Cách nấu cháo cá chép cho bà bầu không tanh bổ dưỡng | HAHUMA
Cháo cá chép được xem là 1 trong các món ăn cực kỳ bổ dưỡng đối với bà bầu, vừa lợi cho con mà còn tốt cho sức khỏe mẹ bầu. Tuy nhiên nếu không biết cách nấu sẽ rất dễ bị tanh, khó ăn. Vì vậy mẹ nên tham khảo cách nấu cháo cá chép cho bà bầu không tanh bổ dưỡng dưới đây, qua đó chủ động áp dụng để có được món cháo thơm ngon hoàn hảo.
Công dụng của cháo cá chép với bà bầu
Cá chép vốn là giống cá nước ngọt nên rất lành tính, thịt cá ngọt, thơm, giàu dinh dưỡng. Đặc biệt bạn có thể chế biến làm nhiều món ăn khác nhau từ cá chép như cá chép om dưa, cá chép rán và một món ăn rất tốt với bà bầu là cháo cá chép.
Đối với bà bầu, cháo cá chép giúp bổ tỳ vị, rất lợi tiểu và mát sữa, hỗ trợ điều trị tình trạng ngứa ngáy ngoài da khi mang thai và giảm triệu chứng sưng phù của mẹ bầu. Không những vậy, cháo cá chép còn chứa nhiều dinh dưỡng như: chất béo, canxi, sắt, protein, lipid, axit lutamic, vitamin B2, vitamin A…cung cấp đủ dưỡng chất để thai nhi phát triển khỏe mạnh, cả về thể chất lẫn trí tuệ.
Ngoài ra việc mẹ bầu ăn cháo cá chép đều đặn còn giúp em bé sau này sinh ra thông minh hơn, môi đỏ hơn và da trắng hơn. Dù vấn đề này chưa thực sự được khoa học chứng minh nhưng những lợi ích từ món cháo cá chép là không thể phủ nhận.
Cách nấu cháo cá chép cho bà bầu không tanh bổ dưỡng
Cháo cá chép nếu không biết cách nấu sẽ rất tanh, làm mất đi vị ngon và khó ăn. Ngược lại nếu nấu đúng cách sẽ rất thơm ngon, hợp vị và bổ dưỡng. Mẹ có thể nấu cháo cá chép theo 2 cách cơ bản dưới đây để có món cháo hấp dẫn.
* Nấu cháo cá chép với nấm
– Nguyên liệu: Mẹ chuẩn bị các nguyên liệu cơ bản như: 1 con cá chép nhỏ (tầm 500g), nấm rơm (100g), đậu xanh (50g), nửa chén gạo, 1 củ cà rốt nhỏ, củ nghệ, rau thì là…
– Các bước tiến hành nấu cháo cá chép nấm
+ Cá chép mẹ mua về làm sạch, sát theoe ít muối cùng nước gừng để làm giảm mùi tanh. Sau đó mang luộc cá cho chín, gỡ lấy thịt, để riêng phần xương ra.
+ Nghệ và cà rốt gọt vỏ, thái chỉ. Nấm rơm mẹ ngâm nước cho nở rồi xé nhỏ thành sợi.
+ Cho gạo và đậu xanh vào cùng vo sạch, đổ vào nồi nước luộc cá để nấu cháo.
+ Phi thơm hành trong chảo, cho nấm, cà rốt và nghệ vào xào đều. 1-2 phút sau cho thịt cá chép đã lọc trước đó vào xào đều chung, cho thêm gia vị cho vừa.
+ Khi cháo chín thì bạn đổ phần thịt cá chép đã xào đó vào, 5-10p sau cho thì là vào. Sau đó mẹ có thể múc cháo ra ăn.
* Nấu cháo cá chép cùng với đậu xanh
– Nguyên liệu: con cá chép nhỏ, 50g hạt đậu xanh, nửa chén gạo tẻ và 1 nắm gạo nếp. Cùng với đó là gia vị như: hành lá, tiêu, gừng, thì là, mắm, muối…
– Cách nấu: Cá chép đem làm sạch hết vẩy, mang, cạo sạch cả lớp màng đen trong bụng cá. Có thể dùng muối gừng hoặc ít rượu sát qua giúp khử tanh.
Tiếp đó bạn cho cá vào nồi, đổ nước cho sấp mặt cá, cho ít gừng đập dập cùng đun sôi. Khi cá chín thì vớt cá ra, gỡ xương lọc thịt. Ướp thịt đó với ít nước mắm và tiêu. Còn xương cá thì bạn đem giã hoặc xay lọc lấy phần nước cốt.
Gạo tẻ và gạo nếp đem vo sạch, đậu xanh rang cho vàng rồi cho cùng vào nồi nấu với gạo. Có thể dùng nước luộc cá để nấu cháo sẽ càng ngon hơn. Mẹ có thể điều chỉnh lượng nước tùy theo sở thích ăn loãng hoặc đặc.
Thịt cá bạn đem xào săn với hành thơm, khi xào nhớ đảo nhẹ tay tránh miếng cá bị nát.
Khi cháo nấu chín, bạn múc ra bát to, cho thịt cá đã xào vào đảo cùng gia vị, hành thì là là có thể thưởng thức, vừa nóng hổi mà không sợ tanh.
Một số lưu ý khi nấu cháo cá chép cho bà bầu
Để có món cháo cá chép thơm, ngon, bổ dưỡng, mẹ cần lưu ý:
– Lựa chọn cá chép còn sống, cá tươi, vẫn quẫy, không nên mua cá chép đã chết. Nếu có thể thì mua cá chép sông càng tốt. Tránh dùng cá đã đông lạnh bởi lúc này thịt cá đã không còn ngon, hơn nữa hàm lượng dinh dưỡng cũng ít đi.
– Cá chép để nấu cháo nên chọn con to to một chút, ít nhất tầm 500g trở lên. Nếu ăn nhiều mẹ có thể chọn con trên 1kg bởi cá to mới có nhiều thịt, ít xương rằm, thịt ngọt hơn.
– Để tránh cháo bị tanh, mẹ nhớ khi làm cá cạo sạch lớp màng đen trong bụng. Đây là màng gây mùi tanh cho cá, rất ít mẹ để ý cạo đi nên dễ gây tanh khi nấu.
– Nên ăn cháo khi còn nóng ấm là tốt nhất, vừa đỡ tanh mà còn bổ. Mẹ không nên ăn lúc cháo nguội lạnh, vừa dễ gây đau bụng, tốt nhất nên hâm nóng lại rồi mới ăn.
Hy vọng qua chia sẻ thú vị trên đã giúp các mẹ bầu nắm được cách nấu cháo cá chép cho bà bầu không tanh bổ dưỡng. Qua đó giúp mẹ chế biến món ăn ngon hơn, an toàn cho sức khỏe mà không sợ tanh.