Cách nấu cháo trứng gà cho bé | BvNTP

Khi trẻ mới bắt đầu làm quen với trứng, bạn nên nấu cho bé món cháo đơn giản, không thêm bất cứ loại thực phẩm nào khác để dễ dàng quan sát xem bé có các biểu hiện dị ứng với trứng hay không. Cách nấu cháo lòng đỏ trứng gà cho bé như sau:

Nguyên liệu

  • Trứng gà ta: 1/2 lòng đỏ

  • Cháo chín nhừ nấu đặc: 1 thìa súp

  • Nước: 1/2 bát (chén)

  • Dầu ăn cho bé ăn dặm

Cách chế biến

  • Cho cháo đặc vào nồi, thêm nước, đánh cho cháo tan đều và đun sôi.

  • Đánh tan lòng đỏ trứng, giảm lửa nồi cháo và cho trứng vào cháo từ từ, vừa đổ vừa khuấy để trứng tan đều, không bị đóng cục.

  • Để cháo sôi thêm 3 – 5 phút cho trứng chín hẳn rồi tắt bếp.

  • Nếu bé không ăn được cháo thô, mẹ nên rây nhuyễn cháo, để nguội bớt rồi cho bé dùng.

  • Trước khi cho bé ăn, mẹ nên cho 1 thìa dầu ăn dặm vào, khuấy đều và cho con ăn khi cháo còn ấm để không bị tanh. Ngoài cách nấu này, bạn cũng có thể luộc lòng đỏ trứng, để nguội rồi tán nhuyễn và trộn vào cháo cho bé thay vì khuấy trực tiếp trứng.

Cách nấu cháo trứng gà đậu đỏ cho bé

Đậu đỏ kết hợp với trứng gà sẽ tạo thành món ăn rất bổ dưỡng. Không những vậy, món ăn này lại có mùi vị rất thơm ngon, chắc chắn sẽ làm cho bé yêu nhà bạn thích mê đấy. Để tập cho trẻ ăn trứng, mẹ đừng bỏ qua món này nhé!

Nguyên liệu

  • Gạo lứt giã nát: 1 thìa súp

  • Đậu đỏ ngâm mềm: 1 thìa súp

  • Lòng đỏ trứng gà: 1 cái

  • Nước lọc: 2 chén

  • Dầu ăn cho bé ăn dặm

Cách chế biến

  • Ngâm bột gạo với nước khoảng 15 phút rồi cho vào nấu cùng 1 bát nước cho nở mềm.

  • Đậu đỏ đem đãi sạch, ngâm cho nở rồi nấu chín cùng 1 bát nước cho chín mềm, đợi nguội rồi đem rây mịn.

  • Lòng đỏ trứng hấp chín, tán nhuyễn.

  • Cho hỗn hợp nước đậu và trứng vào nấu cùng cháo trong khoảng 5 – 7 phút rồi mới tắt bếp.

  • Bạn múc ra bát, để còn hơi ấm thì thêm 1 thìa cà phê dầu ăn và cho bé dùng.

Cách nấu cháo trứng gà phô mai cho bé

Món cháo này bạn có thể cho bé ăn từ cuối tháng thứ 6 hoặc đầu tháng thứ 7. Với cách nấu cháo trứng cho trẻ ăn dặm cùng phô mai này, bạn cần chuẩn bị:

Nguyên liệu

  • Trứng gà ta: 1/2 quả

  • Phô mai cho trẻ 6 tháng tuổi trở lên: 1/4 miếng

  • Dầu ăn cho bé (loại ăn trực tiếp)

  • Cháo đặc: 1 – 2 thìa súp.

Cách chế biến

  • Cho cháo vào nồi, thêm nước, đánh cho cháo tan đều, đặt lên bếp nấu nhừ.

  • Đánh tan trứng, hạ lửa nồi cháo rồi cho trứng vào, khuấy đều và nhẹ tay, cho tiếp phô mai vào khuấy đều và tiếp tục nấu cháo 4 – 5 phút cho trứng chín, phô mai tan đều thì tắt bếp.

  • Để cháo nguội bớt, múc ra bát, cho 1 thìa dầu ăn vào khuấy, cho bé ăn khi cháo còn ấm.

Cách nấu cháo trứng gà cho bé cùng hạt sen cà rốt

Hạt sen, cà rốt đều là những thực phẩm rất tốt cho bé trong giai đoạn ăn dặm. Mẹ có thể linh động nấu riêng với hạt sen hay cà rốt, sau cùng là kết hợp chúng lại với nhau để bé có được món cháo thơm ngon, bổ dưỡng.

Nguyên liệu

  • Lòng đỏ trứng gà: 1 cái

  • Hạt sen: 20g

  • Cà rốt: 1 khoanh dài cỡ 1 đốt ngón tay

  • Cháo trắng: 2/3 bát

  • Dầu ăn và gia vị

Cách chế biến

  • Hạt sen rửa sạch, hấp hoặc luộc chín mềm, để nguội, tán nhuyễn.

  • Cà rốt rửa sạch, bào bỏ vỏ, hấp hoặc luộc cùng với hạt sen cho chín, vớt ra để nguội, thái nhỏ.

  • Đun sôi cháo cho hạt sen và cà rốt vào, khuấy đều.

  • Cho lòng đỏ trứng vào từ từ, khuấy nhanh tay để trứng không vón lại, cháo sôi đều, tắt bếp.

  • Múc cháo ra bát, để nguội bớt rồi cho 1 thìa cà phê dầu ăn vào, đảo đều, cho bé ăn khi cháo còn nóng.

Để trẻ hấp thụ tốt nhất, lượng trứng mà bạn nên sử dụng để chế biến thành những món cháo như sau:

  • Bé từ 6 – 7 tháng tuổi: Chỉ nên cho bé ăn 1/2 lòng đỏ trứng gà/bữa, ăn 2 – 3 bữa/tuần.

  • Bé từ 8 – 12 tháng tuổi: Chỉ nên cho bé ăn 1 lòng đỏ/bữa và ăn 3 – 4 bữa/tuần.

  • Bé từ 13 – 18 tháng tuổi: Có thể cho bé ăn cả lòng đỏ và lòng trắng 2 – 3 bữa/tuần.

Về mặt dinh dưỡng, lòng đỏ trứng giàu chất béo và calo tốt cho sức khỏe, trong khi lòng trắng lại giàu protein hơn. Bạn  có thể cho trẻ từ 6 tháng tuổi ăn cả lòng đỏ và lòng trắng miễn là trẻ không có biểu hiện dị ứng

 

Xem thêm: Cách nấu cháo rau củ quả cho bé

 

BS Lâm Vạn Phong – phó trưởng khoa Dinh dưỡng