Cách Nấu Bún Thang Hà Nội Chuẩn Vị Cực Đơn Giản
Bún thang một trong các món ăn nổi tiếng của miền Bắc được nhiều người yêu thích. Bún thang gồm rất nhiều nguyên liệu khác nhau như trứng, nấm, tôm… Đặc biệt không thể thiếu nước dùng xương heo và mắm tôm. Làm thế nào để có thể kết hợp tất cả những nguyên liệu này một cách hài hòa. Tất cả sẽ có trong hướng dẫn nấu bún thang Hà Nội ngon chuẩn vị được chia sẻ dưới đây.
Bún thang là món đặc sản nổi tiếng của Hà Nội. Ảnh: Internet
Bún thang là gì?
Xưa kia, bún thang là món ăn chỉ xuất hiện vào ngày Tết. Thế nhưng, giờ đây đến Hà Nội vào bất kỳ ngày nào trong năm, bạn cũng có thể tìm thấy và thưởng thức món ăn này
Theo người xưa kể lại, bún thang chính là “phát minh” của phụ nữ Hà thành trước đây. Khi thức ăn thừa lại của những mâm cỗ ngày Tết quá nhiều, các bà, các mẹ, các chị đã tận dụng để tạo nên món ăn tuyệt vời này. Theo đó, tất cả nguyên liệu sẽ được thái chỉ cho vào bát bún và sau đó là chan nước dùng nóng hổi vào.
Nổi tiếng với sự tinh tế và cầu kỳ, bún thang cũng đáp ứng đủ 2 tiêu chí này của ẩm thực Hà thành. Thưởng thức bát bún thang, bạn sẽ cảm nhận được sự tinh tế và cầu kỳ qua việc sơ chế nguyên liệu cho đến hầm nước dùng và đặc biệt là cách trình bày hết sức chỉn chu. Cũng chính vì lẽ đó mà bún thang cuốn hút người dùng ngay từ ánh nhìn đầu tiên.
Tại sao gọi là bún thang?
Theo cách lý giải của người Hà thành – nơi sản sinh ra món ăn hấp dẫn này thì từ “thang” là để chỉ các thành phần phối hợp cùng nhau để tạo ra món ăn giống như một thang thuốc Đông y.
Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu ẩm thực khác lại cho rằng, từ “thang” trong tiếng Hán có nghĩa là canh để chỉ món ăn này bao gồm bún được chan cùng với nước dùng. Từ đó, bún thang có thể bắt nguồn từ món canh thượng thang của người Hà thành xưa.
Bún thang gồm những gì?
Thông thường, một tô bún thang sẽ bao gồm các nguyên liệu sau: thịt gà, giò, tôm, củ cải khô, trứng tráng, nấm, hành, rau răm, mắm tôm và đặc biệt linh hồn của món ăn chính là nước dùng được nấu từ gà, xương heo, tôm khô hoặc sá sùng. Tất cả nguyên liệu được thái chỉ với kích thước đồng đều nhau. Nước dùng phải thật trong, ngọt thanh tự nhiên.
Có rất nhiều nguyên liệu trong một tô bún thang. Ảnh: Internet
Cách nấu bún thang đơn giản
Nguyên liệu
- 1 con gà khoảng 1.6kg
- 1.5kg xương ống lợn
- 50g tôm khô
- 300g giò lụa
- 3 quả trứng gà
- 20 cái nấm hương
- 50g củ cải khô
- 5 củ hành tím
- 2 củ hành tây
- 1 trái chanh
- 5g rau răm
- 10g hành lá
- 1 trái ớt hiểm
- 1 mẩu gừng nhỏ
- Bún tươi
- Gia vị: đường, muối, dầu ăn, nước mắm, giấm, mắm tôm
Cách thực hiện
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Xương lợn mua về rửa sạch. Bắc nồi nước đun sôi, cho xương vào trụng để loại bỏ chất dơ và mùi thôi. Khi nước sôi lên lại, bạn vớt ra, xả lại với nước lạnh.
- Tôm khô rửa sạch, ngâm với 1 chén nước trong 1 tiếng.
- Hành tím, hành tây bỏ vỏ.
- Gà sau khi mua về rửa sạch, loại bỏ phần máu đông bên trong gà.
- Củ cải khô ngâm 4 – 5 tiếng cho nở, vớt ra, vắt thật khô.
- Gừng bỏ vỏ, rửa sạch, băm nhỏ.
- Ớt hiểm băm nhỏ.
- Hành lá, rau răm rửa sạch, cắt mỏng, nhỏ.
- Nấm hương ngâm nở, vớt ra rửa sạch lại, vắt ráo.
- Chanh cắt miếng nhỏ.
Bước 2: Cách nấu nước dùng bún thang
Đổ vào nồi khoảng 4,5 lít nước, cho xương lợn đã xử lý cùng với 2/3 số tôm khô, hành tím, hành tây, gà vào, bắc lên bếp đun. Bạn cho luôn cả phần nước ngâm tôm vào để nước dùng thêm ngọt. Nêm vào nồi 2 thìa cà phê muối.
Khi nước dùng sôi lên, bạn điều chỉnh lửa nhỏ lại chỉ để sôi lăn tăn và thường xuyên vớt bọt để nước dùng trong hơn.
Khi đun được 45 phút, bạn vớt gà ra, xả ngay qua nước lạnh, vớt ra, để ráo nước, tách lấy thịt và cắt thành lát mỏng. Phần xương, bạn tiếp tục cho lại vào nồi nước dùng.
Tiếp tục đun nước dùng thêm 2 tiếng 15 phút nữa thì bạn cho nấm hương vào. Lúc này, bạn nêm nếm lại. Bạn nêm 2 thìa canh hạt nêm, 2 thìa canh nước mắm vào và tắt bếp.
Nêm nước mắm vào nước dùng cuối cùng. Ảnh: Internet
Bước 3: Chế biến củ cải khô
Bạn cho 3 thìa cà phê mắm, 3 thìa cà phê đường, 2 thìa cà phê giấm vào chén, khuấy cho đường tan ra. Sau đó, bạn đổ mắm vào bát củ cải đã vắt khô, trộn đều lên. Tiếp theo, bạn cho vào 1 chút xíu gừng và 1 chút xíu ớt, trộn đều lên và để ướp cho củ cải thấm gia vị. Lưu ý là chỉ nên ướp 1 chút xíu gừng và ớt thôi để không lấn át mùi của món ăn.
Ướp gia vị cho củ cải. Ảnh: Internet
Bước 4: Chế biến trứng
Đập trứng ra bát cho vào 1 chút muối, đánh đều cho tan hết lòng trắng ra.
Bắc chảo lên bếp, đun cho nóng chảo, cho vào 1 thìa cà phê dầu, tráng đều dầu ra, sau đó dùng khăn giấy lau sạch dầu. Tiếp theo, múc 1 vá nhỏ trứng đổ vào chảo, tráng đều ra chảo sao cho trứng tạo thành lớp thật mỏng. Khi thấy trứng khô, lật ngược mặt lại, lấy ngay ra. Cứ thế làm cho đến khi hết trứng. Với 3 quả trứng, bạn có thể làm được khoảng 6 miếng trứng mỏng.
Tráng trứng thành miếng mỏng. Ảnh: Internet
Sau đó, bạn thái trứng thành những sợi nhỏ.
Bước 5: Chế biến tôm khô
1/3 số tôm khô còn lại, bạn cho vào cối xay nhuyễn.
Bắc chảo lên bếp, cho phần tôm đã xay vào rang trên lửa vừa cho đến khi tôm khô ráo lại là được.
Rang khô tôm. Ảnh: Internet
Bước 6: Chế biến giò lụa
Cắt giò lụa thành lát thật mỏng, sau đó thái sợi nhỏ.
Bước 7: Thưởng thức và trình bày
Cho bún vào tô, xếp gà đã cắt lát, trứng, giò lụa, hành lá, rau răm quanh tô và tôm khô ở giữa. Cuối cùng, chan nước dùng vào, nêm 1 chút mắm tôm và ăn kèm với củ cải, vắt thêm 1 chút chanh.
Sắp các nguyên liệu vào tô, chan nước dùng và thưởng thức. Ảnh: Internet
Bạn có thể có thêm 1 chút xíu tinh dầu cà cuống vào tô nếu thích.
Cách nấu bún thang Hà Nội không quá khó nhưng bạn cần chú ý ở khâu hầm nước dùng sao cho ngọt thanh và trong là được. Nếu muốn học thêm các món ngon Hà Nội khác, bạn có thể điền vào form bên dưới để được tư vấn chi tiết hơn.
☆
☆
☆
☆
☆
Điểm: 4.32 (9 bình chọn)
{{#error}}
{{error}}
{{/error}}
{{^error}}
Cảm ơn bạn đã bình chọn!
{{/error}}
Lỗi! Xin vui lòng kiểm tra đường truyền mạng và thử lại.