Cách mở quán cơm bình dân có lãi cho người mới
Kinh doanh quán cơm bình dân đã và đang là lựa chọn kiếm tiền của nhiều người, bởi việc ăn uống là nhu cầu mỗi ngày của khách hàng, và mức giá cho một bữa cơm bình dân hợp với túi tiền của các đối tượng khách hàng phổ thông. Vậy nhưng, cách mở quán cơm bình dân sao cho có lãi lại không phải là điều đơn giản, khi sự cạnh tranh giữa các quán rất gắt gao. Hãy để Bảo Việt giúp bạn tìm ra phương án thích hợp trước khi bắt tay vào mở quán nhé.
Cách mở quán cơm bình dân dành cho người mới
Lựa chọn địa điểm mở quán cơm bình dân
Đây là yếu tố đầu tiên trong cách mở quán cơm bình dân có lãi, bởi một vị trí tốt sẽ giúp quán cơm của bạn tiếp cận được nhiều khách hàng nhất. Bạn sẽ cần khảo sát và lựa chọn ra địa điểm có thể giúp bạn thu hút sự chú ý của đối tượng khách hàng tiềm năng của mình.
Những người thường xuyên ghé các quán cơm bình dân sẽ là học sinh, sinh viên, dân văn phòng, lao động phổ thông, bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân. Vì thế, nếu có thể thuê được mặt bằng tại mặt đường lớn, gần các tòa văn phòng, trường học, bệnh viện, nhà máy xí nghiệp, bến xe… sẽ là tốt nhất. Tuy nhiên, trong trường hợp số vốn hạn hẹp không cho phép bạn thuê gần các địa điểm này, thì bạn cũng có thể lựa chọn các căn cho thuê trong ngõ hẻm. Vậy nhưng, bạn vẫn cần lưu ý rằng địa điểm đó phải dễ thấy, dễ tìm, lượng người đi đường qua lại đông.
Lựa chọn nguồn nguyên liệu
Có được nguồn nguyên liệu ổn định cũng sẽ là yếu tố tiên quyết để mở quán cơm bình dân đắt hàng. Bạn sẽ cần thời gian để đi khảo sát và lựa chọn những nơi cung cấp nguồn nguyên liệu tươi ngon, sạch sẽ với giá cả phải chăng và lượng hàng ổn định để đảm bảo chất lượng món ăn và cân đối chi phí.
Khi mới mở quán, do chưa có được đầy đủ thông tin về lượng khách ổn định đến quán, bạn nên nhập thực phẩm về hàng ngày, lượng ở mức vừa đủ. Vừa để đảm bảo thực phẩm khi chế biến luôn tươi ngon, vừa để tiết kiệm chi phí, tránh dư thừa gây lãng phí mỗi cuối ngày.
Mua sắm các trang thiết bị phục vụ
Các dụng cụ, trang thiết bị nấu ăn và phục vụ quán cơm cũng là một thành phần quan trọng mà bạn cần chuẩn bị. Trong gian bếp của bạn chắc chắn sẽ cần đến bếp gas, xoong, nồi, chảo, bát, đĩa, thìa, đũa, giổ rá. Một số quán có thể trang bị thêm những thiết bị hiện đại hơn như bếp chiên điện chuyên dùng để chiên các món như gà rán, thịt rán, hay tủ hấp cơm công nghiệp để có thể nấu hấp được lượng cơm nhiều mỗi mẻ.
Một chiếc tủ bán cơm chuyên dụng được làm từ inox sạch sẽ để bày biện món ăn cho khách hàng lựa chọn sẽ là thiết bị mà bạn chắc chắn cần phải sắm sửa. Ngoài ra, việc chuẩn bị bàn ghế cũng như các dụng cụ phục vụ tại chỗ cho khách hàng như hộp khăn giấy, hộp đựng thìa đũa, các lọ gia vị, tỏi, dấm…cũng là điều bạn cần lưu tâm.
Thuê nhân công phục vụ
Nếu như bạn mở quán một mình, không có gia đình phụ giúp thì có thể tính đến phương án thuê một vài nhân công tham gia nấu nướng và chạy bàn. Có thể thuê theo giờ (part-time) để tiết kiệm tối đa chi phí, hoặc thuê full-time nếu như bạn cần nhân sự hỗ trợ cả ngày.
Các giấy tờ pháp lý
Mọi hoạt động kinh doanh, kể cả là mở cửa hàng cơm bình dân, cũng sẽ cần có sự cấp phép của cơ quan có thẩm quyền. Do đó, khi tiến hành mở quán, bạn sẽ cần chuẩn bị một số giấy tờ như sau:
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
- Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
- Hợp đồng thuê nhà (nếu như bạn có sẵn mặt bằng mở quán mà không phải thuê thì không cần giấy này)
- Một số loại giấy chứng nhận khác (phòng cháy chữa cháy, giấy phép xả thải (trong trường hợp lưu lượng xả thải > 5m3/ngày đêm…))
Chi phí mở quán cơm bình dân là bao nhiêu?
Mở quán cơm bình dân cần bao nhiêu vốn hẳn là thắc mắc của rất nhiều người. Số vốn để mở quán sẽ còn phụ thuộc vào địa điểm và quy mô quán cơm của bạn. Nếu bạn lựa chọn cách mở quán cơm bình dân ở các thành phố lớn, đông dân cư, hay quy mô quán cơm của bạn lớn, thì số vốn có thể lên từ 50 đến 70 triệu đồng, trong khi mở quán ở ngoại thành hay các vùng nông thôn sẽ có số vốn chỉ bằng một nửa.
Thông tin chi tiết về chi phí mở quán cơm bình dân sẽ được Bảo Việt trình bày dưới đây để bạn tham khảo nhé.
Chi phí thuê mặt bằng
Trung bình hiện tại, để có thể thuê được một mặt bằng có diện tích khoảng 20m2 tại khu vực nội đô các thành phố lớn, chi phí sẽ dao động trong khoảng 10 triệu đồng. Nếu thuê trong khu vực ngõ hẻm, hoặc tại vùng ngoại thành, nông thôn, chi phí này sẽ giảm rõ rệt, chỉ còn khoảng từ 4-6 triệu đồng.
Chi phí đầu tư vật dụng cho quán
Một chiếc tủ để bày thức ăn sẽ có giá trong khoảng từ 5-9 triệu đồng. Ngoài ra, bạn sẽ cần chi khoảng 3-5 triệu đồng để đặt mua từ 5-10 bộ bàn ghế cho khách ngồi ăn tại quán, cùng với khoảng từ 1-3 triệu đồng để mua bát đĩa, đũa, thìa, các loại hộp đựng giấy ăn, hộp đựng đũa thìa…
Chi phí dụng cụ, trang thiết bị nấu ăn
Nếu như bạn ước tính lượng khách ăn không quá nhiều, cùng với quy mô quán nhỏ, thì có thể sử dụng các loại nồi gang hoặc nồi cơm điện công nghiệp để nấu cơm. Tuy nhiên, nếu như nhu cầu nấu cơm của bạn khoảng từ 100 suất trở lên, thì việc sắm một chiếc tủ hấp cơm công nghiệp sẽ là hợp lý nhất. Các mẫu tủ có từ 4, 6, 8, 10, 12 và 24 khay, tùy theo nhu cầu nấu mà bạn có thể chọn loại tủ phù hợp. Mức giá vì vậy cũng dao động trong khoảng từ 6-24 triệu đồng.
Nếu sử dụng bếp chiên nhúng thì chỉ khoảng từ 750.000-1.200.000 là bạn đã có thể có được một bếp chiên điện đơn 6 lít để chiên gà, chiên cá ngập dầu. Chi phí để mua xoong nồi dao động trong khoảng từ 3-4 triệu, cộng thêm khoảng từ 1.5 triệu đến 3 triệu đồng cho một chiếc bếp gas.
Chi phí cho việc trang trí quán
Việc trang trí quán cơm bình dân sẽ không cần quá cầu kỳ và tốn kém, khi bạn chỉ cần sơn lại tường, có thể treo thêm vài bức hình hoặc đặt chậu cây để giúp không gian quán trở nên sáng sủa là được.
Chi phí nhập nguyên liệu
Như đã nói ở trên, thời gian đầu bạn chỉ nên nhập thực phẩm theo từng ngày để thực phẩm luôn tươi ngon và tránh bị tồn lại đến hôm sau. Do đó, mỗi ngày, chi phí dành cho việc nhập nguyên liệu sẽ vào khoảng 2 triệu đồng.
Các chi phí cho nhân công, điện, nước…
Ngoài những chi phí kể trên, bạn cũng cần chuẩn bị sẵn một phần tiền để chi trả cho các chi phí nhân công, điện, nước, cũng như các chi phí phát sinh khác khi tiến hành mở quán cơm bình dân.
Chia sẻ kinh nghiệm mở quán cơm bình dân đắt hàng
Ngoài những lưu ý về chi phí và điều kiện đã được liệt kê ở bên trên, thì nếu muốn mở quán cơm bình dân đông khách, bạn sẽ cần nắm được những kinh nghiệm được đúc kết của nhiều người đi trước. Bảo Việt sẽ chia sẻ cùng bạn những bí quyết mở quán cơm bình dân đắt hàng ngay sau đây nhé.
Nghiên cứu và xác định chân dung đối tượng khách hàng
Đây là hoạt động bắt buộc phải làm khi bắt tay vào kinh doanh một lĩnh vực hoặc ngành hàng mới. Và việc bán quán cơm bình dân cũng không phải là một ngoại lệ. Thường thì đối tượng chủ yếu của các quán cơm bình dân sẽ là học sinh, sinh viên, người làm văn phòng, người làm công việc phổ thông (công nhân, shipper, lái xe…), người bệnh đang điều trị tại các bệnh viện,…Mỗi đối tượng này sẽ lại có những đặc điểm riêng về nhu cầu, sở thích. Với việc chọn ra được đối tượng khách hàng cần nhắm đến, bạn sẽ dễ dàng xác định được việc lựa chọn điểm bán hàng thu hút đối tượng khách hàng này nhất, cũng như định giá suất ăn sao cho phù hợp với nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu đó.
Đa dạng hóa thực đơn mỗi ngày
Cách mở quán cơm bình dân thu hút đông đảo khách hàng mỗi ngày chính là luôn thay đổi thực đơn theo từng bữa. Sự đa dạng của các món ăn sẽ giúp khách hàng cảm thấy thoải mái khi có nhiều sự lựa chọn, không bị nhàm chán bó buộc với vài ba món cố định, cũng như giúp bạn đáp ứng được khẩu vị của nhiều người hơn. Một số gợi ý dành cho bạn có thể là:
- Món rau: Rau muống, rau cải, rau dền, su su, mướp, giá, dưa chua…xào, luộc
- Món thịt lợn: Thịt lợn ba chỉ rang, chả thịt lá xương sông, thịt chân giò luộc, mọc thịt viên, thịt rán…
- Món thịt bò: Bò xào dưa, bò kho,…
- Món thịt gà: Gà luộc, gà rang, gà rán…
- Món cá: Cá kho, cá rán, cá chua ngọt…
- Món hải sản: Tôm chiên, tôm rang, tôm hấp…
- Các món khác như trứng rán, nem rán, đậu phụ sốt, lạc rang, mắm tép chưng thịt…
=> Xem thêm: Cách làm mọc thịt lợn mộc nhĩ thơm ngon tại nhà
Đảm bảo món ăn ngon và an toàn
Đây là những yếu tố đương nhiên mà một quán ăn cần phải có để có thể gây được sự chú ý và giữ chân khách hàng cho những lần quay trở lại tiếp theo. Để có thể chế biến được các món ăn ngon, bạn có thể tham khảo các công thức nấu ăn trên Internet, xem Youtube, hoặc tham gia một số khóa học nấu ăn. Ngoài ra, khi bày biện và phục vụ các món ăn, cần chú ý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như sử dụng găng tay, kẹp gắp để chuẩn bị phần ăn cho khách, vệ sinh sạch sẽ tủ bày thức ăn, bát đĩa, đũa thìa, không gian quán ăn…
Định giá phù hợp túi tiền của khách hàng
Như tên gọi với hai chữ “bình dân”, rõ ràng khách hàng đến với quán cơm của bạn với nhu cầu có một bữa ăn đầy đủ các món với mức giá dễ chịu. Đối tượng khách hàng của bạn cũng là những người có kinh tế eo hẹp, không có hoặc không muốn chi trả nhiều tiền cho một bữa ăn. Vì vậy, việc định giá các món ăn một cách hợp lý cũng sẽ là điểm nhấn để kéo khách hàng đến với quán cơm của bạn, thay vì các quán bên cạnh.
Mức giá phổ thông hiện nay tại các hàng cơm bình dân là 25.000-30.000-35.000 đồng. Khách hàng có thể gọi theo suất hoặc tự chọn món ăn theo giá tiền.
Thái độ nhân viên thân thiện
Dù rằng mỗi suất cơm có giá bình dân chỉ khoảng 30.000 đồng, thì khách hàng vẫn luôn có quyền được phục vụ chu đáo và niềm nở. Do đó, khi phục vụ khách hàng, chủ quán và nhân viên đều cần có thái độ vui vẻ và nhiệt tình với khách hàng. Đây chính là một trong những điểm khiến khách hàng ghi nhớ quán ăn của bạn, và sẽ khiến họ muốn quay trở lại ở lần sau, cũng như gợi ý bạn bè, đồng nghiệp đến với quán ăn của bạn.
Marketing, bán hàng online
Hiện nay, ngày càng nhiều quán cơm chú trọng đến hình ảnh và thương hiệu của mình. Từ những việc đơn giản như đóng hộp chỉn chu, có kèm logo quán, cho đến việc tạo fanpage trên Facebook, Instagram, ZaloOA…Trong thời điểm gần như ai ai cũng đang sử dụng Internet, thì việc chú ý đầu tư về hình ảnh thương hiệu của quán trên môi trường Internet sẽ giúp bạn tạo được lợi thế cạnh tranh cho quán của mình so với các đối thủ khác. Với việc phủ sóng trên mạng xã hội, bạn cũng có thể thực hiện các chương trình ưu đãi, khuyến mãi để có thể thu hút thêm khách hàng đến với quán của mình.
Ngoài ra, bạn có thể gia tăng thêm đơn hàng thông qua việc bán hàng online. Bạn có thể bán trực tiếp cơm trên các mạng xã hội, hoặc tạo một website cho quán của mình và bán hàng tại đó. Hoặc bạn có thể liên kết với các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến lớn hiện nay như ShopeeFood, Grab Food, Baemin…để các suất ăn của bạn tiếp cận thêm nhiều đối tượng khách hàng mà không cần phải lo lắng việc mở rộng mặt bằng của quán.
Hy vọng rằng những chia sẻ của Bảo Việt trong bài viết này sẽ giúp bạn tìm ra được cách mở quán cơm bình dân đông khách và có lời. Và đừng quên rằng khi cần mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho căn bếp của quán cơm tương lai, bạn có thể tham khảo các sản phẩm của Điện máy Bảo Việt với chất lượng tốt, bảo hành dài hạn và đặc biệt là giá thành siêu hấp dẫn trên thị trường. Chúc các bạn thành công với dự án mở quán cơm của mình.