Cách chọn cây quất đẹp trang trí nhà cửa dịp Tết
Hoa, lá, quả là những dấu hiệu để nhận biết cây quất đẹp.
Theo quan niệm của những người chơi cây cảnh, một cây quất cảnh đẹp phải hội tủ đủ tứ quý: quả xanh, quả chín, lá xanh, lộc, hoa. Khi mua quất bạn nên chọn tại vườn để được thoải mái lựa chọn, giá cả hợp lý và đảm bảo hơn.
Thời điểm mua cây quất phù hợp nhất là khoảng từ 24 – 26 Tết để lựa được cây đẹp.
Để cây quất sum xuê, đẹp hơn và “được giá” nhiều quả xanh, quả chín, một số người bán thường dùng mẹo gắn thêm quả giả hay các cành lộc, cành hoa… Nếu lựa chọn không kỹ, rất có thể bạn mua phải những cây quất đã bị “mông má” lại. Vì thế, khi chọn, bạn nên cầm phần thân và rung nhẹ toàn bộ cây quất. Nếu quả, lá vẫn giữ trên cành là bạn đã chọn được cây quất đẹp để đón chào năm mới.
Đồng thời, khi mua cây quất, nên lựa chọn những địa chỉ bán cây, nhà vườn uy tín. Nếu có thể, bạn nên vào tận vườn để chọn mua được những cây quất phù hợp nhất.
Bạn có thể lựa chọn cây quất có dáng thông, uốn thế hoặc để tự nhiên không gò ép. Điều quan trọng là tán phải cân đối, và phù hợp với không gian trưng bày trong nhà. Nên chọn cây có gốc cứng cáp, thân thẳng.
Bạn nên chọn cây quất có lá to, xanh đậm, tươi tắn, quả to tròn sáng bóng. Nên chọn cây có độ sai quả vừa phải và có một ít quả xanh, quả ương. Bên cạnh đó, cây quất đẹp còn cần có thêm lộc non và hoa, nụ.
Không nên chọn cây lá vàng nhỏ, quả bé. Đó là cây quất đang có biểu hiện của hiện tượng thối rễ. Khi mua về cây sẽ dễ bị héo, tàn và nhanh rụng lá, quả.
Sau khi mua cây quất về, nên chọn chậu có kích thước lớn hơn bầu cây để trồng cây quất. Trước khi chuyển bầu vào chậu, bạn có thể lót rơm hoặc xỉ xuống đáy chậu giúp cây không bị úng nước gây thối rễ. Phía trên chậu có thể xếp lớp đá cuội trắng, đá nhỏ hoặc cát vàng… để trang trí.
Chăm sóc cây quất sau khi chơi Tết
Trước khi trồng lại 10 ngày
Bạn dùng sản phẩm siêu ra rễ phun ướt đẫm tán lá, tưới ướt đẫm gốc cây. Sau 10 ngày xử lý, bộ rễ cây quất đã được phát động, các rễ mới được hình thành. Dùng tay vặt 1/2 đến 2/3 số lá trên cây, tiến hành trồng, tưới ẩm như những cây quất giống bình thường.
Quất thường trồng trên đất vườn, đất có pha cát, sét bảo đảm được độ thông thoáng và đủ độ ẩm. Độ pH thích hợp đối với đất trồng cây quất là 5-6.
Hố trồng cần bón 1-2kg phân vi sinh hoặc 3-5kg phân chuồng hoai mục để bón lót. Đất trồng cần lên líp cao, thiết kế mương nước xung quanh, líp rộng từ 4 – 6m, mương khoảng từ 20 – 30cm, tránh để nước ngập, quất sẽ ngừng phát triển và thậm chí có thể chết.
Chăm sóc
Khoảng 5-7 ngày, người trồng cần xới xáo quanh gốc (cách gốc 30cm) cho đất tơi xốp và tưới hoặc bón phân khoáng (mỗi gốc bón 0,5-1kg NPK (12:5:10) cách gốc 30cm cho quất nhanh phát triển cành lá, có thể tưới, bón thêm nước hoặc phân chuồng hoai mục cho quất tốt bền và giảm sâu, bệnh hại.
Dùng phân hữu cơ vi lượng PTS9 bón thay phân chuồng kết hợp với nước tăng trưởng Vườn sinh thái phun lướt qua (nồng độ 5ml/15 lít nước khi lá non nhiều và 5ml/10 lít nước khi lá già, lá bánh tẻ) khoảng 15-20 ngày/lần, lá quất dày, xanh, quả to, mập chín màu sắc tươi đẹp lâu rụng, cây quất khoẻ mạnh chống lại sâu, bệnh hại tốt.
Phòng trừ sâu, bệnh hại
Một số bệnh theo mùa, trời ẩm ướt có thể khiến cây quất dễ nhiễm nấm gây hại. Bên cạnh đó, sâu rệp cũng có thể tấn công vào thân, lá, rễ. Do đó, khi tưới cây hàng ngày, cần quan sát toàn bộ cây để kịp thời phát hiện sâu bệnh và có biện pháp xử lý.
Nếu bạn có ý định sử dụng cây quất cho mục đích khác ngoài việc chưng cảnh. Ví dụ như dùng lá nấu nước tắm trị rôm sảy cho trẻ em, dùng quả để ăn. Thì bạn không nên phun thuốc trừ sâu cho cây, có thể gây nguy hại đến sức khỏe. Tốt nhất là sử dụng dụng cụ làm vườn để bắt sâu bọ. Đối với nhiễm nấm thì có thể dùng nước vôi, nước muối pha loãng để rửa lá, bón cho gốc cây.