Cách Luộc Gà Cúng Ngon, Đẹp Mắt Cho Mâm Cỗ Cúng
Gà luộc là một món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ cúng vào những ngày lễ, Tết của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, để luộc gà cúng ngon và có dáng gà đẹp thì cần sự cẩn thận và tỉ mỉ của đôi tay người làm bếp. Hãy theo dõi bài viết sau đây của Mua Bán để tìm hiểu rõ hơn về cách luộc gà cúng cho ngày Tết nhé!
I. Cách chọn gà cúng
Để luộc gà cúng ngon thì chọn gà cũng là một khâu quan trọng. Bạn nên chọn gà ta để chắc thịt và thơm ngon, tránh chọn gà công nghiệp sẽ bị nhiều mỡ, thịt bở.
1. Chọn gà sống
- Chọn gà trống hoa mơ khỏe mạnh, mào cờ dựng thẳng, mắt sáng, gà không thở ra tiếng khò khè, lông bóng mượt áp sát thân, chân gà thẳng, thon nhỏ, da chân vàng đều, sáng bóng.
- Sờ tay dưới bụng gà, chọn gà chắc thịt, tránh chọn con được cho ăn no, lớp da nhăn nheo không săn chắc.
- Chọn gà sống cả lông tầm 1,8kg – 2kg là vừa đẹp.
2. Chọn gà làm sẵn
- Chọn gà có phần thịt tươi săn chắc, da gà vàng nhạt còn nguyên không rách, phao câu nhỏ, cổ và đùi ít mỡ
- Nên tránh chọn những con gà có màu da thâm tím, đốm đen, có mùi lạ
- Gà làm sẵn nên chọn con khoảng 1,2kg – 1,5kg thịt sẽ ngon và khi cúng sẽ vừa phải và đẹp mắt.
Tham khảo thêm: Tổng hợp 16 món ngon từ gà đơn giản, dễ nấu tại nhà
II. Cách luộc gà cúng ngon cho dịp Tết
Ngày thường thì có thể luộc gà vừa chín để ăn nhưng vào các dịp thờ cúng quan trọng, luộc gà lại yêu cầu cao hơn, đảm bảo các tiêu chí vừa ngon miệng vừa đẹp mắt để bày mâm cỗ trên bàn thờ gia tiên. Do đó, người nội trợ cần một chút sự tỉ mỉ trong cách luộc gà cúng ngày lễ Tết. Dưới đây là cách luộc gà cúng ngon để bạn tham khảo.
1. Chuẩn bị
- Gà đã làm sạch lông, mổ bụng, xát muối rửa sạch, tạo dáng cho gà trước khi luộc (xem cách tạo dáng cho gà cúng bên dưới)
- Gia vị: muối, hành tím, gừng, lá chanh, nghệ, mỡ gà đã rán
- Nồi sâu lòng có kích thước to
2. Các bước luộc gà
- Cho gà đã tạo dáng vào nồi to sâu lòng, đặt bụng gà hướng xuống dưới cùng với hành củ đập dập, gừng và muối. Nước phải đổ ngập gà và nên luộc gà từ khi nước còn lạnh sẽ giúp cho thịt gà chín đều từ ngoài vào trong, da gà nguyên vẹn không bị nứt.
- Đậy nắp và đặt nồi lên bếp, đun với lửa lớn để sôi trong vòng 5 phút, sau đó giảm lửa nhỏ liu riu trong 20 phút để giúp da gà không bị co rút.
- Không vớt gà ra ngay mà đậy nắp thêm 5 – 10 phút để gà chín đều hoàn toàn. Một bí quyết để nước luộc gà được trong đó là trong khi sôi ta sẽ vớt hết bọt ra.
- Muốn gà cúng da được vàng, không bị bám các vết đen thì nên luộc lòng và tiết gà trong một nồi nhỏ khác, không nên luộc chung một nồi với gà.
- Dùng que tăm chọc vào phần bắp đùi gà, nếu không chảy nước màu hồng tức là gà đã chín. Lúc này ta vớt gà ra, đặt ngay vào một chậu nước đun sôi để nguội, có thể cho thêm đá viên để da gà giòn đều, không bị xỉn màu.
- Sau khi gà đã nguội, ta vớt ra để ráo nước. Dùng một củ nghệ giã nhuyễn, trộn với phần mỡ gà rán rồi phết đều lên bề mặt da gà. Cách luộc gà cúng này giúp gà luộc có màu da vàng bóng, óng ánh rất đẹp mắt.
Mẹo hay trong cách luộc gà cúng: Trước khi luộc gà, bạn đặt ngửa một chiếc bát lớn vào nồi sao đó mới đặt gà vào. Cách làm này sẽ giúp cho phần da ở bụng gà không bị rách vì không tiếp xúc trực tiếp với đáy nồi. Thêm vào đó, bạn chỉ nên đậy nắp nồi trong thời gian đầu, sau khi nước luộc gà sôi thì phải mở nắp để tránh bị nứt da.
Có thể bạn quan tâm: Cách làm cánh gà chiên nước mắm giòn ngon, đơn giản bằng nồi chiên không dầu
III. Cách tạo dáng gà cúng đẹp mắt
Trước khi luộc gà thì tạo dáng gà cúng là bước khá quan trọng, giúp cho gà luộc xong có dáng vẻ đẹp mắt. Bạn có thể cúng nguyên con trên mâm thay vì phải chặt gà ra từng miếng. Đó là lý do vì sao ngoài cách luộc gà cúng ngon thì những người nội trợ cũng nên biết thêm về cách tạo dáng cho gà. Sau đây Mua Bán sẽ mách bạn cách bó gà cúng trước khi luộc.
1. Buộc gà dáng bay
Đây là một cách buộc gà khá dễ dành cho những người nội trợ chưa có kinh nghiệm. Gà cúng dáng bay được sử dụng nhiều trong các dịp giỗ thờ cúng tổ tiên.
Cách thực hiện: Bẻ nhẹ nhàng hai cánh gà ra phía sau và vắt ngược lên phía lưng gần đầu. Sau đó dùng dây lạt mềm buộc cố định phần xương khớp cánh lên phần đầu gà, phần chân gà sẽ xếp lại gọn gàng, giữ cho phần đầu luôn dựng thẳng và hướng về phía trước.
Lưu ý: Bạn nên buộc dây nhẹ tay, tránh siết dây quá chặt nếu không muốn da gà bị xé rách, hoặc gà sau khi luộc sẽ bị in hằn dấu dây không đẹp mắt.
2. Buộc gà dáng quỳ
Tương tự như bó gà dáng bay, gà dáng quỳ là một cách tạo dáng cho gà cúng khá dễ dàng và rất phổ biến. Khi buộc gà cúng theo kiểu này, dáng gà sẽ trông tự nhiên và nhìn rõ được đầy đủ đầu, cánh, chân. Thêm vào đó, nhìn con gà trên mâm cũng sẽ có phần to và bắt mắt hơn.
Cách thực hiện: Dùng dao khứa nhẹ phần khớp gối, sau đó bẻ quặp 2 chân gà ra sau, chú ý khứa không quá sâu nếu không sẽ làm đứt rời chân gà, dùng dây lạt buộc cố định dáng quỳ sao cho thật tự nhiên. Ép đầu và cánh gà sát vào thân. Vậy là bạn đã hoàn thành tạo dáng gà quỳ cho mâm cỗ cúng lễ, Tết của mình rồi đấy!
3. Buộc gà dáng cánh tiên
Bên cạnh các cách bó gà cúng theo kiểu quỳ, kiểu bay, thì gà cúng tạo dáng cánh tiên cũng khá quen thuộc và rất được yêu thích trong các dịp lễ Tết. Vì tạo hình của gà sau khi luộc rất độc đáo, đặc biệt nó còn mang cái tên rất đẹp và ý nghĩa.
Cách thực hiện: Đầu tiên bạn phải ép cổ gà về phía sau, đan chéo cánh gà sát đầu, sao cho khớp cánh chạm nhau xòe như hình cánh tiên, đầu gà bạn khéo léo để vào giữa sau đó dùng dây lạt buộc cố định. Khứa nhẹ khớp gối, bẻ chân gà hướng vào phía bụng, tạo dáng ngồi tự nhiên nhất. Vậy là đã xong cách buộc gà dáng tiên rất đẹp mắt để bày mâm cỗ rồi.
4. Buộc gà dáng chầu
Cách luộc gà cúng được bó theo kiểu gà chầu là cách khá phức tạp, tốn nhiều thời gian và công sức cho việc tạo hình, vì vậy mà kiểu tạo dáng này thường chỉ được sử dụng trong những dịp lễ quan trọng như cúng Giao thừa. Bởi theo quan niệm dân gian, gà sẽ về chầu trời và kể lại toàn bộ sự việc đã xảy ra trong năm qua, cầu mong năm mới mưa thuận gió hòa,… Do đó, cần tạo hình cho gà thật đẹp để tỏ lòng thành kính của gia chủ.
Cách thực hiện: Dùng dao rạch 2 đường dưới cổ gà (vị trí gần miệng), nhẹ nhàng xâu 2 cánh gà qua 2 lỗ này, cẩn thận canh chỉnh sao cho hai cánh gà thò ra bên ngoài miệng gà một cách cân bằng. Nhờ phần cánh nhô ra đó nên đầu gà đã được cố định thẳng lên, lúc này bạn chỉ cần dùng dây buộc cho 2 chân gà khép sát vào thân là được.
Lưu ý: Khi rạch da cổ gà bạn cần thực hiện nhẹ nhàng và căn chỉnh được độ to của lỗ để có thể xâu 2 cánh gà qua mà không làm phần da cổ bị đứt.
Xem thêm: Cách nấu ăn ngon ngày Tết cổ truyền không thể bỏ qua
IV. Cách bày gà cúng chuẩn trên mâm cỗ ngày Tết
Gà cúng là con vật linh thiêng dùng để hiến tế người đã khuất, gia tiên, các quan và thần linh. Bên cạnh cách luộc gà cúng ngon đẹp và cách tạo dáng gà cúng thì Mua Bán cũng muốn gửi đến bạn đọc cách bày gà cúng trên mâm sao cho đẹp mắt và ý nghĩa.
Mặc dù gà luộc là một món cúng đã quá quen thuộc nhưng vẫn còn khá nhiều người, nhiều gia đình vẫn chưa biết cách đặt gà cúng như thế nào cho đúng. Việc bày gà cúng hướng vào trong nhà hay ra ngoài là tùy vào tâm của chúng ta. Nhưng theo lý thuyết, các bạn có thể áp dụng các cách như sau:
- Mâm cỗ giao thừa cúng ngoài trời: đặt gà cúng lên đĩa to, tháo dây buộc (nếu có), bày ngay ngắn trên đĩa, tiết gà, lòng gà sẽ được đặt ở bên dưới bụng gà, mỏ ngậm bông hoa hồng đỏ. Điều quan trọng nhất là phải hướng đầu gà quay ra đường để đón quan Hành Khiển cai quản năm mới đi qua. Cách bày gà cúng như vậy còn có ý nghĩa gọi mặt trời chiếu vào nhà gia chủ. Bên cạnh đó, con gà gáy rạng đông cũng là biểu tượng văn hóa gắn với tín ngưỡng tôn thờ mặt trời của nhà nông. Điều đó đã tạo nên ý nghĩa của con gà cúng đêm giao thừa.
- Mâm cỗ cúng gia tiên trên bàn thờ: theo một số chuyên gia nghiên cứu, nên quay đầu gà hướng về bát hương với tư thế được gọi là “con gà biết kêu, biết gáy, đang chầu” nghĩa là gà há miệng, chân quỳ và cánh duỗi ra tự nhiên. Nếu bày mâm cúng theo cách thông thường của nhiều gia đình, tức là để đầu gà hướng ra ngoài thì đó là gà không chịu chầu, mang ý nghĩa không tốt trong ngày Tết.
Thực tế là gà quay đầu ra ngoài sẽ đẹp hơn khi quay đầu về bát hương và phao câu chổng ra ngoài nhưng cách đặt gà cúng như vậy chỉ đẹp mắt về mặt hình thức, chứ không mang ý nghĩa tâm linh và sự thành kính. Do đó tùy vào quan niệm của mỗi người mà có thể bày gà cúng theo hướng mình muốn.
Trên đây là những mẹo hay về cách luộc gà cúng ngày lễ Tết mà Mua Bán muốn chia sẻ đến những bạn trẻ, những người nội trợ đang muốn tìm hiểu thêm kiến thức bếp núc. Thêm vào đó các bạn cũng sẽ hiểu thêm về văn hóa ẩm thực và thờ cúng của Việt Nam. Mua Bán hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho bạn. Chúc bạn và gia đình thành công và có một mâm cỗ thật ý nghĩa!
Tiếp tục xem: