Cách ĐH Công nghiệp tìm chỗ thực tập cho 10.000 sinh viên mỗi năm
Hợp tác với 2.000 doanh nghiệp, Đại học Công nghiệp Hà Nội phải đưa ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo sinh viên được “thực tập thật”.
Tháng 4, sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội được tham gia nhiều hội thảo do nhà trường phối hợp với doanh nghiệp tổ chức, trong đó ngày hội việc làm hôm 20/4 mang tới khoảng 10.000 cơ hội làm việc ở 84 công ty cho sinh viên năm cuối và sinh viên đã ra trường. Các em đang học năm hai, năm ba được tiếp cận với hàng nghìn cơ hội trở thành thực tập sinh ở nhiều công ty lớn.
Đoàn Minh Tuấn, sinh viên năm cuối ngành Tự động hóa, cho biết vừa trải qua kỳ thực tập ba tháng ở công ty Nhật Bản có trụ sở tại Hải Dương. Em được học quy tắc làm việc tại doanh nghiệp, thao tác, quy trình sản xuất – kiến thức ít được đề cập khi học ở trường. “Em còn được cung cấp chỗ ở và được trả lương. Phía công ty cũng dành suất ưu tiên cho những sinh viên từng thực tập ở đó như em khi nộp hồ sơ xin việc khi ra trường”, Tuấn nói.
Không chỉ Tuấn, nhiều sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết không gặp khó khăn khi xin thực tập và nếu theo sự giới thiệu của trường, các em sẽ được làm việc ngay chứ không “ngồi chơi xơi nước” hay “rót nước pha trà” như nhiều bạn.
Sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội thực hành trong xưởng của trường.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm hợp tác doanh nghiệp (Đại học Công nghiệp Hà Nội), thông tin để hỗ trợ gần 10.000 sinh viên cao đẳng, đại học đi thực tập mỗi năm, nhà trường đã thỏa thuận hợp tác với hơn 2.000 doanh nghiệp với tiêu chí hai bên cùng có lợi. Trong đó, nhà trường có một số giải pháp nhằm tạo điều kiện tốt cho họ.
Thứ nhất, về kế hoạch cho sinh viên đi thực tập, ông Thành cho biết thay vì đợi đến lúc sinh viên phải hoàn thành học phần thực tập mới tìm đến doanh nghiệp, nhà trường chủ động lên kế hoạch và gửi từ đầu năm để họ sắp xếp, dành thời gian, vị trí việc làm cho các em.
“Có những lúc doanh nghiệp không cần sinh viên thực tập vào khung thời gian trường đưa ra, chúng tôi phải trao đổi với Phòng Đào tạo, các khoa xem có thể điều chỉnh thời khóa biểu, làm sao cố gắng để sinh viên đến doanh nghiệp vào lúc họ cần. Làm như vậy, nhà trường và doanh nghiệp đều giải quyết được công việc và họ cũng ghi nhận sự cố gắng của trường”, ông Thành nói.
Giám đốc Trung tâm hợp tác doanh nghiệp cũng cho rằng việc đi thực tập vào thời điểm doanh nghiệp cần người sẽ giúp sinh viên có nhiều cơ hội trải nghiệm, được trực tiếp tham gia quá trình sản xuất. Thậm chí, khi sinh viên làm ra sản phẩm, doanh nghiệp sẵn sàng chi trả cho các em. Các doanh nghiệp đưa hẳn việc chi trả lương cho sinh viên vào hợp đồng thỏa thuận hợp tác với trường.
Thứ hai, nhà trường sẵn sàng đáp ứng tiêu chí doanh nghiệp đưa ra. Mỗi doanh nghiệp có tiêu chí riêng khi tuyển chọn người thực tập. Ví dụ, họ yêu cầu sinh viên phải đến từ tỉnh, thành nào để có thể tuyển dụng ngay nếu phù hợp. Khi đó, nhà trường sẽ hỗ trợ để tuyển chọn được những em theo đúng tiêu chí.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm hợp tác doanh nghiệp.
Thứ ba là việc hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng sinh viên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Theo ông Thành, một số doanh nghiệp nước ngoài có chương trình tuyển dụng sinh viên của trường trước khi các em đến thực tập. Những em trúng tuyển sẽ trở thành nhân viên của công ty và được trả lương bắt đầu từ kỳ thực tập.
Tuy nhiên, theo chương trình của Đại học Công nghiệp Hà Nội, thực tập xong, sinh viên phải quay về trường 1-2 tháng để thi tốt nghiệp. Vì vậy, nhà trường phải có giải pháp để đảm bảo sinh viên vừa làm tốt nhiệm vụ của nhân viên công ty, vừa hoàn thành việc học ở trường để có bằng.
“Chúng tôi phải đàm phán để công ty không bố trí công việc cho sinh viên vào thứ bảy, chủ nhật; đồng thời phải sắp xếp lại kế hoạch, giáo viên, nhân viên trong hai ngày này để giúp các em hoàn thành chương trình. Đó là cả một nỗ lực lớn”, ông Thành nói và cho biết năm 2018, hơn 500 sinh viên của trường đã được một công ty Hàn Quốc tuyển dụng trước khi đi thực tập theo mô hình này.
Một hỗ trợ khác của trường giúp việc hợp tác với doanh nghiệp sâu hơn là lồng ghép vào chương trình đào tạo kiến thức cụ thể theo yêu cầu của doanh nghiệp. Ông Thành lấy ví dụ một công ty Nhật Bản tuyển 100 sinh viên đại học từ cuối năm ba để năm bốn có thể vừa học chương trình của trường, vừa học thêm kỹ năng chuyên môn của công ty và học tiếng Nhật để khi ra trường trở thành nhân viên chính thức của họ.
Khi đó, nhà trường cũng phải tính toán để sắp xếp cho phù hợp. Tất nhiên, nếu muốn được tuyển dụng sớm, sinh viên phải đạt các tiêu chí và vất vả hơn. Nhưng đổi lại, các em được hỗ trợ nhiều, thậm chí cả về học phí.
Cuối cùng, với những tổ chức nước ngoài muốn tiếp nhận sinh viên qua thực tập ba tháng đến một năm trong khi thời gian thực tập theo chương trình đào tạo ngắn hơn, trường phải bàn bạc, điều chỉnh tiến độ học tập, công nhận điểm học phần liên quan cho sinh viên để tạo cơ hội cho các em được thực hành nghề trong môi trường chuyên nghiệp của nước ngoài. Năm ngoái, gần 100 sinh viên ngành Du lịch đã được thực tập ba tháng hoặc sáu tháng tại Nhật Bản.
Một tập đoàn của Đức bàn giao thiết bị hỗ trợ Đại học Công nghiệp Hà Nội theo thỏa thuận hợp tác.
Trước băn khoăn liệu những giải pháp trên chỉ giúp sinh viên có nơi thực tập nhưng vẫn không được làm gì, ông Thành khẳng định khi nhà trường và doanh nghiệp ký kết hợp tác, hai bên đã thỏa thuận sinh viên đến thực tập sẽ được làm những gì, ở bộ phận nào và giảng viên hướng dẫn sẽ được đến kiểm tra việc thực tập của sinh viên.
Kết thúc kỳ thực tập, nhà trường yêu cầu sinh viên làm báo cáo, lên hệ thống của trường trả lời bảng hỏi với những câu như có được bố trí làm việc không, công việc có phù hợp không, có được doanh nghiệp đài thọ không… Sau đó, nhà trường tổng hợp và phân tích để đánh giá chung trong toàn trường cũng như có ý kiến với doanh nghiệp nếu cần.
Tại Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trung tâm hợp tác doanh nghiệp là đầu mối liên hệ việc thực tập. Ngoài ra, việc liên hệ có thể do khoa, giảng viên. “Tuy nhiên, trường không bắt buộc các em phải thực tập ở nơi do nhà trường chỉ định mà có thể tự tìm để phù hợp với mong muốn đầu ra. Khi đó, nhà trường thực hiện các thủ tục theo quy trình như làm thủ tục giới thiệu, thỏa thuận với doanh nghiệp, có giáo viên hướng dẫn, đánh giá”, ông Thành nói.
Cho rằng thực tập là giai đoạn chuyển tiếp từ nhà trường sang doanh nghiệp, là lúc sinh viên được bổ sung nhiều kiến thức, kỹ năng thực tiễn, ông Thành khuyên sinh viên khi đi thực tập cần làm việc với tâm thế của người đi thử việc, cố gắng hết sức và không ngần ngại những việc được giao.
“Kiến thức học trong trường chỉ là nền tảng, sẽ không giống 100% những gì được làm tại doanh nghiệp. Vì vậy, sinh viên cần tích cực học hỏi và thể hiện quyết tâm cao nhất trong kỳ thực tập để ghi điểm trong mắt doanh nghiệp. Trước khi đi thực tập, sinh viên nên tìm kiếm, lựa chọn doanh nghiệp trong lĩnh vực, vị trí nghề nghiệp phù hợp năng lực, sở trường”, ông Thành chia sẻ.
Theo báo cáo gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp một năm của Đại học Công nghiệp Hà Nội xấp xỉ 94%. Kết quả khảo sát của trường khi sinh viên đến nhận bằng cho thấy khoảng 70% sinh viên có việc ngay khi ra trường.