Cách sơ cứu ong đốt: Hướng dẫn xử trí đúng cách ngay tại nhà

Ong đốt là tai nạn thường gặp nhưng không phải ai cũng biết cách sơ cứu, dẫn đến nhiều tình trạng nguy hiểm: Sốc phản vệ, nhiễm trùng,… Dưới đây là hướng dẫn sơ cứu ong đốt an toàn.

sơ cứu ong đốt

Bị ong đốt nguy hiểm ra sao?

Mùa hè khi trẻ em đi chơi dã ngoại nhiều hơn hoặc gần dịp Tết khi nhiều gia đình dọn dẹp nhà cửa, phát quang bụi rậm, tỉa cành,… dễ bị ong đốt hơn. Do đó, ong đốt không phải tai nạn hiếm gặp nhưng do nạn nhân hoảng loạng tinh thần đã rơi vào nguy hiểm dẫn đến xử trí không đúng cách. 

Người bị ong đốt thường thắc mắc bôi gì cho nhanh bớt sưng, bớt nhức nhưng lại chủ quan với những biến chứng cấp tính nguy hiểm như: Sốc phản vệ, nhiễm trùng,… ảnh hưởng đến tính mạng.

Tùy vào loài ong, số lượng vết đốt mà nạn nhân bị ong đốt bị tổn thương từ mức độ nhẹ đến nặng. Trong tự nhiên, có nhiều loại ong khác nhau: Ong vò vẽ, ong bắp cày, ong rừng, ong chúa,… Nọc của từng loài có khả năng gây độc khác nhau, nhìn chung có các chất độc sau:

  • Melittin: Gây đau, gây tan máu và khiến các tiểu cầu ngưng kết với nhau, phá hủy màng tế bào.

  • Men phospholipase A2: Làm tan hồng cầu.

  • Peptide: Làm thoái hoá các hạt của bạch cầu hạt ưa kiềm, giải phóng histamin gây dị ứng, sốc phản vệ.

  • Men hyaluronidase: Phân huỷ acid hyaluronic của tổ chức liên kết trong cơ thể làm cho nọc độc của ong dễ lan khắp cơ thể nạn nhân.

  • Chất apamine gây độc với thần kinh, tác dụng mạnh trên tủy sống, gây tăng kích thích, co thắt cơ, co giật.

  • Chất histamin, serotonin, catecholamin, kinin: Gây đau, viêm, thúc đẩy sự hấp thu các kháng nguyên trong nọc ong,…

Vị trí ong đốt thường sưng nhẹ, đỏ, cảm giác ngứa. Sau đó, triệu chứng nặng dần, sưng phù, cảm giác nhức nhối. Vết sưng do ong đốt có thể hết sau vài ngày đến vài tuần. Đa số trường hợp bị ong đốt đều nhẹ do số lượng vết đốt ít và loài ong đốt có độc tính thấp.

sơ cứu người bị ong đốt

Nếu ong đốt ở nhiều vị trí, nhất là ở đầu, mặt, cổ hoặc loài ong có độc tính cao sẽ dễ gặp biến chứng nặng: Phù mặt, nổi ban đỏ, ngứa toàn thân, khó thở, suy hô hấp, tụt huyết áp, hôn mê, sốc phản vệ,… Ngoài ra, nạn nhân có thể tổn thương thận cấp với triệu chứng nước tiểu có màu đỏ hoặc nâu. Đặc biệt, trẻ em và người có tuổi do sức đề kháng, chịu đựng kém, người có mẫn cảm với phấn hoa hoặc dị ứng với chất độc của loại ong đốt.

Hướng dẫn xử trí sơ cứu ong đốt đúng cách

Người dân khi bị ong đốt thường thoa dầu hoặc các loại thuốc dân gian để bớt sưng, giảm nhức. Nhưng xử trí khi bị ong đốt không chỉ thoa thuốc mà còn phải theo dõi các biến chứng cấp tính: Suy hô hấp, suy thận, sốc phản vệ,… Dưới đây là các cách sơ cứu người bị ong đốt:

  • Đưa nạn nhân ra khỏi khu vực bị ong đốt. Đặt nạn nhân nằm yên, tránh cử động nhiều để hạn chế nọc độc lan truyền trong cơ thể.

  • Các loại côn trùng khác thường không để lại dấu vết khi đốt. Còn ong thường để lại kim và túi chứa nọc độc tại vị trí đốt. 

Nếu vòi chích nổi lên bề mặt da, dùng nhíp gắp nhẹ lấy kim ra. 

Tránh dùng tay khều hoặc chà xát, đè lên vết chích bởi mũi kim dính vào da có kèm theo túi chứa nọc độc sẽ tiếp tục bơm chất độc vào cơ thể. Cần lấy kim ra khỏi da càng nhanh càng tốt, tránh chất độc gây sưng, nhức nhối nghiêm trọng hơn.

  • Rửa vết chích bằng xà phòng hoặc nước sạch, nước ấm, dung dịch sát trùng.

  • Đắp khăn lạnh hay túi chườm đá lên vùng bị đốt để giảm sưng, giảm đau,…

  • Cho nạn nhân uống nhiều nước để thải bớt độc tố.

xử trí ong đốt

Tuyệt đối không dùng thuốc (dù là thuốc y học cổ truyền hay thuốc tân dược) hay vôi bôi lên vết chích. Sau khi sơ cứu, cần đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Tại cơ sở y tế, nếu bệnh nhân có phản ứng nặng tại vị trí đốt, cho uống thuốc kháng histamin và corticosteroid theo chỉ định của bác sĩ.

Các trường hợp bị ong đốt cần đưa cấp cứu ngay lập tức

Người bị ong đốt rơi vào các tình huống này cần được đưa đi bệnh viện cấp cứu ngay lập tức:

  • Bị ong đốt ở nhiều vị trí trên cơ thể, nhất là vùng đầu, mặt, cổ.

  • Xác định được loài ong đốt là ong bắp cày, ong vò vẽ,… bởi nọc của chúng có độc tố mạnh, gây biến chứng toàn thân. Càng để lâu, độc tố càng thấm sâu vào máu, gây nhức nhối.

  • Nạn nhân bị khó thở, đau nhức nhiều, phù mặt, tiêu chảy, buồn nôn, chuột rút.

Cơ thể mỗi người có phản ứng khác nhau khi bị ong đốt. Tổn thương do ong đốt thường được chia ra các mức độ:

  • Mức độ1: Phản ứng tại vị trí đốt như sưng, đỏ, ngứa, nhức,… có thể biến mất sau vài giờ mà không cần điều trị.

  • Mức độ 2: Phù mạch, nổi mày đay toàn thân.

  • Mức độ 3: Co thắt phế quản.

  • Mức độ 4: Sốc phản vệ, hạ huyết áp, tổn thương nhiều cơ quan.

Với trẻ em, phản ứng dị ứng ở mức độ 1 và 2 không có chỉ định điều trị giải  độc của ong. 

Với người lớn, từ mức độ 2 đã có chỉ định điều trị giải nọc độc. Phương pháp này cho hiệu quả bảo vệ đến 80% người bệnh (trừ nạn nhân có chống chỉ định).

Với bệnh nhân bị ong đốt có các triệu chứng dị ứng ở mức độ 3 – 4 cần được cấp cứu ngay bằng tiêm adrenalin. Nếu triệu chứng không cải thiện, cần tiêm nhắc lại sau mỗi 8-10 phút.

Với nạn nhân có triệu chứng của sốc phản vệ sau khi bị ong đốt, cần được xử trí như điều trị sốc phản vệ do các nguyên nhân khác. Sốc phản vệ do ong đốt xảy ra khi nạn nhân có cơ địa quá nhạy cảm với nọc ong, gây ra phản ứng toàn thân.

Với những người bị sốc phản vệ khi ong đốt, sau khi điều trị cấp cứu khỏi nguy kịch, cần mang thuốc chống sốc phản vệ theo bên mình, nhất là khi làm việc, hoạt động tại nơi có nguy cơ bị ong đốt.

Xem thêm: Cấp cứu sốc phản vệ: Quy trình xử lý theo trình tự từng bước.

Việc nên và không nên làm khi bị ong đốt

Khi bị ong đốt nên sơ cứu nhanh chóng và theo dõi biểu hiện của nạn nhân. Nếu có các dấu hiệu nặng: khó thở, nhịp tim nhanh, nổi mề đay,… cần đưa đến bệnh viện ngay lập tức. Đặc biệt, nạn nhân càng bị nhiều vết ong đốt càng cần đưa đến bệnh viện sớm nhất có thể. Tuyệt đối không dùng các phương pháp dân gian (vôi, ruột ong,…) hay dùng các loại thuốc không theo chỉ định của bác sĩ để xử trí nạn nhân; không nặn vết chích để lấy kim ong, vì sẽ làm độc tố lan nhanh ra khắp cơ thể, ngấm sâu vào tế bào khiến quá trình cứu chữa khó khăn hơn.

Làm thế nào để phòng ngừa ong đốt?

tổ ong

Tai nạn ong đốt thường gặp nhưng không nên lơ là, bởi có thể khiến nạn nhân rơi vào sốc phản vệ, nhiễm độc đa cơ quan, nguy kịch tính mạng. Bên cạnh hiểu biết về các cách sơ cứu, cấp cứu nạn nhân bị ong đốt, người dân cần nắm các thông tin về phòng ngừa, cụ thể: 

  • Tránh xa khu vực có nhiều ong sinh sống.

  • Đặc tính của loài ong là không chủ động tấn công “kẻ thù”, có nghĩa nếu không động vào tổ của chúng, chúng sẽ không đốt bạn. Do đó, không chọc phá tổ ong. Đặc biệt, cần căn dặn trẻ em bởi chúng thường tinh nghịch nên có thể vô tình hoặc cố ý chọc tổ ong.

  • Không đi vào khu vực có nhiều cây cối vào buổi tối vì khó phát hiện ra tổ ong. Vô tình đụng phải tổ ong vào ban đêm khiến bạn khó thoát khỏi sự tấn công của cả đàn. Đồng thời, việc sơ cứu, cấp cứu vào ban đêm cũng khó khăn hơn, nạn nhân dễ rơi vào nguy hiểm tính mạng.

  • Khi lấy tổ ong cần đảm bảo mặc đồ bảo hộ, tránh để lộ phần da ra bên ngoài.

  • Nhận thấy đàn ong có thể gây nguy hiểm và muốn đuổi ong đi, bạn nên dùng khói hoặc lửa thay vì lấy que chọt vào tổ.

  • Vệ sinh xung quanh nhà cửa thường xuyên để không tạo điều kiện cho ong làm tổ. Hoặc nếu ong làm tổ, không nên chọc phá tổ ong.

  • Khi vào rừng, nên chọn trang phục che chắn tay chân, đi giày kín, đội mũ có màng che mặt để tránh va phải tổ ong và bị tấn công.

Khi bị ong đốt, cần sơ cứu ong đốt đồng thời theo dõi biểu hiện của nạn nhân. Nếu có các dấu hiệu nặng: khó thở, nhịp tim nhanh, nổi mề đay,… cần đưa đến bệnh viện ngay lập tức. Sau khi điều trị sốc phản vệ, người bệnh được tiếp tục theo dõi trong suốt 24 giờ để phòng trường hợp sốc trở lại.