Cách đáp trả câu hỏi vô duyên
Thay vì im lặng chịu đựng hay kích động trước những câu hỏi soi mói về quê ăn Tết, chuyên gia khuyên bạn cần bình tĩnh, tự tin và chủ động thiết lập ranh giới.
Lương thưởng, bao giờ kết hôn hay so sánh ngoại hình là những câu hỏi kém duyên nhưng luôn hấp dẫn để người thân, hàng xóm liên tục thẩm vấn người trẻ. Điều này khiến các dịp lễ tết trở thành nỗi ám ảnh, nhiều người không muốn về nhà.
Nhưng thay vì im lặng chịu đựng hay mạnh mẽ đáp trả dễ bị đánh giá có thái độ không đúng chuẩn mực, tiến sĩ Roseann Capanna-Hodge, nhà tâm lý học ở Connecticut (Mỹ) khuyên bạn cần bình tĩnh và đối đáp một cách khôn ngoan.
Lên kế hoạch kỹ lưỡng
Nhà trị liệu Jennifer Rollin (Maryland, Mỹ) nói rằng muốn chiến thắng hãy chuẩn bị kỹ lưỡng. Trước các buổi tụ họp, bạn hãy nghĩ xem người thân, họ hàng có thể nói những điều gì khiến bản thân bị kích động, sau đó luyện tập các câu trả lời phù hợp.
Về phần đối đáp, bạn cần tỏ ra nhẹ nhàng, giọng nói thiện cảm, sử dụng các câu ở ngôi thứ nhất để tránh gây cảm giác buộc tội hay khiêu khích người đặt câu hỏi.
Khi đối diện với câu hỏi về ngoại hình
Dù là chỉ trích hay thực sự mong muốn bạn tốt hơn, các câu hỏi kiểu “dạo này tăng cân à?” hay “đợt này béo thế” có thể khiến người được hỏi căng thẳng.
Trên thực tế, các câu hỏi này nói lên nhiều điều về người hỏi hơn là đối phương. Bởi chỉ những người thực sự quan tâm tới ngoại hình, cân nặng và chế độ ăn uống mới có xu hướng bình phẩm về người khác.
Khi đối diện với tình huống này, bạn có thể đáp lại bằng những câu trả lời kiểu: “Cháu chẳng để ý vì không quan tâm đến cân nặng”, hoặc “Do bố mẹ chăm sóc kỹ quá nên cháu mới vậy”.
Nhưng nếu cuộc trò chuyện mang tính miệt thị ngoại hình kéo dài khiến bản thân không thoải mái, bạn hãy thẳng thắng đứng lên và xin phép rời đi.
Trước những câu hỏi vô duyên, bạn cần tự tin và khôn khéo đáp trả. Ảnh minh họa: iStock
Câu hỏi về chuyện tình cảm
“Có người yêu chưa?”, “Bao giờ cho cô chú ăn cỗ”, hay “sao Tết lại về một mình”… là những câu hỏi kinh điển người độc thân thường xuyên phải nhận từ gia đình, họ hàng cho đến những mối quan hệ bên ngoài.
Trong tình huống này, bạn hãy thử đổi chủ đề. Nếu không thành công hãy nhìn thẳng vào người hỏi, dõng dạc tuyên bố: “Khi nào chuyện tình cảm có tiến triển cháu sẽ sang thưa với bác”. Câu nói này mang ẩn ý bạn không muốn tiếp tục cuộc trò chuyện này.
Hỏi về kế hoạch sinh con
Không chỉ hội độc thân, những cặp vợ chồng mới cưới hoặc kết hôn lâu nhưng chưa sinh con sẽ thường xuyên bị hỏi “bao giờ đẻ”. Thực tế, những câu hỏi về hôn nhân, chuyện sinh nở thường xuất phát từ tình yêu, sự quan tâm. Vậy nên bạn hãy hướng câu chuyện sang một hướng khác bằng cách đưa ra lời bình luận tốt đẹp kiểu: “Cháu hiểu bác muốn chúng cháu sớm ổn định, được hạnh phúc như gia đình mình. Hay bác kể lại về lần đầu gặp bác trai/gái như thế nào đi ạ”.
Nhưng trong trường hợp được quan tâm quá mức dễ làm tổn thương người được hỏi, đặc biệt là các cặp hiếm muộn, vô sinh. Bạn có thể chia sẻ về tình trạng thực tế (nếu muốn). Còn không, hãy dừng cuộc trò chuyện bằng lời tuyên bố: “Xin lỗi, tôi không muốn bàn luận về vấn đề này”.
Đề cập những vấn đề mang tính vĩ mô
Một số người lựa chọn bữa tiệc cuối năm để nhắc các chủ đề về chính trị, tôn giáo… tạo cơ hội tranh luận, nhưng số khác thì không. Để tránh những câu chuyện không hồi kết, bạn có thể chuyển chủ đề hoặc thẳng thắn đề cập: “Tôi không quan tâm đến vấn đề này, chúng ta có thể đổi câu chuyện khác không?”.
Thời điểm nào nên rời đi?
Nếu đã thử tất cả các phương pháp đặt giới hạn nhưng vẫn thấy khó chịu, bạn hoàn toàn có thể rời khỏi cuộc sum họp với gia đình. Việc tự đưa mình thoát khỏi tình huống gây bức xúc, mệt mỏi là cách thiết lập ranh giới tốt nhất. Nhưng điều này không có nghĩa bạn nên gây náo loạn, la hét um xùm trước khi rời đi, thay vào đó hãy kiếm một lý do phù hợp.
Hãy nhớ, lễ tết là thời gian sum họp, gắn kết các thành viên trong gia đình. Nhưng nếu chúng đem lại cảm giác tồi tệ, khó chịu cho bản thân, bạn không cần ở lại lâu.
Minh Phương (Theo CNN)