Các vi khuẩn, virut có lợi cho con người
Từ lâu, trong tiềm thức của con người, ký sinh trùng, virut và vi khuẩn thường được xem là hại nhiều hơn lợi, nhất là lan truyền bệnh tật. Nhưng nếu công bằng hơn, đôi khi ký sinh trùng, virut và vi khuẩn lại có ích, giúp nhân loại tồn tại và tiến hóa, làm được rất nhiều điều đáng kinh ngạc mà ngay cả giới khoa học hiện đại cũng không ngờ tới.
Vi khuẩn tồn tại trên da
Ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ, da con người đã có khuẩn và chúng tồn tại ngay từ những phút đầu tiên của cuộc đời, có trên từng xăngtimet vuông của làn da. Đây là những sinh vật đóng vai trò đồng hành bảo vệ con người. Một trong những vi khuẩn phổ biến nhất có trên da người, có tên Staphlococcus epiderrmis, có nhiệm vụ tấn công lại ký sinh trùng Leishmania major, thủ phạm gây bệnh nhiệt đen (leishmaniasis) làm cho da bóng nước và lở loét không lành nhờ tạo ra một phản ứng miễn dịch có tên IL-1 mà cơ thể không thể có, vì vậy khuẩn Staphlococcus epiderrmis được xem là một phần không thể tách rời của cơ thể chúng ta, giúp con người tồn tại giống như một bộ phận của cơ thể.
Nghiên cứu virut để điều trị bệnh.
Ngoài Staphlococcus epiderrmis còn có khuẩn Prokaryote, định cư trong đường tiêu hóa lẫn trên bề mặt da và được xem là thân thiện, trở thành một loài khuẩn tốt cạnh tranh với các vi sinh vật ít có lợi hơn. Prokaryote kết hợp với các tế bào miễn dịch ở da bảo vệ cơ thể con người chống lại vi khuẩn gây bệnh và nấm xâm nhập cơ thể. Một công ty ở Massachusetts, Mỹ, hãng AOBiome hiện đang nghiên cứu tạo ra một loại khuẩn thân thiện trên da người bằng cách phun khuẩn nhân tạo có tên là Nitrosomonas để “bổ sung vi khuẩn hữu ích, giúp da khỏe”, thậm chí những loại khuẩn kiểu này có thể giúp con người ít phải tắm hơn vì nó ăn amoniac trong mồ hôi và các cặn thải trên da.
Con người sẽ nhanh chóng tử vong nếu không có vi khuẩn trong ruột
Những nghiên cứu được thực hiện gần đây cho thấy, vi khuẩn tự nhiên sống trong ruột con người đã kết hợp với hệ thống miễn dịch của cơ thể có thể kháng lại các tác nhân gây bệnh, sản xuất vitamin K, kích thích nhu động ruột, giúp tiêu hóa thực phẩm khi ăn vào và rất nhiều chức năng hữu ích khác. Vì vậy, nếu không có các loại khuẩn này con người không thể tồn tại được.
Ngoài ra, các loại vi khuẩn đường ruột còn giúp con người sống khỏe, hạn chế béo phì, nên hiện khoa học đang tạo ra những nhóm khuẩn thân thiện kiểu này để đưa vào ruột, hay còn gọi là chế phẩm sinh học probiotics. Probiotics là những vi khuẩn cư trú trong thực phẩm lên men và hiện đang được thương phẩm dưới dạng thực phẩm bổ sung. Ngoài ra, vi khuẩn thuộc nhóm bifidobacteria được tìm thấy trong hầu hết các sản phẩm sữa chua cũng có thể tạo ra một môi trường có tính axit cao, giúp diệt khuẩn, vi sinh vật gây bệnh, nhất là nhóm khuẩn gây đầy hơi và tạo ra hội chứng “ruột rò rỉ”.
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học Trung Quốc và Đan Mạch mới đây đã phát hiện thấy hơn 500 loài khuẩn thân thiện và 800 loài virut mới có thể sống nhờ vào những vi khuẩn nói trên. Phát hiện trên giúp y học sớm tìm ra phương pháp mới điều trị các bệnh liên quan như đái tháo đường, béo phì và bệnh hen suyễn.
Ra đời các loại vaccin
Bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ 18, khi Edward Jenner tìm ra loại vaccin đầu tiên chống bệnh đậu mùa bằng cách sử dụng một chủng ít độc hại được gọi là bệnh đậu mùa (cowpox), loại vaccin này đã cứu được hàng triệu sinh mạng. Từ đó trở đi, người ta đã cho ra đời nhiều loại vaccin mới, đặc biệt là vaccin “sống” sử dụng virut suy yếu hoặc được thay đổi để không gây bệnh, còn vaccin chứa các vi sinh vật “bất hoạt” hoặc bị “chết” thường được sử dụng cho mục đích phòng chống các loại bệnh nhiễm khuẩn.
Một số loại vaccin, kể cả vaccin đơn, tổ hợp, cũng như tái tổ hợp và chuyển gen chỉ sử dụng một phần của các tác nhân gây bệnh. Nhờ có vaccin, con người đã chế ngự được một số bệnh nan y nguy hiểm như bệnh đậu mùa hay ho gà. Tuy nhiên, do ý thức phòng tránh, tiêm chủng của con người không tốt hoặc chưa thực hiện nghiêm túc nên nhiều loại bệnh đã được thanh toán nay có chiều hướng quay lại.
Liệu pháp virut đầy hứa hẹn
Một trong những ngành hấp dẫn và hứa hẹn nhất của y học những năm gần đây là ra đời liệu pháp virut (virotherapy). Đây là một kỹ thuật công nghệ sinh học để tái lập trình virut phục vụ cho mục đích chữa bệnh. Năm 2005, nhóm nghiên cứu ở Đại học UCLA, Mỹ đã công bố, họ đã biến một trong những kẻ thù nguy hiểm nhất của nhân loại thành một phương tiện trị ung thư sau khi lập trình lại một chủng HIV đã được tăng cường để giúp chúng “tìm và diệt” các tế bào ung thư.
Cũng trong thời gian nói trên, các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Mayo, Rochester, Minnesota cũng sửa đổi một virut sởi để làm mục đích tương tự. Kỹ thuật này giống như kỹ thuật biến đổi gen ở cây trồng, trong đó một virut được sử dụng như một phương tiện để truyền gen, thủ thuật từ lâu đã được công nhận là phương tiện hiệu quả nhất trong quá trình truyền gen. Hệ thống nói trên được sử dụng để sản xuất các protein hữu ích trong liệu pháp gen và hứa hẹn tiềm năng to lớn trong việc điều trị các rối loạn miễn dịch như viêm gan và HIV.
Virut đã được biết đến với khả năng điều trị ung thư từ những năm 1950, nhưng sự ra đời của hóa trị liệu vẫn còn chậm chạp. Ngày nay, liệu pháp virotherapy được chứng minh là rất hiệu quả trong việc trị khối u mà không làm tổn hại đến các tế bào khỏe mạnh xung quanh. Thử nghiệm lâm sàng cho thấy liệu pháp virotheraphy có mức độc tính thấp và hiệu quả trị bệnh cao.
Trong năm 2013, một loại thuốc có tên talimogene laherparepvec (TVEC) đã được ra đời, đây là loại thuốc đầu tiên đi từ một loại virut để tiêu diệt khối u, qua thử nghiệm cho thấy hiệu quả thành công đạt ở mức cao. Tuy nhiên, một trong những trở ngại nhất của liệu pháp virut là làm thế nào để cung cấp virut có tính năng hoạt hóa cao. Hiện tại, các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm các tế bào tự nhiên “mang” khối u có mục tiêu, có thể cung cấp các loại virut mà không làm mất đi chức năng sinh học vốn có của một trong hai, cả tế bào lẫn virut.
(Theo DailyMail, 9/2014)
Hoàng Hà