Cách Làm Rau Câu Sơn Thủy Đẹp Mắt Mà Không Bị Chảy Nước
Rau câu là một món ăn ngọt phổ biến và có rất nhiều cách làm. Chắc hẳn bạn đã từng nghe qua rau câu sơn thủy. Đây là món ăn được làm từ rau câu với nhiều màu sắc và không đơn giản là các màu chia ra từng tầng mà được vẽ như những hoa văn đẹp mắt. Rau câu sơn thủy không thường nấu ở nhà vì tốn nhiều thời gian, nhưng thường được ưa chuộng trong các nhà hàng. Sự hòa quyện giữa các hương vị tạo nên một thể thống nhất là điểm nhấn của rau câu sơn thủy. Khám phá cách làm rau câu sơn thủy trong bài viết dưới đây.
Cách làm rau câu sơn thủy.
1.1. Nguyên liệu.
Nguyên liệu dưới đây làm với 3 màu là trắng, đen, xanh lá. Bạn có thêm hoặc thay thế thành nhiều màu khác như màu vàng của chanh dây, màu xanh dương của hoa đậu biếc, màu đỏ của thanh long,… Với 25g rau câu, chúng tôi sử dụng 1.5 lít nước, nhưng nếu bạn thích ăn mềm hơn có thể sử dụng 1.7 lít nước và lưu ý phải tăng lượng sữa lên. Bạn có thể sử dụng hoàn toàn đường cát, tuy nhiên lưu ý phải điều chỉnh cho vừa khẩu vị.
- 25g bột rau câu.
- 1.5 – 1.7 lít nước lọc.
- 100g đường cát.
- 100g đường phèn (nếu dùng 1.7 lít nước thì dùng 130g sữa).
- 100g sữa đặc có đường.
- 50g lá dứa.
- 200g nước cốt dừa.
- 3 muỗng canh cafe đậm.
- ¼ muỗng cafe muối.
1.2. Cách làm.
Bước 1: Ngâm rau câu.
Cho bột rau câu với 1.5 lít nước và nồi và ngâm trong vòng một tiếng để rau câu nở hoàn toàn.
Bước 2: Rửa sạch lá dứa.
Cắt nhỏ lá dứa và cho lá dứa và 100ml nước lọc vào cối xay. Lược bỏ phần cặn để lấy nước lá dứa trong nhất.
Bước 3: Nấu rau câu.
Sau khi ngâm rau câu đủ thời gian, cho nồi rau câu lên bếp, đun với lửa vừa. Khi nước rau câu bắt đầu ấm, cho đường phèn vào và khuấy đều cho đường phèn tan hết. Tiếp đến cho 100g đường cát vào, khuấy nhẹ cho đường tan. Đến khi rau câu sôi lên rồi thì tắt bếp.
Lọc nước rau câu 2 lần để loại bỏ cặn và chỉ trong đường phèn. Sau đó cho nồi rau câu lên bếp và đun với lửa nhỏ trong 20 phút, khuấy liên tục. Tiếp đến cho ¼ muỗng cà phê muối, hạ lửa cho thật nhỏ để giữ rau câu nóng, thường xuyên khuấy để rau câu không đóng cặn dưới đáy nồi.
Bước 4: Nấu nước cốt dừa.
Cho vào nước cốt dừa 50g sữa đặc. Cho nước cốt dừa lên bếp và nấu với lửa nhỏ. Nấu nước dừa để giữ được lâu hơn. Khi nước cốt dừa sôi lên, cho ½ nước rau câu vào, khuấy đều và tắt bếp.
Bước 5: Cho rau câu cốt dừa vào khuôn (sử dụng khuôn lớn).
Để rau câu nguội trong vòng 10 phút cho rau câu hơi đông lại, khi đỗ lớp tiếp theo sẽ dễ dàng tạo kiểu hơn.
Bước 6: Pha rau câu cà phê và rau câu lá dứa.
Múc ⅓ nước rau câu còn lại ra bát. Cho 3 muỗng cà phê vào và khuấy đều.
Múc ⅓ nước rau câu còn lại pha với nước cốt lá dứa.
Dùng muỗng, múc rau câu cà phê và rau câu lá dứa lên bề mặt của rau câu nước cốt dừa.
Sau đó múc tiếp ⅓ rau cau trong còn lại vào để các màu của rau câu được tách lớp
Dùng đũa, vẽ một đường hình tròn để các lớp màu hòa quyện vào nhau trong đẹp mắt hơn.
Bước 7: Để rau câu đông lại trong vòng 1 tiếng, không di chuyển. Cho rau câu ra khỏi khuôn và cắt cho vừa ăn.
Với cách làm này, rau cau có màu đẹp mắt và sự hòa quyện hương thơm của nước dừa, lá dứa, cà phê chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng. Bảo quản rau câu trong tủ lạnh và sử dụng trong vài ngày, rau cau sẽ không bị chảy nước và đổ nhớt.
Những lưu ý khi làm rau câu.
Cách làm rau câu đơn giản, tuy nhiên vẫn có một số người mắc sai lầm khi thực hiện làm cho rau câu không được đông cứng, mịn. Dưới đây là một số lưu ý khi làm rau câu để cho ra những thạch rau câu ngon miện, đẹp mắt và để được lâu.
2.1. Lượng nước.
Không nên cho quá nhiều nước. Một trong những nguyên nhân khiến cho rau câu bị tách nước là bạn cho nước quá nhiều. Với mỗi loại thạch rau câu đều có định lượng sẵn lượng nước nên cho bên ngoài bao bì, bạn chỉ cần làm theo hướng dẫn. Đối với những loại rau câu có thêm sữa, nước cốt dừa hoặc nước trái cây thì bạn nên giảm lại lượng nước một tí cho rau câu được đông vừa phải hơn. Hoặc bạn có thể điều chỉnh lượng nước dựa theo sở thích ăn rau câu. Bớt lại nước để thạch rau câu giòn và cứng hơn, vừa nước để rau câu mềm vừa phải.
2.2. Khi nấu rau câu.
Rau câu giòn và rau câu dẻo có cách nấu khác nhau, nếu bạn nấu sai cách thì rau câu có thể dễ bị vón cục. Bột bị vón cục sẽ làm cho rau câu không được đẹp mắt và cũng làm cho kết cấu của rau câu bị ảnh hưởng, dễ bị loãng. Đổ bột rau câu vào nước sôi rất dễ làm rau câu bị vón cục vì vậy cần trộn với đường hoặc ngâm rau câu với nước trước khi nấu.
- Đối với bột rau câu giòn, bạn nên cho bột rau câu vào nước, khuấy tan và ngâm trong khoảng một tiếng để bột rau câu nở ra rồi nấu.
- Đối với bột rau câu dẻo, bạn trộn bột rau câu với đường, sau đó đợi nước sôi thì giảm lửa, khuấy nhẹ nước cho tản nhiệt bớt (cho vào nước nóng đột ngột cũng có thể làm rau câu bị vón cục) rồi vừa khuấy vừa cho từ từ bột rau câu vào nồi.
2.3. Thời gian nấu rau câu.
Để thạch đông, chắc, không tách nước cần đảm bảo rau câu được đun sôi để rau câu được chín kỹ. Sau khi nước sôi thì nhỏ lửa và nấu tiếp 5 – 7 phút. Khi nấu rau câu cần để ý không đậy nắp vì rau câu khi sôi sẽ bị trào. Khuấy theo một chiều để nước không tạo nhiều bọt, thường xuyên vớt bọt để thạch rau câu mịn hơn.
Khi bạn nấu rau câu nhiều lớp và cần có thời gian nghỉ để lớp trước đông, cần đảm bảo để phần nước rau câu nóng để rau câu không bị đông. Bạn để nồi rau câu trên bếp và hạ lửa nhỏ nhất cho phần nước rau câu luôn nóng.
2.4. Một số hương vị thêm vào.
Nếu bạn muốn làm những loại rau có thêm vào những hương vị như nước cốt dừa, nước cốt chanh dây,…Bạn nên sên những loại hương này trên bếp trước. Việc này sẽ giúp rau câu để được lâu hơn, không bị chảy nước hoặc đổ nhớt. Bạn nên bảo quản rau câu trong tủ lạnh để rau câu được sử dụng lâu hơn.
Cách làm rau câu rất dễ nhưng cũng đòi hỏi những kỹ năng nhất định, đặc biệt với những loại rau câu có thêm hương vị, topping, rau câu nhiều lớp. Rau câu sơn thủy là một trong những cách làm rau câu phổ biến nhưng đòi hỏi kỹ thuật và thời gian ở người nấu. Hy vọng những chia sẻ của chúng tôi sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình thực hiện món ăn. Cám ơn các bạn đã theo dõi.