Các vấn đề khác – Viện nghiên cứu phát triển TPHCM

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh – Phần II

 

3. MỤC TIÊU CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ SẢN XUẤT – KINH DOANH

Những giải pháp dưới đây sẽ được thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu chủ yếu bao gồm:

– Tăng dần tỷ trọng vốn chủ sở hữu trong tổng vốn kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến.

– Tăng dần mức lãi bình quân một doanh nghiệp của các ngành thuộc da, sản xuất vali, túi xách; sản xuất hóa chất & sản phẩm hóa chất; sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic; sản xuất sản phẩm từ kim loại và sản xuất máy móc thiết bị điện.

– Giảm dần mức lỗ bình quân một doanh nghiệp của các ngành dệt; trang phục và thuộc da, sản xuất vali, túi xách.

– Tăng dần lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp ngành thuộc da, sản xuất vali, túi xách.

– Tăng dần 3 loại tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn kinh doanh, trên vốn chủ sở hữu và trên doanh thu thuần của các doanh nghiệp hai ngành sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic và sản xuất máy móc thiết bị điện.

– Tăng dần thu nhập bình quân một tháng của một lao động các ngành dệt; trang phục; thuộc da, sản xuất vali, túi xách.

4. GIẢI PHÁ

P CHỦ YẾU

4.1.

 

Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực

 

Đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ lao động là cán bộ quản lý và công nhân trực tiếp sản xuất là nhiệm vụ rất quan trọng của mọi doanh nghiệp. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ quản lý của doanh nghiệp cũng cần được cập nhật kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các khóa tập huấn ngắn ngày (từ 2 tuần đến 1 tháng). Giải pháp này áp dụng cho tất cả 8 ngành công nghiệp chế biến.

Các doanh nghiệp nên áp dụng những biện pháp dưới đây:

· Tập trung công tác tuyển chọn và mở lớp tập huấn, đào tạo tại chỗ, mời giảng viên bên ngoài kết hợp với kỹ sư trong doanh nghiệp giảng dạy. Như vậy vừa tiết kiệm chi phí vừa gắn với hoạt động sản xuất – kinh doanh tại doanh nghiệp. Một số vấn đề mới, phức tạp nên kết hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học thực hiện nghiên cứu khoa học kết hợp với chuyển giao công nghệ, đào tạo ngay trong quá trình tổ chức triển khai.

·  Phối hợp với các trường đại học mở những khóa bồi dưỡng kiến thức về kỹ năng quản lý, kỹ thuật tiếp thị, ngoại ngữ, tin học cho đội ngũ doanh nhân ngành công nghiệp chế biến. Hình thức đào tạo phải xác định cho phù hợp từ các lớp ngắn hạn theo những chuyên đề, những lớp bồi dưỡng giám đốc, các đợt tập huấn cho đến các lớp văn bằng hai của các trường đại học.

·  Thường xuyên tập huấn cho đội ngũ công nhân trực tiếp sản xuất nội quy của doanh nghiệp, quy định về an toàn lao động, kiến thức cơ bản về chất lượng sản phẩm, quy trình quy phạm sản xuất thông qua hình thức đào tạo tại chỗ, kèm cặp trong quá trình sản xuất, các điển hình tiên tiến…hoặc tại các trường công nhân kỹ thuật. Ngoài ra, nên tổ chức định kỳ các đợt thi tay nghề, nâng bậc thợ, các hội thi “bàn tay vàng” nhằm gắn trách nhiệm người quản lý với việc giáo dục, huấn luyện cấp dưới.

·  Xây dựng cơ chế cho phép thuê các nhà quản lý, các chuyên gia kỹ thuật, các chuyên gia thiết kế mẫu mã mới người nước ngoài nhằm giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp khăn trong việc thiếu hụt nhân lực có trình độ cao, am hiểu kỹ thuật, công nghệ, thị trường, thị hiếu của thị trường nước ngoài hoặc trong điều hành các dự án mới.

·  Xây dựng quy chế cụ thể về phân phối tiền lương, thưởng, phúc lợi (nghỉ mát, nghỉ bệnh, khám sức khỏe…), bảo hiểm (xã hội, y tế) nhằm kích thích nhân viên tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Đây là giải pháp tạo động lực rất lớn để động viên người lao động làm việc hăng say, nhiệt tình trong công việc.

4.2. Điều chỉnh cơ cấu vốn kinh doanh của doanh nghiệp

Điều chỉnh cơ cấu vốn đầu tư của mỗi doanh nghiệp theo hướng tăng dần tỷ trọng vốn chủ sở hữu và giảm dần tỷ trọng nợ phải trả trong tổng vốn kinh doanh. Có như vậy mới cân đối cơ cấu vốn kinh doanh của các doanh nghiệp và hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro xảy ra trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Giải pháp này áp dụng cho tất cả 8 ngành công nghiệp chế biến.

Các doanh nghiệp cần thực hiện những biện pháp sau:

· Phân tích nhu cầu vốn ngắn hạn và dài hạn, nguồn vốn ngắn hạn và dài hạn, mức độ rủi ro kinh doanh và mục tiêu an toàn đặt ra cho doanh nghiệp, trên cơ sở đó xác định cơ cấu vốn tối ưu.

· Điều chỉnh giảm tỷ trọng nợ phải trả đồng thời tăng tỷ trọng vốn chủ sở hữu trong tổng vốn kinh doanh thông qua thanh lý những tài sản không còn sử dụng, tăng tỷ lệ chiết khấu tài chính để kích thích khách hàng thanh toán sớm, huy động vốn cổ đông và trái phiếu dài hạn.

4.3. Đẩy mạnh đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ

Đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm là công việc thường xuyên và lâu dài của mỗi doanh nghiệp. Phát triển công nghệ kỹ thuật cao, hiện đại trong tất cả các ngành công nghiệp chế biến là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh hội nhập ngày nay. Các doanh nghiệp cần đầu tư các loại máy móc thiết bị, công nghệ mới với giá cả phù hợp với khả năng tài chính của mỗi doanh nghiệp để sản xuất – kinh doanh đạt lợi nhuận cao. Giải pháp này áp dụng cho tất cả 8 ngành công nghiệp chế biến.

Các doanh nghiệp nên vận dụng những biện pháp như:

· Đầu tư đổi máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại với giá cả phù hợp với tiềm lực tài chính của từng doanh nghiệp (thời gian khấu hao ngắn, chi phí duy tu, bảo dưỡng thấp) để nhanh chóng đi vào sản xuất ổn định đạt hiệu quả cao.

·  Nâng cao chất lượng công tác duy tu, bảo trì, bảo dưỡng máy móc thiết bị cũng như các tài sản cố định khác nhằm tăng tuổi thọ, độ tin cậy của máy móc thiết bị, đảm bảo chất lượng hoạt động, hạn chế đến mức thấp nhất những gián đoạn trong quá trình sản xuất làm giảm chất lượng sản phẩm.

4.4. Tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin

Ngày nay, công nghệ thông tin giữ vai trò rất quan trọng trong phát triển của mỗi doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh xây dựng phần cứng (kỹ thuật), các doanh nghiệp cần quan tâm đến hoàn thiện phần mềm (nội dung) của trang Web nhằm đảm bảo thông tin trên mạng được đầy đủ, kịp thời và chính xác. Đồng thời, các doanh nghiệp cần nâng cao hiệu quả sử dụng mạng Internet phục vụ cho hoạt động sản xuất – kinh doanh thông qua việc thường xuyên tìm hiểu nhu cầu của thị trường, khách hàng trên mạng để kịp thời đề ra những chính sách thích hợp. Giải pháp này áp dụng cho tất cả 8 ngành công nghiệp chế biến.

Các doanh nghiệp cần tiến hành những biện pháp sau:

·  Chủ động thiết lập mạng thương mại điện tử để giải quyết có hiệu quả những vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất – kinh doanh. Mặt khác, các doanh nghiệp nên áp dụng mạnh mẽ mạng lưới Internet thông qua việc cập nhật thường xuyên những thông tin liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, công tác nghiên cứu thị trường, tiếp thị sản phẩm, quy định của nước nhập khẩu hàng hóa của từng doanh nghiệp.

· Tổ chức tốt hệ thống thông tin nội bộ doanh nghiệp, xây dựng các ngân hàng dữ liệu phục vụ hoạt động sản xuất – kinh doanh. Công việc này đòi hỏi sự thiết kế tổng thể bao gồm từ các biểu mẫu báo cáo, cách thức lưu trữ, truy cập và xử lý thông tin đến các phương tiện lưu giữ và truyền tải thông tin.

4.5. Phát triển hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm

Phát triển hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm bao gồm hoàn thiện hệ thống đo lường sản phẩm. Phát triển các phương pháp, phương tiện và hệ thống kiểm tra nhanh các chỉ tiêu về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm ngay từ khâu nguyên liệu thu hoạch, vận chuyển, sơ chế, tinh chế bảo quản thành phẩm về dịch vụ cung cấp đến người tiêu dùng. Phát triển hệ thống bao bì và đóng gói nhỏ hợp lý cho các chủng loại sản phẩm chế biến. Mở rộng ứng dụng các hệ thống tiêu chuẩn chất lượng như ISO 9000, ISO 9002, ISO 14000, HACCP (Hazard Analysis And Critical Control Point: Phân tích mối nguy hiểm và kiểm soát điểm tới hạn) trong các cơ sở sản xuất chế biến sản phẩm. Đây là những tiêu chuẩn chung của thế giới khi xuất khẩu các mặt hàng vào thị trường châu Âu và các nước châu Mỹ, nơi có những đòi hỏi rất cao về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Giải pháp này áp dụng cho tất cả 8 ngành công nghiệp chế biến.

Các doanh nghiệp nên áp dụng những biện pháp dưới đây:

·  Thường xuyên tham gia các hoạt động kiểm tra và tập huấn về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tôn trọng và cam kết bảo đảm chất lượng sản phẩm và hỗ trợ cho các chương trình, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Xây dựng các chỉ tiêu chất lượng cho từng loại sản phẩm của doanh nghiệp.

·  Thành lập bộ phận chuyên trách nghiên cứu và phát triển sản phẩm nhằm đưa ra chiến lược sản phẩm hợp lý cho doanh nghiệp với các mẫu mã được đa dạng hóa và chủ động tạo ra các mặt hàng mới phù hợp với nhu cầu khách hàng trong và ngoài nước theo giới tính, độ tuổi, khu vực địa lý… khác nhau.

ThS.Cao Minh Nghĩa – VKT

 

(38774 Lượt xem)

CÁC TIN BÀI KHÁC: