Cách chữa bệnh vàng da ở người lớn và những điều cần biết

Cách chữa bệnh vàng da ở người lớn luôn được nhiều bệnh nhân quan tâm. Vàng da là tình trạng da, lòng trắng của mắt và niêm mạc chuyển sang màu vàng do lượng bilirubin cao. Bệnh vàng da ở người lớn có thể do nhiều bệnh lý khác nhau gây ra, chẳng hạn như viêm gan, sỏi mật, khối u…, một số bệnh nghiêm trọng và có khả năng đe dọa tính mạng.  Vậy bệnh vàng da có nguy hiểm không và các cách chữa vàng da ở người lớn là gì? Mời bạn tham khảo bài viết sau đây.

Cách trị bệnh vàng da ở người lớnCách trị bệnh vàng da ở người lớn

Phát hiện triệu chứng của vàng da

Đôi khi, người bệnh có thể không có triệu chứng vàng da vàng mắt và tình trạng này có thể được phát hiện một cách tình cờ. Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản và mức độ phát triển nhanh hay chậm của bệnh vàng da.

Nếu bạn bị vàng da trong thời gian ngắn (thường là do nhiễm trùng), bạn có thể có các triệu chứng và dấu hiệu sau:

  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Đau bụng
  • Các triệu chứng giống như cúm
  • Thay đổi màu da
  • Nước tiểu sẫm màu và/ hoặc phân màu đất sét

Nếu vàng da không phải do nhiễm trùng, người bệnh sẽ có các triệu chứng như sụt cân hoặc ngứa da. Nếu nguyên nhân là do ung thư tuyến tụy hoặc đường mật, triệu chứng vàng da phổ biến nhất là đau bụng. Đôi khi, bạn có thể bị vàng da do gan nếu mắc:

  • Viêm gan mãn tính
  • Viêm da mủ hoại thư (một loại bệnh ngoài da)
  • Viêm gan A, B hoặc C cấp tính

Tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh vàng da

Nguyên nhân gây bệnh vàng daNguyên nhân gây bệnh vàng da

Thực tế, có rất nhiều nguyên nhân gây vàng da, sau đây là một số nguyên nhân phổ biến:

1. Vàng da do tan huyết

Sốt rét

Ký sinh trùng sốt rét có thể khiến các tế bào hồng cầu chết nhanh hơn, dẫn đến sự gia tăng bilirubin trong máu.

Thiếu máu hồng cầu hình liềm

Thiếu máu hồng cầu hình liềm là một tình trạng di truyền tương đối hiếm gặp, được đặc trưng bởi các tế bào hồng cầu hình lưỡi liềm. Rối loạn này do vòng đời hồng cầu bị rút ngắn, giải phóng nhiều bilirubin.

Spherocytosis (hồng cầu hình tròn)

Bệnh Spherocytosis là một tình trạng di truyền khác khiến các tế bào hồng cầu có hình tròn thay vì hình đĩa. Điều này làm cho hồng cầu phân hủy nhanh hơn, giải phóng nhiều bilirubin vào máu gây vàng da. 

Thalassemia (bệnh tan máu bẩm binh)

Bệnh thalassemia làm tan hồng cầu do đó giải phóng bilirubin vào máu, gây vàng da. Tình trạng này cũng có thể làm tăng bilirubin trong máu gây ra các vấn đề như vàng da.

2. Vàng da do bệnh tế bào gan

Xơ gan là một bệnh lý xảy ra khi mô gan bị sẹo trong thời gian dài do tiếp xúc với các bệnh nhiễm trùng và chất độc hại phát sinh do lạm dụng rượu. Bệnh có thể khiến người bệnh bị vàng da do gan.

Viêm gan

Viêm gan là một tình trạng khiến gan bị sưng viêm và điều này ảnh hưởng lớn đến chức năng gan. Đây là một bệnh lý nghiêm trọng vì nó khiến cơ thể rất khó loại bỏ lượng bilirubin quá mức có trong cơ thể dẫn đến vàng da do gan.

Xơ gan ứ mật

Đây là một tình trạng sức khỏe liên quan đến các ống dẫn mật bị tổn thương nghiêm trọng, khiến cơ quan này gặp khó khăn trong quá trình xử lý và quản lý chuyển động của mật. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc quản lý bilirubin trong máu, từ đó dẫn đến hình thành bệnh vàng da do gan.

Ung thư gan

Ung thư gan có thể gây ra tổn thương nghiêm trọng và ảnh hưởng đến chức năng bình thường của cơ quan này. Khi gan bị ung thư, nó không thể hoạt động hiệu quả và điều này làm cho người bệnh cũng có khả năng bị vàng da.

3. Vàng da do các nguyên nhân khác

Sỏi mật

Sỏi mật là chất cặn canxi tích tụ trong túi mật và có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của đường mật. Các ống dẫn mật đóng một vai trò quan trọng trong việc bài tiết bilirubin ra khỏi máu. Nếu các ống này không thể hoạt động hiệu quả hoặc bị tắc nghẽn do sỏi sẽ khiến lượng bilirubin trong máu tăng cao.

Ung thư tuyến tụy

Ung thư tuyến tụy có thể gây ra vàng da do sự phát triển của các tế bào ung thư ác tính trong tuyến tụy.

Ung thư ống mật

Sự phát triển ung thư trong đường mật cũng có thể gây ra vàng da. Căn bệnh ung thư này có thể khiến chức năng ống mất không làm việc được nên chúng không thể đưa nước mật hoặc bilirubin đi qua dẫn đến tích tụ bilirubin trong cơ thể.

Cách chữa bệnh vàng da hiệu quả nhất

Bác sĩ thăm khámBác sĩ thăm khám

1. Điều trị căn nguyên gây vàng da

Các cách chữa bệnh vàng da chủ yếu tập trung vào nguyên nhân hơn là các triệu chứng vàng da, chẳng hạn như: 

  • Vàng da do thiếu máu có thể được điều trị bằng cách tăng cường lượng sắt trong máu thông qua uống bổ sung sắt hoặc ăn nhiều thực phẩm giàu chất sắt hơn.

  • Vàng da do viêm gan cần dùng thuốc kháng virus hoặc steroid. 

  • Các bác sĩ có thể điều trị vàng da do tắc nghẽn bằng cách phẫu thuật cắt bỏ tắc nghẽn ở một khu vực cụ thể 

  • Nếu nguyên nhân là do sử dụng thuốc, bác sĩ sẽ thay đổi một thuốc khác để chữa vàng da. 

2. Sử dụng thuốc trị ngứa

Một số người bệnh vàng da thường bị ngứa. Nếu cơn ngứa trở nên khó chịu hoặc ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn, hãy nói chuyện với bác sĩ để được cho dùng thuốc như cholestyramine để giảm các triệu chứng. Cholestyramine hoạt động bằng cách kiểm soát cholesterol trong gan. Tuy nhiên, tác dụng phụ của thuốc này bao gồm khó chịu ở bụng, khó tiêu, buồn nôn, đầy hơi và táo bón.

Đối tượng nào dễ mắc bệnh vàng da?

Một số đối tượng dễ có nguy cơ mắc bệnh vàng da như:

  • Một số người mắc các bệnh di truyền (ví dụ như bệnh thalassemia hoặc bệnh hồng cầu hình tròn di truyền) có nguy cơ cao mắc bệnh vàng da do tan máu.
  • Những người uống nhiều rượu có nguy cơ mắc bệnh viêm gan do rượu, viêm tụy và xơ gan dẫn đến vàng da.
  • Những người có nhiều nguy cơ tiếp xúc với các loại viêm gan virus (ví dụ như viêm gan B và viêm gan C) có nguy cơ bị vàng da tại thời điểm nhiễm trùng hoặc sau đó (nếu bệnh gan hoặc ung thư gan xảy ra).

Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:

  • Ăn hải sản có vỏ chưa nấu chín
  • Sử dụng các chất gây nghiện
  • Xăm mình ở những cơ sở không uy tín
  • Là người chưa được chủng ngừa (viêm gan)
  • Làm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe
  • Quan hệ tình dục không an toàn với người mắc bệnh

Vàng da có nguy hiểm không?

Mặc dù hầu hết các trường hợp ở người lớn đều không cần phải điều trị vàng da vì bệnh sẽ tự khỏi, nhưng rất nhiều người thắc mắc, không biết vàng da có nguy hiểm không. Thực tế, mức độ nghiêm trọng của biến chứng thay đổi theo nguyên nhân cơ bản dẫn đến vàng da. Một số người sẽ không có bất kỳ vấn đề nào trong thời gian dài và sẽ hồi phục hoàn toàn, trong khi đối với những người khác, vàng da sẽ là dấu hiệu đầu tiên của một tình trạng đe dọa tính mạng, chẳng hạn như:

  • Bất thường về điện giải
  • Thiếu máu
  • Xuất huyết
  • Nhiễm trùng/ nhiễm trùng huyết
  • Viêm gan mãn tính
  • Ung thư
  • Suy gan
  • Suy thận
  • Bệnh não gan (rối loạn chức năng não)
  • Tử vong

Phòng ngừa bệnh vàng da

1. Phòng tránh bệnh viêm gan

Phòng ngừa bệnh vàng daPhòng ngừa bệnh vàng da

Nhiễm vi rút viêm gan là một trong những nguyên nhân chính gây vàng da ở người lớn. Do đó, tránh tiếp xúc với virus gây bệnh càng nhiều càng tốt có thể giảm nguy cơ mắc không chỉ viêm gan mà còn cả vàng da.

  • Bạn có thể ngăn ngừa viêm gan A bằng vắc xin và ăn uống thực phẩm hợp vệ sinh, đã được nấu chín.
  • Bạn cũng có thể ngăn ngừa viêm gan B bằng vắc xin. Bất kỳ người nào từ trẻ sơ sinh đến người lớn đều có thể tiêm vắc xin này.
  • Không có thuốc chủng ngừa viêm gan C.

Viêm gan B và C lây lan qua máu và dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh, nhưng không lây qua tiếp xúc thông thường. Vì vậy, bạn cần tránh sử dụng lại bất kỳ loại kim tiêm nào để giúp ngăn ngừa sự lây lan của những loại virus này.

2. Giới hạn tiêu thụ rượu bia ở mức cho phép

Gan là cơ quan phải xử lý rượu và nếu uống quá nhiều rượu bia thì gan không thể xử lý kịp, dẫn đến suy chức năng và gây bệnh vàng da. Do đó, bạn hãy hạn chế uống rượu ở mức khuyến nghị hàng ngày hoặc tốt nhất là cai rượu bia. Điều này không chỉ có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của vàng da mà còn có thể giúp bạn không mắc các bệnh gan liên quan đến rượu như xơ gan.

3. Duy trì cân nặng lành mạnh

Duy trì cân nặng ở mức ổn định có thể góp phần giúp sức khỏe tổng thể luôn khỏe mạnh. Ngoài ra, điều này cũng có thể giúp gan hoạt động tốt và do đó ngăn ngừa bệnh vàng da.

Ngoài ra, để tránh tăng cân, bạn cần duy trì lượng calo nạp vào hàng ngày của mình trong khoảng 1.800-2.200, tùy thuộc vào mức độ hoạt động. Bạn cũng nên bổ sung calo từ thực phẩm lành mạnh, giàu chất dinh dưỡng như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau, sữa và protein nạc.

4. Xây dựng lối sống lành mạnh

Việc duy trì sức khỏe rất dễ dàng nếu bạn ăn uống lành mạnh, cân bằng và thường xuyên. Bạn hãy lựa chọn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, ít chất béo và carbohydrate để tăng cường sức khỏe chung, bên cạnh việc tìm hiểu cách chữa bệnh vàng da.

Tập thể dục rất quan trọng để duy trì cân nặng và tăng cường sức khỏe tổng thể. Bạn có thể tham gia các bài tập cho tim mạch với cường độ trung bình trong ít nhất 30 phút mỗi ngày để có thể duy trì sức khỏe của mình. Bên cạnh đó, hãy cai thuốc lá hoặc không hút thuốc vì đây là một yếu tố nguy cơ gây ung thư tuyến tụy cũng như nhiều bệnh nguy hiểm khác.

Nếu được bác sĩ chỉ định thuốc, bạn hãy dùng thuốc theo chỉ định để ngăn ngừa các tổn thương gan tiềm ẩn. Bạn cũng có thể sử dụng các thuốc bổ gan có chứa phospholipid, vitamin nhóm B và E để giúp gan nhanh chóng hồi phục, hoạt động hiệu quả và bảo vệ gan trước các tác nhân gây tổn thương (virus, thuốc, rượu…).

Các thông tin trong bài viết cung cấp không thay thế việc chỉ định điều trị của bác sĩ.

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh