Cách làm trà sữa trân châu truyền thống đơn giản tại nhà
Trà sữa không chỉ là thức uống được đông đảo khách hàng yêu thích mà còn trở thành “cơn sốt” tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Sự kết hợp tuyệt vời của hương trà thơm mát cùng vị sữa béo ngậy mang lại thức uống vừa ngon vừa lạ. Cách làm trà sữa trân châu là công thức nhiều người tìm kiếm khi muốn thưởng thức tại nhà hoặc có ý định kinh doanh. Nếu bạn cũng đang có nhu cầu này, bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn tất cả thông tin về trà sữa.
Trà sữa được ưa chuộng bởi hương vị thơm ngon, mát lạnh
Trong các thức uống giới trẻ ưa thích hiện nay, nếu không kể đến trà sữa thì quả là một thiếu sót lớn. Không chỉ học sinh, sinh viên mà cả trẻ em, giới văn phòng đều không thể làm ngơ trước thức uống hấp dẫn này. Bên cạnh đó, trà sữa luôn có những biến tấu mới lạ, độc đáo để đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng, từ những dòng trà kem phô mai, trà trái cây cho đến trà ít béo. Vậy trà sữa là gì và cách làm trà sữa trân châu như thế nào? Cùng khám phá ngay nhé!
Tìm hiểu trà sữa là gì? Có những vị nào?
Trà sữa được phát minh ở Đài Loan vào đầu thập niên 1980. Đây là một loại thức uống được kết hợp giữa trà và sữa, ăn kèm những hạt trân châu dẻo ngọt. Ban đầu không được nhiều người biến đến, nhưng khi xuất hiện trên một số đài truyền hình Nhật Bản nó đã khiến các doanh nhân chú ý và trở nên nổi tiếng ở các nước Đông Nam Á vào thập niên 1990.
Trà sữa trân châu du nhập vào Việt Nam từ những năm 2000 nhưng phải đến năm 2014 thức uống này mới thực sự “bùng nổ” trên thị trường. Năm 2017, có tới 100 thương hiệu trà sữa lớn nhỏ cùng tồn tại và trên 1.500 điểm bán trên cả nước. Theo khảo sát của Lozi, trà sữa đang trở thành đồ uống phổ biến tại Việt Nam khi 53% người khẳng định uống ít nhất 1 lần/tuần.
Trà sữa luôn đứng đầu trong danh sách các loại thức uống hot và chưa có dấu hiệu bị “soán ngôi”
Khi thực hiện cách làm trà sữa trân châu, người ta cho các nguyên liệu vào một chiếc bình, sau đó lắc mạnh để hương vị được hòa quyện. Hành động này tạo ra bọt “bong bóng” (bubble), nên trà sữa trân châu có tên tiếng Anh là “bubble tea”. Bubble tea cũng có nghĩa chỉ những hạt trân châu dai mềm – topping không thể thiếu. Ngoài ra, trà sữa trân châu còn được gọi bằng nhiều cái tên khác như pearl milk tea, boba milk tea, boba juice…
Từ trà sữa trân châu truyền thống, người ta sử dụng các nguyên liệu khác, cùng các loại topping để sáng tạo thêm nhiều món ngon với hương vị đa dạng, khiến khách hàng không bao giờ cảm thấy nhàm chán. Có thể kể đến một số loại được nhiều người yêu thích như:
- Trà sữa trân châu đường đen
- Trà sữa trái cây
- Trà sữa matcha
- Trà sữa phô mai
- Trà sữa socola
- Trà sữa cà phê
- Trà sữa mật ong
- Trà sữa khoai môn
- Trà sữa hoa đậu biếc
- Trà sữa bạc hà
- Trà sữa Thái xanh/ Thái đỏ
- …
Trà đậu biếc macchiato đẹp mắt, ngon miệng
Cách làm trà sữa trân châu truyền thống tại nhà
Nguyên liệu
Nguyên liệu nấu trà
- Trà đen: 120g
- Bột sữa Indo: 700g
- Đường: 500g
- Nước lọc: 2 lít
Nguyên liệu làm trân châu
- Bột năng: 100g
- Bột ca cao: 10g
- Đường cát: 20g
- Nước sôi: 60ml
Dụng cụ
- Bình pha trà, bình lắc, ly thủy tinh, rây lọc, muỗng khuấy, bình ủ (nếu kinh doanh), nồi…
Các bước nấu
Làm trân châu
Cho bột năng, đường, bột ca cao vào một cái thau và trộn đều. Sau đó rưới từ từ 60ml nước sôi vào, vừa cho nước vừa khuấy cho bột ngấm nước và dẻo. Trộn đều hỗn hợp rồi để bột nghỉ khoảng 10 phút.
Dùng tay nhào bột đến khi khối bột dẻo, không dính tay thì cho bột vào thau, đậy lại và ủ thêm 15 phút nữa.
Sau thời gian ủ bạn lấy bột ra, vo thành sợi dài rồi dùng dao cắt thành những viên nhỏ vừa ăn. Tiếp tục vo cho trân châu tròn lại rồi áo qua một lớp bột năng mỏng để trân châu không bị dính vào nhau.
Vo trân châu thành những viên tròn nhỏ
Cho khoảng 2 lít nước vào nồi, bắc lên bếp đun sôi. Sau đó cho trân châu vào luộc, chú ý khi luộc trân châu bạn nên cho từng ít một và khuấy nhẹ để trân trân không bị dính. Luộc trân châu từ 25 – 30 phút, thỉnh thoảng khuấy đều để không bị dính dưới đáy nồi.
Luộc trân châu từ 25 – 30 phút
Khi thấy trân châu có độ trong và nổi lên trên là đã chín. Bạn tắt bếp, đậy nắp và ủ trân châu thêm 20 phút nữa cho nở đều. Sau đó, vớt ra rổ thưa và xả dưới vòi nước lạnh. Khi trân châu đã ráo nước bạn cho vào tô, cho nước đường hoặc đường cát vào để tạo vị ngọt và giúp bảo quản được lâu.
Trân châu thành phẩm
Pha trà + sữa
Cho trà vào bình rồi rót nước sôi vào, lắc nhẹ rồi chắt bỏ nước. Công đoạn này gọi là “rửa trà” nhằm giúp loại bỏ phấn trà và các tạp chất, đồng thời “đánh thức” lá trà.
Tiếp đến, cho 2 lít nước nóng (80 – 90 độ) vào bình trà rồi đậy nắp lại. Ủ trà từ 20 – 30 phút để chiết xuất nước cốt, sau đó lược bỏ bã trà qua rây hoặc túi vải mỏng.
Cho nước cốt trà vào nồi, cho bột sữa vào từ từ và khuấy đều tay để tránh bột bị vón cục. Sau đó cho đường vào, tiếp tục khuấy đến khi đường tan hết.
Khuấy theo một chiều
Lưu ý, bạn nên khuấy TRÀ SỮA theo một chiều để tránh phá vỡ kết cấu, giúp thơm ngon và bảo quản được lâu hơn.
Thành phẩm và thưởng thức
Rót trà đã pha vào bình lắc, thêm đá viên vào đầy bình, đậy nắp rồi lắc đều. Sau đó đổ ra ly, thêm trân châu vào và thưởng thức ngay.
Với cách làm trà sữa trân châu này bạn sẽ có một ly trà sữa có vị thanh mát của trà, béo ngậy của sữa, ăn kèm trân châu dẻo dai rất ngon và hợp vị.
Trà sữa trân châu thơm ngon, béo ngậy, ai uống cũng mê
Lưu ý
- Các dụng cụ pha phải sạch sẽ và khô ráo.
- Hạn chế dùng dụng cụ bằng kim loại để tránh trường hợp trà tác dụng với kim loại sinh ra chất độc.
- Lượng đường và bột sữa có thể gia giảm tùy theo khẩu vị người dùng.
- Nếu thích đậm vị trà, bạn hãy cho nhiều trà hơn.
- Sử dụng bình lắc để pha sẽ giúp hương vị hòa quyện tốt hơn.
Một số cách nấu khác
Cùng với công thức pha như trên bạn có thể tham khảo thêm những cách làm trà sữa thơm ngon khác dưới đây.
Cách làm trà sữa trân châu đường đen
Nguyên liệu
- Bột năng: 140g
- Bột gạo: 20g
- Bột ca cao: 10g
- Đường đen Hàn Quốc: 300g
- Trà bí đao: 140ml
Cách làm
Bạn trộn bột năng, bột gạo, bột ca cao và 50g đường đen đều với nhau. Sau đó cho nước sôi vào, khuấy đều, chờ cho nguội bớt rồi dùng tay nhào bột cho thật mịn. Đợi bột nghỉ 15 phút, bạn tiến hành vo bột thành sợi dài rồi dùng dao cắt nhỏ, nặn bột thành từng hạt tròn.
Công đoạn tiếp theo là đun một nồi nước sôi rồi thả trân châu vào luộc trong 15 phút. Vừa luộc vừa khuấy đều cho khỏi dính. Trân châu chín thì tắt bếp, đậy nắp nồi và ủ thêm 15 – 20 phút nữa.
Trong thời gian ủ trân châu, bạn cho 250g đường đen và 140ml trà bí đao vào nồi, đun sôi rồi hạ nhỏ lửa, chờ nước đường hơi keo lại thì tắt bếp. Sau 15 phút đổ siro đường đen ra tô lớn. Trân châu chín hoàn toàn thì vớt ra, cho vào tô đựng siro, trộn đều để trân châu ngấm vị ngọt.
Chuẩn bị một ly thủy tinh, tráng đều siro đường đen lên thành ly, thêm ít trân châu rồi rót trà đã pha vào. Thêm đá vào đầy ly và thưởng thức.
Trà sữa trân châu đường đen ngon “được lòng” các tín đồ. Ảnh: Internet
Cách làm trà sữa trân châu trắng
Nguyên liệu
- Trà túi lọc: 3 – 4 gói
- Sữa đặc: 100ml
- Sữa tươi: 100ml
- Đường cát: 200g
- Bột rau câu dẻo: 50g
- Bột rau câu giòn: 15g
- Vani: 1 ống
- Dầu ăn: 2 muỗng canh
- Nước cốt chanh: 1 muỗng canh
Cách làm
Đầu tiên, bạn cho bột rau câu dẻo và giòn cùng 1 ống vani vào tô trộn đều. Bắc một nồi nước lên bếp đun nóng, sau đó cho từ từ hỗn hợp bột rau câu vào, khuấy đều và liên tục để không bị vón cục. Đun đến khi rau câu hơi sánh lại thì tắt bếp, để cho hơi nguội.
Chuẩn bị một thau nước đá, thêm nước cốt chanh và dầu ăn vào.
Khi rau câu nguội còn khoảng 70 – 80 độ, bạn rót vào chai có nắp như chai tương ớt. Sau đó nhỏ từng giọt rau câu từ chai xuống thau nước đá, rau câu khi đi qua lớp dầu ăn sẽ tròn thành từng viên, chìm xuống dưới đáy và đông lại. Bạn làm như vậy cho đến hết.
Sau đó, vớt trân châu ra rửa sạch dưới vòi nước cho hết dầu ăn. Trộn trân châu với nước đường cho có vị ngọt và không bị khô. Vậy là đã hoàn thành xong phần trân châu trắng.
Trà túi lọc ngâm trong nước nóng từ 5 – 7 phút rồi vớt bỏ túi trà. Thêm sữa đặc và sữa tươi vào ly trà, khuấy đều cho tất cả hòa quyện.
Cuối cùng, thêm đá vào ly, cho trân châu trắng lên phía trên là bạn đã có ngay một ly thức uống để giải khát.
Trân châu trắng giòn dai rất hợp khi uống cùng
Cách làm trà sữa Thái đỏ, Thái xanh
Nguyên liệu
- Trà lài: 30g
- Đường cát: 200g
- Bột sữa Thái xanh/đỏ: 250g
- Bột sữa Thái Lan: 50g
Cách làm
Bạn ngâm trà lài vào nước sôi 90 độ C khoảng 15 phút để chiết xuất nước cốt, rồi lọc bỏ bã trà. Cho nước cốt trà vào nồi, bắc lên bếp đun với lửa nhỏ, thêm bột sữa và đường cát, dùng muỗng gỗ khuấy liên tục. Khi trà sữa hơi nóng ấm (khoảng 50 – 60 độ C) bạn tắt bếp, tiếp tục khuấy đến khi bột sữa và đường tan hoàn toàn.
Rót vào ly, thêm đá viên và dùng kèm trân châu hoặc thạch tùy thích.
Trà sữa Thái xanh, Thái đỏ có hương vị mới lạ, hấp dẫn
Cách làm trà sữa matcha
Nguyên liệu
- Bột trà xanh matcha: 20g
- Đường cát: 30g
- Sữa tươi có đường: 500ml
Cách làm
Pha bột matcha với 200ml nước nóng 80 độ C, dùng chổi tre khuấy đều để bột tan hết. Cho đường và sữa tươi vào trà, tiếp tục khuấy đến khi hỗn hợp hòa quyện.
Cho đá viên vào ly, thêm trân châu hoặc thạch trà xanh lên trên rồi rót trà sữa vào. Tùy theo khẩu vị mà bạn có thể cho thêm đá để tăng độ mát lạnh khi thưởng thức.
Trà sữa matcha bổ dưỡng nhờ những lợi ích từ bột trà xanh matcha
Cách làm trà sữa khoai môn
Nguyên liệu
- Khoai môn: 300g
- Bột khoai môn: 200g
- Hồng trà: 300ml
- Sữa tươi: 400ml
- Nước đường: 120ml
Cách làm
Khoai môn gọt vỏ, rửa sạch rồi cắt thành từng khối vuông nhỏ. Cho khoai và nồi luộc chín, sau đó chia thành hai phần bằng nhau. Một phần cho đường cát vào trộn với tỷ lệ khoai – đường là 10:1, vừa trộn vừa nghiền nhuyễn.
Phần còn lại cho vào máy xay sinh tố, thêm bột khoai môn và sữa tươi, xay nhuyễn hỗn hợp. Tiếp tục cho hồng trà và nước đường vào, xay thêm một lần nữa là được phần trà sữa.
Cho khoai môn nghiền vào ly, rót trà sữa vào, thêm đá viên và các loại topping tùy thích rồi thưởng thức.
Trà sữa khoai môn có vị béo bùi đặc trưng của khoai môn. Ảnh: Internet
Cách làm trà sữa socola
Nguyên liệu
- Trà đen: 100g
- Đường cát: 350g
- Bột sữa Indo: 400ml
- Syrup socola: 25ml
Cách làm
Ủ 100g trà với 1 lít nước nóng 90 độ C trong khoảng 30 phút, lọc bỏ bã trà.
Cho bột sữa vào thau và trộn đều với đường cát. Tiếp tục cho nước cốt trà đã lọc vào, khuấy đều.
Rót 100ml trà sữa vào bình lắc, thêm 25ml syrup socola và đá viên, lắc đều rồi đổ ra ly thủy tinh.
Trà sữa socola với hương vị ngọt ngào, quyến rũ. Ảnh: Internet
Thông tin thêm
Cách bảo quản trân châu và trà sữa
- Trân châu thường bị chai cứng nếu để lâu hoặc cho vào ngăn mát tủ lạnh. Cách bảo quản đơn giản nhất là cho trân châu vào hộp có nắp đậy, thêm đường cát hoặc nước đường sao cho phủ đều lên từng hạt trân châu. Sau mỗi lần sử dụng bạn đậy kín nắp và đặt ở nơi thoáng mát sẽ bảo quản được 1 ngày đêm.
- Nếu bạn kinh doanh thì nên sử dụng nồi ủ để giữ trân châu mềm dẻo cả ngày.
- Để bảo quản bạn cho vào bình thủy tinh có nắp đậy và đặt trong ngăn mát tủ lạnh ở nhiệt độ từ 4 – 6 độ C.
Bảo quản trà sữa trong bình thủy tinh
Uống trà sữa có béo không?
- 1 ly trà sữa thông thường chứa 450 calo, tương đương với 30 phút chạy bộ. Do đó, nếu uống nhiều và thường xuyên sẽ khiến bạn dễ tăng cân.
- Tuy nhiên, bạn vẫn có thể thưởng thức thức uống yêu thích nếu dùng các món trà sữa ít béo, ít đường, không uống nhiều hơn 4 ly trong một tuần. Đồng thời, kết hợp với chế độ ăn nhiều rau xanh và luyện tập thể dục, thể thao…
Cách làm giảm vị đắng của trà sữa
- Bí quyết để làm giảm vị đắng là sử dụng nước nóng từ 80 – 90 độ C để hãm trà. Nếu bạn dùng nước sôi 100 độ C sẽ khiến trà bị chát, đắng.
- Thêm một ít mật ong vào trà cũng sẽ làm giảm vị đắng, giúp trà dễ uống hơn mà vẫn giữ nguyên hương vị.
- Baking soda cũng mang lại hiệu quả tương tự, nhưng chỉ nên cho một ít nếu không muốn làm mất vị trà.
Bài viết vừa hướng dẫn bạn cách làm trà sữa trân châu truyền thống cũng như những món trà sữa thơm ngon khác. Bạn hoàn toàn có thể thực hiện tại nhà hoặc mở quán kinh doanh. Nếu khéo léo sáng tạo thêm nhiều loại topping ăn kèm chắc chắn quán của bạn sẽ đông khách lắm đấy. Chúc bạn thành công và đừng quên chia sẻ thành quả với DTBTAAu nhé!
☆
☆
☆
☆
☆
{{#error}}
{{error}}
{{/error}}
{{^error}}
Cảm ơn bạn đã bình chọn!
{{/error}}
Lỗi! Xin vui lòng kiểm tra đường truyền mạng và thử lại.