Cách mạng Tháng Tám mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội

Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn 80 năm nhân dân ta sống dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân của một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Từ đây, đất nước, xã hội và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân cơ bản có tính chất quyết định nhất đó là sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt, linh hoạt và quyết đoán của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Điều này khẳng định sự vận dụng đúng đắn và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta; có phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược, chiến thuật cách mạng linh hoạt; nhận định chính xác tình hình, chủ động đón và chớp thời cơ, tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong một thời gian rất ngắn. Sự lãnh đạo sáng suốt đó, trước hết thể hiện ở việc hoạch định đúng đắn Cương lĩnh, đường lối cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Trở lại với lịch sử để hiểu sâu hơn giá trị vĩ đại của một cuộc cách mạng. Ngày 9-3-1945, phát xít Nhật đảo chính, gạt bỏ thực dân Pháp hòng độc chiếm Ðông Dương. Nắm bắt thời cơ đó, ngày 12-3-1945, Thường vụ Trung ương Ðảng đã kịp thời ra bản Chỉ thị lịch sử: “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Chỉ thị nêu rõ, kẻ thù của cách mạng là phát xít Nhật.
 
Vì vậy, khẩu hiệu là “Ðánh đuổi phát xít Nhật”. Bản Chỉ thị còn chủ trương phá kho thóc của Nhật đế quốc để cứu đói cho nhân dân; lập Ủy ban quân sự và xây dựng chính quyền cách mạng. Những điều kiện để khởi nghĩa mà chỉ thị của Trung ương nêu ra đã là định hướng quan trọng để các đảng bộ địa phương chủ động phát động và lãnh đạo khởi nghĩa.
 
Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, cao trào cách mạng phát triển mạnh mẽ. Tháng 4-1945, các lực lượng vũ trang cách mạng thống nhất thành Việt Nam Giải phóng quân. Ngày 4-6-1945, thành lập khu giải phóng Việt Bắc với 6 tỉnh như là căn cứ địa của cách mạng cả nước.
 
Tổ chức Việt Minh phát triển rộng khắp trên cả nước. Không chỉ ở căn cứ địa, mà ở vùng nông thôn, thành thị cũng phát triển mạnh mẽ, nhất là phong trào công nhân, học sinh, sinh viên, giới trí thức đã tập hợp đông đảo các nhà văn hóa vào trận tuyến đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc.
 
Trong lúc khí thế cách mạng trong nước đang lên, một sự kiện lịch sử hết sức có lợi cho cách mạng nước ta. Ngày 13-8-1945, Nhật đầu hàng quân Ðồng minh. Nhận được tin này, ngay lập tức, Trung ương Ðảng, Tổng bộ Việt Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị phải thành lập ngay Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của toàn dân.
 
Vào lúc 23 giờ, ngày 13-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa ra lệnh Tổng khởi nghĩa. Giữa lúc cao trào cách mạng đang trong khí thế dâng trào trong cả nước, ngày 14-8-1945, tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Hội nghị toàn quốc của Ðảng họp.
 
Tiếp đó, Ðại hội đại biểu quốc dân họp trong 2 ngày 16 và 17-8-1945. Những chủ trương, quyết sách tại Tân Trào đã thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng trước thời cuộc và thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong quá trình đi tìm độc lập, tự do cho dân tộc mình.
 
Thực hiện Nghị quyết của Ðảng và Quốc dân Ðại hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Chỉ trong một thời gian ngắn (từ ngày 14 đến 18-8-1945), cuộc Tổng khởi nghĩa nổ ra và đã giành thắng lợi ở nhiều địa phương thuộc đồng bằng Bắc bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam như: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam…
 
Ngày 19-8-1945, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23-8-1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và ở Bắc Cạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai, Bạc Liêu… Ngày 25-8-1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn – Gia Định, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre…

Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8-1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước đã về tay nhân dân. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố với thế giới và toàn thể quốc dân đồng bào rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”.

Sự lãnh đạo kiên quyết, sáng suốt và kịp thời của Trung ương Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là mẫu mực về nghệ thuật nhận định, đánh giá tình hình, nắm bắt thời cơ, hành động kiên quyết để giành thắng lợi.

Cách mạng Tháng Tám là một cuộc cách mạng điển hình về nghệ thuật sử dụng lực lượng – dựa vào sức mạnh của toàn dân, chủ yếu là sức mạnh đấu tranh chính trị của nhân dân để giành chính quyền. Dưới ánh sáng của đường lối và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Bác Hồ, lòng yêu nước và sức mạnh của toàn dân được thổi bùng lên trong Cách mạng Tháng Tám.

Tôn trọng và bảo vệ quyền độc lập, tự do của dân tộc là sợi chỉ đỏ xuyên suốt là một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta từ trước tới nay. Giữ vững lời thề độc lập, luôn khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là chân lý vĩnh hằng cần phải được mọi thế hệ con Lạc, cháu Hồng, dòng giống Việt Nam khắc ghi và gìn giữ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đăng Hiến