Cách làm mẻ từ cơm nguội
Người miền Bắc hay cho mẻ để tạo vị chua thanh dịu cho các món canh. Nếu không mua được mẻ, chúng tôi có cách làm mẻ rất đơn giản dành cho bạn.
Cách làm mẻ chua thanh từ cơm nguội
Mẻ thường được người miền Bắc sử dụng để tạo vị chua cho các món canh, mẻ có vị chua dịu, thanh nhẹ chứ không gắt như dấm hay chanh.
Sử dụng cơm nguội để làm mẻ rất đơn giản khi thực hiện tại nhà
Có 2 cách làm mẻ phổ biến và khá đơn giản:
– Dùng một ít mẻ đã mua sẵn sau đó cho vào lọ đựng (sử dụng lọ sành sứ hoặc thủy tinh, không nên dùng lọ nhựa). Cho cơm nguội để lên trên phần mẻ rồi đậy nắp kín, cất ở chỗ kín (như chạn bát, tủ kín).
Sau 2 – 3 ngày phần cơm sẽ nhuyễn ra và bắt đầu lên men, có mùi chua nhẹ, đó chính là mẻ.
– Khi nấu cơm bạn cho nhiều nước hơn một chút, cơm sôi chắt phần nước để nguội.
Cho cơm nguội và phần nước cơm vào lọ đựng, đậy kín nắp và bảo quản như cách làm thứ nhất.
Sau 1 tuần bạn đã có thể đem ra sử dụng.
Cách sử dụng mẻ
Mẻ được ủ tại nhà dùng để nấu canh chua hoặc ướp thịt nướng
Với cách làm mẻ như trên và bảo quản tốt bạn có thể sử dụng được trong vòng 2 – 3 tháng. Khi gần hết có thể cho tiếp cơm nguội vào ủ tiếp.
Khi dùng lấy thìa sạch múc mẻ ra bát, lọc qua rây cho mịn là có thể đem nấu canh chua hoặc ướp thịt nướng đều rất ngon.
Chúc các bạn ủ được một hũ mẻ chua thanh, thơm ngon!
Tham khảo thêm:
Mẻ – thứ gia vị truyền thống đặc sắc
Mẻ là thứ gia vị chua có mùi thơm rất đặc trưng, vị chua dịu và thanh chứ không gắt như giấm hay chanh.
Là một vị trong 5 vị cơ bản trong ẩm thực của người Việt, mẻ luôn khẳng định được giá trị khác biệt của nó so với những thứ gia vị quả chua khác. Bởi có mẻ, món ăn thêm đậm đà và có nhiều cảm xúc hơn.
Làm mẻ không khó và có nhiều cách. Mẻ để được rất lâu nếu chăm sóc hũ mẻ tốt. Dụng cụ để cất trữ mẻ thường là lọ thủy tinh hoặc hũ sành để bảo quản, vừa sạch sẽ lại đảm bảo tính thẩm mỹ. Cách làm mẻ thì đơn giản lắm, sang nhà hàng xóm, xin một bát mẻ về, cho nó vào hũ sành, múc một bát cơm nguội cho lên trên rồi đậy nắp kín, để trong chạn ủ cho ấm, chỉ sau vài ngày là phần cơm bên trên sẽ nhuyễn ra và bắt đầu lên men, mùi chua nhẹ lúc đó chính xác là cơm đã chuyển thành mẻ. Nếu không xin được mẻ từ hàng xóm thì ra chợ mua cũng được, ở chợ Việt cái gì không có chứ mẻ thì không bao giờ thiếu.
Một cách làm khác rất hay và khoa học là khi nấu cơm, cho nước nhiều hơn một chút, lúc nước cơm sôi lên, chắt lấy bát nước cơm để nguội. Đợi cơm chín tới, múc một bát vừa đủ cho cái hũ sành rồi lại để nguội. Cho cơm nguội và nước cơm vào hũ sành, đậy kín nắp và bọc kín hũ để tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, đặt hũ vào nơi kín gió, đủ ấm cho lên men nhanh hơn. Chỉ sau một tuần là sẽ có một hũ mẻ thơm lừng.
Cách sử dụng mẻ thì rất đơn giản, dùng thìa sạch múc mẻ ra bát rồi lọc qua rây cho mịn trước khi nấu canh, rồi còn có thể om hoặc ướp thịt để nướng. Khi mẻ trong hũ sành sắp hết lại cho thêm cơm vào ủ tiếp trong vài ngày sẽ có mẻ mới để ăn.
Vào mùa hè, mẻ thực sự “phát huy được tác dụng”. Cái nóng miền Bắc vào mỗi buổi trưa hè mang lại cảm giác ngột ngạt kinh khủng. Ăn uống ngày hè cũng vất vả hệt như đứng trong bếp để nấu cơm vậy, nên những món ăn mang vị chua dịu và thơm thơm mùi mẻ luôn là lựa chọn ưu tiên hàng đầu. Nấu canh cá với mẻ rồi ăn với bún vừa nhẹ dạ lại rất dễ trôi. Mẻ là thứ gia vị chua có mùi thơm rất đặc trưng, vị chua dịu và thanh chứ không gắt như giấm hay chanh. Các món truyền thống với cách chế biến và sử dụng nguyên liệu khác nhau khi kết hợp với mẻ đều khá dễ.
(ST)