Các trường phái văn học so sánh – Khoa Ngữ văn – Trường Đại học Khoa học Huế

Trần Đình Sử

Tính từ nửa cuối thế kỷ XIX với sự nở rộ của các công trình lý luận cũng như giáo trình, lịch sử văn học so sánh của các học giả như H. M. Posnett, L. P. Betz, J. Texte, F. Loliée, A. Vêxêlôvski, Barandece thì ngành khoa học văn học so sánh chính thức hình thành và có vị trí trong ngành nghiên cứu văn học cũng như đào tạo ngữ văn. Từ đó đến nay đã hơn một thế kỷ phát triển của ngành khoa học này với sự xuất hiện của những trung tâm nghiên cứu và hình thành các trường phái nghiên cứu. Trường phái nghiên cứu ở đây được hiểu là sự gần gũi về cách tiếp cận đối tượng của một nhóm các nhà nghiên cứu xoay quanh một số nhà nghiên cứu hàng đầu, thường được thể hiện trong một số quốc gia nào đó. Cho đến nay, người ta thường nói tới các trường phái Pháp, trường phái Mỹ, trường phái Nga (Liên Xô cũ). Khái niệm “trường phái” này chỉ có ý nghĩa hết sức tương đối. Chẳng hạn sự “đối lập”, phân biệt giữa “trường phái Pháp” và “trường phái Mỹ” thực ra là sự khác biệt của hai giai đoạn lịch sử phát triển của văn học so sánh. “Trường phái Pháp” ứng với thời kỳ từ những năm 50 trở về trước, còn “trường phái Mỹ” ứng với văn học so sánh từ những năm sáu mươi trở đi. Tính chất tương đối của trường phái mang tên nước như vậy còn tỏ ra tương đối hơn, khi nói đến quốc tịch của các nhà khoa học thuộc một trường phái. Trường phái Pháp bao gồm không chỉ các học giả Pháp và trường phái Mỹ bao gồm các học giả Tiệp, Đức, Italia, Nga, Balan, Thụy Sĩ. Bên cạnh các trường phái lớn, còn phải tính đến đóng góp của các trường phái nhỏ hơn, nhưng độc đáo và giàu ý nghĩa, như trường phái Hungari, Tiệp Khắc, Rumani, Trung Quốc… Trong nhiều bài báo, giáo sư Pháp René Etiemble đã cho rằng không thể nói tới trường phái với phạm vi quốc gia, bởi vì trong mỗi nước lại có sự đa dạng của nó. Khái niệm trường phái ở đây chỉ sử dụng theo thói quen phân loại lâu nay trong giới văn học so sánh và nắm bắt các khuynh hướng chính.

I. Trường phái Pháp
Nói đến trường phái văn học so sánh Pháp là nói đến truyền thống “nghiên cứu ảnh hưởng”, một bộ phận của lịch sử văn học, nhằm làm sáng tỏ ảnh hưởng của nền văn học dân tộc này đối với văn học dân tộc khác, thông qua các đại diện cụ thể với các quan hệ thực tế.
Sự hình thành của trường phái Pháp có thể truy ngược lên công trình Bàn về lịch sử so sánh văn học của J. Texte cuối thế kỷ XIX và công trình Lịch sử văn học so sánh của F. Loliéc (1903). Trong bài giảng nhan đề Ảnh hưởng của văn học so sánh Đức đối với văn học Pháp từ thời Phục Hưng đến nay và trong luận văn nhan đề J. Giắc Rútxô và cội nguồn của chủ nghĩa thế giới trong văn học đã cung cấp những mẫu mực cho việc hình thành trường phái Pháp – đánh dấu cho sự hình thành của trường phái này lại là các công trình của F. Baldensperger và P. Van Tieghem. Các tác giả này bắt đầu hoạt động từ những năm 20-30 của thế kỷ XX và đặt nền móng cho lý luận và thực tiễn cho trường phái Pháp. Năm 1921, F. Baldenseprger cùng P. Hazard cho ra tờ Tạp chí văn học so sánh và từ những năm 30 cừng P. V. Tieghem mở Viện đào tạo nghiên cứu sinh văn học so sánh có ảnh hưởng rộng ra thế giới. Trong luận văn đăng trên số đầu của Tạp chí văn học so sánh nhan đề Văn học so sánh: tên gọi và thực chất, F. Baldensperger (1871-1948) đã phê phán các loại so sánh không có giá trị như so sánh các hiện tượng tương đồng bề ngoài, hoặc so sánh nhằm chứng minh thành tựu Shakespeare cao hơn Corneille, chứng minh người Pháp không hiểu nổi Dante theo tinh thần dân tộc hẹp hòi, hoặc so sánh chỉ nhằm tìm ra tài liệu nguyên sơ của tác phẩm, thích thú với các dấu vết bị che giấu hơn là tính sáng tạo của nhà nghệ sĩ, theo lối chủng tộc học hay thần thoại học. Theo ông, so sánh văn học có nhiệm vụ nhằm chỉ ra mối liên hệ giữa các hiện tượng văn học mà trước đó người ta tưởng là không có liên can gì với nhau. Phải dùng so sánh mới làm nổi bật lên sự tương tự, chứ không phải là sự tương tự bề ngoài được cảm nhận bằng chủ quan, cảm tính. Có thể tóm tắt tư tưởng của Baldensperger là ông cho rằng văn học so sánh nghiên cứu các hiện tượng văn học tương tự của các quan hệ tay đôi có liên hệ bằng phương pháp so sánh, thực chứng.
Trụ cột của trường phái Pháp là P. Van Tieghem (1871-1948), J. M. Carré (1887-1958), M. F. Guyard (1921-). Các tác giả này đề xướng việc “nghiên cứu ảnh hưởng”. Van Tieghem trong công trình Bàn về văn học so sánh (1931) cho rằng văn học so sánh là một phân ngành của văn học sử, có nhiệm vụ khám phá nguồn gốc ảnh hưởng của một tác phẩm cũng như ảnh hưởng của nó đối với sáng tác sau đó. Ông nói, văn học sử đó “phải không ngừng chuyên chú vào những ảnh hưởng bắt chước và vay mượn. Không thể nghiên cứu nhóm nhà thơ “Thất Tinh” mà không nói đến việc Ronsard và các nhà thơ khác đã học hỏi các nhà thơ Hy lạp, La Mã và Italia. Nếu đề cập đến Mongtaige thì phải nói ông học thuộc các sách người xưa, đọc kỹ, suy ngẫm nhiều tác phẩm của Plutark và Seneca…”. Như vậy văn học so sánh là sự mở rộng kết quả của các văn học sử, liên kết các kết quả văn học sử này lại để tạo thành một lĩnh vực độc lập, có tác dụng “bổ sung cho văn học sử dân tộc”. Văn học so sánh phải nghiên cứu ba yếu tố: người cung cấp (émetteur) người tiếp nhận (récepteur), người truyền bá (transmeteur) hay người môi giới (intermédiaire). Các khái niệm này đều có thể hiểu rộng hẹp khác nhau: tác phẩm, tác giả, trào lưu, dân tộc… Người cung cấp có thể là những tác giả không nổi tiếng, thậm chí vô danh, ví như các kịch tác giả Anh là Lillo và Moore đã gợi ý những điều thú vị của kịch thị dân cho các nhà văn Pháp thế kỷ XVIII. Phạm vi ảnh hưởng, vay mượn có thể bao gồm đề tài, chủ đề, tư tưởng, tình cảm, thủ pháp, hình thức. Điều quan trọng là phải thể hiện qua những quan hệ thực tế (rapports de fait). Tuy nhiên do văn học so sánh tập trung chú ý vào quan hệ tay đôi (người ta thường gọi là mối quan hệ x và y), ví dụ như “Shakespeare ở nước Pháp”, “Shakespeare ở nước Đức”, “Shakespeare tại Italia”, “Shakespeare tại nước Nga”… , cho nên kết quả sẽ rời rạc và mông lung. Để bổ cứu nhược điểm này Van Tieghem cho rằng cần hướng tới khái niệm “Văn học tổng thể – khám phá những sự thật chung cho văn học nhiều nước – ví dục chủ nghĩa Voltaire, chủ nghĩa Rousseau, chủ nghĩa Byron, hoặc các trào lưu: chủ nghĩa nhân văn, chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa khai sáng… Theo Van Tieghem, văn học dân tộc, văn học so sánh và văn học tổng thể là các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau. Có thể hiểu, theo ông, văn học dân tộc là văn học được xem xét trong biên giới quốc gia. Văn học so sánh là văn học được xem xét trong quan hệ ảnh hưởng liên quốc gia, còn văn học tổng thể là văn học được xem xét trong tầm cao của tất cả các mối liên hệ của văn học các nước.
Tinh thần này được Carré nhấn mạnh trong lời tựa viết cho cuốn sách Văn học so sánh của Guyard (1951). “Văn học so sánh là một phân ngành của lịch sử văn học, nó nghiên cứu các mối liên hệ tinh thần có tính chất quốc tế, nghiên cứu các sự kiện liên hệ giữa Byron và Puskin, Goethe và Carlye, Scott và Vigny, nghiên cứu các sự kiện liên hệ về tác phẩm, cảm hứng, thậm chí là sinh hoạt của các nhà văn thuộc các nền văn học khác nhau”. Guyard trong cuốn sách nói trên cũng nhấn mạnh, “văn học so sánh là lịch sử về quan hệ văn học trên trường quốc tế, nó vượt qua giới hạn ngôn ngữ và dân tộc, chuyên chú tìm tòi sự giao lưu về mặt chủ đề, thư tịch, tình cảm của văn học hai hay nhiều nước. Phương pháp làm việc của nó phải thích ứng với tính chất đa dạng của vấn đề nghiên cứu”.
Tách bạch văn học so sánh, văn học dân tộc và văn học tổng thể là không hợp logic như sau này các nhà văn học so sánh Mỹ đã phê bình và theo họ bản thân thuật ngữ “văn học tổng thể” (littérature générale) là một thuật ngữ không đạt, chỉ nên gọi đó là “văn học” một cách giản đơn là đủ. Tuy vậy công bằng mà xét thuật ngữ “văn học tổng thể” hướng tới khái niệm văn học thế giới trong sự gặp gỡ, giao lưu, chứ không phải là văn học như một loại hình nghệ thuật. Do chỗ các nhà văn học so sánh Pháp hiểu văn học so sánh rất hẹp, đồng nhất nó với nghiên cứu ảnh hưởng, cho nên họ phải nêu ra văn học tổng thể như là sự nghiên cứu các mối quan hệ tương đồng, gặp gỡ, đối sánh của văn học.
So với Van Tieghem, phạm vi văn học so sánh của Guyard xác định hơn. Theo ông, quan hệ quốc tế của văn học biểu hiện trước hết ở các công cụ quan hệ như ngôn ngữ giao dịch, việc phiên dịch, các cuộc du lịch, gặp gỡ, những kẻ tham gia thực hiện như nhà phiên dịch, nhà du lịch (các môi giới), tiếp đến là bản thân các quan hệ thể hiện ở thể loại, chủ đề, thời cơ gặp gỡ, khuynh hướng. . hoặc sự cảm thụ, miêu tả văn học nước ngoài. Để nghiên cứu so sánh, cần phân biệt các mức độ “thành công” (succès), “số phận” (fortune) và “ảnh hưởng” (influence). “Thành công” chỉ cái địa vị, ý nghĩa của một tác phẩm, tác giả có được tại một nước nào đó, ví dụ được phiên dịch, xuất bản, được nhắc đến là một thành công. “Số phận” là quá trình kinh lịch của một hiện tượng văn học tại một không gian nào đó, còn “ảnh hưởng” là chỉ cái kết quả của mối liên hệ thể hiện trong sáng tác đối với đời sống tinh thần. Theo Guyard, bán chạy là việc thành công, nhưng không nhất thiết là đã có ảnh hưởng. Ví dụ, thơ của Mallarmé bán không chạy, nhưng lại khơi gợi được nguồn linh cảm rất nhiều cho các nhà thơ nước ngoài. Theo Guyard, thông thường khi nghiên cứu ảnh hưởng, người ta xem nhà văn là người chịu ảnh hưởng (chứ không phải người cung cấp), do đó đi tìm các cội nguồn sáng tác của anh ta. Nhưng đó là công việc rất khó xác định. Cho nên các nhà văn học so sánh Pháp luôn luôn tuân thủ nguyên tắc thực chứng, tôn trọng tính sự kiện (événementicl). Điều này Baldensperger đã từng nói: “Chỉ mới nhìn thấy hai sự vật khác nhau liền đem so sánh, chỉ dựa vào ký ức và ấn tượng để gán ghép, dựa vào ước đoán chủ quan để đem các sự vật có thể không liên quan gì với nhau ghép vào một chỗ để tìm điểm tương tự, lối so sánh như vậy không thể nào tạo ra được những luận chứng rõ ràng”. Cho đến nay chỗ mạnh của trường phái Pháp là khai phá tư liệu, tìm tòi nhiều con đường nghiên cứu ảnh hưởng. Trong công trình Văn học so sánh là gì? của ba tác giả P. Brunel, Ch. Pichois, A. Rousseau (Paris 1983) vẫn rất coi trọng các phương diện thuộc “môi giới”, có vai trò đem tác phẩm, tư tưởng thuộc một nước này đến cho một nước khác. Sự vận dụng các môi giới trong thực tế là một hiện tượng lịch sử. Chẳng hạn ngôn ngữ giao tiếp như một môi giới phụ thuộc vào chính ngôn ngữ, đặc tính ngôn ngữ và quan hệ cụ thể của các nước và khu vực. Hoạt động du lịch cũng phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử. Đối với châu Âu từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX là thời đại hoàng kim của du lịch và Paris luôn đóng vai trò thủ đô của Châu Âu. Người Anh thượng lưu thế kỷ XVIII cho rằng nếu chưa đi du lịch Pháp, Thụy Sĩ, Italia mấy tháng thì chưa coi là người có lịch lãm… Cái sự thực ấy góp phần thuyết minh cho quan hệ giao lưu quốc tế và ảnh hưởng lẫn nhau trong văn học.

II. Trường phái Mỹ
Như trên đã nói, trường phái Mỹ xuất hiện với các tên tuổi như René Wellek, Harry Levin, O. Aldrige, H. Remak, A. Warren, H. J. Clements, U. Weisstein, Raskell, M. Block… Họ xuất hiện với tư cách là người phê phán trường phái Pháp, đổi mới phương hướng nghiên cứu văn học so sánh.
Wellek trong bài luận nẩy lửa Cơn khủng hoảng của Văn học so sánh (1958) đã chỉ trích các nhà văn học so sánh Pháp là: a. Không xác định được đối tượng nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu. Chẳng hạn, đâu là giới hạn của văn học dân tộc, văn học so sánh và văn học tổng thể. “Tại sao xem nghiên cứu Walter Scott tại nước Pháp là văn học so sánh, còn nghiên cứu tiểu thuyết lịch sử thời kỳ lãng mạn chủ nghĩa thì liệt vào văn học tổng thể? Tại sao xem ảnh hưởng của Byron đối với Heine là văn học so sánh, còn vấn đề chủ nghĩa Byron lại thuộc phạm trù văn học tổng thể… Phương pháp thực chứng vận dụng cặp phạm trù nhân-quả trong vấn đề ảnh hưởng một cách giản đơn bề ngoài. b. Giới hạn một cách máy móc văn học so sánh trong vấn đề cội nguồn và ảnh hưởng, như vậy biến văn học so sánh thành một nhánh nghiên cứu phụ. Các nhà nghiên cứu Pháp thường đi tìm lịch sử của đề tài, chủ đề, sự vay mượn, di chuyển, dẫn đến tìm ảnh hưởng của các tác giả không quan trọng, biến nghiên cứu văn học thành xã hội học, lấy cái phụ làm chính. Đáng lẽ tập trung nghiên cứu bản thân sáng tác thì họ tập trung nghiên cứu các “môi giới” như bản phiên dịch, du lịch, ấn tượng, hồi ức… Hiện tượng này thấy rõ ở Brunetière, và ở Baldensperger. c. Đặc biệt nghiêm trọng là biến việc nghiên cứu so sánh thành công cụ phục vụ cho chủ nghĩa sô vanh hẹp hòi, cho chủ nghĩa khuếch trương văn hóa dân tộc. Các nhà nghiên cứu ra sức chứng minh văn học dân tộc mình đã ảnh hưởng tới văn học nước ngoài. Guyard đã nêu sẵn một loạt đề tài nghiên cứu cho sinh viên như Rolsa tại Tây Ban Nha, Corneille tại Italia, Pascal tại Hà Lan… Biến nghiên cứu văn học thành cuộc tính sổ di sản văn hóa. Wellek cho rằng ba phương diện trên đây phải được điều chỉnh triệt để. Phải phế bỏ ranh giới giả tạo giữa văn học so sánh và văn học tổng thể. Theo ông thì văn học so sánh chỉ là một “sự nghiên cứu văn học vượt lên trên giới hạn của văn học dân tộc. Ông cũng như H. Levin không thấy có một sự khác biệt nào về chất giữa văn học so sánh và nghiên cứu văn học nói chung. Văn học so sánh chẳng qua là vận dụng phương pháp so sánh rộng rãi để đột phá giới hạn quốc gia nhằm nghiên cứu văn học thế giới như một chỉnh thể. Do đó gọi là “văn học so sánh” theo kiểu Pháp hay gọi là “nghiên cứu văn học so sánh” theo kiểu Nga đều không quan trọng về mặt tên gọi. Đó là một cách hiểu đúng đắn, mà các nhà nghiên cứu Nga cũng hiểu như vậy. Ông cho rằng nghiên cứu ảnh hưởng mà chỉ chú trọng tới cội nguồn và nguyên mẫu được vay mượn thì chỉ là nghiên cứu bề ngoài. Phải chuyển nghiên cứu vào bề sâu, tức là mặt tiếp nhận và sáng tạo.
Nếu như các nhà nghiên cứu Mỹ khá nhất trí trong việc phê bình các nhược điểm của trường phái Pháp, thì về mặt xây dựng lý thuyết của văn học so sánh họ lại khó tìm được một quan niệm thống nhất, nhất quán. Cách hiểu và diễn đạt của họ có nhiều điểm khác nhau. Tuy vậy so với trường phái Pháp họ có những điểm chung quan trọng như sau: 1. Chuyển nghiên cứu văn học so sánh từ bên ngoài vào bên trong, chú trọng nghiên cứu tính văn học (literariness), đem việc so sánh chất văn học chia làm ba loại: lý thuyết, lịch sử, phê bình văn học. Chủ yếu là so sánh về lý thuyết văn học, lịch sử phát triển văn học, so sánh về sự diễn tiến và nội hàm của phê bình văn học. 2. Chủ trương mở rộng phạm vi nghiên cứu so sánh văn học: một mặt chú ý nghiên cứu so sánh văn học với các loại nghệ thuật, văn học và khoa học xã hội, mặt khác, tiến hành nghiên cứu tương đồng giữa tác phẩm văn học của hai hay nhiều nước mà không có quan hệ ảnh hưởng. 3. Đồng thời đề xướng việc nghiên cứu hàng ngang, đối chiếu song song theo từng vấn đề, chẳng hạn như đối chiếu nghiên cứu văn học hai nước trở lên về các mặt thể loại, chủ đề, thần thoại, phương thức biểu hiện…
Khuynh hướng trên thể hiện rất rõ trong định nghĩa về văn học so sánh của Remak. Trong bài báo Văn học so sánh: định nghĩa và chức năng (1962) ông viết: “Văn học so sánh là sự nghiên cứu văn học vượt ra ngoài phạm vi của một nước và nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và các lĩnh vực tri thức và tín ngưỡng khác (như nghệ thuật, triết học, lịch sử, xã hội học, tôn giáo, v.v…). Nói gọn lại, đó là đem văn học một nước mà so sánh với văn học của một hay nhiều nước khác, so sánh với các lĩnh vực biểu hiện khác của loài người”. Theo cách hiểu này thì văn học so sánh bao gồm hai phần: một là nghiên cứu so sánh văn học hai hay nhiều nước và hai là nghiên cứu so sánh văn học với các lĩnh vực tri thức và tín ngưỡng khác. Phần thứ hai là phạm vi mà các trường phái Pháp phản đối. Họ hoài nghi rằng so sánh như vậy thì có còn là văn học so sánh nữa không và kết quả thu được là một mớ kết luận nửa dơi nửa chuột (xem: Văn học so sánh là gì của P. Brunel, Cl. Pichois, A. M. Rousseau, Paris, 1983).
Tuy phần thứ nhất có điểm chung với trường phái Pháp, song thực chất cũng khác. Các nhà nghiên cứu Mỹ khi so sánh chú trọng tới phương diện tiếp nhận (tiếp nhận gì, gạt bỏ gì, tài liệu ban đầu đã được tiếp nhận và tham gia vào chỉnh thể mới như thế nào, Remak chú trọng tới phương diện “tổng hợp”. Và do quan điểm tổng hợp mà họ chú ý đồng thời cả lịch sử, lý luận và phê bình văn học.
Nghiên cứu so sánh đối ứng (Parallelism hay Parallel Study) và so sánh đối chiếu (Contrast) là sở trường nổi bật của các nhà nghiên cứu Mỹ. Đại diện cho kiểu nghiên cứu này là R. Wellek, H. Levin, H. Remak, A. Warren, R. J. Clements, O. Aldridge. O. Aldridge trong một bài báo đã phát biểu rõ ràng: “Văn học so sánh là khám phá sự cùng loại và đối chiếu các tác phẩm, là chỉ một sự nghiên cứu về tính tương đồng của các tác phẩm vốn không có bất cứ mối liên hệ nào trên các phương diện thể loại, kết cấu, tình điệu, quan niệm…”. Ví dụ cho loại hình nghiên cứu này là các đề tài so sánh dạng Anna Karenina (của L. Tostoi) và Đơrexơ Dơcro (của F. Moriac), Prômêtê của Shelley và Demon của Lecmontov… Khuynh hướng song hành trong bi kịch Tây Ban Nha và Anh quốc thời kỳ văn nghệ Phục Hưng… Cơ sở của loại nghiên cứu này là các vấn đề chung.
Cùng với việc nghiên cứu so sánh văn học, các nhà nghiên cứu Mỹ còn đề xuất loại nghiên cứu liên ngành hay là nghiên cứu ngoại văn học (extraliterary study), tức là nghiên cứu mối liên hệ giữa văn học với khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và các nghệ thuật khác. Ví dụ cho loại nghiên cứu này là các đề tài như: tư tưởng của Vikenstein trong lý luận phê bình văn học, Điểm nhìn trần thuật và bối cảnh của nó trong lịch sử tư tưởng, Xã hội học và tiểu thuyết, Ảnh hưởng của Vagna đối với lý luận thơ ca của Valéry, v.v…
Sự cách tân, đột phá của trường phái nghiên cứu rõ ràng là được sự gợi ý của lý thuyết tiếp nhận, phương pháp phân tâm học và chủ nghĩa cấu trúc, nó nằm trong khuynh hướng đổi mới nghiên cứu văn học của thế kỷ XX. Ảnh hưởng của trường phái Mỹ rất sâu rộng. Năm 1963, nhà nghiên cứu Pháp René Etiemble công bố công trình mang tên So sánh không phải là lý lẽ tán thành sự phê phán trường phái Pháp và đề xuất phương hướng cải cách bộ môn văn học so sánh. Ông cũng phê bình các nhà nghiên cứu Mỹ ít tôn trọng tính xác thực. Các công trình nghiên cứu mang khuynh hướng mới của văn học so sánh từ những năm 60 trở lại đây đã cho thấy sự nghiên cứu so sánh về chất văn học đã được gia tăng. René Etiemble trong cuốn sách nói trên xác nhận: trong nghiên cứu văn học so sánh tôi không bao giờ quên so sánh, còn người ta thường bỏ quên văn học”. Cl. Pichois khẳng định truyền thống văn học so sánh đóng khung trong lịch sử văn học dân tộc đã bị đột phá và đã mở ra một viễn cảnh phát triển văn học của thế giới: Etiemble trong sách Luận văn về văn học tổng thể (đích thực) (1974) cho rằng cho đến nay thư mục về văn học so sánh chủ yếu đóng khung trong ngữ hệ Ấn Âu, tức là còn 3/4 khu vực văn học thế giới chưa được nghiên cứu so sánh. Ông kêu gọi nghiên cứu văn học so sánh trên phạm vi toàn cầu.

III. Trường phái Nga (Liên Xô cũ)
So sánh văn học Nga có hẳn một đường lối riêng, có truyền thống lịch sử riêng, có cơ sở lý luận, phương pháp luận và hệ thống thuật ngữ riêng của họ.
A. N. Vêxêlôpski (1838-1906), người được coi là cha đẻ của ngành văn học so sánh Nga, tuy bắt đầu hoạt động khoa học giữa trường phái lý thuyết vay mượn của Benfei, đã nhận thấy sự tương đồng loại hình có tính quy luật trong các hiện tượng giống nhau. Ngay trong luận án PTS. (1862-1863), ông đã nhận thấy sự tương đồng về cốt truyện có thể được cắt nghĩa bằng các nguyên nhân: chung cội nguồn, ảnh hưởng nhau và sự tự sinh. Ông đã đề ra từ rất sớm quan niệm về tính giai đoạn của sự phát triển văn học. Theo ông mọi nền văn học trên thế giới, dù xét về thời gian và không gian không có sự liên hệ nào, thì cũng đều phát triển đối ứng với nhau. Ông cho rằng bất cứ nước nào và dân tộc nào đều chịu ảnh hưởng của các nhân tố lịch sử. Do đó, nghiên cứu các sự thực lịch sử đều phải căn cứ vào sự tương tự về cội nguồn, hoàn cảnh, niên đại và mối liên hệ khu vực. Ông nhấn mạnh ba điểm: 1. Vị trí chủ đạo của ảnh hưởng của các điều kiện xã hội, lịch sử. 2. Vai trò kế thừa tiếp nhận của nhà văn. 3. Vận dụng so sánh để khám phá những quy luật tương tự loại hình.
Đại diện hiện đại chủ yếu cho trường phái văn học so sánh Nga là M. B. Alekseev (1896-1981) và V. M. Zhirmunski (1891-1971?). Ngoài ra có thể kể đến N. N. Konrad (1891-1970), I. G. Neupakoeva (1917-1977), D. F. Markov, E. M. Meletinski, B. N. Putilov… Ngay từ bài báo Vấn đề nghiên cứu văn học so sánh hiện đại (1959) N. Konrad đã chống lại chủ nghĩa châu Âu trung tâm của các nhà văn học so sánh Pháp, và chủ trương nghiên cứu so sánh phương Đông và phương Tây. Ông cũng chỉ ra phạm vi nghiên cứu của các học giả Pháp chỉ giới hạn trong khoảng thời gian từ thế kỷ XVII đến XIX. Ông đề nghị đưa văn học cổ đại và trung đại hay toàn bộ nền văn minh nhân loại vào phạm vi nghiên cứu so sánh.
Trong bài phát biểu Những vấn đề nghiên cứu văn học theo hướng so sánh lịch sử (1960). V. Zhirmunski cho rằng “tiền đề cơ bản của việc nghiên cứu so sánh lịch sử đối với nền văn học dân tộc là tư tưởng về tính nhất trí và tính quy luật chung của quá trình phát triển lịch sử”. Nếu ta nghiên cứu văn học từ khi hình thành xã hội tư bản đến nay thì ta có thể xác định được một trật tự tương đồng có quy luật của các trào lưu văn học của các dân tộc châu Âu… Văn học Phục Hưng, baroc, chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực phê phán, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa hiện đại… Và tiếp đó là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Ở đây không chỉ có sự đổi thay về mặt hình thái ý thức xã hội mà còn đổi thay về mặt hình thức biểu hiện. Ở đây tính loại hình thể hiện trên các mặt tư tưởng, hình tượng, cốt truyện, thể loại, phong cách, ngôn ngữ… Chẳng hạn chủ nghĩa lãng mạn châu Âu đặc trưng bởi thể loại kịch và tiểu thuyết lịch sử, gắn liền với nhu cầu ý thức dân tộc và mặt khác là thể loại trường ca trữ tình, tiểu thuyết trữ tình, kịch trữ tình… gắn với nhu cầu bộc lộ thế giới nội tâm cá nhân. Quá trình phát triển loại hình giao thoa với quá trình ảnh hưởng, tác động lẫn nhau. Zhirmunski nhấn mạnh: 1. Ảnh hưởng và quan hệ không phải là một việc ngẫu nhiên (như Van Tieghem quan niệm) mà có tính quy luật, và 2. Ảnh hưởng phải gắn với sự biến đổi có tính sáng tạo đối với hình tượng được vay mượn. Bản thân Zhirmunski trong công trình Byron và Puskin đề cập tới “phong cách Byron” ở Puskin nhằm nhấn mạnh sự hình thành của một thiên tài và bước chuyển của Puskin sang chủ nghĩa hiện thực. Zhirmunski cũng nhấn mạnh sự ảnh hưởng và liên hệ văn học được thực hiện dưới nhiều hình thức. Chẳng hạn, ở thời trung đại ảnh hưởng văn học thực hiện theo lối “di thực” – diễn đạt lại một cách sáng tạo, như Tristan của Pháp, với Tristan của Đức, Tristan của Anh và của Irland. Sang thời đại trỗi dậy của ý thức cá nhân thì hình thức chủ động sáng tạo cá nhân là chủ yếu, vai trò ảnh hưởng của cá nhân không được xem nhẹ.
Trong bản báo cáo khoa học Trào lưu văn học là một hiện tượng quốc tế (1967), Zhirmunski đề ra yêu cầu phân biệt giữa sự so sánh loại hình đối với quá trình văn học và sự so sánh để tìm ảnh hưởng văn học và cho rằng ảnh hưởng văn học chỉ có thể xảy ra khi hai nền văn học và quá trình xã hội có những điểm tương tự nội tại. Thế nhưng từ góc độ phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu cụ thể, nếu không có sự phân biệt về nguyên tắc như vậy thì khó tránh việc xuyên tạc giữa các nước với nhau”. Theo ông, tính cộng đồng và tính quy luật của quá trình phát triển chung của lịch sử xã hội loài người là tiền đề cơ bản cho việc nghiên cứu so sánh các nền văn học dân tộc, “Sự tương tự về mặt loại hình trong lịch sử văn học thế giới, hay khuynh hướng giống nhau trong quá trình văn học nhiều hơn là người ta vẫn tưởng, chẳng những thế, như trên đã nói, là tiền đề làm nảy sinh sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa các nền văn học”. Và ông chỉ ra ba ví dụ loại hình lịch sử trong thơ ca các dân tộc phương Đông và phương Tây thời đại phong kiến: “sử thi anh hùng dân gian”, “thơ trữ tình hiệp sĩ” Tây Âu, Đức và Ả Rập, tiểu thuyết hiệp sĩ bằng thơ ở Tây Âu và thơ lãng mạn trong văn học Iran. Trong văn học cận hiện đại thì các trào lưu Phục hưng, barốc, chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa hiện đại, rồi chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đều là những trình độ phát triển của nghệ thuật. Các trào lưu này không phụ thuộc vào việc các nhà văn tự gọi mình là gì, vì nó thể hiện trong bản thân hệ thống các đặc điểm sáng tác. Mặt khác, các trào lưu lại là hệ thống mở, và trong một trào lưu lớn và phong cách văn học lớn có thể có một số giai đoạn lịch sử khác nhau với phương pháp nghệ thuật khác nhau. Ông nhấn mạnh không nên lẫn lộn điều này với các khái niệm loại hình ngoài lịch sử, phi lịch sử, như loại hình “lãng mạn” và “hiện thực”, “chủ nghĩa hiện thực” và “chủ nghĩa hiện đại”, v.v… Mặt khác, các hiện tượng loại hình này cũng không phải là kết quả của việc “xuất khẩu” các mẫu mực văn học. Đặc biệt có ý nghĩa là các tương đồng loại hình về trào lưu văn học và thể loại văn học giữa các nền văn học không có sự tiếp xúc. Ví dụ sự manh nha của kịch thị dân và tiểu thuyết gia đình trong văn học Khai sáng ở Anh và ở Pháp. Sự ra đời của chủ nghĩa lãng mạn ở Đức và ở Anh vào những năm giống nhau (1798-1800), hay như những sự tương đồng trong sáng tác cá nhân như tiểu thuyết “Le petit chose” của Daudet với tiểu thuyết của Dickens “Nicholas Nickelly”, mà Daudet nhiều lần tuyên bố là ông không hề đọc Dickens, với những tiểu thuyết về những con người nhỏ bé của Puskin, của Gogol (Những chiếc áo khoác), của Doxtoievski (Những người nghèo).
Như vậy, theo Zhirmunski, hiểu tính thống nhất và tính quy luật của quá trình văn học như bộ phận của quá trình lịch sử toàn thế giới là cơ sở để xây dựng nền văn học toàn thể và khám phá các quy luật đặc thù của nó. Và muốn xây dựng nền văn học ấy thì phải tiến hành so sánh, tính đến sự phát triển đối ứng cũng như những sự tương đồng loại hình giữa các nền văn học, và những ảnh hưởng văn học, vay mượn văn học hay tác động văn học cũng do sự đối ứng và tương đồng này quy định.
Tóm lại, Zhirmunski cũng như N. Konrad mở rộng khái niệm văn học so sánh, áp dụng vào toàn bộ lịch sử văn học thế giới bao gồm Đông – Tây, chống châu Âu trung tâm luận (xét về mặt không gian), chú trọng cả quá trình văn học, kể cả thời trung đại (xét về mặt thời gian). Đó cũng là một bước tiến đáng kể so với trường phái Pháp. Và nói chung là nhịp bước cùng các nhà nghiên cứu Mỹ, góp phần mở rộng và đổi mới cho ngành nghiên cứu văn học so sánh. Tuy vậy phải nói rằng ý kiến của các nhà nghiên cứu văn học Nga vẫn có chỗ chưa thống nhất. Neupokoeva, cực lực phản đối thuật ngữ “văn học so sánh” của phương Tây, đã thay thế bằng thuật ngữ “Nghiên cứu mối liên hệ và các ảnh hưởng qua lại của các nền văn học dân tộc”. Theo đường lối này ở Liên Xô (cũ) đã xuất bản nhiều tập công trình văn học so sánh dưới cái tên ấy. Ví dụ: Mối liên hệ qua lại và sự tác động lẫn nhau của các nền văn học dân tộc, M. , 1961; Nghiên cứu so sánh các nền văn học Slavơ, M. ,1973; Các mối liên hệ và tác động lẫn nhau của các nền văn học thế giới – Thư mục (1961-1965). Phần I và phần II, M. , 1968; Thư mục tiếp, (1966-1970), phần I và phần II, 1973; Thư mục tiếp (1971-1975), Phần I và phần II, M. , 1979. Khác với quan điểm này, M. B. Khrapchenko chủ trương tách việc nghiên cứu loại hình đối với văn học ra khỏi việc nghiên cứu so sánh lịch sử đối với văn học với tiêu chí: nghiên cứu loại hình hướng tới tìm tòi cái chung, cái quy luật, còn nghiên cứu so sánh lịch sử thì hướng tới khám phá tính đặc thù, cái riêng của các nền văn học dân tộc. Ảnh hưởng của quan niệm này thể hiện ở chỗ, trong các từ điển bách khoa văn học của Liên Xô, có hai mục từ khác nhau: “Nghiên cứu văn học so sánh-lịch sử” và mục “Lý luận loại hình lịch sử” (Xem Từ điển bách khoa văn học, M. , 1987). Có người không tán thành với quan niệm của Khrapchenko. D. Markov cho rằng nghiên cứu cái chung không tách rời với nghiên cứu cái riêng và cái đặc thù. Mặt khác, muốn khái quát các đặc điểm loại hình thì vẫn phải tiến hành so sánh. Do vậy tốt hơn hết là vẫn giữ khái niệm nghiên cứu so sánh, nhưng bao gồm cả hai nội dung trên (Xem Những vấn đề lý luận chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, M. , 1978, xuất bản lần thứ hai có sửa chữa và bổ sung).
Một đặc điểm đáng chú ý của một số nhà nghiên cứu văn học so sánh Liên Xô (cũ) là có tính chất ý thức hệ và hẹp hòi, quy kết chính trị đối với văn học so sánh phương Tây, tự cho mình là tiên tiến nhất, điển hình là báo cáo của Neupokoeva nhan đề Phương pháp luận của văn học so sánh Mỹ và mối liên hệ của nó với xã hội học phản động và mỹ học phản động (1960) đã gây phản ứng trong giới nghiên cứu.

IV. Các khuynh hướng khác
Bên cạnh các trường phái văn học so sánh hùng hậu nói trên, trong các trung tâm nghiên cứu văn học nhiều nước trên thế giới cũng thể hiện những khuynh hướng nghiên cứu với những định hướng và phương pháp độc đáo.
Hunggari là nước có truyền thống văn học so sánh từ cuối thế kỷ trước và trong năm 1941 và 1962 đã tổ chức được những cuộc hội nghị quốc tế về văn học so sánh. Với hoạt động của các nhà khoa học như Istvan Soter, G. M. Vajda, văn học so sánh Hunggari có được một gương mặt rõ nét: nghiên cứu văn học Hunggari trong văn cảnh văn học châu Âu, khám phá cội nguồn châu Âu của văn học Hunggari, đồng thời vận dụng phương pháp nghiên cứu tổng hợp, thay thế nguyên tắc ảnh hưởng bằng nguyên tắc tiếp nhận, làm cho văn học so sánh nước này đứng vào hàng ngũ những nước hàng đầu của ngành nghiên cứu này.
Ở một số nước khác như Tiệp Khắc, Rumani, Ba Lan, Nam Tư… nghiên cứu văn học so sánh cũng có nhiều thành quả, hình thành những tên tuổi có uy tín.
Mấy năm gần đây sau khi khắc phục các hậu quả của thời kỳ cách mạng văn hóa, ngành văn học so sánh Trung Quốc đã hồi sinh. Là những người đi sau, các nhà văn học so sánh Trung Quốc có dịp học tập, vận dụng các phương pháp, quan niệm hiện đại của văn học so sánh, khắc phục các quan niệm cũ, đồng thời họ cũng xác định cho mình một hướng đi riêng. Đó là nghiên cứu so sánh văn học Trung Quốc và phương Tây. 1. Trong hướng nghiên cứu này Trung Quốc được lấy làm trung tâm nhằm phát hiện đặc điểm riêng của văn học Trung Quốc, phát huy sở trường, hấp thụ tinh hoa quốc tế. 2. Đồng thời đề xướng việc nghiên cứu so sánh văn học Trung Quốc với các nền văn học phi phương Tây, như Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v… 3. Xác lập việc nghiên cứu văn học so sánh phương Đông làm cho phạm vi văn học so sánh được ôm trùm toàn cầu. 4. Thúc đẩy sự giao lưu, dung hợp văn học Đông Tây để đạt tới sự nhận thức chung. Quan điểm của các nhà văn học so sánh Trung Quốc là: vận dụng hệ thống phê bình văn học phương Tây để soi sáng và đánh giá văn học và lý luận văn học Trung Quốc. Quan điểm này đã được lưu hành rộng rãi tại Đài Loan và Hong Kong, hiện đang được phát triển tại đại lục. Về hệ thống lý luận văn học so sánh, các nhà nghiên cứu văn học so sánh Trung Quốc có thiên hướng về trường phái Mỹ, dựa vào các vấn đề, tiến hành nghiên cứu đối ứng.

Tài liệu tham khảo
Văn học so sánh, tập tài liệu dịch của Thượng Hải dịch văn xã, 1985.
Konrad N. Những vấn đề nghiên cứu văn học so sánh hiện nay. Trong sách Những vấn đề phương pháp luận nghiên cứu văn học, M. , 1966.
Giormunski V. Nghiên cứu văn học so sánh – phương Tây và phương Đông.
Văn học so sánh 300 bài, Thượng Hải văn nghệ xuất bản xã, 1990.
Nhạc Đại Vân, Nguyên lý văn học so sánh, Hồ Nam, 1988.
Alecxeep M. Puskin và văn học thế giới. Nxb. Khoa học, Lêningrat, 1987.
Khrapchencô M. Nghiên cứu loại hình văn học. Trong tập: Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn học. Nxb. Văn học nghệ thuật, M. , 1977.
Neupokoeva I. Phương pháp luận của văn học so sánh Mỹ và mối liên hệ của nó với xã hội học và mỹ học phản động. Trong tập Những vấn đề về mối tác động qua lại của các nền văn học hiện đại. M. , 1963.
Markov O. Những vấn đề phương pháp luận và lý luận nghiên cứu so sánh các nền văn học và văn hóa xã hội chủ nghĩa. Trong tập: Những vấn đề lý luận của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. M. 1978.
Dima A. Những nguyên tắc nghiên cứu văn học so sánh, M. , 1977.
Durisin D. Lý luận nghiên cứu văn học so sánh. M. , 1979.
Istvan Soter. Những nguyên lý của nghiên cứu so sánh phức hợp. Trong tập: Các vấn đề của khoa học văn học. Hà Nội, 1990.
Lưu Nhược Ngu (Mỹ): Bước đầu tìm hiểu sự tổng hợp lý luận văn học Trung Quốc và phương Tây. Bản dịch Trung văn của Lâm Quốc Thanh từ tạp chí Journal of Chinese Philosophy, Vol. 4, No 1, 1970.
Brunel P. , Pichois Cl. , Rouseau A. M. Qu’est ce que la littérature comparée? Armand Colin, Paris. 1983.
Từ điển bách khoa văn học, M. , 1987.
Hoàng Trinh: Văn học so sánh và vấn đề tiếp nhận văn học, TCVH, No 4, 1980.
Trương Đăng Dung, Vài thu hoạch lý luận về nghiên cứu văn học so sánh. TCVH, No 1, 1980.
Nguyễn Văn Dân, Văn học so sánh trước nhu cầu đổi mới. TCVH, No 4, 1988.
Nguyễn Văn Dân, Góp phần tìm hiểu văn học so sánh, TCVH, No 5, 1979.
Nguyễn Đức Nam, Về việc nghiên cứu quan hệ các nền văn học. TCVH, No 2, 1972.

Nguồn: http://tonvinhvanhoadoc.vn/van-hoc-viet-nam/phe-binh/3657-cac-truong-phai-van-hoc-so-sanh-.html