Cách cúng tam tai giải hạn – Việt Lạc Số
Theo phong tục và chiêm nghiệm của các nhà Chiêm Tinh xưa. Ngoài việc cúng Sao giải Hạn hằng năm, những tuổi gặp năm Tam Tai cũng nên cúng giải hạn, cụ thể như năm Nhâm Thìn (2012) thì có 3 tuổi như sau bị hạn Tam tai: Tuổi Thân, tuổi Tý, tuổi Thìn.
Khi vào vận tam tai thì hay khốn đốn, trắc trở, vất vả. Đặc biệt là khi cả vợ chồng cùng nằm trong tam hợp tuổi nói trên vì đôi bên đều phải mệt mỏi cùng lúc.
Mức độ cộng hưởng sẽ làm ảnh hưởng nặng đến gia đình. Đó cũng là thiệt thòi của các tuổi hợp. Nếu vợ chồng không cùng tam hợp thì hạn rải rác sẽ đỡ áp lực hơn.
Một số việc xấu thường xảy đến cho người bị Tam tai:
- Tính tình nóng nảy bất thường.
- Có tang trong thân tộc.
- Dễ bị tai nạn xe cộ.
- Bị thương tích.
- Bị kiện thưa hay dính đến pháp luật.
- Thất thoát tiền bạc.
- Mang tiếng thị phi.
- Tránh cưới gả, hùn vốn, mua nhà và kỵ đi sông đi biển.
Ba tuổi Thân, Tí, Thìn phạm Tam Tai vào ba năm Dần (đầu Tam Tai), Mão (giữa Tam Tai), Thìn (cuối Tam Tai). Ảnh hưởng xấu như sau:
- Vào năm Dần (2010) thì gặp Thiên Linh Tinh Quân, hao vật tổn người, lây nhiễm bệnh nặng, bị người lường gạt.
- Vào năm Mão (2011) phùng Thiên Hình Tinh Quân, bị pháp luật hình phạt hoặc tai nạn đâm chém, bị mỗ xẻ.
- Vào năm Thìn (2012) ngộ Thiên Kiếp Tinh Quân, bị trộm cướp mất tài sản, tiền bạc, hoặc bị người áp chế, cưỡng bách làm việc phi nghĩa, thất đức.
CÁCH CÚNG GIẢI HẠN NĂM TAM TAI:
Ngoài cúng Sao giải Hạn hàng năm, những tuổi gặp năm Tam Tai cũng nên cúng giải hạn như sau:
Cúng Thần Tam Tai: Cổ nhân thường căn cứ Tam Tai rơi vào năm nào, ứng với năm đó có một ông Thần, và vào ngày nhất định hàng tháng, hướng nhất định tiến hành lễ dâng hương để giải trừ Tam Tai.
Xem bảng Tam tai của 3 tuổi: Thân, Tý, Thìn sau đây:
- Năm Dần (2010): Ông Thiên Linh, cúng ngày 15, lạy về hướng Đông Bắc.
- Năm Mão (2011): Ông Thiên Hình, cúng ngày 14, lạy hướng Đông
- Năm Thìn (2012): Ông Thiên Kiếp, cúng ngày 13, lạy hướng Đông Nam.
Lễ cúng tại ngã ba, ngã tư đường, nhưng thời nay việc cúng tại ngã ba, ngã tư đường là việc khó coi, vì vậy đa số người ta cúng tại sân, chủ yếu là do tâm thành.
Cúng vào ngày 13 âm lịch hàng tháng (hoặc ít nhất là tháng giêng và tháng bảy âm lịch).
LỄ VẬT CÚNG GỒM CÓ:
– Photo tấm bài vị theo mẫu của năm Nhâm Thìn (Photo trên bìa giấy đỏ, chữ màu đen).
– Bài vị này dán trên một chiếc que, cắm vào ly gạo, mặt có chữ của Bài vị đối diện với người đứng cúng, đặt ở giửa bàn phía trong cùng bàn lễ.
– Sau đây là Bài vị cúng giải hạn Tam tai năm Nhâm Thìn (2012):
Phiên âm bài vị:- ( Đọc từ phải sang trái,trên xuống dưới)
– Bốn góc: Cung – Thỉnh – Hạ giáng – Chứng Minh
Ở giữa: Mông Long Đại Tướng Thiên Kiếp Tam tai Thổ Ách Thần Quan.
Gở ít tóc rối hoặc cắt chút tóc, cắt chút móng tay, móng chân của người mắc Tam Tai, gói lại với ít bạc lẻ, để trên 1 đĩa riêng trên bàn lễ.
- 1 bộ tam sanh (tam sênh) gồm có: Miếng thịt luộc, con tôm luộc (hoặc tôm khô), trứng vịt luộc. Cúng lối chiều tối (18—19 giờ) cúng tại trước sân (hay ngã ba đường thì tốt hơn)
- 3 cây nhang -3 ly rượu nhỏ -3 đèn cầy nhỏ -3 điếu thuốc -3 miếng trầu cau -3 xấp giấy tiền vàng bạc -1 dĩa trái cây
- 1 bình bông -1 dĩa gạo muối, hai bộ đồ thế (nam hoặc nữ).
SẮP XẾP BÀN CÚNG:
- Bình bông để bên phải (ngoài nhìn vô), trái cây bên trái. Tiếp theo ở giữa, phía trước là lư hương, trong kế theo là 3 đèn, tiếp trong là 3 ly rượu, hàng kế là 3 ly trà, trong nữa là bài vị (cắm vào ly gạo, bề mặt có chữ quay về phía người cúng).
- Người cúng sắp đặt bàn sao cho mặt mình nhìn về hướng Đông nam , tức bài vị ở phía Đông nam , người cúng ở phía Tây bắc). Kế là một mâm sắp bộ tam sênh ở giữa, trầu cau, gạo muối, thuốc hút, giấy tiền vàng bạc để xung quanh .
- Cúng vị Thần nầy cho đến khi tàn nhang và đèn, xong rồi người cúng không được nói chuyện với bất cứ ai, đem gói tóc móng tay ra ngã ba đường mà bỏ, nhớ đừng ngoái lại xem, ít bạc lẻ nhớ để vào gói tóc, bỏ luôn Tóc và móng tay ( Phải là của người bị tam tai mới được ), khi vái cúng cho mình hoặc cho con cháu cũng phải nói rõ Họ tên của người mắc tam tai .
KHẤN VÁI:
Người cúng đứng đối diện với bài vị (tức là nhìn về hướng Đông-nam )
Thắp nhang, đốt đèn, châm trà rượu, cầm nhang xá ba xá, quì xuống, đưa nhang lên trán, khấn :
“Nam-mô Mông Long Đại Tướng THIÊN KIẾP Tam Tai THỔ Ách Thần Quan , hạ giáng chứng minh.
Hôm nay là ngày 13 tháng …. năm Nhâm Thìn, con tên là ………………. tuổi:………….., hiện cư ngụ tại ……………………………………………………………………………………………………………………………….
Nay con thành tâm thiết bày phẩm vật, cầu xin “MÔNG LONG ĐẠI TƯỚNG THIÊN KIẾP TAM TAI THỔ ÁCH THẦN QUAN” phù hộ độ trì cho con và toàn thể gia đình được bình an mạnh khỏe, tai qua nạn khỏi, phiền não đoạn diệt, nghiệp chướng tiêu trừ, thường hoạch kiết tường, vĩnh ly khổ ách.
Thứ nguyện:- Âm siêu dương thới, hải yến hà thanh, pháp giới chúng sanh, tề thành Phật Đạo.
Phục duy cẩn cáo!”
– Xá ba xá, cắm nhang vào lư hương, lạy 12 lạy (cầu cho 12 tháng bình yên).
– Châm trà, rượu đủ ba lần. Đốt thuốc cúng. Thời gian chờ nhang tàn, giữ yên lặng, vái nguyện thêm âm thầm trong tâm…
Chờ đến tàn hết nhang đèn, âm thầm lặng thinh , không nói chuyện với bất cứ ai, Xong, đem gói nhỏ ( tóc ,móng tay ,móng chân ) đốt chung với 3 xấp giấy tiền vàng bạc, vừa đốt vừa van vái cho tiêu trừ hết tai nạn. Tiền lẻ và gạo muối vãi ra đường. Chỉ mang bàn và đồ dùng (ly tách mâm …về) .Về đến nhà phải thay quần áo mới. Đồ cúng ai ăn cũng được (hoặc bỏ lại ngoài đường, không mang vào nhà) ,tuổi mình cúng không nên ăn.
– Ngoài việc cúng giải hạn Tam tai như trên, nếu ai thường xuyên làm việc thiện, hoặc thường xuyên phóng sanh cá, ốc… còn sống xuống sông, ao, bàu… thì việc hóa giải Tam tai càng hiệu quả nhanh và lại được hưởng âm phước vô lượng…