Cách chế biến và bày biện mâm cơm ngày Tết tươm tất xứng danh “dâu hiền vợ đảm”

Mâm cơm ngày Tết là một nét văn hóa truyền thống của người Việt, là nơi mỗi gia đình sum họp quây quần trong những ngày chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Tuy nhiên, nhiều nàng dâu mới về nhà chồng vẫn chưa biết một mâm cơm ngày Tết cần có những món gì? Nên đi chợ mua “tích trữ” sẵn những gì vào ngày sát tết? Hay cách làm, cách bày trí những món ăn ngày Tết ra sao? Vậy thì yên tâm, đã có EM ở đây để giúp bạn. Cùng xem hướng dẫn chi tiết để có một mâm cơm Tết chỉn chu của EM ngay nhé!

1. Mâm cơm ngày Tết cổ truyền thường có những món gì?

Theo phong tục, ngày Tết của người Việt nhất định phải có mâm cỗ, nó thể hiện sự tinh tế và kỳ công của mỗi gia đình. Không chỉ đa dạng về món ăn mà các gia đình còn rất chú trọng đến hình thức, màu sắc. Tuy nhiên, không phải mâm cỗ ở nơi nào cũng giống nhau. Ở mỗi vùng miền lại có những món ăn đặc trưng khác nhau với 3 dạng món ăn chính là: món mặn, món canh, món ăn kèm.

Mâm cơm ngày Tết ở miền Bắc

Mâm cỗ Tết ở miền Bắc thường được sắp gồm có 4 bát, 4 đĩa (tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa và bốn phương). Nếu nhà nào có điều kiện hơn thì sắp 6 bát 6 đĩa hoặc 8 bát 8 đĩa (tượng trưng cho phát lộc, phát tài).

  • 8 bát bao gồm các món: Măng hầm chân giò, nấm thả, mực nấu, bóng bì, vây cá thủ, gà tần, chim hầm, miến nấu lòng gà.
  • 8 đĩa bao gồm các món: thịt gà luộc, thịt đông, giò lụa, chả quế, giò thủ, bánh chưng, xôi gấc, dưa hành.
  • Ngoài ra còn có: nộm su hào, nộm rau cần và nem rán.

Mâm cỗ ngày xưa còn yêu cầu là phải bày lên mâm gỗ hoặc mâm đồng, đi cùng với đĩa cây mai và bát chiết yêu. Tuy là nhiều món nhưng mỗi món chỉ bày vào một bát hay đĩa nhỏ nên mâm cỗ Tết vừa đa dạng, hài hòa, lại đẹp mắt.

Ngày nay do cuộc sống bận rộn, phần lớn các gia đình đều làm tối giản các món ăn truyền thống và thay thế nhiều loại thức ăn khác. Dù đã có nhiều thay đổi, bữa cơm ngày Tết của người miền Bắc vẫn không thể thiếu những món ăn sau: xôi gấc, bánh chưng, thịt đông, thịt gà luộc, giò lụa, nem rán, canh măng, canh miến, dưa hành…

Mâm cơm ngày Tết ở miền Trung

Miền Trung có nét ẩm thực giao thoa giữa miền Bắc và miền Nam nhưng vẫn giữ được nét riêng của mình. Mâm cỗ ngày tết ở miền Trung sẽ bao gồm các món như: bánh tét, nem chua, tôm chua, thịt ngâm mắm, bò kho mật mía, chả bò, giò bò tiêu sọ, bánh tổ, dưa món,… Riêng người Huế thì mâm cỗ phải có  đĩa gà bóp rau răm, đĩa giò lụa, đĩa thịt đông, đĩa chả Huế, đĩa thịt heo luộc.

Mâm cơm ngày Tết ở miền Nam

Mâm cỗ Tết của người miền Nam cũng rất phong phú với các món là: thịt kho hột vịt nước dừa, chả giò, phá lấu, bánh tét, lạp xưởng, dưa món, củ kiệu (dưa kiệu), xôi vò, canh khổ qua nhồi thịt, dưa giá, củ cải ngâm chua ngọt, gỏi gà luộc xé phay…

Trong đó, món canh khổ qua và thịt kho hột vịt nước dừa là không thể thiếu. Vì theo người miền Nam, “khổ qua” là món ăn để mong ước sự cơ cực qua đi cho năm mới tốt đẹp hơn. Còn món thịt kho thường được chọn là thịt ba chỉ đầy đủ ba phần da, mỡ và nạc tượng trưng cho một năm mới no đủ hạnh phúc.

2. Nên đi chợ mua sắm, tích trữ ngày cận Tết như thế nào?

Các cụ ngày xưa có câu: “Đói quanh năm, no ba ngày Tết”. Câu nói này được hiểu rằng dù trong năm có đói kém như thế nào đi chăng nữa, cứ đến Tết là phải đủ đầy, phải ăn uống no say thì cả năm mới may mắn được. Chính vì thế, ngày xưa, ông bà, bố mẹ chúng ta mong đến Tết một phần cũng vì lý do này.

chợ tết xưa

Thế nhưng, dưới sự phát triển của kinh tế và công nghệ, ngày nay hàng hóa không khan hiếm như xưa nữa. Chúng ta có thể dễ dàng ra chợ, ra siêu thị mua bất cứ thứ gì mình cần. Bánh kẹo, mứt, thực phẩm luôn có sẵn, đa dạng.

Ngày tết là ngày các gia đình đoàn tụ, con cháu quây quần, bạn bè thăm hỏi. Vậy nên, chị em hẳn ai cũng muốn có một cái Tết no đủ, đầm ấm, tinh tươm. Nhiều người lo sợ chợ không mở cửa sớm hay muốn có thêm nhiều thời gian chơi Tết nên thường tích trữ rất nhiều thực phẩm.

Tuy nhiên, do chưa biết cách chọn đồ, mua sắm hoặc mua quá nhiều dẫn tới việc đồ ăn bị hỏng, không tươi ngon. Do đó, chị em nên chú ý những điểm sau trong việc đi chợ mua sắm, tích trữ ngày Tết:

  • Dự trù một khoản chi phí tiêu Tết cụ thể
  • Lên danh sách chi tiết những thứ cần mua
  • Nên sắm hàng hóa có thể bảo quản được lâu như (đồ khô, bánh kẹo…) trước tết 1 tháng để tránh bị tăng giá
  • Tận dụng mua sắm vào các dịp khuyến mại, đại hạ giá trước Tết
  • Rủ nhau mua chung hàng hóa Tết với số lượng lớn
  • Không mua quá nhiều. Chỉ nên tính toán khẩu phần ăn dành cho gia đình trong 1-3 ngày là tối đa.

Danh sách thực phẩm nên mua trước Tết 1 tháng

Đây là những món có hạn sử dụng lâu, chị em nên mua trước tết 1 tháng để những ngày cuối năm đỡ “cập rập” hoặc xảy ra tình trạng “cháy hàng”:

  • Bưởi diễn: 10 – 30 quả
  • Bia: 1 – 2 thùng
  • Các loại hạt: hạt dưa, hạt dẻ cười, hạt bí, hạt hướng dương…
  • Hoa quả sấy khô: nho khô, táo khô, ô mai…
  • Bánh kẹo: bánh kẹo thắp hương, bánh kẹo mời khách.
  • Măng, miến, nấm hương, mộc nhĩ, hạt tiêu

Danh sách thực phẩm nên mua vào sát Tết

Đây là những loại đồ ăn có hạn sử dụng ngắn (chỉ vài ngày). Chị em nên mua vào khoảng 3 ngày trước Tết và bảo quản trong tủ lạnh để duy trì sự tươi ngon:

  • Rau xanh: cà rốt, su hào, súp lơ, rau ăn lẩu…
  • Nấm tươi các loại để ăn lẩu
  • Giò lụa, giò tai, chả quế, giò thủ: 1 – 1,5 kg
  • Bánh chưng: khoảng 4 – 5 cái (2 cái thắp hương, 3 cái để ăn)
  • Lạp sườn, thịt treo gác bếp, thịt trâu/bò khô…
  • Mâm ngũ quả thắp hương: chuối, bưởi, quất, thanh long, táo,…
  • Hoa quả ăn hàng ngày: cam, nho, táo…
  • Các loại hoa: hoa thược dược, hoa ly, hoa lay ơn, hoa cúc…

3. Gợi ý cách chế biến, bày trí mâm cơm ngày Tết

Mâm cơm ngày Tết thường được nấu và trang trí đẹp đẽ với mong muốn một năm mới được ấm no, sum vầy, may mắn. Việc chế biến những mâm cỗ này không phải là điều đơn giản nhất là với những chị em mới về làm dâu. Vậy nên EM xin gợi ý cho chị em những mẹo sau đây.

Những món nên làm trước Tết khoảng 10 ngày

Không phải cứ gần Tết mới chuẩn bị, có rất nhiều món chị em cần làm trước tết từ 5 – 10 ngày để đảm bảo từ 28 Tết trở đi là mọi người có thể ăn được. Các món đó đa số là đồ muối chua và những món thịt khô.

Một số món cần chuẩn bị sớm đó là:

  • Dưa hành muối
  • Củ kiệu muối
  • Củ cải ngâm chua ngọt
  • Thịt treo gác bếp
  • Lạp sườn/ lạp xưởng
  • Thịt lợn ngâm mắm

Mâm cỗ tất niên

Trong mâm cỗ cúng tất niên, bên cạnh những món truyền thống khác, có một món cực kỳ quan trọng đó là: gà trống luộc. Người Việt chọn gà trống cúng tất niên mỗi năm bởi linh vật này được coi là biểu tượng của mặt trời. Nó sẽ khởi đầu cho những điều mới mẻ và mang hy vọng của người dân về một năm mới hanh thông, khoẻ mạnh.

Đối với người dân miền bắc mâm cỗ cúng tất niên gồm những món truyền thống như: bánh chưng, canh măng, gà luộc, thịt bò xào súp lơ cà rốt, hành muối, giò lụa, nem rán… Ngoài ra, chị em có thể chuẩn bị thêm những món hải sản như: mực xào, tôm hấp, kim chi, rau trộn, rau xào… để mâm cỗ tất niên đa dạng hơn.

Còn với người dân miền Trung thì mâm cơm tất niên sẽ có các món như: bánh chưng, bánh tét, thịt heo luộc, giò lụa huế, gà bóp rau răm, thịt heo luộc, giá chua, canh măng, thịt đông, chả huế, đĩa cá chiên…

Với người dân miền Nam mâm cỗ cúng tất niên sẽ có các món như: thịt kho tàu, canh khổ qua nhồi thịt, củ cải ngâm nước mắm, canh măng nấu, đĩa thịt heo luộc, đĩa gỏi tôm thịt, đĩa nem, đĩa chả giò, đĩa dưa giá, củ kiệu…

mâm cơm ngày tết 9

Các món ăn mới lạ ngày Tết

Ngày nay, thực đơn ngày tết không chỉ có món truyền thống mà còn có rất nhiều các món ăn mới lạ nhằm mang đến mâm cỗ hấp dẫn hơn. Chị em có thể tham khảo một số món sau đây để giúp mâm cỗ nhà mình thêm phong phú:

  • Lườn ngỗng hun khói
  • Kim chi
  • Cá hồi áp chảo
  • Thịt hun khói
  • Các món salad
  • Giò heo chua ngọt
  • Xúc xích
  • Bít tết
  • Khoai tây chiên

Một số gợi ý bày mâm cỗ ngày Tết đẹp mắt

Mâm cỗ ngày Tết sẽ trở nên đẹp và hấp dẫn hơn nếu chị em biết cách bày trí. Chị em hãy tham khảo ngay những mâm cỗ đầy màu sắc dưới đây để trang trí cho Tết này nhé.

Mâm cơm ngày Tết không chỉ là dịp để cả gia đình cùng quây quần, thưởng thức những món ăn ngon trong năm mới. Mà nó còn thể hiện sự cho no ấm, hạnh phúc và cầu chúc cho một năm mới may mắn, đầy đủ, thịnh vượng và phát đạt. Ngày nay, dù kinh tết đã phát triển, người dân có thể tùy ý chọn các món ăn theo ý thích. Tuy nhiên, những món ăn truyền thống vẫn giữ được những giá trị của nó, giúp cho ngày Tết trở nên đặc biệt hơn. Chúc chị em có một cái Tết thật đầm ấm bên mâm cơm gia đình với gợi ý trên của EM nhé!

0/5

(0 Reviews)