionCOACH – chuyên huấn luyện doanh nghiệp. CBD Firm đã có 6 năm hoạt động và luôn bám theo 14 giá trị văn hóa:
-
Cam kết
-
Làm chủ
-
Chính trực
-
Xuất sắc
-
Giao tiếp
-
Thành công
-
Đào tạo
-
Đội ngũ
-
Cân bằng
-
Niềm vui
-
Hệ thống
-
Nhất quán
-
Lòng biết ơn
-
Thịnh vượng
Chính nhờ bám sát các giá trị văn hóa này mà CBD Firm đã khẳng định được vị thế của mình trên bảng xếp hạng ActionCOACH toàn cầu. ActionCOACH CBD Firm mang tới cho các chủ doanh nghiệp những chiến lược giàu tính ứng dụng để phát triển doanh nghiệp một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Lời kết
Văn hóa doanh nghiệp chính là linh hồn của doanh nghiệp. Nó phản ánh chính giá trị và tầm nhìn của người lãnh đạo. Và hơn hết, nó giúp doanh nghiệp tạo được bản sắc riêng trên thị trường. Vậy nếu là một người lãnh đạo, bạn muốn làm gì ngay bây giờ?