Cách viết CV xin việc ngành xây dựng – Joboko
06/07/2021 09:30
Mỗi ngành nghề đều có đặc thù riêng và nhân sự trong lĩnh vực đó sẽ cần có phương thức riêng biệt để tiếp cận với công việc, với nhà tuyển dụng ngay từ bước điều chỉnh CV ứng tuyển. Nếu như bạn đang loay hoay chưa biết cách viết CV xin việc ngành xây dựng thế nào cho đúng chuẩn thì chia sẻ sau đây của JobOKO sẽ hữu ích cho bạn.
Cách viết CV xin việc ngành xây dựng có thể áp dụng cho nhiều vị trí công việc thuộc lĩnh vực này nhưng sẽ được cá nhân hóa cho mỗi ứng viên, tùy theo trình độ, kinh nghiệm của bạn. Từ chọn mẫu CV đến viết các phần nội dung chính, lưu ý khác đều nhằm đảo bảo rằng bạn có thể tự tin tạo ra một bản CV xin việc ngành xây dựng chuẩn, đẹp, ghi điểm với nhà tuyển dụng.
Hướng dẫn cách viết CV xin việc ngành xây dựng chuẩn
Nội Dung Chính
I. Thông tin nhất định phải có trong CV xin việc ngành xây dựng
Để biết được đâu là thông tin không thể thiếu trong CV xin việc ngành xây dựng thì trước hết, bạn cần tự suy nghĩ và tìm ra câu trả lời: Đối với những người làm việc trong ngành xây dựng, chuyên môn hay kỹ năng nào là quan trọng nhất? Kinh nghiệm liệu có phải điều kiện tiên quyết để được tuyển dụng? Sau đó, bạn sẽ biết mình nên tập trung nhấn mạnh vào thông tin nào trong CV.
Hầu hết các vị trí việc làm ngành xây dựng đều sẽ cần bằng cấp (trừ công nhân, thợ lành nghề), do đó, học vấn chắc chắn sẽ cần có trong CV nhưng không chỉ vậy, các kinh nghiệm – đặc biệt là dự án xây dựng đã tham gia thiết kế, thi công là thông tin được nhiều nhà tuyển dụng coi trọng nhất. Bạn có thể khéo léo đề cập tới trong phần mục tiêu nghề nghiệp và kinh nghiệm làm việc, làm nổi bật qua quy mô dự án, đóng góp của bản thân, học được gì…
II. Mẫu CV xin việc ngành xây dựng
Từ xưa tới nay, những người làm các công việc liên quan đến xây dựng đều dễ tạo cảm giác là mạnh mẽ, cứng rắn, chắc chắn và rõ ràng. Đó cũng là những nét tính cách nổi bật để xử lý những nhiệm vụ thiên về kỹ thuật, vì thế mà mẫu CV xin việc ngành xây dựng bạn tự thiết kế hoặc chọn từ mẫu online có sẵn cũng phải cho thấy đặc điểm này. Sẽ là không phù hợp nếu bạn làm kỹ sư xây dựng nhưng mẫu CV lại quá nghệ thuật, thanh lịch mà mất đi nét cứng cáp. Một số lưu ý cơ bản nhất là:
- Mẫu CV xin việc ngành xây dựng có bố cục rõ ràng, các phần sắp xếp hợp lý phù hợp với kinh nghiệm.
- Màu sắc nên là gam màu lạnh, tránh những màu rực rỡ như đỏ, cam, vàng…
- Font chữ gọn gàng dễ đọc.
- Ngoài ra, bạn cũng sẽ cần kiểm tra thật kỹ để CV không có lỗi trước khi gửi đến nhà tuyển dụng.
III. Cách viết CV xin việc ngành xây dựng
1. Thông tin cá nhân
Trong CV xin việc ngành xây dựng, thông tin cá nhân không phải phần đặc biệt mà bạn cần đặt nhiều công sức vào đó. Thay vì tìm cách tạo nên sự mới mẻ, thu hút ở nội dung này, bạn nên tuân thủ nguyên tắc đơn giản là tốt nhất, miễn sao đầy đủ thông tin và tất cả những gì bạn viết đều chính xác để tránh trường hợp chỉ vì số điện thoại thiếu hay thừa 1 số, địa chỉ email sai 1 ký tự mà nhà tuyển dụng không liên lạc được.
Đề cập thông tin cá nhân trong CV xin việc như thế nào?
2. Mục tiêu nghề nghiệp
Nếu như bạn là một người tham vọng, có năng lực xuất sắc, các mục tiêu của bạn có thể là thăng tiến lên kỹ sư trưởng, chỉ huy trưởng công trình hay làm giám đốc của công ty xây dựng. Trong khi đó, với các bạn mới ra trường thì mục tiêu học hỏi nâng cao trình độ, kỹ năng, được tham gia những dự án xây dựng lớn, chứng minh được khả năng… sẽ thực tế hơn. Viết phần mục tiêu nghề nghiệp trong CV xin việc ngành xây dựng, bạn nên điều chỉnh sao đó các mục tiêu thể hiện chính xác bản thân bạn nhưng không quá lố cũng không tự ti và dĩ nhiên, tất cả mục tiêu phải liên quan đến công việc, không cho thấy bạn có ý định chuyển ngành hay tương tự.
Gợi ý (vị trí kỹ sư xây dựng):
- Sử dụng các kỹ năng tích lũy được sau 3 năm làm kỹ sư xây dựng để tham gia vào các dự án thiết kế quy mô lớn nhỏ, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong nỗ lực xây dựng thương hiệu an toàn, uy tín của công ty.
- Thi lấy chứng chỉ kỹ sư hành nghề xây dựng hạng II trong 2 năm tới.
- Trở thành kỹ sư trưởng sau 5 năm.
3. Học vấn
Có nhiều vị trí việc làm ngành xây dựng như kỹ sư xây dựng, giám sát thi công, kỹ sư thiết kế, nhân viên dự toán… Hầu như tất cả đều cần ứng viên có trình độ, chuyên môn nhất định mới có thể làm được. Do đó, nhà tuyển dụng thường rất quan tâm đến phần học vấn trong CV xin việc ngành xây dựng. Dù thế, đây không phải phần bạn có thể “nói quá” lên dù chỉ là một chút vì nhà tuyển dụng rất dễ kiểm tra tính trung thực. Bạn nên viết rõ bằng cấp, niên khóa, chuyên ngành và xếp loại.
Lưu ý là nếu mới đi làm, chưa có kinh nghiệm mà có điểm trung bình (GPA) cao thì bạn nên viết vào để CV thêm ấn tượng, ngược lại, đi làm trên 5 năm hoặc bảng điểm chỉ ở mức trung bình thì bạn nên bỏ qua GPA.
Gợi ý: Đại học Xây dựng (2015 – 2020)
- Chuyên ngành: Quản lý xây dựng.
- Xếp loại: Khá, GPA 3.05.
4. Kinh nghiệm
4.1. Với ứng viên có kinh nghiệm
Ngành nào cũng thế, nhà tuyển dụng đều có tâm lý muốn tuyển người có kinh nghiệm, dù chỉ là thực tập hay làm thêm. Nguyên nhân là vì các bạn có kinh nghiệm sẽ quen thuộc hơn với môi trường đi làm, điều tiết các mối quan hệ cũng như nhanh chóng thích nghi với quy trình làm việc. Lĩnh vực xây dựng vừa đòi hỏi trình độ, kỹ năng lại cần kinh nghiệm để dễ dàng xử lý các tình huống phát sinh hơn nên chắc chắn đây là một trong những phần quan trọng nhất của CV xin việc ngành xây dựng.
Khi đã có kinh nghiệm làm việc, bạn cần phân biệt rõ xem kinh nghiệm đó có thực sự liên quan đến ngành nghề hay không. Giả sử, bạn làm đúng vai trò như vị trí ứng tuyển hiện tại thì có thể viết 3 – 5 kinh nghiệm vào CV, ngược lại, nếu bạn chỉ đi làm thêm ở các vị trí như gia sư, shipper, phục vụ bàn… thì viết 1 – 2 trải nghiệm là đủ.
Bên cạnh đó, bạn cũng đừng quên bao gồm cả mô tả ngắn nhiệm vụ chính, lượng công việc bạn đã xử lý cũng như thành tích bạn đạt được trong công việc: Các dự án xây dựng nổi bật đã tham gia, khen thưởng (nếu có), các kỹ năng rèn luyện và thực hành…
Gợi ý: Công ty thiết kế xây dựng AGN, Kỹ sư thiết kế kiến trúc (2/2019 – 5/2021)
- Thiết kế tổng thể và chi tiết các công trình xây dựng dân dụng, khu nhà ở theo yêu cầu của khách hàng; tư vấn về nguyên vật liệu, thi công.
- Một số dự án nổi bật đã tham gia: [tên 2 – 3 dự án bạn làm tốt]; phát triển kỹ năng vẽ thiết kế, sử dụng phần mềm thiết kế kiến trúc và mở rộng mối quan hệ trong ngành.
Kinh nghiệm làm việc rất quan trọng trong CV xin việc ngành xây dựng
4.2. Với ứng viên chưa có kinh nghiệm
Bởi vì phần kinh nghiệm trong CV xin việc ngành xây dựng quan trọng như vậy nên các bạn là ứng viên chưa có kinh nghiệm sẽ mất đi một phần ưu thế. Mặc dù vậy, chắc chắn rằng với tất cả các ngành học liên quan, trong quá trình đào tạo, sinh viên buộc phải làm đồ án, hoàn thành độc lập các thiết kế, đi thực tập mới có thể ra trường. Vì vậy, viết vào CV các kinh nghiệm, trải nghiệm đó cũng sẽ hữu ích. Bạn cũng nên chia sẻ với nhà tuyển dụng rằng mình đã được đánh giá như thế nào, học được gì từ kỳ thực tập chẳng hạn. Ngoài ra, có thể bổ sung, nhấn mạnh trong thư xin việc rằng bạn sẽ nghiêm túc học hỏi và theo kịp nhịp độ công việc ở môi trường thực tế.
Gợi ý: Công ty Xây dựng và Dịch vụ YNG, Thực tập sinh (6/2020 – 12/2020)
- Hỗ trợ các công việc hành chính tại văn phòng; hoàn thành các bảng dự toán ngân sách xây dựng cho các công trình dân dụng quy mô nhỏ; khảo sát thực tiễn tại công trường.
- Làm quen với các thủ tục, báo cáo về ngân sách xây dựng, phát triển kỹ năng chuyên môn về tính toán, phân tích; xếp loại tốt khi kết thúc kỳ thực tập.
5. Kỹ năng
Khi nói đến những phần nội dung quan trọng nhất trong CV xin việc ngành xây dựng, chúng ta không thể không kể đến phần kỹ năng. Ứng viên nhất định phải tránh điền chung chung một vài kỹ năng như giao tiếp, ngoại ngữ hay tin học, thay vào đó, bạn nên chi tiết, đề cập đến những gì cần thiết nhất cho công việc.
Mẹo đơn giản để viết phần này là tự liệt kê, so sánh các kỹ năng bạn có và kỹ năng bạn cho rằng nhà tuyển dụng sẽ cần (có thể xem thêm ở mô tả công việc). Sau đó, bạn sẽ chọn ra các kỹ năng mình tự tin nhất và đó cũng là kỹ năng để hoàn thành công việc để viết vào CV xin việc ngành xây dựng từ 4 – 6 gạch đầu dòng theo thứ tự ưu tiên.
Gợi ý:
- Kỹ năng chuyên môn: Vận hàng công cụ, máy móc xây dựng.
- Kỹ năng thiết kế kiến trúc.
- Tính toán nhanh, chính xác.
- Kỹ năng phân tích.
- Kỹ năng quản lý ngân sách và giải quyết vấn đề.
- Kỹ năng ghi nhớ, lắng nghe và giao tiếp tốt.
6. Chứng chỉ
Ở trình độ đại học, các bạn học ngành xây dựng đa số là có bằng kỹ sư, chỉ một số ít là bằng cử nhân. Tuy nhiên, nếu muốn dễ tìm việc và hành nghề kỹ sư xây dựng cũng như chuẩn bị sẵn sàng để thăng tiến trong tương lai, bạn sẽ cần học và thi, xin cấp chứng chỉ. Trường hợp bạn đã có Chứng chỉ hành nghề kỹ sư xây dựng hạng I, II, Chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư hoạt động xây dựng hoặc chứng chỉ ngoại ngữ, tin học,… thì chắc chắn bạn nên viết vào CV xin việc ngành xây dựng – viết đúng tên, thời gian được cấp và thời hạn (nếu có).
Nếu như chưa có chứng chỉ, bạn cũng nên xem xét, dành thời gian để theo học và rèn luyện, thực hành vì có thể hơi vất vả ở hiện tại nhưng rất tốt cho tương lai.
7. Tham chiếu
Tham chiếu thông tin là phần cơ bản nhưng không thể không có trong CV xin việc ngành xây dựng. Với sinh viên mới tốt nghiệp hay đi làm trong 1, 2 năm thì có thể viết liên hệ của giảng viên trong trường, thầy hướng dẫn, còn lại đa số mọi người chọn quản lý cũ, người giám sát, kỹ sư trưởng… để làm người tham chiếu. Lựa chọn của bạn là gì thì cũng hãy đảm bảo đã xin phép trước khi viết họ tên, chức danh, số điện thoại và email của họ vào CV nhé.
Đọc thêm: Cách ghi người tham chiếu khi viết CV xin việc
8. Sở thích
Tưởng chừng như sở thích sẽ là phần mà ứng viên có thể hoàn toàn được phép viết theo ý mình trong CV nhưng thực tế, bạn vẫn sẽ phải lưu ý một số yếu tố, đảm bảo bạn cho thấy một bản thân tích cực, lành mạnh và tốt nhất là hợp với nghề. Ví dụ, sẽ không sao nếu bạn thích chơi game nhưng sẽ là quyết định sai lầm nếu bạn viết vào CV xin việc ngành xây dựng rằng mình thích uống rượu. Hãy nhớ, sở thích của cá nhân là khác nhau nhưng không nên “khoe” với nhà tuyển dụng nếu không cho thấy thế mạnh, mặt tốt của bạn.
Gợi ý:
- Đi du lịch, khám phá.
- Đọc sách.
- Chơi thể thao (bóng đá, bóng chuyền, quần vợt).
Đọc thêm: Mẹo ghi sở thích trong CV xin việc
9. Hoạt động
Các công việc trong ngành xây dựng hầu như không yêu cầu quá nhiều về kỹ năng mềm hay đòi hỏi bạn phải là người hướng nội, hoạt bát. Tuy nhiên, nếu bạn có kỹ năng lãnh đạo, tổ chức và sắp xếp công việc thể hiện qua các hoạt động ngoại khóa, hoạt động tập thể bạn đã tham gia trong trường hoặc khi đã đi làm, hãy cứ tự tin viết vào CV xin việc ngành xây dựng. Hình ảnh một ứng viên năng động, mang đến năng lượng tích cực sẽ được đánh giá cao.
Đối với phần giải thưởng, bạn nên viết và chỉ có thể viết nếu đã đạt được các giải thưởng về thiết kế kiến trúc, xây dựng hoặc nghiên cứu khoa học trong trường… Nếu không có, bạn nên ẩn cả phần này khỏi CV để không bị trống nhé.
Nhà tuyển dụng tuyển ứng viên ngành xây dựng dựa trên những yếu tố nào?
IV. Tiêu chuẩn tuyển dụng ứng viên ngành xây dựng
Ngoài các yêu cầu bắt buộc về bằng cấp, số năm kinh nghiệm hay thậm chí là giới tính, độ tuổi liệt kê trong mô tả công việc, nhà tuyển dụng cũng sẽ có một số kỳ vọng khác với ứng viên ngành xây dựng. Bạn có thể tham khảo để điều chỉnh CV xin việc ngành xây dựng cũng như chuẩn bị nội dung chia sẻ trong cuộc phỏng vấn, hay đơn giản chỉ là để tự cân nhắc xem mình có phù hợp với công việc hay không nhé.
- Ý thức và tuân thủ các quy định về an toàn lao động.
- Có kỹ năng cơ bản về tính toán, thiết kế, lắp đặt, thi công xây dựng.
- Có tư duy kỹ thuật kết hợp với tư duy kinh doanh.
- Sức khỏe tốt, có thể làm việc tại công trường, đi công tác.
- Tay chân khéo léo, linh hoạt.
- Kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc nhóm.
- Ý thức trách nhiệm, trung thực, cẩn thận.
Viết CV xin việc ngành xây dựng không quá khó nhưng cần ứng viên dành đủ thời gian, lưu ý để hoàn thiện từng chi tiết, sao cho tổng thể CV hoàn hảo nhất. Hy vọng rằng những thông tin JobOKO vừa chia sẻ sẽ thực sự ý nghĩa với bạn.