Cách Làm Trà Gừng Mật Ong Trị Ho Hiệu Quả
Trà gừng vừa là thức uống trị ho hiệu quả, vừa có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Vì thế, cách pha trà gừng là một trong những phương pháp truyền thống nhiều người thường tìm kiếm khi gặp các triệu chứng như cảm cúm, ho, đau bụng… Dưới đây là 4 công thức pha trà gừng được Hướng Nghiệp Á Âu tổng hợp, xin chia sẻ đến bạn đọc.
Trà gừng là thức uống ngon, dễ làm và hoàn toàn tự nhiên. Ảnh: Internet
Nội Dung Chính
Trà gừng quế
Trà gừng quế giúp tỉnh táo và khỏe mạnh. Ảnh: Internet
Nguyên liệu làm trà gừng quế
- Gừng tươi: 30g
- Quế: 20g
- Táo tàu: 20g
- Mật ong: 10ml
- Đường cát: 5g
- Trà túi lọc: 1 túi
Cách pha trà gừng quế
Sơ chế gừng và quế
Chọn những củ gừng tươi, màu vàng đậm để pha trà sẽ đem lại chất lượng tốt hơn. Gừng sau khi rửa sạch thì cạo vỏ, để ráo nước. Sau đó, cắt nhuyễn gừng để lấy được nhiều dưỡng chất nhất.
Quế và táo tàu rửa sơ cho sạch bụi rồi cũng cắt nhỏ.
Pha nước gừng và nước quế
Cho gừng, quế và táo tàu vào 3 chén trà riêng, có nắp đậy. Trong mỗi chén rót vào 40ml nước sôi. Đậy nắp và ủ các nguyên liệu trong 3 phút.
Trong thời gian chờ đợi, lấy túi trà lọc cho vào ly cùng với 60ml nước sôi, ủ trà trong 3 phút rồi vớt bỏ túi trà.
Pha nước gừng quế cùng đường
Tiếp đến, bạn chắt lấy nước cốt gừng, quế và táo tàu ra ly, sau đó hòa trộn hỗn hợp này vào ly nước cốt trà đã pha, dùng muỗng khuấy đều.
Cuối cùng, thêm vào ly trà 10ml mật ong, 5g đường (tùy thích), khuấy cho mật ong và đường tan hết là hoàn thành.
Bạn có thể dùng dao bào gừng thành sợi mỏng và trang trí vào ly trà cho thêm hấp dẫn nhé. Như vậy, bạn đã có ngay một ly trà gừng quế thơm ngon ngay tại nhà.
Thành phẩm
Trong những ngày thời tiết chuyển mùa, một ly trà gừng quế hương thơm ấm nồng, cùng vị ngọt nhẹ của mật ong, làm thức uống vào mỗi buổi sáng sẽ mang đến cảm giác thư thái, sảng khoái cho cơ thể để khởi đầu ngày mới tràn đầy năng lượng.
Trà gừng cam tươi
Trà gừng cam có thể uống nóng hoặc lạnh tùy theo sở thích. Ảnh: Internet
Nguyên liệu làm trà gừng cam tươi
- Trà xanh túi lọc: 4 túi
- Cam tươi: 1 quả
- Gừng: 1 củ nhỏ
- Nước lọc: 800ml
Cách pha trà gừng cam tươi
Sơ chế nguyên liệu
Gừng cạo vỏ, rửa sạch rồi cắt thành những sợi nhỏ hoặc lát mỏng.
Cam rửa sạch, dùng dao bổ đôi rồi vắt lấy nước cốt, loại bỏ hạt.
Nấu nước trà
Cho 800ml nước lọc vào nồi, bắc lên bếp đun sôi, tắt bếp. Thêm các túi trà và gừng vào nồi. Đậy nắp và ủ trà trong 4 phút.
Hoàn thành
Sau thời gian ủ, vớt bỏ các túi trà rồi cho nước cam vào khuấy đều. Bạn có thể thể vớt bỏ các lát gừng hoặc để nguyên nếu muốn trà có hương vị đậm đà hơn.
Rót trà ra ly, cắt một lát cam mỏng thả vào ly trà để thức uống sinh động hơn.
Thành phẩm
Trà gừng cam không chỉ có mùi vị thơm ngon, dễ uống mà còn có màu vàng cam rất đẹp mắt. Món trà này có thể uống nóng hay lạnh đều ngon. Nếu thích uống lạnh, bạn pha thêm mật ong hoặc đường phèn để tạo vị ngọt thanh cho thức uống nhé.
Trà xanh chứa nhiều dinh dưỡng và chất chống oxy hóa, đồng thời là thức uống tuyệt vời giúp bạn lấy lại tinh thần. Kết hợp trà xanh với gừng và cam tạo nên hương vị mới lạ, giúp tăng hiệu quả chữa bệnh.
Trà gừng táo
Món trà này sẽ làm dịu cơn ho của bạn trong mùa lạnh. Ảnh: Internet
Nguyên liệu làm trà gừng táo
- Gừng: 80g
- Táo: 1/2 quả
- Nước lọc: 1,5 lít
- Quế: 2 thanh
- Mật ong: 2 muỗng canh
Cách làm trà gừng táo
Sơ chế táo và gừng
Gừng cạo vỏ, rửa sạch rồi cắt lát mỏng
Táo rửa sạch, bỏ lõi và cắt lát mỏng.
Nấu nước trà táo
Cho 1,5 lít nước lọc vào nồi, thêm gừng, táo cắt lát cùng 2 thanh quế và 2 muỗng canh mật ong. Dùng muỗng khuấy đều rồi bắc nồi lên bếp nấu trong vòng 2 – 3 tiếng trên lửa lớn.
Hoàn thành
Rót trà ra ly, trang trí với một thanh quế khô rồi thưởng thức. Bạn có thể cho thêm sữa tươi vào ly trà để tăng thêm hương vị.
Thành phẩm
Trà gừng táo có màu vàng nhạt, mùi thơm nhẹ và vị ngọt dễ chịu. Nếu muốn bảo quản để uống trong ngày, bạn đợi trà nguội hẳn rồi rót vào chai, đậy nắp và đặt trong ngăn mát tủ lạnh.
Trà gừng sả
Hương thơm dễ chịu từ sả có tác dụng thư giãn. Ảnh: Internet
Nguyên liệu làm trà gừng sả
- Gừng: 1 củ nhỏ
- Sả: 2 nhánh
- Chanh tươi: 1/2 quả
- Mật ong: 1 muỗng canh
- Trà túi lọc: 1 túi
Cách làm trà gừng sả
Sơ chế nguyên liệu
Gừng rửa sạch, cạo vỏ, cắt lát rồi đập dập.
Sả cắt bỏ phần gốc và lá, tước lớp vỏ bên ngoài, rửa sạch. Lấy 1 nhánh sả đập dập, 1 nhánh còn lại để trang trí.
Nấu hỗn hợp gừng sả
Trong một cái nồi nhỏ, thêm gừng và sả đập dập rồi đổ vào 500ml nước. Đậy nắp nồi và đun nhỏ lửa. Khi nước sôi, tiếp tục đun trong khoảng 10 phút.
Dùng rây lọc hỗn hợp để loại bỏ bã gừng, sả, giúp thức uống trong và sáng hơn.
Ngâm trà
Ngâm trà túi lọc vào 60ml nước sôi, đợi 5 phút rồi vớt bỏ túi lọc, lấy nước cốt. Bạn có thể ngâm lâu hơn nếu muốn uống trà đậm vị.
Pha trà gừng sả
Cho nước gừng sả vào ly trà, thêm nước cốt chanh và mật ong, liều lượng có thể điều chỉnh cho vừa với khẩu vị. Trang trí với 1 nhánh sả cho bắt mắt. Dùng ngay khi còn ấm hoặc để nguội rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh làm trà sả đá.
Thành phẩm
Trà gừng sả có màu vàng trong, vị thanh ngọt vừa đủ. Khi uống cảm nhận được mùi thơm của sả, rất hợp khi đi cùng vị chua nhẹ của chanh và ngọt của mật ong.
Cách làm trà gừng đơn giản, chỉ trong 4 bước. Ảnh: Internet
Tác dụng của trà gừng
Theo các chuyên gia, trà gừng chứa hàm lượng vitamin cùng các khoáng chất dồi dào nên là thức uống mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Một số lợi ích sức khỏe tiêu biểu của món trà này có thể kể đến như:
- Giảm chóng mặt, buồn nôn: Trà gừng là bài thuốc dân gian giúp làm dịu các triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, đổ mồ hôi lạnh do say tàu xe. Ngoài ra, phụ nữ mang thai hoặc những người đang điều trị hóa chất không thể sử dụng các loại chống nôn thông thường, cũng có thể uống trà gừng để giảm cảm giác buồn nôn. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
- Tăng cường sức đề kháng: Khi mắc các bệnh viêm đường hô hấp như ho, đau họng, sổ mũi… uống trà gừng mật ong nóng sẽ giảm những triệu chứng trên. Bạn có thể pha trà gừng để uống hàng ngày, hoặc phòng ngừa cảm cúm, tăng cường sức đề kháng cho các thành viên cho gia đình trong những ngày thời tiết lạnh.
- Tốt cho tim mạch: Các nghiên cứu khoa học cho thấy, tiêu thụ 2 – 6g gừng mỗi ngày có thể giúp ngăn ngừa các cơn đau tim, giảm cholesterol… Hơn nữa, trà gừng có tác dụng giảm tình trạng cao huyết áp thường xuyên, giúp các mạch máu hoạt động ổn định và phòng ngừa xơ vữa động mạch ở người cao tuổi.
- Hỗ trợ giảm cân: Gừng có tính nóng nên khi uống trà gừng sẽ làm cơ thể sản sinh nhiệt, giúp đốt cháy chất béo, đồng thời ức chế sự hấp thụ chất béo vào cơ thể. Uống trà gừng trước bữa ăn còn giúp giảm cảm giác thèm ăn.
- Giảm đau, kháng viêm: Gingerol và shogaol trong loại trà này có tác dụng chống viêm, giảm đau do thoái hóa khớp gối, giảm đau bụng kinh nếu uống vào đầu kỳ kinh.
- Ngăn ngừa ung thư: Uống trà gừng là một cách đơn giản giúp ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư như ung thư tuyến tụy, ruột kết, đại tràng, tuyến tiền liệt, phổi…
- Tăng cường sức khỏe não bộ: Gừng có tác dụng chống stress oxy hóa và viêm nhiễm nên là thực phẩm giúp bảo vệ chức năng não do tuổi tác, phòng ngừa bệnh Alzheimer.
Mách nhỏ: Nếu bạn muốn uống trà gừng mật ong mỗi ngày mà không nhiều thời gian pha chế, hãy pha sẵn nước gừng và mật ong với tỷ lệ 1:1, cho vào lọ thủy tinh sạch, đậy kín. Mỗi lần sử dụng chỉ cần pha với nước ấm hoặc trà nóng là sẽ có ngay ly trà gừng thơm ngon.
Sơ chế mứt gừng mật ong để pha trà gừng mật ong bất cứ lúc nào. Ảnh: Internet
Cách pha trà gừng rất đơn giản, không tốn nhiều thời gian pha chế, bạn có thể tự làm tại nhà từ những nguyên liệu có sẵn trong bếp. Ngoài những món trà gừng mà bài viết vừa chia sẻ, nếu bạn có công thức nào hay, hãy chia sẻ với Hướng Nghiệp Á Âu ngay nhé. Chúc bạn có những giây phút thưởng trà thật thư giãn, thoải mái.
☆
☆
☆
☆
☆
Điểm: 4.8 (28 bình chọn)
Cảm ơn đã bình chọn!