Cách sử dụng các loại giấm trong nấu ăn

 

Từ thời cổ đại, giấm đã được sử dụng trong nấu nướng. Loại gia vị này được ưa chuộng trong nhiều nền văn hóa ẩm thực khác nhau, từ Châu Á tới Châu Âu. Sau đây là những loại giấm phổ biến được dùng trong ẩm thực:

1. Giấm trắng

Loại giấm này thường được làm từ bã bia hoặc đường mật. Chúng có mùi vị, hương thơm khá mạnh và chủ yếu được dùng để ngâm chua các loại thực phẩm.

2. Giấm mạch nha

Giấm mạch nha được làm từ loại bia không mùi. Trong quá trình chế biến giấm, người ta cho thêm đường caramel vào để giúp giấm có màu sẫm hơn. Giấm mạch nha không thích hợp với những món ăn có mùi vị nhẹ vì loại giấm này có mùi khá hăng và vị hơi đắng. Giấm mạch nha  thường được dùng để làm chua các loại rau xanh và trái cây. Ngoài ra, chúng còn được sử dụng để chế biến tương ớt.

3. Giấm rượu

Bất kỳ loại rượu nào cũng có thể dùng để làm giấm. Giấm rượu có mùi vị nhẹ hơn so với giấm mạch nha. Chất lượng rượu càng cao thì hương vị của giấm càng thơm ngon. Giấm rượu thường là thành phần không thể thiếu để chế biến các loại nước sốt.

 

4. Giấm táo

Giấm táo chính là gia vị lý tưởng giúp tạo ra độ chua ngọt cho các món ăn, chế biến nước sốt dành cho món rau trộn. Với thành phần chính là rượu táo, loại giấm này có mùi thơm nhẹ của táo và có tính a-xít ít hơn so với giấm rượu.

5. Giấm gạo

Rượu gạo là nguyên liệu để làm giấm gạo. Đây là loại giấm được ưa chuộng nhất trong cách nấu nướng của người Trung Quốc, đặc biệt là trong các món ăn đòi hỏi có vị ngọt và chua.

6. Giấm thơm
 

Về cơ bản, giấm thơm vẫn được chế biến từ giấm rượu nhưng có cho thêm một số thành phần khác để tạo mùi thơm như tỏi, chanh hoặc tiêu xanh…

Khi chọn mua giấm ở chợ hoặc các cửa hàng thực phẩm, bạn nên đưa chai giấm ra ngoài ánh nắng để kiểm tra xem giấm có trong, sạch hay bị vón cục không.

Thời hạn sử dụng của giấm khá lâu, có thể lên đến một năm (đối với hầu hết các loại giấm), ngoại trừ giấm thơm có thể bị hỏng sau khoảng một tháng kể từ thời điểm bạn mở nắp chai.

 Theo PNO