Các viện nghiên cứu công lập: Khó tự chủ nếu không có quyền sử dụng tài sản
Các viện nghiên cứu công lập: Khó tự chủ nếu không có quyền sử dụng tài sản
Nghị định 115/2005/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập được ban hành cách đây 11 năm.
Dù được ví như “cơ chế khoán 10” trong KH&CN, song tình trạng chậm giao quyền đối với tài sản đang khiến nhiều đơn vị gặp khó khăn khi bước sang tự chủ.
Khó hoạt động như doanh nghiệp
Theo Phó Giáo sư – tiến sỹ (PGS-TS) Nguyễn Chỉ Sáng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí (Narime), Bộ Công Thương, nơi được đánh giá là tự chủ thành công, Nghị định 115 đã thực sự cởi trói, giúp các viện nghiên cứu công lập có đầy đủ tư cách pháp nhân để hoạt động như một doanh nghiệp.
“Nếu không có tư cách pháp nhân ấy thì các viện nghiên cứu mãi mãi dùng tiền Nhà nước. Sau Nghị định 115, các nghị định 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN, Nghị định 96, 54 bổ sung cơ chế về tài chính, đầu tư, quyền tự chủ… đã tiếp tục tạo điều kiện để các viện tự chủ áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế” – ông Sáng nói.
Cụ thể, Narime sau khi chuyển sang tự chủ đã thành công trong nhiều đề án như nội địa hóa thiết bị cơ khí thủy công, cơ khí ximăng… Viện có quyền chủ động sắp xếp tinh giản bộ máy, tuyển dụng nhân lực và thuê chuyên gia nước ngoài. “Hiện doanh thu mỗi năm của chúng tôi đạt từ 500-1.000 tỷ đồng” – ông Sáng tiết lộ.
Trạm trộn bê tông 90 băng tải – sản phẩm của Viện Nghiên cứu cơ khí. Ảnh: Đ. Đông
Tuy nhiên, ông cũng nêu một bất cập: “Theo Nghị định 115, các đơn vị chuyển sang tự chủ được sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay để thế chấp; thế nhưng chúng tôi chưa được giao quyền sử dụng tài sản dù Nghị định đã ra đời 11 năm nay. Nếu không được giao tài sản, khả năng phát triển doanh nghiệp sẽ rất kém vì không có gì để đảm bảo khi vay vốn mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng hoạt động của đơn vị và trả nợ vay theo quy định”.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cũng nhìn nhận có một số vướng mắc khi thực hiện cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập do sự thiếu đồng bộ, xung đột của các quy định trong hệ thống văn bản pháp luật, như giữa quy định về tự chủ trong sử dụng đất để góp vốn, liên doanh, liên kết, sản xuất kinh doanh, thế chấp vay vốn ngân hàng với Luật Đất đai; giữa quy định tự chủ về nhân lực của tổ chức KH&CN chưa tự bảo đảm chi thường xuyên với Luật Viên chức và Nghị định 41/2012/NĐ-CP; giữa quy định bổ nhiệm, thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức KH&CN là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài với Luật Cán bộ, công chức…
Mồi sức để bứt phá
Theo ông Sáng, mặc dù việc chuyển các tổ chức KH&CN công lập sang tự chủ là một chủ trương cần được thực hiện quyết liệt, nhưng các đơn vị chuyển đổi không dễ đứng vững và lớn mạnh nhanh chóng. Ngay cả Narime tuy được xem là đơn vị năng động, có nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, nhưng vẫn chỉ được xếp hạng tín nhiệm trung bình khá.
Bên cạnh đó, trong việc đấu thầu các đề tài nghiên cứu của Nhà nước, việc cơ quan quản lý không phân biệt các tổ chức KH&CN hoạt động theo Nghị định 115 (phải tính chi phí lương trong giá thầu) và các tổ chức chưa hoặc không cần chuyển sang cơ chế tự chủ (không phải tính lương vào giá thầu) đã ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các đơn vị tự chủ.
Nêu cách làm của Trung Quốc là bảo hộ thị trường cho các đơn vị mới chuyển sang tự chủ, ông Sáng cho rằng Chính phủ nên áp dụng chính sách này để các tổ chức KH&CN có thời gian học cách tiếp cận thị trường. “Với dự án đấu thầu, việc ưu tiên các đơn vị có năng lực trong nước thay vì các công ty của nước ngoài sẽ kéo được giá chung của dự án xuống” – TS Sáng nói.
Hiểu khó khăn của các đơn vị chuyển sang tự chủ, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng, cần tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý theo hướng giao quyền tự chủ cho tổ chức, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực KH&CN; cấp phát hoặc tài trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho tổ chức KH&CN theo hiệu quả hoạt động và đóng góp, làm cơ sở cho việc ưu tiên đầu tư đơn vị hoạt động hiệu quả và sáp nhập, giải thể đơn vị kém hiệu quả.
”Cần giao đầy đủ quyền tự chủ cho người đứng đầu tổ chức KH&CN công lập gắn với trách nhiệm giải trình trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản, quản lý sử dụng nhân lực KH&CN, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra” – Thứ trưởng nói.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cũng khẳng định, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm sẽ giúp rút ngắn chặng đường để kết quả nghiên cứu đến được với doanh nghiệp/thị trường, nhưng thực tế trên chặng đường này vẫn còn nhiều cản trở. Bộ trưởng cho biết bộ sẽ tiếp tục làm việc, chỉ đạo để rà soát một cách thấu đáo nhất, đồng thời tiếp tục kiến nghị trung ương nhằm tháo gỡ đồng bộ để hoạt động của các tổ chức KH&CN thực sự có hiệu quả.
Tin khác
- HỘI THẢO KHOA HỌC “NGHIÊN CỨU PHỤC HỒI NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG GỐM PHƯỚC TÍCH GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG ”
- Giá trị thực tiễn lớn lao của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam
- Hội thảo khoa học quốc gia: 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam “Khởi nguồn và động lực phát triển”
- Hướng dẫn đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2024-2025
- Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN – Nga lần thứ 2