Các quy định về người nước ngoài được thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.
Với chính sách mở cửa cũng như các điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển, nhu cầu người nước ngoài thực hiện các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam ngày càng lớn. Khi nhà đầu tư nước ngoài dự định đầu tư vào Việt Nam điều quan tâm đầu tiên đó là người nước ngoài có được thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam không? Những trường hợp nào người nước ngoài không được phép thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam? Pháp luật Việt Nam cho phép người nước ngoài thành lập loại hình nào? Và khi đầu tư thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, người nước ngoài cần lưu ý những điều gì?
Trong bài viết này, K&N sẽ hỗ trợ giải đáp những thắc mắc trên, để các nhà đầu tư có thể vững tâm hơn khi đầu tư thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.
1. Người nước ngoài có được thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam không?
Theo quy định của Luật Đầu tư 2020, Cam kết WTO của Việt Nam và các hiệp định thương mại tự do song phương giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, người nước ngoài có thể thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. Cụ thể:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020, mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam, trừ các trường hợp không được phép thành lập doanh nghiệp được quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020. Đồng thời Cá nhân có quốc tịch nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam được coi là nhà đầu tư nước ngoài theo khoản 19 Điều 3 Luật Đầu tư 2020.
Việc người nước ngoài được phép thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam cũng được khẳng định trong quy định về chính sách đầu tư kinh doanh tại Điều 5 Luật Đầu tư 2020:
- Nhà đầu tư có quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật này không cấm. Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật.
- Nhà đầu tư được tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; được tiếp cận, sử dụng các nguồn vốn tín dụng, quỹ hỗ trợ, sử dụng đất đai và tài nguyên khác theo quy định của pháp luật.
- Nhà đầu tư bị đình chỉ, ngừng, chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh nếu hoạt động này gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia.
- Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu về tài sản, vốn đầu tư, thu nhập và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư.
- Nhà nước đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư; có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, phát triển bền vững các ngành kinh tế.
- Nhà nước tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về đầu tư mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”
2. Những loại hình doanh nghiệp người nước ngoài được phép thành lập tại việt Nam
Pháp luật Việt Nam không có quy định giới hạn loại hình doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, nhà đầu tư có thể lựa chọn:
- Công trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
- Công ty cổ phần;
- Công ty hợp danh.
Mỗi loại hình doanh nghiệp có những ưu nhược điểm khác nhau. Nhà đầu tư cần căn cứ vào mục đích, quy mô đầu tư để lựa chọn loại hình phù hợp.
3. Điều kiện cần đáp ứng khi thành lập công ty cho người nước ngoài tại Việt Nam
Người nước ngoài thành lập công ty tại Việt Nam thì bên cạnh những điều cần lưu ý còn cần đáp ứng những điều kiện sau:
- Phải là công dân hợp pháp, có đầy đủ giấy tờ chứng minh tư cách cá nhân hợp lệ, có xác nhận của lãnh sự quán.
- Phải chứng minh được năng lực tài chính, khả năng đầu tư bằng cách cung cấp các giấy tờ xác minh năng lực tài chính như số dư tài khoản ngân hàng, sổ tiết kiệm, tài sản cố định.
- Theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về doanh nghiệp của Việt Nam; Cam kết WTO và các hiệp định thương mại tự do song phương giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, người nước ngoài được thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam trong hầu hết các ngành dịch vụ và kinh doanh thương mại. Tuy nhiên đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định pháp luật.
- Việc thực hiện các hình thức đầu tư; phạm vi hoạt động cũng như thủ tục liên quan phải đáp ứng các điều kiện theo Luật Đầu tư; các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; các điều kiện khác của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
4. Thủ tục để người nước ngoài thành lập công ty tại Việt Nam
Thứ nhất, cần xem xét dự án đầu tư có thuộc trường hợp phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư của Luật Đầu tư 2020 không, nếu có phải tuến hành thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư.
Thứ hai, người nước ngoài thành lập doanh nghiệp tại Việt nam phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Thứ ba, sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, người nước ngoài thực hiện tiếp các thủ tục theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp để thành lập và đưa doanh nghiệp vào hoạt động
Trên đây là tư vấn của K&N về vấn đề người nước ngoài có được thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam không cũng như những vấn đè liên quan mà nhà đầu tư cần lưu ý khi cân nhắc đầu tư thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.
Trong trường hợp cần thêm tư vấn để thực hiện, xin vui lòng gửi yêu cầu tư vấn để nhận được hỗ trợ từ chuyên viên của K&N. Chúng tôi sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ soạn thảo hồ sơ giải quyết mọi thủ tục với cơ quan chức năng với chi phí hợp lý nhất.