Cách đọc tài liệu tham khảo trong nghiên cứu khoa học – CLB Sinh viên nghiên cứu khoa học

Nghiên cứu khoa học (NCKH) là một kỹ năng rất cần thiết đối với sinh viên hiện nay. Để tạo nên thành công cho công trình nghiên cứu của mình chắc chắn bạn phải đọc rất nhiều tài liệu tham khảo. Tuy nhiên không phải sinh viên nào cũng hiểu rõ và nắm được cách đọc hiệu quả để đạt được mục đích mong muốn. Chính vì vậy, YRC sẽ cùng bạn tìm hiểu sâu hơn về tài liệu tham khảo và cách đọc tài liệu hiệu quả trong nghiên cứu khoa học nhé!

  1. Tài liệu tham khảo (TLTK) là gì?
  • Là các ấn phẩm học thuật cung cấp thông tin cần thiết, chuyên sâu dùng để tham khảo phục vụ cho quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học.
  • Tài liệu khoa học có thể trình bày dưới dạng một cuốn sách, một luận án, một bài báo khoa học, một bài nghiên cứu chuyên ngành, một tạp chí khoa học,… 
  • Đặc điểm khác biệt của TLTK so với tài liệu khác chính là: tài liệu tham khảo được dùng cho mục đích cụ thể là phục vụ quá trình nghiên cứu khoa học. Chính vì vậy các thông tin thường rất hàn lâm, mang tính học thuật cao, đòi hỏi người đọc phải có vốn hiểu biết nhất định về vấn đề nghiên cứu đồng thời cũng cần có cách đọc phù hợp để mang lại hiệu quả cao.
  1. Tại sao phải đọc tài liệu tham khảo?
  • TLTK cung cấp kiến thức cần thiết cho quá trình nghiên cứu. Trong quá trình nghiên cứu, việc đọc và tiếp nhận kiến thức là rất cần thiết. Thông thường các bạn sinh viên thường chưa đủ hiểu biết hay chưa hiểu rõ về vấn đề mình nghiên cứu. Thông qua việc đọc, bạn sẽ có được những kiến thức nền tảng và chuyên sâu, đa dạng ở tất cả các lĩnh vực. Đồng thời hiện nay, nguồn nghiên cứu rất phong phú và dễ dàng tìm kiếm. Các bạn có thể tham khảo một vài nguồn uy tín cho NCKH tại đây. Bên cạnh đó, nếu 1 đề tài có nhiều TLTK cũng chứng minh bạn thực sự dành thời gian đầu tư cho công trình nghiên cứu của mình.
  • TLTK giúp có cái nhìn bao quát về đề tài nghiên cứu. Thực tế, vấn đề mà bạn đang tìm hiểu có thể đã được nhiều người nghiên cứu trước đó. Mỗi người lại có hướng nghiên cứu và mang lại kết quả khác nhau. Chính vì thế, việc đọc sẽ giúp bạn hình dung một cách tổng quan nhất về vấn đề nghiên cứu, về kết quả nghiên cứu, về hạn chế và khoảng trống nghiên cứu. Điều này sẽ giúp bạn tìm được hướng nghiên cứu phù hợp, từ đó có được những đóng góp mới cho vấn đề cần nghiên cứu.
  • TLTK giúp bạn cải thiện kĩ năng nghiên cứu: Đọc TLTK là quá trình tổng hợp của rất nhiều kĩ năng: ghi chép, phân tích, chọn lọc, tổng hợp,… Đây đều là những kĩ năng quan trọng có thể được phát triển thông qua việc đọc. Đọc càng nhiều tài liệu, bạn sẽ hình thành thói quen đọc thường xuyên và mãi giũa những kĩ năng cần thiết cũng như khả năng tư duy, khả năng suy luận phục vụ cho học tập cũng như công việc sau này.
  1. Cách đọc tài liệu tham khảo hiệu quả 

Trước hết, cần khẳng định đọc tài liệu là một quá trình rất phức tạp. Đối với những người không có thói quen đọc hoặc chưa quen đọc các tài liệu nghiên cứu chuyên ngành sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, lời khuyên đầu tiên chính là: Hãy kiên nhẫn với bản thân. Nếu mỗi ngày bạn đều tạo cho mình thói quen đọc, phân tích tài liệu thì dần dần bạn sẽ tìm được phương pháp đọc phù hợp và nâng cao hiệu quả của việc đọc tài liệu.

Trước khi đọc:

Cần hiểu được mục đích của bản thân khi đọc tài liệu:

  • Đọc nhằm mục đích gì? (tìm thêm thông tin về vấn đề nghiên cứu, làm sáng tỏ thắc mắc bản thân, tìm ra hướng đi mới …) 
  • Mong muốn nhận được thông tin gì? bảng nghiên cứu, thống kê, số liệu nghiên cứu,…

Qua hai bước này, bạn sẽ hình dung ra một Câu hỏi lớn (Big question). Nó không trả lời cho câu hỏi “Tài liệu viết về vấn đề gì” mà là “Tài liệu được viết nhằm giải quyết vấn đề gì”. Đây là câu hỏi chính và giải quyết được câu hỏi này chứng tỏ chúng ta đọc đúng cách và phương pháp này có hiệu quả. 

Trong khi đọc:

Đây là quá trình quan trọng đòi hỏi sự chú ý nghiêm túc thực hiện mới đem lại hiệu quả được. Và hiệu quả của quá trình đọc cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố: phương pháp đọc, khả năng tiếp nhận kiến thức, khả năng tư duy, trình độ ngôn ngữ, mức độ yêu cầu của bản thân,… Nhưng nói chung mọi quá trình đọc đều có các bước chung:

  • Sau khi đã tìm được câu hỏi lớn (Big question) thì đây là lúc bạn tìm ra những câu hỏi nhỏ (Specific Question) có thể là: Tác giả đang cố trả lời cho câu hỏi/vấn đề nào trong tài liệu nghiên cứu của mình? Tác giả giải quyết vấn đề/ câu hỏi đó bằng cách nào? 
  • Các câu hỏi/vấn đề này có thể được giải quyết trong phần phương pháp nghiên cứu (Methods) và kết quả nghiên cứu (Results). Để có thể hiểu và tìm được thông tin cần thiết trong hai phần không phải điều dễ dàng với sinh viên bởi hầu hết các thông tin đều khá hàn lâm và học thuật.Giải pháp cho vấn đề này chính là bạn hãy “mô hình hóa” thông tin dưới dạng các hình vẽ, biểu đồ theo ý hiểu của riêng mình và lấp đầy chúng bằng những thông tin cần thiết cho việc đọc hiểu tài liệu. Càng gặp nhiều thông tin khó hiểu, bạn càng phát triển được những ‘’mô hình’’ ấy và sau đó, bạn sẽ tìm hiểu và giải quyết dần dần những vấn đề còn thắc mắc: có thể đọc tài liệu có liên quan, hỏi thầy cô bạn bè,… Đây là quá trình tự nghiên cứu và thông qua quá trình này bạn sẽ hiểu được bản chất, tự trả lời được cho những câu hỏi của bản thân để từ đó biến kiến thức của người khác thành của riêng mình. 
  • Khi đã hiểu được phương pháp nghiên cứu ta tiếp tục đến phân tích kết quả. Thông thường, kết quả nghiên cứu trong tài liệu khoa học thường được biểu diễn dưới dạng các bảng thống kê, biểu đồ, bảng số liệu,… Ta chưa cần hiểu ngay kết quả ý nghĩa là gì mà hãy tìm xem kết luận đó là gì và viết chúng ra giấy. Việc hiểu kết quả phân tích có thể gây ra nhiều khó khăn. Vì vậy lời khuyên duy nhất chính là đọc thật nhiều và tìm hiểu thêm về cách đọc kết quả trong các bài NCKH. 

Sau khi đọc: 

Cần tổng hợp lại việc đọc đã thỏa mãn yêu cầu đặt ra hay chưa: Cung cấp đủ thông tin chưa, giải đáp được thắc mắc chưa,… để từ đó quyết định có nên đọc lại hay đọc thêm những tài liệu liên quan hay không.

  1. Kết luận

Việc đọc tài liệu tham khảo là quá trình đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và dễ gây chán nản với các bạn sinh viên. YRC hi vọng bài viết này sẽ giúp các bạn nắm được các bước cơ bản để đọc tài liệu tham khảo một cách hiệu quả, phục vụ nghiên cứu của mình. 

Nguồn tham khảo:

Raff, J., 2016. How to read and understand a scientific paper: a guide for non-scientists. [online] Impact of Social Sciences. Available at: <https://blogs.lse.ac.uk/impactofsocialsciences/2016/05/09/how-to-read-and-understand-a-scientific-paper-a-guide-for-non-scientists/> [Accessed 13 April 2022].

Đại, N., 2022. Meresci: Phương pháp đọc tài liệu. [online] Khoahocviet.info. Available at: <http://www.khoahocviet.info/meresci/vi/meresci03a1.html> [Accessed 13 April 2022].

Vjsonline.org. 2022. CÁCH ĐỌC VÀ PHÂN TÍCH MỘT BÀI BÁO KHOA HỌC | Vietnam Journal of Science. [online] Available at: <http://www.vjsonline.org/career/c%C3%A1ch-%C4%91%E1%BB%8Dc-v%C3%A0-ph%C3%A2n-t%C3%ADch-m%E1%BB%99t-b%C3%A0i-b%C3%A1o-khoa-h%E1%BB%8Dc> [Accessed 13 April 2022].

Pages.ucsd.edu. 2022. [online] Available at: <https://pages.ucsd.edu/~mboyle/COGS163/pdf-files/scientificarticlereview.original.pdf> [Accessed 13 April 2022].

Vetvn.files.wordpress.com. 2022. [online] Available at: <https://vetvn.files.wordpress.com/2010/03/cach-de1bb8dc-me1bb99t-bai-bao-khoa-he1bb8dc11.pdf> [Accessed 13 April 2022].